Tại sao phải ngậm ngải tìm trầm

Cả một góc rừng phòng hộ Gộp Ngà [Sơn Trung, Khánh Sơn, Khánh Hòa] tan hoang vì cả nghìn lượt người tìm trầm kỳ đào xới. Tin đồn có trầm hương khiến họ khổ cực, "chặt chém"... rồi tay trắng ra về.
Ảnh: T.H.

Ông cha ta thường nói "ngậm ngải tìm trầm", vậy ngải là cái gì, trầm là cái gì? Tại sao phải ngậm ngải tìm trầm?  Tôi có may mắn làm nghề khảo sát rừng, gần 40 năm lặn lội khắp núi cao rừng sâu từ Bắc, Trung, Nam, có nhiều dịp ngủ cùng lán, ăn cùng nồi với dân tìm trầm, còn có tên gọi là "dân đi cội".

Những người thợ rừng đi tìm trầm, hợp lại từng nhóm gọi là "đi điệu". Họ thường hình thành từng nhóm từ 3 đến 6, 7 người, với hành trang trên lưng từ 45-60kg gồm: gạo, mì tôm, bột canh, mắm khô, mì chính, thịt hộp, chè, thuốc lào, vải che mưa, bật lửa, dao, rìu búa, khoan thăm dò lõi cây, thuốc cấp cứu, mà chẳng có tí gì là bùa ngải, bắt thợ tìm trầm há miệng cả ngày cũng không thấy có gì lạ để làm bùa phép.

Trong rừng rậm, cây gió trầm chỉ chiếm một tỷ lệ rất ít. Để xác định được đúng cây trầm, họ cũng là bậc thầy, chỉ dựa vào kinh nghiệm xem thân, cành, tán, lá, và gió thổi lật mặt dưới tán lá có màu sắc đặc trưng của gió trầm, mà chẳng phải ngậm bùa ngải gì, họ có thể xác định đúng cây trầm từ xa 3 - 4km ở thung lũng hoặc các sườn núi đối diện. "Ngậm ngải tìm trầm" thực ra là câu nói lên nỗi khổ cực, cay đắng của nghề nghiệp, chẳng có gì là thần bí.

Do sống trong rừng sâu, bị sốt rét phải ăn ngải cứu để chữa bệnh, mà ngải cứu thì đắng. Câu "ngậm ngải tìm trầm" thực chất là như vậy. Về công dụng chữa bệnh và phục hồi sức khỏe của cây ngải cứu từng được ca ngợi: "Nhân trần ngải cứu đi đâu, để cho gái đẻ đớn đau thế này". Dân gian truyền tụng ngải dùng làm "bùa yêu, thuốc lú", làm thuốc mê tín... Có câu: "Không sơn mà gắn với hèo, không bùa, không ngải mà theo mới tình". Ngải mà dân đi rừng ở miền Trung nước ta thường dùng, có tên gọi nôm na là ngải mọi [hoặc ngải rừng], loại thân thảo, cao khoảng một mét, có mùi thơm như long não. Người ta mài lấy tinh bột ngâm rượu xoa, trị đau nhức, tê thấp...

Không chỉ là một vị thuốc dân gian,  y học phương Tây cũng đánh giá rất cao cây ngải cứu. Cùng chi với cây ngải cứu là cây thanh hao hoa vàng, được trồng nhiều để chiết xuất ra Artemisin-  một loại thuốc chống sốt rét hàng đầu ngày nay.

Khoảng 15 - 20 năm qua, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Nam... đã thành công trong việc trồng cây gió trầm trong vườn và dưới tán rừng, đồng thời tác động cơ học, hóa học và cấy bào tử nấm để từ thân gỗ của cây sinh ra trầm. Người đi cội chặt rừng chuyển sang trồng gió trầm gần nhà hơn, có thu nhập mà không phải chịu cay đắng "ngậm ngải tìm trầm".

