Việc bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam là bảo tồn sự phát triển bền vững của

Bảo tồn đa dạng sinh học [ĐDSH] có ý nghĩa rất quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ này không dễ dàng, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu [BĐKH] hiện nay. Chủ đề Ngày Môi trường thế giới [5-6] năm 2020 là “Hành động vì thiên nhiên”, là lời nhắc nhở với các quốc gia nói chung, Việt Nam nói riêng cần chiến lược bảo tồn và phát triển ĐDSH với các giải pháp cụ thể, thực chất hơn, hiệu quả hơn.

Đa dạng sinh học đang bị đe dọa nghiêm trọng

Trong chuyến công tác tới Vườn Quốc gia Xuân Thủy [Nam Định], chúng tôi ghi nhận những tác hại của ĐDSH bị hủy hoại ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân. Bà Nguyễn Thị Tất, xã Giao Thiện [Giao Thủy, Nam Định], kể với chúng tôi, trước đây, ngoài nghề đi vớt rau câu thì người dân địa phương còn cải thiện thu nhập bằng việc đi bắt cua, tôm, cá, khai thác mật ong… trong vườn quốc gia, một ngày cũng được thêm 200.000-300.000 đồng. Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều hồ nuôi tôm, cá, bãi ngao xuất hiện, rồi các hoạt động kinh tế khiến môi trường bị ô nhiễm, không gian sống bị thu hẹp, khiến lượng thủy sản trong tự nhiên giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân. “Có những khi chúng tôi chẳng bắt được con tôm, con cá nào ngoài tự nhiên, ong rừng cũng ít hẳn”, bà Tất nói.

Cùng với đó, các hoạt động chăn nuôi thiếu khoa học cũng gây tác hại lớn đến ĐDSH. Các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã [ĐVHD] vì mục đích thương mại cũng khiến ĐDSH bị ảnh hưởng do nguồn gen bị lai tạp. Ví dụ, việc phát triển quá mức các cơ sở gây nuôi lấy thịt là nguyên nhân chính khiến loài cá sấu Xiêm trong tự nhiên ở Việt Nam đã tuyệt chủng. Theo Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên [IUCN], khoảng 1 triệu loài thực vật và động vật trên thế giới hiện đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Tại Việt Nam, tuy đã có nhiều nỗ lực từ chủ trương, chính sách đến hành động thực tế, nhưng ĐDSH của nước ta vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong đó, ĐDSH các hệ sinh thái, ĐDSH các loài, ĐDSH gen di truyền đều đang suy thoái nhanh cả về số lượng và chất lượng. Ngoài các nguyên nhân do BĐKH và thời tiết cực đoan đã được ghi nhận thì các nguyên nhân gây suy thoái khác đều do con người gây ra.

Một góc rừng quốc gia Ba Vì. Ảnh: Trọng Hải

Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH [Tổng cục Môi trường]: Công tác quản lý các hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng trên cạn hiện nay ở nước ta chưa hiệu quả. Ở nhiều địa phương vẫn diễn ra các hoạt động chặt phá rừng trái phép. Tuy từ năm 2005 đến 2017, diện tích rừng đã tăng từ 34,6% tới 41,45% do được trồng và cải tạo tự nhiên, nhưng diện tích rừng tự nhiên đến năm 2017 chỉ còn 2,8 triệu ha, từ mức 12 triệu ha năm 1945. Trung bình mỗi tháng, cả nước ghi nhận hơn 800 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, ở các vùng ven biển, ven các đảo lớn gần bờ còn có sự xung đột giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo tồn thiên nhiên. Chất thải từ các nhà máy, khu công nghiệp, hoạt động du lịch, rác thải nhựa… đã gây ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực, làm giảm diện tích các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển và vùng biển ven bờ. Năm 1943, tổng diện tích rừng ngập mặn là 400.000ha thì hiện chỉ còn 155.000ha, trong đó rừng nguyên sinh chiếm tỷ lệ rất thấp. Diện tích các rạn san hô năm 2001 là 110.000ha, đến năm 2010 chỉ còn 14.000ha, chất lượng các rạn kém, nhiều loài đã chết. Ở nhiều khu bảo tồn nước mặn, hình thức nuôi trồng thủy, hải sản cũng làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Mặc dù đã có hệ thống các văn bản xử lý vi phạm quy định bảo vệ môi trường ở các mức độ khác nhau, từ bồi thường thiệt hại, phạt, xử lý vi phạm hành chính và cả hình sự, tuy nhiên, các chế tài chưa đủ sức răn đe do còn nhiều bất cập trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật.

