Trong chiến dịch Tây Bắc quân ta đã giải phóng được các tỉnh nào

Sáng 14-10, tại thành phố Yên Bái [tỉnh Yên Bái], Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dự và chỉ đạo hội thảo. Dự hội thảo có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...

Đoàn Chủ tịch điều hành hội thảo “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Ảnh BQP

Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: hội thảo lần này là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc; là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, trong đó có Chiến dịch Tây Bắc.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh khẳng định, kết quả của hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ và khát vọng hòa bình, củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cùng đoàn kết một lòng vượt qua mọi gian lao, thử thách; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận giá trị lịch sử và hiện thực của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, Chiến dịch Tây Bắc nói riêng; đồng thời, thông qua hội thảo giúp nhận thức sâu sắc tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và đúc rút những bài học kinh nghiệm vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: BQP

Nhằm giành lấy những thắng lợi quan trọng để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi quyết định, Hội nghị Ban Chấp Trung ương lần thứ 3 [tháng 4-1952] đã nghiêm túc kiểm điểm, quán triệt đường lối kháng chiến trường kỳ, phương châm, nhiệm vụ chiến lược và thống nhất chủ trương: tiếp tục phát huy quyền chủ động chiến lược, mở chiến dịch tiến công địch trong Thu - Đông 1952 với phương châm: Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm sơ hở của địch mà đánh.

Tháng 9-1952, trên cơ sở phân tích đánh giá tương quan lực lượng khách quan và khoa học, Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc, nhằm tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, giải phóng đất đai, giành dân, phá âm mưu lập “Xứ Thái tự trị” của thực dân Pháp. Sau gần 2 tháng tiến hành chiến dịch [từ ngày 14-10 đến 10-12-1952], trải qua 3 đợt chiến đấu, mặc dù trong đợt 3 đánh tập đoàn cứ điểm Nà Sản không thành công, nhưng về tổng thể, quân và dân ta đã thực hiện thắng lợi quyết tâm của chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng phần lớn đất đai và nhân dân các dân tộc trên địa bàn chiến lược, phá được âm mưu chiếm đóng của địch; nối thông Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc, vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, Thượng Lào và căn cứ địa cả nước.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: BQP

Các tham luận tại hội thảo khẳng định: thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc là tổng hợp của nhiều nhân tố, là kết quả của quá trình chiến đấu gian khổ, hy sinh, là kết tinh sức mạnh tổng hợp của cả nước, trực tiếp là các đơn vị chủ lực của Bộ Quốc phòng cùng quân và dân các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu [nay là Lai Châu và Điện Biên] và các chiến trường phối hợp.

Thắng lợi đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam, đưa nghệ thuật quân sự Việt Nam phát triển lên tầm cao mới; tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi để quân và dân ta giành được thắng lợi quyết định trong Đông - Xuân 1953 - 1954, đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược [1945 - 1954], để lại nhiều bài học quý báu, mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Kết quả của hội thảo góp phần nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về tầm vóc, nguyên nhân, ý nghĩa thắng lợi và bài học kinh nghiệm của Chiến dịch Tây Bắc; đồng thời, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để chúng ta vận dụng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh”, phấn đấu từ năm 2030, xây dựng quân đội hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Một phần chương trình nghệ thuật chào mừng hội thảo. Ảnh: BQP

Nằm trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc [1952 - 2022], tỉnh Yên Bái tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Tối 13-10, tại Quảng trường 19-8, UBND thành phố Yên Bái tổ chức chương trình nghệ thuật “Tây Bắc huyền thoại”. Chương trình được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp, các ca khúc: Hò kéo pháo, Qua miền Tây Bắc, Giải phóng Điện Biên, Tình ca Tây Bắc, Mời anh về Tây Bắc và các điệu dân ca, dân vũ tại chương trình đã đem đến cho người xem một không gian nghệ thuật đầy cảm xúc, đa sắc màu, thể hiện được tinh thần của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ của dân tộc. Cùng với đó là tinh thần đoàn kết, tươi vui, tình yêu quê hương, Tổ quốc với những lời ca như mời gọi du khách gần xa ghé thăm Tây Bắc hùng vĩ.

​ TRẦN BÌNH

Theo đó, ngày 03/10/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương có Công văn số 3936-CV/BTGTW về việc gửi Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc 1952, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ phổ biến, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc [1952 - 2022] theo Đề cương hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương tại Công văn số 3936-CV/BTGTW.

Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ giao Trung tâm Thông tin, Tạp chí Tổ chức nhà nước triển khai các hình thức thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc 1952 theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cộng sự nghiên cứu sa bàn chuẩn bị đánh đồn nghĩa Lộ trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Ảnh tư liệu


Theo Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc 1952 [1952 - 2022], sau chiến thắng Biên giới 1950, quân và dân ta đã phát huy thế tiến công chiến lược, đẩy mạnh kháng chiến, tiến hành nhiều chiến dịch và giành được những thắng lợi liên tiếp, có ý nghĩa quan trọng, như: Chiến dịch Trần Hưng Đạo [25/12/1950 - 17/01/1951], Chiến dịch Hoàng Hoa Thám [20/3 - 07/4/1951], Chiến dịch Quang Trung [28/5 - 20/6/1951], Chiến dịch Hòa Bình [10/12/1951 - 25/02/1952], đã khẳng định thế tiến công chiến lược của quân và dân ta tiếp tục giành và giữ vững quyền chủ động trên chiến trường, đẩy địch vào thế phòng ngự, đối phó.

