Utis là gì

Utis là gì
Trang chủ Tin tức Nhiễm trùng đường tiết niệu và những lựa chọn tự chăm sóc
  • Tin tức

Nhiễm trùng đường tiết niệu và những lựa chọn tự chăm sóc

By CLB Dược lâm sàng -
April 4, 2018
3788
0
Share on Facebook
Tweet on Twitter

Utis là gì
Các nhiễm trùng đường tiết niệu (Urinary tract infections UTIs) là những bệnh nhiễm trùng thường gặp nhất, ảnh hưởng đến khoảng 150 triệu người trên thế giới mỗi năm. Chỉ riêng ở Hoa Kỳ, chi phí xã hội cho UTIs ước tính lên đến 3,5 tỷ đô la mỗi năm. UTIs có thể ảnh hưởng đến cả nam lẫn nữ, nhưng đặc biệt phổ biến hơn ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Hầu hết phụ nữ đều trải qua ít nhất một lần trong đời; đến tuổi 32, hơn một nửa số phụ nữ được báo cáo bị nhiễm trùng đường niệu ít nhất một lần. Gần 25% phụ nữ sẽ bị nhiễm trùng tái phát trong vòng một năm.

UTI là một nhiễm trùng ở hệ tiết niệu. UTIs được phân thành 2 loại không có biến chứng và có biến chứng . UTIs không có biến chứng là những trường hợp xảy ra ở phụ nữ tiền mãn kinh và không có các bất thường ở đường tiết niệu. UTIs có biến chứng có nguyên nhân do các bất thường gây tổn thương đường tiết niệu như tắc nghẽn đường tiểu, bí tiểu, ức chế miễn dịch, suy thận, ghép thận và sự hiện diện của dị vật; mang thai cũng là một nguyên nhân khác. Đặt thông niệu đạo bàng quang chiếm một triệu trường hợp, hay 70% đến 80% trong số các trường hợp UTIs có biến chứng ở Hoa Kỳ mỗi năm. UTIs có biến chứng xảy ra ở cả hai giới tính và thường ảnh hưởng đến cả đường niệu trên và dưới. UTIs còn được phân loại sâu hơn nữa dựa trên vị trí, bao gồm: UTIs dưới (viêm bàng quang) và UTIs trên (viêm bể thận). Dược sĩ là người thường xuyên gặp gỡ bệnh nhân và tìm hiểu về sự thuyên giảm các triệu chứng liên quan đến UTI, chính vì vậy điều quan trọng là họ cần hiểu các sản phẩm OTC (Over the count thuốc không cần kê đơn) khác nhau được bán để kiểm soát UTIs.

Nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố nguy cơ

Thông thường nước tiểu vô trùng, và các tác nhân gây UTIs hầu hết có nguồn gốc từ khuẩn chí đường ruột xâm nhập vào vùng quanh niệu đạo. Đa phần UTIs là do một loại vi sinh vật gây ra; UTIs do nhiều vi sinh vật có thể là dấu hiệu của sự nhiễm bẩn. Các tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Gram dương, Gram âm, cũng như một số loại nấm. Vi khuẩn Gram âm Escherichia coli chiếm gần 90% ở tất cả các giai đoạn3,5. Các tác nhân gây bệnh thông thường khác bao gồm Staphylococcus saprophyticus, Klebsiella pneumoniae, Enterococcus faecalis, Streptococcus nhóm B, Proteus mirabilis, Pseudomonas aeruginosa, Staphylococcus aureus và các loài Candida.

Phụ nữ có nhiều khả năng mắc UTI do niệu đạo ngắn hơn của nam giới. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm các đợt mắc UTIs trước đó, quan hệ tình dục, sử dụng chất diệt tinh trùng, bạn tình mới, giảm vận động, thay đổi khuẩn chí tại âm đạo, mang thai, mãn kinh, tiểu đường, tiểu tiện không tự chủ, sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt và tiền sử nhiễm trùng đường niệu cấp độ một. Ở người cao tuổi, các yếu tố nguy cơ khác cần xem xét là sự thay đổi chức năng miễn dịch liên quan đến tuổi tác, tăng phơi nhiễm các mầm bệnh tại bệnh viện, và sự tăng số lượng các bệnh kèm theo. Một số hành vi ít nhiều được xem là góp phần vào sự phát triển của UTIs như tần suất tiểu tiện và nhịn tiểu, không tiểu tiện trước và sau khi giao hợp, dùng một số loại đồ uống, sử dụng bồn tắm nóng, thụt rửa, khăn lau và lựa chọn quần áo; BMI cũng có thể là một tác nhân. Một nghiên cứu bệnh chứng cho thấy rằng không có sự gia tăng nguy cơ phát triển UTI với những thói quen này.