Trầm, hay trầm hương là loại dược liệu quý. Chúng thuộc loại cây gió, họ trầm với khoảng 50 chi và 650 loài khác nhau. Trầm hương là loại gỗ có nhiều nhựa của cây trầm, nó có mùi thơm nồng. Từ xa xưa, người Ấn Độ, Trung Quốc đã biết dùng trầm hương làm thuốc trợ tim, thuốc kích thích thần kinh, khử trùng, tẩy uế, ướp xác...

Ở nước ta trầm hương ngoài dùng làm thuốc: "Trầm hương cay ấm mà thơm/Giáng khí nạp thận, tráng dương kiện toàn/ Ngực, bụng, đau nhức đa đoan/ Hen suyễn, thông tiểu, lại còn bình can".

Trước khi khởi hành, họ phải chọn ngày giờ kỹ lưỡng, trước khi nhập rừng phải lập bàn thờ với 3 lần tế lễ, khấn vái bà Thánh Mẫu phù hộ, vật tế thường là: hương, hoa, trà rượu, chè, xôi và trầu cau. Tìm trầm nơi sơn cùng thủy tận, sương lam chướng khí trong thời gian dài, những người này thường xuyên đối mặt với hiểm nguy.

Thành ngữ "ngậm ngải tìm trầm" để chỉ một công việc vất vả "ăn của rừng rưng rưng nước mắt", lại đầy rẫy rủi ro. Về phương diện nào đó , đây cũng là hành động tàn phá, tận diệt rừng xanh cần xóa bỏ.

Trương Nguyễn [Hóc Môn, TP HCM]

baocuoituan

Đăng nhập

Đăng nhập để trải nghiệm thêm những tính năng hữu ích

Zalo

  • Nóng

  • Mới

  • VIDEO

  • CHỦ ĐỀ

LTS: Họ bị cây đổ, đá đè, rắn cắn, hổ vồ, gấu tát, bị bỏ tù, rồi đạo tặc bắn giết. Trọng thương và mất mạng vì đi tìm trầm, kỳ [trầm hương và kỳ nam]. Bị bắn chết, bị bắt tù ở vài quốc gia, bán nhà đi mà chuộc người thân.

Một trong những vụ việc kinh khủng nhất được biết đến là nhóm tìm trầm người Quảng Bình bị kẻ cướp chặn đường, cướp hết tải sản gì, bắt trói ở miệng hố rồi đập chết 5 người cùng lúc. Một người được thả về lấy tiền "chuộc" mạng sống của 6 người bị bắt trói. Duy nhất một người trốn thoát và băng cướp "dã nhân" với thành viên đến từ hai quốc gia Việt - Lào đã hiện nguyên hình sau nhiều ngày cơ quan điều tra vào cuộc. 

Cơ quan chức năng đã khuyến cáo, răn đe nhưng những phận người "ngậm ngải tìm trầm" vẫn tìm cách lao vào hiểm nguy. 

Bài 1: Những "lão nông" đi nước ngoài đổi mạng sống lấy miếng ăn!

Khi mà trầm và lâm thổ sản ở Việt Nam khan hiếm dần, các đoàn phu "ngậm ngải" đánh cược cả mạng sống cho giấc mộng giàu sang tìm "linh khí của trời đất" [trầm, kỳ] đã cất bước đến các cánh rừng nguyên sinh của nhiều quốc gia lân cận như: Lào, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Brunei, thậm chí cả Myanmar, Trung Quốc, Ấn Độ...

Một trang sử bi thiết đã và đang mở ra: rừng, muông thú bị sát hại trên diện rộng, kẻ trúng đậm giàu sang, kẻ tù tội hoặc xương trắng xứ người. Toàn những chuyện khó tin nhưng có thật!

