Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán 2022

Thông tư số 61/2021/TT-BTC ngày 26/7/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024

  • Trích yếu: Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024
  • Số hiệu: 61/2021/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Lĩnh vực: Tài chính - Ngân hàng
  • Ngày ban hành: 26/07/2021
  • Ngày hiệu lực: 09/09/2021
  • Cơ quan BH: Bộ Tài chính
  • Người ký: Hồ Đức Phớc
  • Đính kèm: Tải về

Ảnh minh họa

Thông tư nêu rõ, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, là năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước [NSNN] mới, nên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của cả giai đoạn 2021-2025 và các mục tiêu chiến lược tài chính đến năm 2025.

Dự toán NSNN năm 2022 được xây dựng theo đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn; có đầy đủ thuyết minh cơ sở pháp lý, căn cứ tính toán; phù hợp với Nghị quyết của Đảng, các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương theo quy định, các văn bản pháp luật và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền có liên quan.

Phấn đấu thu nội địa tăng khoảng 6-8% so với năm 2021 

Dự toán thu NSNN năm 2022 phải được xây dựng ở mức phấn đấu tích cực, khả thi. Cụ thể, phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2022 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bình quân cả nước tăng khoảng 6-8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021 [đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách]. Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021.

Việc xây dựng dự toán thu năm 2022 bám sát tình hình kinh tế - xã hội, tài chính thế giới và trong nước, trong bối cảnh tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro, khó khăn, đặc biệt là các thách thức, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai và các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, gia hạn thời gian nộp thuế, giảm phí, lệ phí và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thu; tăng cường chống thất thu, chống chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế; tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý giảm tỉ lệ nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.

Trong xây dựng dự toán thu nội địa NSNN năm 2022, tạm tính phân cấp một số khoản thu giữa ngân sách Trung ương [NSTƯ] và NSĐP [ngân sách địa phương], [tỉ lệ cụ thể Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định sau] như sau:

Số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu: Tính 37,2% số thu là khoản thu phân chia giữa NSTƯ và NSĐP; 62,8% số thu điều tiết 100% về NSTƯ.

Số thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, khoáng sản: Trường hợp giấy phép khai thác do cơ quan trung ương cấp, thực hiện phân chia 70% số thu cho NSTƯ, 30% cho NSĐP; trường hợp giấy phép khai thác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, thực hiện để lại 100% cho NSĐP.

Chi ngân sách phù hợp quy định của pháp luật

Thông tư nêu rõ, xây dựng dự toán chi NSNN năm 2022 theo đúng quy định của Luật NSNN, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, gắn với việc triển khai chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập. Ưu tiên và tập trung nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, chi an sinh xã hội, chi đầu tư phát triển và đảm bảo an ninh, quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tiếp tục quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; chủ động rà soát các chính sách, nhiệm vụ trùng lắp, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2022 để hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn NSNN được phân bổ và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Riêng đối với dự toán chi đầu tư phát triển [ĐTPT] nguồn NSNN, ưu tiên bố trí dự toán năm 2022 để thanh toán nợ xây dựng cơ bản theo quy định tại Khoản 4 Điều 101 Luật Đầu tư công, thu hồi vốn ứng trước NSNN; các dự án đã hoàn thành nhưng chưa bố trí đủ vốn; các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022; vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; bố trí vốn đầu tư nguồn NSNN thực hiện các dự án, công trình phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư [PPP]; cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách. Mức bố trí vốn cho từng nhiệm vụ phải phù hợp với tiến độ thực hiện và giải ngân trong năm 2022.

Thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN về tổng mức hỗ trợ vốn ĐTPT hằng năm của ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện một số chương trình, dự án lớn, đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách trung ương.

Thông tư số 61 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/9/2021.

Khánh Linh


Hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2022, kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2022-2024 []

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 61/2021/TT-BTC ngày 26/7/2021 hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024. Thông tư gồm 4 chương và 21 điều, tập trung vào một số nội dung chính như: đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2021; xây dựng dự toán năm 2022; xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương; xây dựng kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm 2022-2024.

Ảnh minh họa

Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2021

Từ đầu năm 2021, nền kinh tế tiếp tục phục hồi và đạt kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; tuy nhiên, từ cuối tháng 4, dịch Covid-19 tái bùng phát ở nhiều địa phương, hiện vẫn đang diễn biến rất phức tạp, đã tác động nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống nhân dân; ảnh hưởng lớn đến cân đối NSNN. Chính phủ đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp về tài chính ngân sách để phòng chống dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Vì vậy, Thông tư đã hướng dẫn cụ thể việc đánh giá tác động khách quan từ nền kinh tế và tác động của các điều chỉnh chính sách, chế độ về thu, chi ngân sách tới việc thực hiện nhiệm vụ thu, chi, bội chi NSNN năm 2021; trong đó: [i] đối với thu NSNN: đánh giá sát thực tế, cụ thể các tác động của việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; giảm một số khoản thu phí, lệ phí…; [ii] đối với chi ngân sách, đánh giá các nhiệm vụ chi hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch Covid -19, phòng chống thiên tai, việc thực hiện cắt giảm dự toán chi thường xuyên theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ…

