Trách nhiệm của nhà báo trong xã hội hiện nay

Người làm báo và trách nhiệm xã hội

26/10/2020 13:08

Trách nhiệm xã hội cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt của nhà báo trong quá trình tham gia thông tin trên truyền thông xã hội. Với trách nhiệm xã hội của mình, nhà báo sẽ suy nghĩ trước khi đăng một status lên mạng xã hội. Bởi chúng ta không phải là những người sử dụng mạng xã hội thông thường, dù trong hoàn cảnh nào chúng ta vẫn đang gánh trên vai một trách nhiệm nào đó với xã hội.

Năm 2017, một đồng nghiệp hỏi tôi rằng, tại sao lại nhiệt tình tham gia vào việc đấu tranh chống nạn khai thác cát sỏi trái phép đến vậy?

Trước đó, tôi mất nhiều thời gian, công sức và có thể cả sự an toàn của bản thân cho đề tài đấu tranh dẹp nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh.

Dọc triền sông Đăk Bla, các sông, suối trên địa bàn tỉnh, bất cứ nơi đâu có tin báo về nạn khai thác cát trái phép là tôi lên đường, tìm hiểu và viết.

Thật tình, khi được hỏi, tôi cũng đã ngẩn ra một lúc, vì nói thật, là phóng viên, "bắt" được chủ đề gì nóng thì cố gắng tìm hiểu mà viết chủ đề đó, chứ cũng chẳng kịp tìm hiểu, lựa chọn. Cho đến trước đó, chính bản thân tôi cũng nghĩ rằng mình viết về cuộc chiến chống "cát tặc" chẳng qua là vì ngẫu nhiên.

Các đại biểu tham quan Hội Báo xuân 2019 do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức. Ảnh QUANG VINH

Tôi ngẫu nhiên được phân công phụ trách lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường nên có mối quan hệ tốt đẹp với họ, các cuộc truy quét cát tặc thường được gọi đi; tôi ngẫu nhiên nhìn thấy những bờ sông, bờ suối bị sạt lở, cuốn trôi đất đai, hoa màu, đe dọa nhà cửa của người dân; ngẫu nhiên nhìn thấy những vòi đen sì cắm xuống lòng sông hút cát bất kể ngày đêm.

Chưa kể những lần chứng kiến cái chết thương tâm của một số em nhỏ ở các ngôi làng sinh sống ven sông Đăk Bla. Mà "thủ phạm" được xác định là những hố sâu dưới lòng sông hiền hòa do bơm hút cát mà nên.

Đến khi anh bạn đồng nghiệp hỏi, tôi mới thực sự ngẫm nghĩ và phát hiện ra việc làm của mình không ngẫu nhiên, nó xuất phát từ trách nhiệm của một nhà báo đối với xã hội. Và tôi đã trả lời anh: Tôi cảm thấy việc đấu tranh ngăn chặn, xóa bỏ nạn khai thác cát trái phép là một nghĩa vụ, là trách nhiệm của một nhà báo.

Và tôi tin, có rất nhiều nhà báo, ở vào vị trí của tôi khi đó, sẽ làm như vậy. Tôi cho rằng, đó chính là thể hiện rõ nhất trách nhiệm xã hội của nhà báo.

Lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam - tính từ tờ Thanh Niên [do Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1925] có 95 năm tồn tại. Trong từng ấy thời gian, báo chí Việt Nam trải qua bao thay đổi, thăng trầm, dần định hình những phẩm chất và giá trị cốt lõi về trách nhiệm xã hội của nhà báo.

Trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí cho hội viên. Ảnh: H.L

Theo nhiều nhà báo có tên tuổi, vấn đề trách nhiệm xã hội của nhà báo không phải là mới nhưng không bao giờ cũ. Đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của nhà báo cũng là cụm từ được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, đặc biệt khi công nghệ thông tin, nhiều loại hình truyền thông xã hội phát triển nhanh.

