Sáng kiến trong quản lý, chỉ đạo, điều hành

Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành đối với lãnh đạo đơn vị hai cấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong lĩnh vực công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án, kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát cấp huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

BÁO CÁO MÔ TẢ SÁNG KIẾN

1. Tên sáng kiến: "Một số giải pháp tiếp tục đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành tại đơn vị và kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát cấp huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên ".
2. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến:  Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành đối với lãnh đạo đơn vị hai cấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong lĩnh vực công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án, kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát cấp huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
3. Mô tả bản chất của sáng kiến:
3.1. Tình trạng giải pháp đã biết:           - Sự cần thiết việc đề xuất giải pháp mới:  Đối với đơn vị Phòng 8, sau một năm sát nhập phòng theo Quyết định số 16/QĐ-VKSTC ngày 31/01/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc sáp nhập đơn vị cấp phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên, với chức năng, nhiệm vụ mới của phòng cần tiếp tục có những giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành tại đơn vị, đặc biệt là có phương pháp quản lý, chỉ đạo điều hành hợp lý hơn, nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính và thực hiện các nhiệm vụ khác của ngành.Với yêu cầu về công việc ngày càng đòi hỏi tăng về cả số lượng và chất lượng. Kinh nghiệm trong công tác của một số cán bộ, Kiểm sát viên còn chưa nhiều, các đồng chí thuộc phòng 8 cũ trước khi sát nhập chưa có kinh nghiệm trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, các đồng chí thuộc phòng 11 cũ trước khi sát nhập chưa có kinh nghiệm trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Do đó đòi hỏi Lãnh đạo đơn vị phải đưa ra những giải pháp đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm bảo đảm thực hiện tốt yêu cầu trong tình hình mới.  Đối với VKSND cấp huyện: Có đơn vị còn chưa chú trọng khâu công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính; nhiều cán bộ làm công tác này còn chưa có kinh nghiệm, chưa kịp thời cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới… dẫn đến khâu công tác này tại các đơn vị VKS huyện có lúc còn đạt hiệu quả chưa cao. Do đó, cần thiết phải có những giải pháp đổi mới trong việc hướng dẫn đối với VKS cấp huyện trong khâu công tác này.           - Thực trạng trước khi xây dựng chuyên đề đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cấp huyện:   Trong một số hoạt động nghiệp vụ, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành còn thể hiện việc Lãnh đạo chỉ đạo, nhân viên thực hiện. Một số cán bộ, Kiểm sát viên chưa chủ động tham mưu Lãnh đạo phòng khi thực hiện nghiệp vụ kiểm sát, chưa phát huy nhiều sự sáng tạo trong công việc.Việc học tập, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ công tác chuyên môn chưa toàn diện, tích cực, một số đồng chí năng lực công tác không chuyên sâu, khi thực hiện nhiệm vụ nghiệp vụ công tác kinh nghiệm và kiến thức vận dụng pháp luật chưa đồng đều. Đơn vị đã ban hành các văn bản chỉ đạo nghiệp vụ, sao gửi văn bản hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao còn ít, một số đơn vị chưa phát hiện nhiều vi phạm trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án.

3.2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến:

- Mục đích của giải pháp:  Nhằm nâng cao khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành đơn vị về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, hướng dẫn nghiệp vụ cấp huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên. - Nội dung giải pháp:  Một số giải pháp đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tại đơn vị và hướng dẫn nghiệp vụ cấp huyện đã được thực hiện trong năm 2021 là:

 Một là, triển khai thực hiện phiếu giao việc hàng tháng đến các đồng chí Phó trưởng phòng và Kiểm sát viên trong đơn vị. Từ ngày 01 đến ngày 07 hàng tháng, sau khi xây dựng xong kế hoạch công tác tháng, Trưởng phòng căn cứ vào kế hoạch công tác tháng để phân công công việc cụ thể bằng văn bản (Phiếu giao việc) cho từng Kiểm sát viên trong đơn vị, trong đó giao thời hạn phải hoàn thành công việc, công việc cụ thể. Hiệu quả của cách làm trên vừa để giao cụ thể trách nhiệm của từng Kiểm sát viên trong mỗi khâu công tác, vừa nâng cao trách nhiệm của Kiểm sát viên thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và đúng thời hạn.