Biểu hiện lâm sàng và chẩn đoán

Bệnh nhân bị viêm bàng quang thường có biểu hiện buồn tiểu thường xuyên, dai dẳng, mặc dù lượng nước tiểu ít, chứng bí tiểu hoặc cảm giác bỏng rát khi tiểu tiện hay cảm giác nặng nề trên khớp mu. Bệnh nhân viêm thận bể thận thường gặp cảm giác đau hoặc nhạy cảm bên sườn, sốt nhẹ (<101 F = 38 oC), ớn lạnh, buồn nôn, nôn mửa và khó chịu kèm theo hoặc không kèm theo các triệu chứng viêm bàng quang. Bệnh nhân UTI trên hoặc dưới có thể bị huyết niệu hay thấy nước tiểu của họ có nhiều vẩn đục, nặng mùi. Bệnh nhân cao tuổi thường có triệu chứng không bình thường bao gồm thay đổi trạng thái tinh thần, thói quen ăn uống, đau bụng dưới và các triệu chứng dạ dày ruột như táo bón.

Ở hầu hết các bệnh nhân có biểu hiện và triệu chứng UTIs, tiền sử bệnh tật là công cụ chẩn đoán quan trọng nhất, đặc biệt khi triệu chứng khởi phát đột ngột hoặc nghiêm trọng và khi không có sự tiết dịch âm đạo và kích ứng. Đôi khi, chẩn đoán UTIs không thể chỉ dựa vào các triệu chứng vì một số bệnh nhân không có triệu chứng; điều này phổ biến ở người lớn tuổi hơn so với người trẻ tuổi. Ở các bệnh nhân có các triệu chứng đường niệu, để chẩn đoán đúng UTIs, nên thực hiện các xét nghiệm tại phòng thí nghiệm, xét nghiệm mẫu nước tiểu và khám vùng chậu. Các xét nghiệm UTIs tại phòng thí nghiệm bao gồm những đánh giá về sự hiện diện của vi khuẩn niệu, mủ niệu, nitrit, men leukocyte esterase và kháng thể vỏ vi khuẩn.

Để phát hiện UTIs có thể sử dụng que thử sẵn có trên thị trường. Dược sĩ có thể khuyến cáo một bộ dụng cụ xét nghiệm UTIs dùng tại nhà, không cần kê đơn để xác định sự hiện diện của các tác nhân gây UTIs. Sau khi sử dụng, bệnh nhân nên gọi cho bác sĩ cùng với kết quả để đánh giá và điều trị. Các bộ dụng cụ thử nghiệm sẵn có giúp phát hiện men leukocyte esterase và nitrit. Việc kiểm tra các chất này làm tăng độ nhạy và độ đặc hiệu chung, giảm nguy cơ đưa đến kết quả âm tính giả. Tự kiểm tra UTIs đã được chứng minh là chính xác nếu sử dụng đúng, tuy nhiên để tránh kết quả không chính xác hoặc sai, bệnh nhân nên thu lấy mẫu nước tiểu sạch và tránh tiêu thụ quá 250 mg vitamin C trong vòng 24 giờ trước khi thử nghiệm; phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt không nên thực hiện thử nghiệm này. Chế độ ăn chay nghiêm ngặt, sử dụng tetracycline và phenazopyridine có thể dẫn đến kết quả không chính xác.

Những biện pháp phòng ngừa

Gần 25% phụ nữ trải qua các đợt UTIs tái phát10. Điều này được định nghĩa là hai UTIs không có biến chứng trong 6 tháng hoặc ba hoặc nhiều hơn những nuôi cấy dương tính trong vòng 12 tháng trước đó. UTIs có thể xảy ra ngay cả khi đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa tuy nhiên các dược sĩ có thể khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm nguy cơ bệnh nhân tái nhiễm trùng. Nếu một người phụ nữ đang sử dụng thuốc ngừa thai có chứa chất diệt tinh trùng, người đó cần được tư vấn về mối liên quan có thể xảy ra giữa phương pháp ngừa thai và nhiễm trùng tái phát, khi đó một hình thức ngừa thai thay thế cần được xem xét. Mặc dù các nghiên cứu không chỉ ra mối tương quan, nhưng những thay đổi hành vi như duy trì nước, tiểu tiện trước và sau quan hệ tình dục, tiểu tiện đều đặn, sử dụng băng vệ sinh dạng que thay cho băng vệ sinh dạng miếng, thay băng mỗi 3 giờ, lau từ trước ra sau, mặc đồ lót cotton sạch sẽ và quần áo rộng rãi, tạo cảm giác dễ chịu khi hít thở và tắm vòi sen thay vì bồn tắm có thể hữu ích. Liệu pháp estrogen tại chỗ ở phụ nữ mãn kinh có thể giúp ngăn ngừa tái phát UTI bằng cách thay đổi khuẩn chí âm đạo. Bằng chứng cho việc sử dụng châm cứu và các phác đồ ức chế miễn dịch vẫn còn hạn chế.