Ông H.V.C ở xã Hàm Ninh, huyện Võ Ninh, tỉnh Quảng Bình và những cuốn hộ chiếu du lịch tìm trầm xuyên biên giới. Ảnh chụp tháng 11/2021 - PV

 "Tôi từng đi tù ở cả 3 nước: Lào, Malaysia và Trung Quốc"

Trước, đi rừng xanh núi đỏ, sơn lam chướng khí, hổ báo nhiều, người đi tìm trầm trong rừng sâu họ hay phải "ngậm ngải". Chuyện này vừa huyền thoại rợn người lại vừa rất dễ hiểu: họ ngậm vài thứ thảo dược truyền thống, với bí kíp hơi lạ lùng để tăng sức khỏe, thêm minh mẫn và có mùi khá nồng để dã thú tránh xa. Thế mới thành cụm từ bất hủ "ngậm ngải tìm trầm".

Bây giờ thì khác, lão nông [thường người không quá trẻ mới đủ lão luyện để ra nước ngoài làm "phu trầm"] đi máy bay, có hộ chiếu "du lịch" đàng hoàng, dùng điện thoại thông minh, đi theo các đầu mối "gửi định vị" [google map] để vào rừng già xứ người. 

Ra Hà Nội, vào TP HCM, từ sân bay quốc tế sang chảnh mà đi đường trời, đến các thành phố đôi khi quá hoa lệ của các quốc gia ở vùng nhiệt đới gió mùa, lập tức có xe ô tô đón đi "giải ngố". Rồi theo dẫn đường qua internet mà đi tìm trầm, đi bẫy hổ, bẫy gấu.

Video: Ông H.V.C kể về quá trình tìm trầm, bắt thú ở bên kia biên giới

Giữa mùa dịch thủ tục khai báo phức tạp, chúng tôi thận trọng, nhờ người địa phương dẫn đến làm quen với ông H. V. C. Ông này là người họ hàng của một lãnh đạo xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Được vị này giới thiệu, nên ông C. rất thoải mái với chúng tôi. Ông gầy và hiền hơn những gì tôi hình dung về một phu trầm đi xuyên nhiều quốc gia bằng… chân trần. Ý là, đến rừng là ông đi bộ, rồi sống, vật vã, đào bới xới lộn cả 6 tháng ròng trong rừng già nguyên sinh.

Đúng là đánh cược mạng sống đổi lấy miếng ăn và lấy giấc mộng giàu sang theo đúng nghĩa đen. Vợ ông, bà T., dựa đầu vào bờ tường, rơm rớm nước mắt: "Ông ấy đi "Tây" tìm trầm, tôi ở nhà không đêm nào ngủ được. Cái sống và cái chết cách nhau một tí tẹo thôi".

Hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ông H.V.C không đi "du lịch nước ngoài" tìm trầm được nên ở nhà đi làm thuê soi trầm ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ảnh chụp tháng 11/2021: Dân Việt

Hai vợ chồng ông C. mang ra cả chồng… hộ chiếu của ông C, ý bảo: Đấy, tôi đi nước ngoài như đi chợ. 

Người đàn ông tiếp lời: "Có năm, 6 tháng liền tôi ở trong rừng sâu. Suốt 6 năm liền, tôi đi nước ngoài liên tục, mỗi năm chỉ về thăm nhà đúng có một lần. Xóm này, có 13 người đi trầm ở Brunei vừa về do dịch Covid-19 đang cách ly tại nhà bên kia.

Suốt hàng trăm ngày ở rừng hoang núi thẳm, chẳng trông thấy mặt người nào ngoài cái nhóm 6-7 người chúng tôi. Các nhóm đi tìm trầm, đặt bẫy bắt thú quý hiếm, bao giờ cũng chỉ ngần ấy người, không nên nhiều cũng chẳng nên ít hơn. Phân công trưởng nhóm và quy chế ăn chia khi tìm được kỳ/trầm rất rõ ràng".

"Tôi đi tù ở đủ 3 quốc gia rồi. Lào, Malaysia, Trung Quốc", ông C. kể. Tù vì đi vào rừng già của người ta mà đẵn cây, mà đặt bẫy bắt hổ, giết gấu. Vì quá hạn visa. Vì xâm nhập trái phép rừng cấm.