Hai là, tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại đơn vị để Kiểm sát viên tìm hiểu sâu hơn về một khâu công tác. Trong năm, phòng đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề với nhiều nội dung phong phú, phù hợp, giải quyết cả những khó khăn, vướng mắc, nhận thức khác nhau về pháp luật, mang lại hiệu quả cao như chuyên đề: “Một số kỹ năng kiểm sát hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân”; trưởng phòng ra đề thi đối với phạm nhân được trại giam đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, trong thời gian một buổi sáng làm bài thi, nộp bài, chấm thi ngay. Sau đó đơn vị tổ chức sinh hoạt, trao đổi, học tập chuyên đề, các Kiểm sát viên nhận thức sâu hơn về công tác nghiên cứu, áp dụng pháp luật, vận dụng trong xét giảm án một cách sâu sắc hơn. Hiệu quả qua việc sinh hoạt   chuyên đề tại đơn vị tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm cho cán bộ, Kiểm sát viên trong những buổi nghiên cứu hồ sơ xét đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù nhanh hơn, khoa học hơn, chính xác hơn khi phát hiện những trường hợp không đủ điều kiện xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và hiệu quả qua những buổi sinh hoạt chuyên đề khác.

Ba là, định kỳ tổng hợp các dạng vi phạm của các đơn vị được kiểm sát trên toàn tỉnh Điện Biên gửi Viện kiểm sát các huyện tham khảo, hướng dẫn nhận diện các dạng vi phạm cụ thể: Hướng dẫn nhận diện một số vi phạm trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự tại các cơ sở giam giữ; Hướng dẫn nhận diện một số dạng vi phạm trong hoạt động thi hành án dân sự 6 tháng đầu và 6 tháng cuối năm 2021. Hiệu quả của cách làm này giúp cho Kiểm sát viên nhận biết được vi phạm của đơn vị bạn, để nhận diện được vi phạm của đơn vị mình là vi phạm gì, theo quy định nào, để có biện pháp tác động phù hợp trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án.


3.3. Khả năng và phạm vi áp dụng của giải pháp           Áp dụng trong lĩnh vực công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án, đối với lãnh đạo đơn vị hai cấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên và hướng dẫn nghiệp vụ cấp huyện trong lĩnh vực công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, hành chính, nhằm nâng cao nhận thức, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành có chất lượng mang lại hiệu quả cao, vượt nhiều chỉ tiêu của ngành đề ra, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án trên địa bàn tỉnh Điện Biên cụ thể: Đối với công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự: Phòng 8 đã ban hành 04 kiến nghị (vượt chỉ tiêu 03 kiến nghị); Đối với công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính: Phòng 8 đã ban hành 03 kiến nghị, (vượt chỉ tiêu 02 kiến nghị), 100% các kiến nghị được chấp nhận. Đối với cấp huyện trong công tác tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, hành chính đạt và vượt nhiều chỉ tiêu của ngành. Công tác này đã được các đơn vị chú trọng và quan tâm hơn so với trước đây. Qua các thông báo rút kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ của Phòng 8 về công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án. Chất lượng cơ bản công tác này được nâng lên rõ rệt, các bản kiến nghị tăng hơn, viện dẫn căn cứ và vi phạm phát hiện chính xác. Cụ thể 9 tháng các đơn vị cấp huyện ban hành kiến nghị công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự: VKSND huyện Nậm Pồ 10 kiến nghị, Huyện Điện Biên 9, Điện Biên Đông và Mường Chà mỗi đơn vị 7, Mường Ảng 6, thành phố Điện Biên Phủ 5, Mường Lay 5, Mường Nhé 4, Tuần Giáo 2, Tủa Chùa 1. Kiến nghị trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính: Phòng 8 thực hiện 3, VKSND huyện Điện Biên và Mường Ảng, Mường Chà mỗi đơn vị 2, các huyện còn lại mỗi đơn vị 1.

3.4.Các thông tin cần được bảo mật: không


3.5.Tài liệu kèm theo: Các phiếu giao việc, chuyên đề học tập tại đơn vị, báo cáo học tập chuyên đề tại đơn vị, hướng dẫn nhận diện một số vi phạm trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam tại các cơ sở giam giữ; Hướng dẫn nhận diện một số dạng vi phạm trong hoạt động thi hành án dân sự 6 tháng đầu và 6 tháng cuối năm 2021…
4. Cam kết không sao chép hoặc vi phạm bản quyền: Các giải pháp nêu trong chuyên đề là do tôi tự nghiên cứu và đưa vào áp dụng tại đơn vị và kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cấp huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Các nội dung nêu trong chuyên đề là do tôi tự viết, không sao chép dưới bất cứ hình thức nào.
         

                                                           Điện Biên, ngày 06 tháng 10 năm 2021
                                                                       Tác giả sáng kiến        

                                                                                                         Phạm Thu Hằng