Trách nhiệm xã hội của nhà báo chính là phản ánh các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị theo cái cách làm cho xã hội tốt đẹp lên. Việc lựa chọn giữa thực tiễn diễn ra và cái nên phản ánh, phản biện, nêu ý kiến, kiến nghị chính là thể hiện bản lĩnh của nhà báo và thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của nhà báo.

Đồng thời, nhà báo cần có trách nhiệm giải thích các vấn đề xã hội. Ngày nay người dân tiếp cận thông tin ở nhiều nguồn khác nhau, trong đó có rất nhiều nguồn tin giả, được tạo ra một cách có dụng ý, như để chia rẽ, để tạo ra sự hiểu lầm, hoặc đôi khi chỉ vì những lợi ích riêng.

Lúc này, trách nhiệm của nhà báo là bằng kỹ năng, khả năng tiếp cận thông tin của mình, cung cấp những thông tin chính xác, minh bạch và khách quan để công chúng có được cái nhìn chuẩn xác hơn, mang đến cho công chúng những thông tin chân thực, có ý nghĩa đối với cuộc sống.

Ví dụ, trước một hiện tượng xã hội, hay những thông tin "nóng" về dịch bệnh, nhà báo cần lựa chọn giữa việc đăng tin thế nào là vừa phải, đủ để nêu vấn đề và như thế nào là gợi tò mò, câu khách vào các câu chuyện làm lệch lạc đạo đức giới trẻ. Bên cạnh đó, nếu phát hiện các vấn đề, sự việc, hiện tượng cản trở sự tiến bộ chung của xã hội thì nhà báo phải là người tiên phong phản ánh, định hướng cho công chúng tham gia, như các vụ án tham nhũng, những quy định, chính sách lỗi thời cần thay đổi.

Trách nhiệm xã hội của nhà báo không thể rời xa tính trung thực, tính nhân văn, vì lợi ích chung của cộng đồng, dân tộc..., và suy cho cùng là trách nhiệm với từng thân phận con người trong xã hội. Khi phản ánh hiện thực, nhà báo cần luôn xác định mục tiêu phải giúp con người sống tích cực hơn, tin và hướng về phía ánh sáng, giúp xã hội tốt đẹp hơn.

Lẽ tất nhiên, trách nhiệm xã hội của nhà báo cần được xem xét trong mối quan hệ giữa lợi ích của từng tờ báo, của cơ quan chủ quản; lợi ích chung của cộng đồng, của quốc gia dân tộc và sự tuân thủ pháp luật hiện hành.

Vì trên thực tế, nhà báo cũng là một "thành viên của xã hội", tức là cũng được hưởng lợi, hoặc chịu tác động bởi các vấn đề của xã hội như mọi người. Do đó, lợi ích của nhà báo cũng nằm trong lợi ích chung của tòa soạn, của cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Các quy định của từng tờ báo, cơ quan chủ quản cũng không thể đi ngược lại luật pháp của quốc gia, dân tộc và cộng đồng.

Hội viên Chi hội Nhà báo Báo Kon Tum tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức. Ảnh: X.B

Do vậy, một nhà báo có trách nhiệm không thể đi ngược lại với các quan điểm pháp luật hiện hành, không thể dùng ngòi bút của mình để viết ra những điều gây tổn thương cho cộng đồng, tổn hại cho quốc gia, dân tộc và tổn thất cho tòa soạn của mình. Một nhà báo làm việc, phụng sự xã hội bằng tinh thần trách nhiệm, bằng cái tâm sáng thì không gặp phải vấn đề xung đột với cộng đồng và xã hội.

Trong thời kỳ mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, trách nhiệm xã hội của nhà báo cần hiện hữu trong mỗi tác phẩm. Nhanh nhạy nhưng không hấp tấp, bình tĩnh nhưng không chậm chạp, tỉ mỉ nhưng không lề mề, kịp thời nhưng không cẩu thả, đó là tác phong làm báo có trách nhiệm xã hội của nhà báo hiện nay. Cũng chính điều này tạo nên sự khác biệt giữa những tờ báo chính thống với các trang mạng xã hội.