Tháng 9/1952, Trung ương Đảng chủ trương tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh và quyết định mở chiến dịch tiến công Tây Bắc. Mục tiêu chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc, mở rộng, củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giữ vững đường giao thông quốc tế [Lào Cai - Vân Nam] và tạo những điều kiện mới cho cách mạng Lào.

Tây Bắc là một vùng chiến lược quan trọng. Từ đây, địch có thể uy hiếp căn cứ địa Việt Bắc và che chở cho Thượng Lào. Lực lượng địch chiếm đóng ở Tây Bắc có 8 tiểu đoàn và 43 đại đội, 11 khẩu pháo bố trí phân tán trên 144 cứ điểm, gồm phần lớn là quân ngụy. Lực lượng Âu - Phi có 3 tiểu đoàn chốt ở Sơn La, Lai Châu làm nhiệm vụ cơ động; ngoài ra có tiểu đoàn dù ở Hà Nội khi cần, dùng đường không cơ động đến tăng viện.

Vùng Tây Bắc thời kỳ này gồm 5 tỉnh là Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái và Nghĩa Lộ là vùng rừng núi rộng lớn, hiểm trở, đất rộng, người thưa.

Thực hiện chủ trương chuyển hướng tiến công chiến lược, từ tháng 4/1952, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị toàn quân và toàn dân ta xúc tiến công tác chuẩn bị chiến dịch với quyết tâm tiêu diệt địch, giải phóng Tây Bắc.

Ngày 06/9/1952, Bộ Tổng Tư lệnh mở hội nghị cán bộ phổ biến quyết tâm chiến dịch. Ngày 09/9/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, động viên và nói chuyện với Hội nghị phổ biến kế hoạch chiến dịch Tây Bắc, Người căn dặn “Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã cân nhắc kỹ chỗ dễ, chỗ khó của chiến trường sắp đến và quyết tâm là chiến dịch này phải đánh cho thắng lợi”, “gặp thuận lợi thì phải quyết tâm phát triển, gặp khó khăn thì phải quyết tâm khắc phục”. Cùng ngày, Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, chỉ định đồng chí Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng chiến dịch; đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Chính trị; đồng chí Nguyễn Thanh Bình làm Chủ nhiệm Cung cấp.

Lực lượng tham gia chiến dịch của ta gồm các đại đoàn 308, 312, 316 [thiếu], tiểu đoàn 910 [Trung đoàn 148], 6 đại đội Sơn pháo 75 ly, 3 đại đội súng cối 120 ly, 1 Trung đoàn công binh và 11 đại đội bộ đội địa phương thuộc các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai. Dân công cần huy động phục vụ chiến dịch khoảng 35.000 người…

Diễn biến chiến dịch diễn ra ba đợt, từ ngày 14/10 đến 10/12/1952]:

- Đợt 1 [từ ngày 14-23/10], tiến công tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ, đập tan tuyến phòng thủ vành đai ngoài Tây Bắc của địch.

- Đợt 2 [từ ngày 7-22/11], vượt sông Đà, tiêu diệt khu phòng thủ Mộc Châu, giải phóng tỉnh Sơn La, Điện Biên Phủ.

- Đợt 3 [30/11-10/12], tiến công Tập đoàn cứ điểm Nà Sản.

Sau 2 tháng mở chiến dịch, đã diệt, bắt sống và làm bị thương trên 6.000 tên địch; nhiều tiểu đoàn, đại đội thuộc các binh đoàn cơ động địch bị xóa sổ. Âm mưu củng cố “Xứ Thái”, “Xứ Nùng tự trị” của Pháp bị thất bại hoàn toàn. Tỉnh Sơn La [trừ Nà Sản], 4 huyện phía Nam tỉnh Lai Châu, 2 huyện phía Tây tỉnh Yên Bái, rộng 28.500 km2 với 25 vạn dân được giải phóng.

Kết quả chiến dịch Tây Bắc đã mở ra một thế chiến lược mới, rất thuận lợi cho ta. Vùng giải phóng đã nối liền Tây Bắc với Việt Bắc và Thượng Lào. 8/10 đất đai vùng Tây Bắc được giải phóng nối liền với phía Tây căn cứ địa Việt Bắc; đường giao thông quốc tế từ Trung Quốc sang Lào Cai Việt Nam, từ Việt Nam sang Lào, từ Tây Bắc, Việt Bắc xuống Liên khu 3, Liên khu 4 vào Nam dễ dàng, thuận lợi hơn.

Chiến thắng Tây Bắc 1952 đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, là một trong những chiến công oanh liệt, có ý nghĩa chiến lược, làm chuyển biến cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta, góp phần tạo thế và lực mới tiến tới giành thắng lợi cuối cùng trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc là dịp để ôn lại lịch sử cách mạng, tôn vinh và tri ân những cống hiến, hy sinh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Thanh Tuấn

Video liên quan

Chủ Đề