Triển vọng ngành nhựa 2023

Ngành bao bì nhựa được kỳ vọng sẽ có sức tăng trưởng nhanh. Ảnh: An Phát Xanh

Kẻ lãi đột biến, người thua lỗ

Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại HCD vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2021 với doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 192 tỷ đồng nhưng lợi nhuận lại tăng đột biến từ mức 872 triệu đồng vào quý 4/2020 lên tới 15,5 tỷ đồng. Lý giải cho sự tăng trưởng đột phá này, HCD cho biết do giá dầu tăng mạnh kéo theo giá hạt nhựa cũng tăng cao, trong khi công ty dự trữ được một lượng lớn hàng tồn kho nhập tại thời điểm giá thấp. Tính chung cả năm 2021, HCD đạt doanh thu 732 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thu nhập là hơn 48 tỷ đồng, tăng lần lượt 47% và 3.298% so với năm 2020.

Năm 2021, ngành nhựa dự kiến xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD, giá trị hàng hóa đạt gần 20 tỷ USD.

Chưa công bố báo cáo tài chính, nhưng Công ty Cổ phần Nhựa Tiền Phong dự kiến doanh thu và lợi nhuận năm 2021 đạt lần lượt là 4.800 tỷ đồng và 460 tỷ đồng. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, triển vọng tăng trưởng nhờ vào sự hợp tác với Tập đoàn Sekisui giúp các sản phẩm của doanh nghiệp có cơ hội cung cấp cho các dự án ODA của Nhật Bản tại Đông Nam Á trong lĩnh vực hạ tầng.

Nhưng ở chiều ngược lại, trong quý 4/2021, Công ty Cổ phần Nhựa Đà Nẵng [DPC] lại lần đầu báo lỗ khi doanh thu chỉ đạt gần 9 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ, trong khi chi phí quản lý tăng mạnh do phải thực hiện di dời toàn bộ hoạt động kinh doanh vào khu công nghiệp. Điều này khiến DPC báo lỗ sau thuế hơn 1,2 tỷ đồng trong quý 4/2021, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 4 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2021, DPC đạt doanh thu thuần hơn 48 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 5 tỷ đồng, lần lượt giảm 27% và 41% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa công bố kết quả kinh doanh cả năm 2021, nhưng điểm sơ qua như trên cũng có thể thấy những “sắc màu” trái ngược của các doanh nghiệp cùng lĩnh vực.

Theo ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 lần thứ 4 trong năm 2021 và chỉ đang bắt đầu kinh doanh khởi sắc trở lại từ tháng 11 và 12.

Duy trì nhịp tăng trưởng

Theo nhận định của các chuyên gia, ngành nhựa Việt Nam đang được hưởng lợi từ nhu cầu dịch chuyển đầu tư, kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia. Bởi hiện nay, ngành nhựa là một trong những ngành cung cấp sản phẩm kỹ thuật và hỗ trợ chính, lên tới 60%, cho các lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Hồi cuối năm 2021, “tin vui” nhất của các doanh nghiệp ngành này là Tập đoàn LEGO [Đan Mạch] và Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore [VSIP] đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng một nhà máy mới với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD, dự kiến được triển khai vào nửa cuối năm 2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là nhà máy thứ 6 trên thế giới và lớn thứ 2 ở châu Á, giúp LEGO mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo tính toán, nhà máy sẽ tạo khoảng 4.000 cơ hội việc làm trong vòng 15 năm tới, cũng như gián tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cộng đồng tại địa phương.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset [MASVN] nhận định, ngành nhựa đang duy trì mức tăng trưởng doanh thu chung 16-18% giai đoạn 2016-2020. Vì thế, các chuyên gia của MASVN cho rằng, ngành nhựa tiếp tục duy trì nhịp tăng trưởng cao quanh 15%/năm trong những năm tới. Trong đó, ngành bao bì nhựa được kỳ vọng sẽ có sức tăng trưởng nhanh, đặc biệt mảng bao bì nhiên liệu sinh học phù hợp xu hướng thế giới.

Chẳng hạn, với Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh [AAA], Công ty này mới đây đã đưa ra dòng sản phẩm sản xuất từ các vật liệu sinh học và có khả năng phân hủy 100% trong thời gian từ 6 đến 12 tháng. Đây là sản phẩm trọng tâm phát triển trong giai đoạn tới kỳ vọng sẽ có thể nâng dần tỷ trọng và chiếm tỷ trọng doanh thu lớn mảng bao bì từ năm 2023. Vì thế, MASVN dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2021 của An Phát Xanh sẽ tăng tới 63% và 15% so với năm trước, đồng thời tiếp tục tăng lần lượt 24% và 75% trong năm 2022.

Cũng để đón đầu cơ hội về cung cấp linh kiện nhựa, Công ty TNHH Sản xuất linh kiện nhựa Thaco – TPC [đơn vị thành viên của Tập đoàn Thaco Auto] đã được trang bị hệ thống dây chuyền thiết bị hiện đại, góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước như Nga, Malaysia...

Tuy vậy, ông Trần Việt Anh cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế của các doanh nghiệp ngành nhựa trong nước về vốn và nguồn nguyên liệu. Trong đó khó khăn nhất là về nguồn nguyên liệu, bởi các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI đã có sẵn nguồn cung cấp, trong khi các doanh nghiệp nhựa trong nước lại có tới 80% nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên ảnh hưởng đến việc cạnh tranh về giá thành.

Do đó, vị này kiến nghị các cơ quan quản lý cần có giải pháp để tháo gỡ, bởi Việt Nam là nước xuất khẩu nhiều dầu thô là nguyên liệu nhựa phải đi nhập khẩu số lượng lớn sẽ gây ra sự lãng phí lớn. Hơn nữa, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ bằng nhựa của doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đảm bảo nguồn đầu ra, hợp tác được với các doanh nghiệp FDI thì vừa giúp tăng khả năng tiêu thụ cho doanh nghiệp nhựa trong nước, vừa đảm bảo chuỗi cung ứng linh kiện, vật tư cho các doanh nghiệp có liên quan.

Chủ Đề