Có rất ít các bằng chứng về hiệu quả của chất bổ sung từ tự nhiên trong dự phòng UTIs. Nghiên cứu chỉ ra chất chống oxy hóa proanthocyanidin và fructose trong quả nam việt quất có thể giúp ngăn ngừa vi khuẩn, đặc biệt là E. Coli bám vào thành đường tiết niệu. Các sản phẩm từ quả nam việt quất được sử dụng trong các dạng bào chế: nước ép trái cây, siro, viên nang và viên nén. Dữ liệu về hiệu quả của nước ép quả nam việt quất trong việc ngăn ngừa UTIs tái phát hiện còn mâu thuẫn. Một bài đánh giá của Cochrane gần đây đã chỉ ra rằng các sản phẩm từ quả nam việt quất không làm giảm đáng kể nguy cơ tái phát so với giả dược. Tương tự, việc sử dụng probiotic (lợi khuẩn) cũng đã được xem xét cho tác dụng phòng ngừa UTIs. Probiotics hỗ trợ khuẩn chí của cơ thể, có giả thuyết cho rằng probiotic tạo ra một hàng rào chống lại các mầm bệnh tăng dần trong đường tiết niệu, giúp ngăn ngừa sự kết dính, tăng trưởng và sự hình thành biểu mô niệu sinh dục bởi các vi khuẩn gây bệnh đường niệu. Cho đến nay, dữ liệu về hiệu quả bảo vệ của probiotic chống lại UTIs trong tương lai vẫn chưa thống nhất, do đó cần thêm các nghiên cứu lớn và được thiết kế tốt để xác định tính hiệu quả của probiotic.

Quản lý: Các thuốc không cần kê đơn

Các hoạt chất được tìm thấy trong thuốc OTC (thuốc không cần kê đơn) giảm đau đường tiết niệu bao gồm phenazopyridin hydrochlorid, methenamin và salicylate natri (BẢNG 1).

Bảng 1
Lựa chọn những thuốc không kê đơn cho quản lí NTĐTN
Sản phẩmThành phần hoạt chất
AZO giảm cơn đau tiết niệu liều tối đaPhenazopyridine hydrochloride 97.5 mg
AZO giảm cơn đau tiết niệuPhenazopyridine hydrochloride 95 mg
URICALM MaxPhenazopyridine hydrochloride 99.5 mg, mạn việt quất
URISTAT viên giảm đauPhenazopyridine hydrochloride 95 mg
AZO bảo vệ đường tiết niệuMethenamine 162 mg, sodium salicylate 162.5 mg
Cystex viên giảm cơn đau tiết niệuMethenamine 162 mg, sodium salicylate 162.5 mg
ElluraProanthocyanidin (PAC) 36 mg
NTĐTN: Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nguồn: Các sản phẩm tương ứng với tờ hướng dẫn thêm vào

Phenazopyridine làm giảm các triệu chứng của UTIs như đau, nóng rát, ngứa và cơn cấp tính của UTIs, có sẵn cả 2 dạng kê đơn (viên nén 100 mg và 200mg) và dạng không kê đơn (viên nén 95 mg và 97,5 mg). Liều không kê đơn được khuyến cáo là hai viên, ba lần mỗi ngày trong hoặc sau bữa ăn với một ly nước đầy trong vòng tối đa 2 ngày. Bệnh nhân bị bệnh thận hoặc dị ứng thuốc nhuộm không nên dùng thuốc này. Bệnh nhân nên được lưu ý rằng nước tiểu của họ có thể có màu đỏ cam, điều này không gây hại nhưng có thể làm bẩn quần áo. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm nhức đầu, chóng mặt và chứng đau tức bụng.

Methenamine (một loại kháng sinh) và salicylat natri (thuốc chống viêm không steroid [NSAID]) kết hợp hoạt động cùng nhau; salicylate natri ổn định pH nước tiểu, cho phép methenamin làm chậm sự phát triển của vi khuẩn dọc theo đường tiết niệu và kiểm soát UTI. Liều được khuyến cáo là hai viên, ba lần mỗi ngày. Bệnh nhân được khuyến cáo không nên dùng sản phẩm này nếu dị ứng với salicylat, đang tuân thủ chế độ ăn hạn chế muối hoặc liệu pháp chống đông, hoặc có vấn đề về dạ dày.