Cùng với trầm, kỳ là nhiều lâm thổ sản quý hiếm, bị cấm khai thác khác được các phu trầm mang từ nước ngoài về bán. Trong đó có da hổ, cao hổ, xương hổ; mật, tay và xương gấu được một số người rao bán ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đưa về sử dụng hoặc bán. Ảnh chụp tháng 11/2021: Dân Việt

Nếu chưa từng lăn lộn đóng giả người mua cao hổ, tay gấu, trầm hương và các sản phẩm sản xuất từ cây gỗ có trầm [như đồ mỹ nghệ, đồ trang sức, đồ thờ] để điều tra từ trước; nếu không có cán bộ sở tại dẫn đi và xác nhận, thì có lẽ, chuyện ông C kể ở trên cứ như tiếu lâm.

Chúng tôi biết về các ông N "Phở"., ông Đ. "Thạo"., là những người chuyên gom phu trầm [gọi là tuyển quân] đem ra nước ngoài tìm trầm. Và các ông ấy cũng là "chủ" của ông Hà Văn C. đang tâm sự lúc này.

Báo chí nước ngoài từng viết về nhiều vi phạm dạng này và chúng tôi cũng có trong tay các thống kê về việc các phu trầm ở tỉnh Quảng Bình bị xử lý do đi tìm trầm ở nước ngoài ra sao.

Nhóm phóng viên điều tra cũng đã trao đổi với lãnh đạo các đơn vị liên quan về chủ đề này. Nên, chuyện ông C kể không còn là thứ "lạ lùng" nữa. Cái lạ nhất là sự sinh động và cái nhìn hồn nhiên của phu trầm này với cuộc mưu sinh không dễ hình dung tí nào.

Sau những lần bị bắt tù ở nước ngoài, sau những lần trốn chạy họng súng truy đuổi, họ mang về ít hàng rừng bán lẻ, tùng tiệm sống qua ngày. Ảnh chụp tháng 11/2021: Dân Việt

Ông H.V. C. bảo: đoàn phu trầm bắt được con hổ, dùng gậy đánh mãi Chúa Sơn Lâm mới chết. Rồi mở điện thoại gửi định vị [xác định vị trí] của mình, gọi điện cho người ngoài cánh rừng, để họ mang nồi lớn vào… nấu cao trộm.

"Có khi, hổ nó kéo cả bầy giết chết con nai, con hươu. Giữa rừng già yên tĩnh lắm, vả lại mình xâm nhập và phá rừng tìm trầm trái phép nên cũng có ý giữ yên lặng để yên thân. Tôi từng đi rừng khắp miền Bắc, đi khắp dãy Trường Sơn để tìm trầm, nên cũng có kinh nghiệm ở trong rừng. Tĩnh lặng, thì có tiếng kêu của muông thú, lập tức biết là có chuyện. Ở đây rõ ràng là có con thú hiền bị thú ăn thịt tấn công rồi.

Chúng tôi vác dao, vác gậy đến đuổi đàn hổ đi, cướp con nai, con hươu về ăn. Anh em bảo nhau, đừng có lấy nửa to hơn, các Ông Hổ uất ức trả thù đấy. Chúng sẽ kéo đến lán trả thù, đòi lại miếng mồi".

Ngày 15/5/2019, Tòa án Malaysia tuyên án hai năm tù và phạt 1,56 triệu ringgit [tương đương 8,7 tỷ đồng] đối với hai công dân Việt Nam vì tội tàng trữ trái phép các bộ phận của những loài động vật nằm trong diện bị đe dọa, cần được bảo vệ như báo hoa mai, sơn dương và gấu chó. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiến pháp Malaysia, mức phạt hơn 1 triệu ringgit được đưa ra đối với tội phạm liên quan đến động phạt hoang dã.