Đối với việc đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, Thông tư hướng dẫn việc đánh giá kết quả sắp xếp, đổi mới hệ thống, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, từ đó tác động đến việc bố trí NSNN theo từng lĩnh vực trong năm 2021 và lũy kế đến năm 2021 [số giảm chi từ NSNN đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo từng lĩnh vực và việc sử dụng số kinh phí NSNN dành ra từ việc nâng cao tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị].

Năm 2021 là năm đầu của giai đoạn 2021-2025, do không còn các chương trình mục tiêu như trong giai đoạn 2016-2020, vì vậy, đối với các nhiệm vụ thường xuyên thuộc các chương trình mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 trước đây, là các chế độ, chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, còn hiệu lực, không tích hợp vào các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, đã được/đang trình bổ sung kinh phí năm 2021, Thông tư đã hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương báo cáo tình hình thực hiện nội dung này như các nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, đơn vị mình.

Đối với các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, Thông tư đã hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các cơ quan, đơn vị ở địa phương được giao quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách báo cáo việc rà soát, cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục đích, trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ hoặc không có khả năng độc lập về tài chính, trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với NSNN; đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch thu - chi và các nhiệm vụ được giao 6 tháng và dự kiến cả năm 2021; các khó khăn, vướng mắc phát sinh và kiến nghị giải pháp xử lý.

Xây dựng dự toán năm 2022

Năm 2022, là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, là năm đầu của thời kỳ ổn định NSNN mới. Nội dung xây dựng dự toán NSNN năm 2022 ngoài việc đảm bảo theo đúng quy định của Luật NSNN, các văn bản hướng dẫn, có đầy đủ thuyết minh cơ sở pháp lý, căn cứ tính toán, còn phải phù hợp với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhiệm kỳ 2020-2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và định hướng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025; phù hợp với các mục tiêu cơ cấu lại ngân sách và quản lý nợ công theo Nghị quyết số 07-NQ/TW; các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, 7 [Khóa XII]; các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương theo quy định, các văn bản pháp luật và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền có liên quan.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, tác động sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội, để đảm bảo tính khách quan, khả thi trong xây dựng dự toán NSNN năm 2022, Thông tư đã hướng dẫn:

Một, về thu NSNN, [i] xây dựng dự toán thu NSNN năm 2022 phải bám sát bám sát tình hình kinh tế - xã hội, tài chính thế giới và trong nước, trong bối cảnh tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro, khó khăn, thách thức, tác động của dịch bệnh Covid-19 và các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, từ đó, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, gia hạn thời gian nộp thuế, giảm phí, lệ phí và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, chống chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế; tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý giảm tỷ lệ nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế. [ii] Việc thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước và thu chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp hiện do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ [nếu có] được lập dự toán đầy đủ và thực hiện nộp NSNN theo đúng quy định của pháp luật. [iii] Đối với thu viện trợ không hoàn lại, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng dự toán năm 2022 bao gồm cả các dự án viện trợ được quy định tại Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai. Ngoài ra, các khoản viện trợ đã được tiếp nhận [từ năm 2021 trở về trước], chưa có dự toán được giao, thì các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập và tổng hợp vào dự toán năm 2022 để được hạch toán, quyết toán theo chế độ quy định;

Hai, về chi NSNN, đối với chi đầu tư phát triển, Thông tư hướng dẫn việc lập dự toán nguồn NSNN [bao gồm cả nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, nguồn thu tiền sử dụng đất, nguồn thu xổ số kiến thiết, thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước và thu chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp hiện do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ] theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025.

Đối với chi thường xuyên NSNN năm 2022 yêu cầu quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và thực hiện chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; chủ động rà soát các chính sách, nhiệm vụ trùng lắp, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2022 để hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn NSNN được phân bổ và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Để bảo đảm việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TW, đối với dự toán chi thường xuyên nguồn NSNN của cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể Thông tư cũng đã hướng dẫn các bộ ngành xác định quỹ lương tính theo biên chế được giao hoặc theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xác định cụ thể các tác động tăng hoặc giảm quỹ lương năm 2022 so với năm 2021; đồng thời, thực hiện tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên [ngoài chi lương, các khoản đóng góp theo lương theo quy định, các khoản chi cho con người] so với dự toán năm 2021, trên cơ sở hạn chế tối đa mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công theo quy định, tiết giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách như: đoàn ra, đoàn vào, khánh tiết, hội thảo, hội nghị..., tăng chi từ nguồn thu sự nghiệp công; dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển, cải cách tiền lương, thực hiện chuẩn nghèo, chi trợ cấp xã hội.