Bệnh nhân cũng có thể dùng thuốc giảm đau, chẳng hạn như NSAIDs hoặc acetaminophen để giảm đau thông thường do UTIs.

Vai trò của dược sĩ

Người dược sĩ có vai trò khuyến khích những bệnh nhân có các triệu chứng về UTI tham khảo ý kiến của cán bộ y tế càng sớm càng tốt để nhận được sự chăm sóc thích hợp. Dược sĩ nên hướng dẫn bệnh nhân về các phương pháp điều trị không dùng thuốc và đưa ra lựa chọn các thuốc OTC và bộ dụng cụ xét nghiệm UTI tại nhà. Bệnh nhân sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm UTI tại nhà nên được khuyên cách tránh những kết quả không chính xác và thảo luận kết quả với nhà cán bộ chăm sóc sức khỏe của họ. Bệnh nhân quyết định sử dụng thuốc OTC làm giảm đau đường tiết niệu nên được tư vấn về liều lượng và liệu trinh tối đa được khuyến cáo và các tác dụng phụ thường gặp. Bắt buộc phải nhắc nhở bệnh nhân rằng những sản phẩm này chỉ nhằm làm giảm đau và các triệu chứng liên quan khác cho đến khi tìm được đến cán bộ chăm sóc sức khỏe. Các sản phẩm này không tiêu diệt được vi khuẩn hoặc thay thế việc dùng thuốc kháng sinh và không nên sử dụng như đơn trị liệu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?

Nhiễm trùng đường tiết niệu (Urinary tract infections UTIs) là một tình trạng thường xảy ra, nó có thể được chữa khỏi mà không gây biến chứng. UTIs có thể ảnh hưởng đến thận, bàng quang và niệu đạo. Nếu bạn gặp các triệu chứng UTIs, hãy thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để điều trị kháng sinh diệt khuẩn. Trong thời gian chờ đợi, bạn có thể dùng các thuốc OTC để giảm đau trước khi thuốc kháng sinh bắt đầu hoạt động.

Nguyên nhân gì gây UTIs?

Vi khuẩn Escherichia coli là nguyên nhân hàng đầu gây UTIs. UTIs có thể ảnh hưởng đến cả nam giới và phụ nữ, nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ. Mặc dù UTIs có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ UTI bao gồm quan hệ tình dục, mãn kinh, thuốc diệt tinh trùng, mang thai, người già, béo phì, di truyền và sử dụng kháng sinh.

Làm thế nào tôi có thể nói nếu tôi bị UTI?

Không phải tất cả các UTIs đều có các triệu chứng rõ ràng, nhưng các dấu hiệu và triệu chứng của UTI có thể xảy ra bao gồm nhu cầu đi tiểu thường xuyên, đau và cảm giác nóng rát khi đi tiểu, sốt nhẹ, buồn nôn, nôn mửa, cảm giác đau lưng hoặc đau bụng. Bạn cũng có thể nhận thấy rằng nước tiểu có máu, vẩn đục hoặc có mùi khó chịu.

Gặp bác sĩ ngay nếu bạn nghĩ rằng bạn bị UTI, hoặc hỏi dược sĩ về việc mua một bộ xét nghiệm UTI. Nếu bạn quyết định sử dụng bộ xét nghiệm UTI tại nhà, hãy làm theo các hướng dẫn cẩn thận và chắc chắn thảo luận kết quả xét nghiệm với bác sĩ.

Tôi có thể làm gì để giảm đau?

Phenazopyridine hydrochloride có thể làm giảm đau, nóng rát, ngứa và buồn tiểu trong vòng 20 phút. Tránh dùng thuốc nếu bạn có bệnh thận hoặc dị ứng với thuốc nhuộm. Đừng quá lo lắng nếu nước tiểu của bạn có màu đỏ cam khi bạn sử dụng thuốc này. Tác dụng thường gặp này không có hại, nhưng nó có thể làm bẩn quần áo.

Methenamine (một kháng sinh) và salicylat natri (một thuốc kháng viêm không gây steroid) cùng làm chậm sự phát triển của vi khuẩn dọc theo đường niệu và kiểm soát UTI. Không dùng thuốc này nếu bạn bị dị ứng với aspirin, đang chế độ ăn hạn chế muối hoặc liệu pháp chống đông, hoặc có vấn đề về dạ dày.