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường [TN&MT] cho thấy, tuy được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có tính ĐDSH cao trên thế giới nhưng qua hai lần điều tra năm 1992 và năm 2007, số lượng các loài được ghi trong Sách đỏ của Việt Nam đã tăng lên 1,5 lần. Trong đó, thực vật có 37 loài rất nguy cấp, 178 loài nguy cấp; động vật có 4 loài tuyệt chủng, 5 loài tuyệt chủng trong thiên nhiên, 48 loài rất nguy cấp và 113 loài nguy cấp. Số lượng các giống, chủng động vật, thực vật được nuôi trồng phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản, y tế… đã mất đi khá nhanh, trong số này có nhiều giống quý. Cùng với đó, lực lượng cán bộ làm công tác bảo tồn ĐDSH còn thiếu và yếu. Nguồn lực tài chính bảo đảm thực thi quản lý nhà nước về hệ sinh thái nói riêng và ĐDSH nói chung còn hạn chế.

Ông Lương Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội, chia sẻ: “Công tác cứu hộ ĐVHD nói riêng và bảo tồn thiên nhiên nói chung ở nước ta đến nay chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra. Ví dụ, Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội hiện đang cứu hộ, chăm sóc hơn 400 cá thể ĐVHD; trong đó có nhiều loài cực kỳ nguy cấp, như: Hổ, chim hồng hoàng, rái cá… Tuy nhiên, do diện tích chỉ rộng 1ha nên nhiều năm nay trung tâm bị quá tải. Chúng tôi liên tục phải dồn chuồng, tận dụng từng chút không gian cho động vật. Đề án mở rộng trung tâm đã có từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai”.

Hoàn thiện pháp luật, lồng ghép trong các quy hoạch

Hiện nay, Việt Nam có 173 khu bảo tồn thiên nhiên. Cùng với đó là 9 khu Ramsar [khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế; Công ước Ramsar là công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng hợp lý các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế], với tổng diện tích hơn 120.000ha; có 10 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích gần 188.000ha; có 9 khu vực được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích hơn 4,2 triệu ha. Trong năm 2019, Ban Thư ký ASEAN đã công nhận Việt Nam có thêm 4 vườn di sản ASEAN, nâng tổng số vườn di sản ASEAN của Việt Nam thành 10 khu.

Tuy nhiên, để bảo tồn ĐDSH và phát triển bền vững các hệ sinh thái, Việt Nam còn rất nhiều điều phải làm. Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, trước hết cần tập trung xây dựng và hoàn thiện pháp luật về ĐDSH, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tập trung lập quy hoạch quốc gia về bảo tồn ĐDSH, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu bảo tồn đến năm 2030; tăng cường giải pháp quản lý thích ứng với BĐKH thông qua giải pháp dựa vào thiên nhiên, phát huy tri thức bản địa để giảm nhẹ tác động tới các hệ sinh thái và ĐDSH; tăng cường quản lý, bảo tồn các hệ sinh thái đất ngập nước, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; thực hiện chương trình bảo tồn loài nguy cấp; quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen. Bộ TN&MT cũng sẽ tăng cường chỉ đạo kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán, tiêu thụ các loài ĐVHD nguy cấp và phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại… “Con người là một phần của tự nhiên, đồng thời cũng là nhân tố thúc đẩy quá trình suy thoái hoặc phục hồi môi trường. Nghiên cứu xây dựng chủ trương, chính sách phù hợp thực tiễn, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, thúc đẩy các hoạt động giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH với công nghệ hiện đại sẽ bảo đảm tính bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định.

Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Việt Nam cần có định hướng cụ thể về chiến lược bảo tồn và phát triển ĐDSH. Trong đó, các bên liên quan cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế, sự phối hợp liên ngành, sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng để triển khai các chương trình bảo tồn và phục hồi ĐDSH. Lồng ghép bảo tồn ĐDSH trong các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch của các ngành kinh tế có tác động nhiều đến hệ sinh thái, như: Nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, giao thông, năng lượng, sử dụng đất. Đặc biệt, các khu vực bảo tồn cần được ưu tiên trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Nguồn:

[TN&MT] - Trước sự mất mát của đa dạng sinh học, sự suy thoái của các hệ sinh thái, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, công tác bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi tổ chức, cá nhân. Trên hành trình đảo ngược đà suy thoái đó, Việt Nam không thể “đi một mình”; phải cùng hội nhập với quốc tế để vững bước vào Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái.