Đồng thời, để tiếp tục triển khai các mục tiêu về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, trên cơ sở các quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Thông tư đã hướng dẫn cụ thể phần kinh phí NSNN hỗ trợ, theo đó:

- Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Ngân sách nhà nước không hỗ trợ chi thường xuyên. Đơn vị thực hiện báo cáo đầy đủ nguồn thu, nhiệm vụ chi năm hiện hành và dự kiến năm kế hoạch; gửi cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp, gửi Bộ Tài chính cùng thời điểm xây dựng dự toán NSNN hằng năm.

- Các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương xây dựng dự toán chi NSNN giai đoạn 2022-2025 giảm tối thiểu 15% so với dự toán chi NSNN giai đoạn 2017-2021, dự toán chi năm 2022 giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước tương ứng mức giảm chi thường xuyên từ ngân sách;

- Các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương: Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước so với giai đoạn 2016-2020, dự toán chi năm 2022 giảm tối thiểu 2% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước trừ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Đối với các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính theo quy định tại Điều 5 Luật NSNN hoặc phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, mức bố trí dự toán chi ĐTPT năm 2022 thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ và khả năng nguồn lực; trong khi đó, mức bố trí dự toán chi thường xuyên năm 2022 căn cứ quy định về cơ chế tài chính, đánh giá tình hình thực hiện dự toán năm 2021 và yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 15% chi thường xuyên [ngoài quỹ lương, các khoản đóng góp theo quy định và các khoản chi cho con người] so với dự toán năm 2021.

Đối với việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, Thông tư hướng dẫn: [i] Các Bộ, cơ quan trung ương lập dự toán chi tạo nguồn cải cách tiền lương từ nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2021 còn dư chuyển sang năm 2022 [nếu có]; nguồn thu được để lại theo quy định; tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm [trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ]. [ii] Riêng các cơ quan, đơn vị hành chính ở Trung ương đang áp dụng cơ chế tài chính đặc thù theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền tự cân đối nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, NSNN không hỗ trợ; trong khi đó, các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và phải tự đảm bảo phần tiền lương tăng thêm phù hợp với mức tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên của đơn vị. [iii] Các địa phương tổng hợp, báo cáo dự toán chi tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 [Khóa XII], trong đó: tiết kiệm 10% chi thường xuyên [trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ] và nguồn cải cách tiền lương lũy kế đến hết năm 2021 chuyển sang để thực hiện [bao gồm nguồn 70% tăng thu thực hiện của NSĐP năm 2021 chưa sử dụng hết - nếu có]; sử dụng một phần nguồn thu của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

Xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương năm 2022

Đối với việc xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương, do năm 2022 là năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách mới theo quy định của Luật NSNN, vì vậy, căn cứ vào mức chi cân đối ngân sách địa phương tính theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN [theo Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ] và dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022 [được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định], Thông tư hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng hệ thống định mức phân bổ ngân sách địa phương năm 2022, xác định tỷ lệ phân chia nguồn thu phân chia giữa các cấp chính quyền địa phương và số bổ sung ngân sách cho ngân sách cấp dưới trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đảm bảo đúng quy định Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Xây dựng kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm 2022-2024

Thực hiện quy định tại Luật NSNN, Nghị định số 45/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm và Thông tư số 69/2017/TT-BTC ngày 7/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm [Thông tư số 69/2017/TT-BTC], các Luật về thuế, quản lý thuế, Luật phí, lệ phí, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công, Luật quản lý tài sản công, các văn bản pháp luật có liên quan; mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; các Nghị quyết Trung ương Khóa XII về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập và các Nghị quyết về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội…; kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguyên tắc, tiêu chí, định mức chi thường xuyên năm 2022; nguyên tắc, tiêu chí, định mức chi đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025; căn cứ kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2021-2023 đã được rà soát, cập nhật vào thời điểm 31 tháng 3 năm 2021; căn cứ các thỏa thuận, hiệp định vay nợ, viện trợ nguồn vốn ngoài nước đã và sẽ được ký kết, triển khai trong các năm 2022-2024; quy định về thời kỳ ổn định NSNN; căn cứ các trần chi tiêu giai đoạn 2022-2024 do cơ quan tài chính, kế hoạch và đầu tư thông báo và kế hoạch dự toán ngân sách năm 2022, Thông tư hướng dẫn các các bộ, cơ quan, đơn vị ở trung ương và đơn vị cấp tỉnh xây dựng kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2022-2024 theo quy định.

Theo //mof.gov.vn/

Video liên quan

Chủ Đề