Tang vật mà những người săn trộm dùng làm công cụ săn bắt. Ảnh: PERHILITAN

Theo cáo trạng, hai bị cáo đã bị lực lượng chức năng thuộc Cục Bảo vệ Động vật hoang dã và Công viên quốc gia Malaysia [PERHILITAN] bắt ngày 15/4 tại Vườn quốc gia Taman Negara, Bang Pahang phía đông bán đảo Malaysia. Ở thời điểm bị bắt, cả hai bị phát hiện đang mang theo 141 bộ phận của sơn dương Capricornis sumatrensis, báo hoa mai Panthera pardus, gấu chó Helarctos malayanus, lợn rừng Sus scrofa, heo vòi Tapirus indicus, báo lửa Catapuma temnickiiand và 22 chiếc bẫy. Hoàng Văn Việt [29 tuổi] và Nguyễn Văn Thiết [26 tuổi] đều đã nhận tội sử dụng bẫy trái phép và tàng trữ trái phép các loài động vật được bảo vệ.

Thẩm phán Azman Mustapha nhấn mạnh hai bị cáo sẽ đối mặt thêm 16 năm tù nếu không đóng tiền phạt. Nguồn Tổ chức TRAFFIC: //www.traffic.org/vn/news/malaysia-slaps-highest-ever-fines-vn/

Đổi mạng sống lấy miếng ăn

Chuyện ông C. cứ đủng đỉnh. Vị lãnh đạo UBND xã đi cùng cũng xác nhận, ông C. từng đi tù ở nhiều quốc gia là đúng. 

Ông C. vẫn nhỏ nhẹ kể: "Con nai, có khi nó về gần lán, chúng tôi vác gậy quây bốn bề, dồn nó ra phía suối, hết đường chạy là bị chúng tôi giết thịt. Con trăn đất, nó hiền lắm, cứ coi như thịt tích trữ, thích là mổ. Chúng tôi vào rừng chỉ mang nồi và gạo, muối, và thịt thà thì đã có… thú hoang".

Dân tôi chủ yếu đi tìm trầm, chứ không giỏi bẫy thú như làng ngoài kia [ý nói một làng cũng xuất ngoại nhiều để tìm lâm thổ sản ở huyện Bố Trạch, cùng tỉnh Quảng Bình].

Đủ các loại hiểm họa, họ gánh chịu tất. Có ông ở xã Võ Ninh này, bị gấu tát máu me be bét, may mà anh em trong nhóm cứu được. 

Ám ảnh nhất là chuyện hai anh bị cây đổ, đá đè chết ở nước ngoài, khi cắt cây già để ánh sáng lọt vào tán rừng nguyên sinh, để trông tỏ các gốc gió bầu [cây có trầm] mà soi [tìm] "báu vật của trời đất" ["vựa trầm"].

Ở Quảng Bình, đã có người bị bắn chết do xâm phạm rừng của các nước vùng Đông Nam Á. Như các phu trầm tử nạn người xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình mà chúng tôi sẽ kể ở bài sau.

Ông C. không thể nào quên những lần bị cướp ập vào lán: "Hôm ấy, ở rừng già bên Thái Lan, cướp bất ngờ xuất hiện, nai nịt gọn gang, vũ khí đầy mình. Họ quây kín, bắn chỉ thiên vài phát rồi ra hiệu bắt chúng tôi giơ tay lên trời. Chúng trói tất cả mọi người ở bờ suối, lục soát lều trại, tư trang, ví tiền, quần dài áo cộc, lấy đi hết mọi thứ. Chỉ để mỗi người bộ quần áo mà tìm đường về quê mẹ".

Các vụ việc phu trầm bị bắn chết, bị cướp dùng gậy đập rồi thả xuống hố lấp đất [như các nạn nhân ở Quảng Trạch, Quảng Bình] bị giết, không phải là hiếm.

