Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là máy tháng

QĐND Online – Chiều 19-6, với 100% đại biểu có mặt tán thành [433/433 đại biểu Quốc hội có mặt], Quốc hội đã thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự [NVQS] [sửa đổi]. Luật gồm 9 chương, 62 điều, quy định về NVQS; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân và chế độ, chính sách trong việc thực hiện NVQS. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2016.

100% đại biểu có mặt tán thành thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự [sửa đổi].

Luật được đánh giá cao vì đạt được được 3 yêu cầu lớn. Đó là nâng cao được chất lượng đầu vào của chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam vì đã quy định chặt chẽ về chất lượng, về trình độ chính trị, văn hóa, sức khỏe của công dân thực hiện NVQS. Luật khắc phục được những bất cập của Luật NVQS hiện hành, những vấn đề về công bằng xã hội, về quyền của công dân. Luật phù hợp với điều kiện đất nước hiện nay trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

NVQS là nghĩa vụ vẻ vang của công dân

Hiến pháp năm 2013 quy định “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân”, trong đó NVQS là hình thức cao nhất về thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Do đó, Luật quy định: NVQS là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện NVQS bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. Công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện NVQS theo quy định của Luật này.

Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện NVQS tại ngũ. Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được công nhận hoàn thành NVQS tại ngũ trong thời bình: Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực; hoàn thành nhiệm vụ tham gia công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên; cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị; thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế - quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định; công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.

Về độ tuổi gọi nhập ngũ, Luật quy định: Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Trước đó, có ý kiến đề nghị giữ nguyên độ tuổi gọi nhập ngũ như Luật NVQS hiện hành vì cho rằng, sinh viên học đại học y lâu nhất thì sau khi ra trường đa số chưa tới 25 tuổi, những vướng mắc trong tuyển chọn, gọi sinh viên tốt nghiệp đào tạo đại học nhập ngũ không phải do hạn chế về độ tuổi mà do tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng: Việc quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân phải bảo đảm mọi người đều bình đẳng trước pháp luật về thực hiện NVQS theo quy định của Hiến pháp, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập theo quy định hiện hành, theo đó chỉ quy định kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi đối với công dân đào tạo trình độ cao đẳng và đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình là giải pháp tạo điều kiện cho sinh viên vừa thực hiện quyền, nghĩa vụ học tập, vừa thực hiện quyền, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc nhằm nâng cao chất lượng thanh niên gọi nhập ngũ và tham gia các nghĩa vụ khác trong xây dựng tiềm lực quốc phòng và xây dựng lực lượng vũ trang, góp phần bảo đảm công bằng xã hội.

Kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ

Theo Luật được thông qua, thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 6 tháng trong trường hợp: Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn. Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.

Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn

Hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian phục vụ tại ngũ được: Bảo đảm cung cấp kịp thời, đủ số lượng, đúng chất lượng về lương thực, thực phẩm, quân trang, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; được bảo đảm chỗ ở, phụ cấp hàng tháng, nhu yếu phẩm và nhu cầu về văn hoá, tinh thần phù hợp với tính chất nhiệm vụ của quân đội; được bảo đảm chế độ trong các ngày lễ, tết; được bảo đảm chăm sóc sức khỏe khi bị thương, bị ốm đau, bị tai nạn theo quy định của pháp luật; từ tháng thứ mười ba trở đi được nghỉ phép theo chế độ; các trường hợp nghỉ vì lý do đột xuất khác do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định; từ tháng thứ hai lăm trở đi được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng hàng tháng; được tính nhân khẩu trong gia đình khi gia đình được giao hoặc điều chỉnh diện tích nhà ở, đất xây dựng nhà ở và đất canh tác; được tính thời gian phục vụ tại ngũ vào thời gian công tác; được ưu đãi về bưu phí; được Nhà nước bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế; được tạm hoãn trả và không tính lãi suất khoản vay từ ngân hàng chính sách xã hội mà trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật; được ưu tiên trong tuyển sinh quân sự…

Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, được hưởng trợ cấp khó khăn do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được miễn, giảm học phí khi học tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập và ngoài công lập theo quy định của pháp luật về chế độ miễn, giảm học phí.

Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được: Cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường, trợ cấp xuất ngũ; trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tập tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học ở các trường đó; được trợ cấp tạo việc làm; trước khi nhập ngũ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì khi xuất ngũ cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ; trường hợp cơ quan, tổ chức đó đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp; trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế thì khi xuất ngũ tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ; trường hợp tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật…

Bài và ảnh: XUÂN DŨNG

Video liên quan

Chủ Đề