Chiều ngày 28/7, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng tham dự, có đại diện các Bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện Tổng cục Môi trường, các đơn vị thuộc Bộ TN&MT trong Ban soạn thảo.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Theo lãnh đạo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học [Tổng cục Môi trường], dự thảo Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng dựa trên nền tảng của Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Với sự nỗ lực từ Trung ương đến địa phương cùng các tổ chức, cá nhân, đến nay, nhiều kết quả trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã được ghi nhận. Cụ thể, hệ thống các khu bảo tồn, khu có danh hiệu quốc tế được thành lập và củng cố. Đến năm 2020, trên cả nước, đã thành lập mới 9 khu bảo tồn [KBT], nâng tổng số khu bảo tồn hiện có lên 176 khu với tổng diện tích 2.512.530,78 ha. 12 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích là 187.810,93 ha, chiếm 0,19 diện tích vùng biển Việt Nam. Đã thành lập 3 hành lang đa dạng sinh học tại các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị với tổng diện tích 521.878,28 ha.

Trong giai đoạn này, Việt Nam đã đề cử và công nhận thêm 4 khu Ramsar, nâng tổng số 9 khu Ramsar được quốc tế công nhận; có thêm 5 Vườn di sản ASEAN, nâng tổng số 10 khu Vườn di sản ASEAN; thêm 1 khu dự trữ sinh quyển thế giới, nâng tổng số 9 khu được công nhận. Các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái đã được chú trọng phục hồi. Độ che phủ rừng đạt 42%. Doanh thu từ dịch vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện chiếm 22% tổng mức đầu tư hàng năm của toàn xã hội trong ngành lâm nghiệp…

Giai đoạn mới - Quan điểm mới - Hành động mới

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế cho thấy, đa dạng sinh học vẫn đang trên đà suy giảm, hệ sinh thái bị suy thoái, số lượng các loài bị đe dọa gia tăng.

Khắc phục tình trạng này, dự thảo Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030 được xây dựng dựa trên quan điểm: Đa dạng sinh học là vốn tự nhiên quan trọng - nền tảng để bảo đảm phát triển bền vững đất nước; Bảo tồn đa dạng sinh học là một trong các giải pháp then chốt nhằm thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.; Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; Bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cơ quan quản lý, mọi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học...

Ông Dương Thanh An - Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết về việc xây dựng dự thảo Chiến lược

Các hoạt động sẽ được chú trọng như kiểm kê, quan trắc và xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; Bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên thông qua việc củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên và hành lang đa dạng sinh học; củng cố và mở rộng các khu vực/hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế; phục hồi và cải thiện chất lượng các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng; áp dụng các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực đa dạng sinh học cao ngoài khu bảo tồn.

Mặt khác, bảo tồn các loài hoang dã, đặc biệt các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; tăng cường công tác bảo tồn chuyển vị các nguồn gen; sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái. Kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến đa dạng sinh học như: Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước, phương thức canh tác, khai thác kém bền vững và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường; Kiểm soát nạn khai thác, buôn bán và tiêu thụ động, thực vật hoang dã; Ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ và phòng trừ có hiệu quả các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; tăng cường quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen…

Góp ý vào dự thảo Chiến lược này, đại diện Bộ Ngoại giao cho rằng, Khung Chiến lược toàn cầu về đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 sẽ được thông qua vào tháng 10/2021 là kim chỉ nam cho các hoạt động bảo tồn của thế giới trong 10 năm tới. Chung định hướng đó, Việt Nam sẽ cùng chung hành động để hướng đến một tương lai xanh hơn, bền vững hơn, chú trọng đến nhóm người dễ bị tổn thương. Vì vậy, trong Chiến lược mới của Việt Nam, cần thể hiện được “hơi thở mới” của công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Nhấn mạnh đến tính mới, điểm đột phá của Chiến lược giai đoạn 10 năm tới sẽ khởi sắc hơn so với Chiến lược giai đoạn vừa qua, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho rằng, Chiến lược cũng cần phát huy vốn tự nhiên lần đầu tiên được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, mạnh dạn mở rộng cho khối tư nhân tham gia vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Việt Nam cùng quốc tế vững bước vào Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái

Ghi nhận các ý kiến này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu, đơn vị soạn thảo tiếp thu và nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Chiến lược.

Thứ trưởng lưu ý, việc xây dựng Chiến lược này dựa trên căn cứ là Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ môi trường 2020, các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thực trạng đa dạng sinh học của Việt Nam.

Quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học phải song hành với nhiệm vụ xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, là cơ sở cho các quy hoạch có liên quan như đất đai, biển,…

Theo Thứ trưởng, công tác bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi tổ chức, cá nhân. Trên hành trình đảo ngược đà suy thoái đó, Việt Nam không thể “đi một mình”; phải cùng hội nhập với quốc tế để vững bước vào Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái./.

Video liên quan

Chủ Đề