Xuyên quốc gia, tìm lâm thổ sản về chế tác và bán, một cái nghề đầy hiểm họa mà nhiều người dân thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã làm. Ảnh chụp tháng 11/2021: Dân Việt

Nguyễn Văn O. [xã Võ Ninh, Quảng Bình], một phu trầm từng bị tù 5 tháng ở Malaysia kể về hành trình vật vạ ngủ ngồi, 50 người bị "nhốt" trong một căn nhà chờ đầu nậu đánh xe đến đón, thả vào rừng, với cây dao cây dựa đi tìm trầm. 

Thế rồi cảnh sát sở tại ập đến, O. vào tù. Mãn hạn tù, bà mẹ nghèo vay mượn được 500 đô la [hơn 10 triệu đồng] mua vé máy bay cho vị "khách du lịch" đặc biệt trong rừng có cây gió bầu hồi hương.

Lúc cao điểm, theo một thống kê chính thức, chỉ trong 2 năm, thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, có tới 16 phu trầm tử nạn xứ người. Có thôn, đầu năm 2 người bị đá đè, hổ tát, gấu vồ - chết; tháng 8 cùng năm đó, lại thêm 2 người bị bắn chết ở Thái Lan do vi phạm.

Các cái tên như Bùi Văn Q [SN 1976]; Ngyễn Văn Tr [SN 1982]… lần lượt thêm vào danh sách tử nạn do ngậm ngải tìm trầm. Bà Phạm Thị Ch. có cả chồng và con rể từng bị tù ở Thái Lan. Nhưng các thân nhân của bà Ch. còn may mắn hơn hai phu trầm hôm đó đã ù té chạy và bị bắn chết…

Đó, quả là hồi chương thống thiết nguyện hồn những con người xấu số đổi mạng để mưu sinh.

Ông H., hơn 70 tuổi, một trong những người đầu tiên của làng trầm nổi tiếng Trúc Ly [Quảng Bình] kể: ông đi trực tiếp khai thác trầm hương khắp Việt Nam từ 40 năm trước. Gần đây ông chuyển sang buôn bán, sản xuất hương trầm tại gia. Bà con bây giờ đi Malaysia, Brunei và nhiều quốc gia để tìm trầm và lâm thổ sản. Họ đi bằng hộ chiếu du lịch.

Trầm tự nhiên mang về làm các sản phẩm mỹ nghệ, điêu khắc, hương nhang, trầm đốt, bán khắp cả nước. Người ta thích mua trầm của làng, vì nó là hàng tự nhiên, không tẩm hóa chất, khi ngửi gây nhức đầu như một số vùng vẫn làm "hàng rởm". Lúc đi kiếm trầm, gặp con hổ, con gấu, họ giết, nấu cao rồi chuyển về nước.

Loại trầm quý, thậm chí giá từ 3 đến 7 tỷ đồng/kg. Tôi lấy hàng mỗi lần cả một, hai tỷ đồng. Hiện nay [cuối năm 2021], có nhiều người làng này vẫn "tắc" ở nước ngoài vì dịch, chưa thể về nước. Dù đi khắp các nước tìm trầm, song, vẫn thừa nhận là do khí hậu đặc trưng, do nhiều yếu tố, trầm ở Việt Nam là tốt nhất trong toàn bộ khu vực. Và đi tìm trầm ở Việt Nam là an toàn nhất. Nhưng khai thác mãi nó cũng hết, nên phải ra nước ngoài thôi.

Có dịp cao điểm, qua Tết là cả "nửa" thanh niên của làng này… xuất ngoại tìm trầm. Bắn được con gấu, cắt 4 cái tay chân, bóc túi mật. Phơi khô tất tật rồi chuyển về Việt Nam. Cũng nhiều người vào các khu rừng quý, rừng bảo tồn, phát triển du lịch của người ta để đốn cây tìm thứ "hội tụ linh khí của trời đất" trong các… thân cây giữa rừng. Và bị bắn chết.

Đón đọc Bài 2: Bát cơm cạnh bát máu!

Video liên quan

Chủ Đề