Bạn cũng có thể dùng các thuốc giảm đau khác như NSAIDs (aspirin, ibuprofen, naproxen, celecoxib) hoặc acetaminophen (Tylenol).

Những chất bổ sung tự nhiên nào tôi có thể sử dụng để ngăn ngừa UTI khác?

Có rất ít bằng chứng cho thấy chất bổ sung tự nhiên có thể ngăn ngừa UTIs, nhưng bạn có thể thử các chất bổ sung từ quả nam việt quất hoặc probiotic. Nam việt quất có chứa chất chống oxy hoá có thể giúp ngăn ngừa vi khuẩn trong đường niệu dính vào thành của đường tiết niệu. Uống 10 đến 30 ounce (284 đến 850 gam) nước ép quả nam việt quất mỗi ngày có thể có lợi. Probiotics có thể giúp ngăn ngừa UTIs bằng cách hỗ trợ các vi sinh vật tự nhiên của cơ thể.

Tôi có thể làm những bước nào để ngăn chặn UTI khác?

Uống nhiều nước, đi tiểu trước và sau khi hoạt động tình dục, thay băng vệ sinh thường xuyên, lau từ trước ra sau, mặc đồ lót bằng cotton và quần áo rộng, tắm vòi sen thay vì bồn tắm.

Hãy nhớ rằng, nếu bạn có thắc mắc, hãy hỏi ý kiến dược sĩ.

Nhóm dịch: SVD3. Phạm Thị Quỳnh Như,Bùi Phước Thắng SVD4. Nguyễn Trần Nhật Trang

Nguồn: https://www.uspharmacist.com/article/urinary-tract-infections-and-selfcare-options

Share this:

  • Click to share on Twitter (Opens in new window)
  • Click to share on Facebook (Opens in new window)

Related

  • TAGS
  • news
SHARE
Facebook
Twitter
  • tweet
Previous articleTHUỐC ỨC CHẾ BƠM PROTON: CÂN NHẮC SỬ DỤNG TRONG THỜI GIAN DÀI
Next articleCập nhật thông tin thuốc điều trị ĐTĐ
"Caring beyond prescription"

RELATED ARTICLESMORE FROM AUTHOR

Utis là gì
Sinh hoạt chuyên môn

ADUCANUMAB & ALZHEIMER PHAO CỨU SINH HAY GỖ MỤC GIỮA DÒNG?

Utis là gì
Sinh hoạt chuyên môn

SGLT-2i TRỤ CỘT MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ SUY TIM

Utis là gì
Covid-19

CME: SỬ DỤNG KHÁNG SINH Ở BỆNH NHÂN MẮC COVID-19

Utis là gì
Tin tức

MOLNUPIRAVIR NIỀM TIN, HY VỌNG VÀ SỰ THẬT

Utis là gì
Dược sĩ 4.0

CHUNG KẾT CUỘC THI DƯỢC SV 2021 MỘT HÀNH TRÌNH DÀI ĐÁNG NHỚ

Utis là gì
Tin tức

VITAMIN VÀ CÁC CHẤT DINH DƯỠNG KHÁC TRONG THAI KỲ

Đăng ký theo dõi

Đăng ký ngay để nhận thông tin về bài viết mới nhất của CPC.

Join 486 other subscribers

Enter your email here

Đăng ký ngay

64SubscribersSubscribe

Bài viết gần đây

Utis là gì

ADUCANUMAB & ALZHEIMER PHAO CỨU SINH HAY GỖ MỤC GIỮA DÒNG?

Sinh hoạt chuyên môn CLB Dược lâm sàng - December 30, 2021
0
ADUCANUMAB & ALZHEIMER - "PHAO CỨU SINH" HAY "GỖ MỤC" GIỮA DÒNG? CLB Sinh Viên Dược Lâm Sàng Sa sút trí tuệ là một trong những...
Utis là gì

SGLT-2i TRỤ CỘT MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ SUY TIM

Sinh hoạt chuyên môn CLB Dược lâm sàng - December 28, 2021
0
SGLT-2i - TRỤ CỘT MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ SUY TIM CLB Sinh Viên Dược Lâm Sàng Suy tim là một hội chứng lâm sàng rất thường...
Utis là gì

CẨM NANG GỐI ĐẦU GIƯỜNG STDs CHO SINH VIÊN

Sinh hoạt chuyên môn CLB Dược lâm sàng - December 21, 2021
0
CẨM NANG GỐI ĐẦU GIƯỜNG STDs CHO SINH VIÊN CLB Sinh Viên Dược Lâm Sàng Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) là những...