Trách nhiệm xã hội cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt của nhà báo trong quá trình tham gia thông tin trên truyền thông xã hội. Với trách nhiệm xã hội của mình, nhà báo sẽ suy nghĩ trước khi đăng một status lên mạng xã hội. Bởi chúng ta không phải là những người sử dụng mạng xã hội thông thường, dù trong hoàn cảnh nào chúng ta vẫn đang gánh trên vai một trách nhiệm nào đó với xã hội.

Nếu hiểu trách nhiệm là ý thức đầy đủ về phận sự của mình cũng như phần việc của mình phải đảm đương, gánh vác, thực hiện thì trách nhiệm xã hội của nhà báo hiện nay không chỉ dừng lại ở sự coi trọng nghề báo mà cần thể hiện ở sự tận tụy dấn thân, cống hiến hết mình, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân và biết vượt qua những cám dỗ đời thường, những cạm bẫy tiền tài danh vọng để giữ gìn và ngày càng làm đẹp thêm vị thế, uy tín, danh dự nghề báo và nhà báo.

Trên chuyến xe đi xã biên giới Đăk Long, tình cờ thay, lại vào đúng ngày 21/6/2018, cô bạn đồng nghiệp đến từ một tờ báo Trung ương cứ băn khoăn mãi về chuyện phải vắng mặt buổi họp mặt kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam của cơ quan.

Khổ cho em, đây là năm đầu tiên đón ngày 21/6 mà lại phải đi công tác xa như thế này. Hôm qua, chị em ở cơ quan còn bàn với nhau sẽ diện áo dài đồng phục để nhận hoa chúc mừng. Bây giờ có khi đã được tặng hoa, chụp ảnh kỷ niệm rồi ấy chứ. Tiếc quá - cô ủ rũ.

Thế nhưng, khi lên đến nơi, sự ủ rũ ấy hoàn toàn biến mất, cô như trở thành con người khác, đầy năng lượng. Xông xáo và nhiệt tình, cô bắt tay vào công việc, gặp gỡ, trò chuyện, phỏng vấn, chụp ảnh quên cả giờ cơm trưa.

Nghe mọi người trêu chọc, cô chỉ cười hiền: Mới vào nghề chưa lâu, lại là nữ, nên em chẳng mấy khi được đi biên giới như thế này, nên phải tranh thủ làm anh ạ. Em vẫn mong thời gian có nhiều hơn... Ấy vậy mà khi nhận được bó hoa rừng và lời chúc mừng từ anh cán bộ Văn phòng UBND tỉnh, nữ phóng viên ấy lại rơm rớm nước mắt.

Bỏ đi niềm vui cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ cũng chính là thể hiện rõ nhất trách nhiệm xã hội của nhà báo.

Và cuối cùng, phía sau mỗi con chữ trên mặt báo là bao vất vả, gian nan và cả những thách thức, hiểm nguy và đầy cám dỗ. Có nhiều nhà báo ngày đêm bám cơ sở để phát hiện, biểu dương, nêu gương những điển hình tiên tiến; sẵn sàng lăn xả, đeo bám đề tài điều tra hóc búa, phanh phui tiêu cực, khuất tất hay dấn thân vào những vùng nguy hiểm như thiên tai, dịch bệnh, gần đây nhất là cuộc chiến với Covid- 19. Đã có những người ra đi mãi mãi.

Đến nay, đồng nghiệp ở TTX Việt Nam vẫn đau đáu khôn nguôi về sự ra đi của phóng viên Đinh Hữu Dư khi đang tác nghiệp trong cơn lũ dữ tại tỉnh Yên Bái tháng 10/2017.

Sự ra đi ấy chẳng phải cũng là vì trách nhiệm xã hội của nhà báo hay sao?

Hồng Lam

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề