Phong tục hôn nhân cơ sở văn hóa việt nam

Theo chúng tôi, văn hóa hôn lễ cũng là một trong những hiện tượng văn hóa góp phần quan trọng tạo nên diện mạo tổng thể của nền văn hóa dân tộc vừa truyền thống, vừa hiện đại. Do vậy, hiện tượng văn hóa này cũng nằm trong sự vận động và biến đổi theo quy luật chung của tiến trình lịch sử văn hóa dân tộc. Mặt khác, văn hóa hôn lễ còn là một hiện tượng văn hóa – xã hội khá phức tạp, nó mang. Trong mình nhiều hoạt động văn hóa vật chất và tinh thần, để tạo nên diện mạo văn hóa hôn lễ của người Việt, từ truyền thống đến hiện đại, mà chúng ta đang tiếp cận nghiên cứu.

Căn cứ vào tiến trình lịch sử văn hóa và lịch sử dân tộc Việt Nam, chúng tôi tạm thời phân kì tiến trình văn hóa hôn lễ của người Việt thành hai giai đoạn lớn như sau: 1. Văn hóa hôn lễ trong xã hội cổ truyền [hay Văn hóa hôn lễ cổ truyền], từ đầu đến trước năm 1945; 2. Văn hóa hôn lễ trong xã hội mới – hiện đại [hay văn hóa hôn lễ hiện đại], từ sau năm 1945 đến nay.

1.Văn hóa hôn lễ trong xã hội cổ truyền

Theo các nguồn sử liệu của văn hóa dân gian [hay dân tục học] và dân tộc học, cùng các thư tịch cổ thì người Việt đã có tục hôn nhân một vợ một chồng khá là văn minh cách ngày nay khoảng 2500 – 2700 năm, theo chế độ phụ hệ, Tương truyền từ thời Hùng Vương thứ 18, khi nhà vua muốn gả công chúa Ngọc Hoa cho một người hiền tài, nên đã tổ chức một cuộc kén rể rất trọng thể. Và sau đó chàng Sơn Tinh [Tản Viên] đã được vua Hùng chọn làm phò mã, rồi cho tổ chức hôn lễ, với lễ rước dâu là công chúa Ngọc Hoa từ thành Văn Lang về núi Tản Viên rất linh đình [1]. Tuy nhiên, đó chỉ là những tư liệu lưu truyền trong dân gian mạng đậm dấu ấn của truyền thuyết, và được người đời sau hồi suy lại rồi thêu dệt thành thần tích và trò diễn trong lễ hội của một số làng xã trong khu vực đền Hùng [Phú Thọ]. Mặt khác, căn cứ theo nguồn thư tịch cổ của Trung Quốc viết về phong tục và lễ hội của người Việt cổ như sách Hán thư chép rằng: Người Lạc Việt đến mùa thu, tháng 8 thì mở hội, trai gái trao duyên bằng lòng nhau thì lấy nhau… [2]; và có thể việc hôn nhân khi ấy của người Việt cổ còn rất đơn giản, hồn nhiên, chưa thể có nhiều lễ thức phức tạp như kiểu nho giáo sau này.

Như vậy, phong tục về việc hôn nhân và gia đình ở thời Hùng Vương vẫn còn là một ẩn số chưa có lời giải thỏa đáng [?], Tuy nhiên, người ta có thể căn cứ vào nguồn tư liệu văn hóa dân gian về “triết lí trầu cau” qua câu truyện cổ “Trầu cau” vốn được lưu truyền trong dân gian từ ngàn xưa, được Vũ Quỳnh và Kiều Phú chép lại trong sách Lĩnh Nam chính quái [3], để tìm hiểu về tình yêu, hôn nhân, tình huyết nhục trong cộng đồng xã hội Văn Lang thời cổ đại. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà người Việt ta lấy Trầu cau làm lễ vật quan trọng số một không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi từ ngàn xưa đến nay.

Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, người Việt chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của văn hóa Nho giáo Trung Quốc, cùng với những tập tục chính trong quan hệ xã hội như: hôn, tang, tế, nhưng không hoàn toàn làm theo người Trung Quốc, mà tổ tiên cha ông chúng ta đã cải biến những tập tục này của người Hán thành những tục lệ của người Việt để phù hợp với văn hóa và phong tục truyền thống của nước ta. Vì hôn nhân là một việc rất quan trọng trong cuộc sống của con người, nên việc hai người con trai và con gái lấy nhau không phải là một việc làm nhất thời và tùy tiện được, vì họ sẽ phải sống cùng nhau đến hết cuộc đời. Họ có được hạnh phúc hay khổ đau về sau đều bắt nguồn từ việc lựa chọn đầu tiên này. Do vậy, mà người xưa đã đặt ra các nghi lễ trong hôn nhân để ràng buộc họ với nhau về tinh thần cũng như luật tục, hay luật pháp sau này, để cho họ thấy rõ tính chất thiêng liêng cao cả của việc hôn nhân, rồi từ đó họ tự thấy phải sống có trách nhiệm và làm tròn bổn phận với nhau, là tấm gương sáng cho con cháu đời sau của họ noi theo.

Người Việt Nam ta, từ trước đến nay vẫn rất coi trọng việc hôn nhân, vì đó là một sự kiện đặt biệt quan trọng trong đời sống gia đình và cộng đồng xã hội. Tuy nhiên những nghi lễ trong hôn nhân của người Việt có từ bao giờ?, bắt nguồn từ đâu [?], thì vẫn chưa có câu trả lời một cách thỏa đáng.

Như đã trình bày ở trên, người Việt Cổ xưa dưới thời Hùng Vương đã có những tục lệ và nghi lễ riêng trong việc hôn nhân, tang ma, thờ cúng tổ tiên và các vị thần thánh siêu nhiên khác. Những tập tục và nghi lễ này đều có nguồn gốc từ các tín ngưỡng nguyên thủy bộ lạc, và sau đó hình thành nên hệ thống tín ngưỡng dân gian bản địa, thờ đa thần của người Việt cổ. Đến thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc, các chế đế phong kiến Trung Quốc đã thực hiện âm mưu thâm độc nhằm đồng hóa văn hóa nước ta theo kiểu văn hóa Nho giáo của người Hán. Chúng đã đem các tập tục và tín ngưỡng truyền thống của mình, nên đã chấp nhận làm theo, nhưng không máy móc và dập khuôn hoàn toàn, mà ông cha ta đã sử dụng các tập tục và nghi lễ của người Hán một cách sáng tạo, rồi biến đổi một cách uyển chuyển sao cho phù hợp với tâm lí và tình cảm của người Việt hơn.

Đến thời kỳ quốc gia phong kiến Đại Việt, các triều đại Đinh, Lê, Lý, – Trần đều cố gắng chỉnh đốn phong tục lễ nghi theo xu hướng tiến bộ nhằm cũng cố và xây dựng nền văn hóa dân tộc vững mạnh toàn diện. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào các tờ liệu đã công bố thì từ thời Hậu Lê về trước, phần lớn các nghi lễ trong quan, hôn, tang, tế của gười Việt Nam ta điều dựa theo sách Chu Lễ của Trung Quốc, được các nhà Nho người Việt đem áp dụng vào đời sống văn hóa phong tục ở nước ta một cách sáng tạo như đã nêu trên. Trong quá trình xây dựng nền văn hóa dân tộc, các nhà nho hiền tài và yêu nước của ta vẫn không ngừng cố gắng, tiếp tục duy trì và bồi đắp thêm bản lĩnh và bản sắc văn hóa dân tộc lên những tầm cao mới, bằng việc tiếp thu có chọn lựa những tinh hao văn hóa nhân loại, trong đó có văn hóa Nho giáo của cả kẻ thù xâm lược, đồng thời họ biết loại bỏ những yếu tố lạc hậu và cổ hủ của mình, mà xây dựng nên nền văn hóa nước nhà ngày một thêm rực rỡ ngang tầm với thời đại.

Đến đời Hậu Lê, nhà nước phong kiến lấy Nho giáo làm quốc đạo. Theo quan điểm Nho giáo, hôn nhân là bước khởi đầu của hạnh phúc lứa đôi, nhằm xây dựng nên các gia đình hạt nhân [gồm: vợ chồng và con cái] là những “tế bào” của một xã hội văn minh. Cũng theo quan điểm của các nhà Nho khi gia đình yên ổn, người chồng hay người cha [là người chủ gia đình] mới có thể tề gia, rồi mới có thể thăng tiến trong việc trị quốc, bình thiên hạ được. Khi đó người phụ nữ đóng vai trò là người vợ hiền thục, đảm đang việc nhà, nuôi dạy con cái nên người, giúp cho người chồng có thể yên tâm lo việc nước. Đó chính là mô hình gia đình mẫu mực theo kiểu Nho giáo. Tuy nhiên việc cưới xin trong xã hội phong kiến thời Hậu Lê, nhất là ở các làng xã nông thôn vẫn còn duy trì nhiều yếu tố lạc hậu như những hủ tục mua bán, tráo trở trong việc cưới hỏi vẫn còn là một vấn nạn hoành hành trong xã hội, làm tổn hại đến thuần phong mĩ tục ở các làng xã nông thôn ở nước ta.

Để điều hành và cai quản đất nước có kỉ cương thống nhất, ở thời vua Lê Thánh Tông [1470 – 1497], nhà nước phong kiến đã ban hành bộ luật Hồng Đức. Trong quá trình phổ cập hệ thống lễ giáo phong kiến theo kiểu Nho giáo, triều đình nhà Lê cũng đã chú trọng đến việc chỉnh đốn công việc cưới xin, bằng cách thể chế hóa những qui định về cưới hỏi được ghi trong luật Hồng Đức, cùng các lệnh chỉ, bổ sung hướng dẫn thêm khi thực hiện tại các làng xã ở nông thôn nước ta.

Theo các điều khoản của bộ luật này, thì thủ tục cưới xin. Đặc biệt việc cưới hỏi ở thời Hồng Đức qui định phải tiến hành theo 3 nghi lễ sau:

– Một là Lễ định thân hay còn gọi là Lễ vấn danh. Vào ngày hôm đó, nhà trai sắm sửa lễ vật cáo với tổ tiên tại nhà thờ họ; nếu không có nhà thờ họ thì tổ chức cúng lễ ở nhà hương hỏa [nhà người thờ tự ông bà Tổ Tiên]. Sau đó nhà trai mang lễ vật đến chạm ngõ nhà gái dọn cổ rượu ra thết đãi nhà trai và nhân đó nhà trai vấn danh cô dâu tương lai, tế nhị tìm hiểu thêm về gia cảnh cùng họ hàng nhà gái.

– Hai là Lễ ăn hỏi, hay còn gọi là Lễ dẫn cưới. Vào ngày hôm đó nhà trai nhờ người làm mối dẫn đoàn nhà gái. Người làm mối thay mặt nhà trai xin ý kiến nhà gái ấn định ngày đón dâu, làm lễ thân nghinh. Rồi người mối cùng chủ hôn nhà trai tham gia bàn bạc việc hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nhà để tiến hành các thủ tục tiếp theo của lễ thành hôn.

– Ba là Lễ thân nghinh còn gọi là Lễ thành hôn, mà trong đó có một nghi lễ rất quan trọng không thể thiếu là lễ đón rước dâu. Vào ngày hôm ấy, ông chủ nhà trai làm lễ cáo yết gia tiên và cử người đi đón dâu. Đoàn đón dâu của nhà trai có chú rể cùng đi đến nhà gái, được nhà gái tiếp đón niềm nở. Chủ nhà gái cử hành lễ cáo trình với tổ tiên về việc con gái đã có người đến ăn hỏi. Lễ bái gia tiên xong, người mẹ chỉ đưa tiển người con gái ra tới cửa nhà. Sau đó đoàn rước dâu nhà trai đưa cô dâu theo sau chú rể về nhà chồng. Khi đoàn rước dâu về đến nơi, chủ nhà trai ra đón cô dâu vào để làm lễ thành hôn trước bàn thờ gia tiên, nhận lời chúc mừng của hai họ cùng bạn hữu. Đến tối chủ hôn nhà trai làm lễ tế tơ hồng, cầu cho đôi vợ trẻ hạnh phúc bền lâu.

Vào sáng sớm ngày hôm sau, cô con dâu đến chào bố mẹ chồng. Sang ngày thứ ba bố mẹ chồng đưa con dâu đến làm lễ trình diện tại nhà thờ tổ tiên của dòng họ bên nội [nhà chồng]. Còn người con rể phải sửa soạn lễ vật cùng vợ đến nhà bố mẹ vợ làm lễ lại mặt vào ngày thứ tư sau ngày cưới.

Trong luật Hồng Đức còn có các điều khoản quy định cấm việc hôn nhân phi loại [loạn luân] như: Người cùng họ trong vòng năm bậc tang phục và cùng là con cô, con cậu, đôi con dì còn bị cấm lấy nhau. Nhưng cháu cậu lấy cháu cô thì không cấm. Trong các trường hợp kể vô loại cố tình lấy cô, dì, chị em gái, kế nữ [con gái riêng của vợ] cùng những người họ hàng thân thích đều bị xử tội loạn luân. Ngoài ra, luật pháp còn cấm cưới vợ, gả chồng khi người đó đang có tang ông bà, cha mẹ hay tang chồng. Tuy nhiên, nếu ông bà, cha mẹ mới chết trong vòng một ngày thì được phép cưới chạy tang. Trong trường hợp người chết đã hai, ba ngày thì không được cưới nữa phải chờ ba năm sau đoạn tang thì mới được phép làm đám cưới. [4]

Như vậy, có thể coi các điều khoản quy định về việc cưới hỏi trong luật Hồng Đức là văn bản pháp lí đầu tiên của nhà Hậu Lê đã ban hành để dân chúng cả nước thực hiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các qui định này chỉ được tầng lớp quan lại và quí tộc phong kiến đón nhận thực hiện ở chốn kinh kì mà thôi; còn nhân dân lao động chưa thể tiếp cận đến các văn bản pháp luật của nhà nước một cách dể dàng được. Do đó, một số vị nho sĩ có lòng yêu nước thương dân, đã dày công khảo cứu các qui định trong văn bản pháp luật của nhà nước phong kiến và tham khảo phong tục cưới xin của người Hán để viết thành một cuốn sách hướng dẫn dân chúng thực hiện được dễ dàng hơn, theo phương thức dân gian hóa và phong tục hóa, rồi lâu dần các “quy định” này trở thành một thứ luật tục bất thành văn về hôn nhân, rồi được các nhà Nho bình dân tiếp tục lưu truyền ở khắp các làng xã Việt Nam thời phong kiến.

Theo xu hướng tiến bộ đó, ông Hồ Sĩ Dương, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đỗ tiến sĩ năm 1652, niên hiệu Khánh Đức năm thứ tư, làm quan đến chức Thượng thư bộ Hình, tước Duệ Quận công dưới triều vua Lê Thần Tông và chúa Tây Đô vương Trịnh Tạc, niên hiệu Thịnh Đức] đã tham khảo một số sách lễ của Trung Quốc như Chu lễ, Nghi lễ, Lễ kí do Chu Công soạn cùng các quy định về hôn nhân trong luật Hồng Đức; đồng thời ông còn cố gắng tìm kĩ lưỡng các tập tục và tín ngưỡng tốt đẹp của người Việt còn đang lưu truyền trong nhân gian, để biên soạn ra cuốn: Hồ Thượng thư gia lễ, trong đó có các qui định về thượng thư nghi lễ trong quan, hôn, tang, tế, để dùng cho người Việt từ Bắc sông Gianh trở ra. Tuy vậy, khi đó cuốn sách này chỉ được áp dụng phổ biến trong tầng lớp quí tộc phong kiến mà thôi.

Đến đời con cháu của Hồ Sĩ Dương tiên sinh Thọ Mai Hồ Sĩ Tân, đỗ tiến sĩ năm 1721, niên hiệu Bảo Thái năm thứ hai, triều vua Lê Dụ Tông và chúa An Đô vương Trịnh Cương, tiếp tục hoàn chỉnh cuốn sách này gọi là sách Thọ mai gia lễ. Trong sách Thọ mai gia lễ, Thọ Mai tiên sinh có ghi chép khá đầy đủ các tập tục, các nghi lễ và các việc phải làm, cùng các quy định chung về quan, hôn, tang, tế cho mọi tầng lớp nhân dân thi hành. Đặc biệt là các nghi lễ về hôn nhân được ông biên soạn tuy đơn giản, nhưng lại có ý nghĩa sâu rộng và rất phù hợp với lối sống, tình cảm và tâm lý của người dân đất Việt, mặc dù trong đó ông còn sử dụng nhiều danh xưng và thuật ngữ của người Trung Quốc, nhưng đã được Việt hóa cơ bản về nội dung của các nghi lễ trong hôn nhân để dùng chung cho người Việt khá là thuận tiện. Trong mục “Nghi lễ hôn nhân” thì việc cưới hỏi phải trãi qua 6 nghi lễ, và theo Thọ mai tiên sinh, đó là 6 nghi lễ chủ yếu, mà một người con trai muốn lấy vợ, cho dù là con vua hay con thường dân cũng đều phải làm theo. Ông cho rằng, việc bắt buột nhà trai phải qua 6 lễ, cũng nhằm mục đích chỉ cho người con trai thấy việc lấy vợ là một việc rất hệ trọng không thể coi thường, và kể từ đó vợ chồng về chung sống với nhau, thì họ sẽ kính trọng nhau hơn, rồi gắng bó mật thiết với nhau, cùng chia sẻ mọi trách nhiệm và nghĩa vụ, cũng như mọi quyền lợi trong đời sống của một tổ ấm gia đình, được xã hội thừa nhận. Điều này, khác hẳn với quan niệm xưa kia của người Trung Hoa, đó là nếu nhà trai và người con trai không theo đúng 6 nghi lễ đã qui định trong hôn nhân phải có, thì người con gái trinh tiết sẽ không về nhà chồng, bởi vậy mới có câu rằng: “Lục lễ bất bị, trinh nữ bất xuất”. [5]

Về sau, đến thời nhà Nguyễn cai trị đất nước, cũng ban hành bộ luật Gia Long có tham khảo Bộ luật Hồng Đức của nhà Hậu Lê về một số điều khoản liên quan đến hôn nhân và gia đình, để cho dân chúng làm cơ sở pháp lí mà thi hành. Tuy nhiên, dân chúng sống tại các làng xã nông dân làm theo sách Thọ mai gia lễ là chủ yếu.

Như vậy theo sách Thọ mai gia lễ của tiến sĩ Hồ Sĩ Tân và sau này theo sách Việt Nam phong tục của nhà văn hóa, phong tục học Phan Kế Bính, cùng với các cuốn sách khác đã công bố thì trong hôn lễ cổ truyền của người Việt phải có 6 lễ gồm: Nạp thái, Vấn danh, Nạp cát, Thỉnh kì, Nạp tệ, Thân nghinh. Trong đó lễ Nạp thái còn gọi là lễ dạm hỏi hay lễ Chạm ngõ. Sau khi cha mẹ đã chọn được người con gái để cưới cho con trai của mình, thì họ phải mời người làm mối lái sang nhà gái để thuyết phục. Đến khi nhà gái bằng lòng thì nhà trai theo sự hướng dẫn của người mối đem lễ vật thường là cau trầu, trà, rượu đến “dạm” hỏi. Trong lễ ra mắt này, nhà trai còn mời một người làm chủ hôn, vợ chồng phải song toàn, con cháu đông đúc, tính tình vui vẻ, hòa nhã cùng chú rể tương lai đi cùng người mai mối đến nhà gái xin đính ước. Ví như, dưới triều đại nhà Nguyễn, lễ Nạp thái của một phò mã lấy công chúa thường được qui định lễ vật gồm: 1 trâu, 1 heo, 2 vò rượu, 1 mâm cau trầu, 2 cây gấm, 10 cây lụa, 4 nén vàng, 16 nén bạc và hai chuỗi ngọc… [6]

Còn đối với những nhà bình dân thì chưa thấy sách nào ghi chép một cách cụ thể [?]. Tuy nhiên, về hình thức thì vẫn có đủ nghi lễ, song lễ vật cũng còn phải tùy theo hoàn cảnh kinh tế của từng nhà mà thu xếp cho vừa phải, nhưng dù sao cũng không thể thiếu một đĩa cau trầu têm cánh phượng, vì trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca: “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Nhà trai đưa lễ vật đầu tiên này đến nhà gái với ý nghĩa mong được hỏi vợ cho con trai mình ở nơi ấy.

Đến khi làm lễ Vấn danh, họ nhà trai sẽ chọn ngày lành tháng tốt, rồi nhờ người mai mối đem lễ vật đến nhà gái để hỏi ngày sinh tháng đẻ, cùng tên tuổi của người con gái muốn cưới. Lễ vật mang theo thường có trầu cau, trà, rượu và bánh trái, và lễ này cốt để nhà trai hỏi rõ tên, tuổi của người con gái và mẹ đẻ của cô ta để biết rõ thêm về thân thế, cùng sự giáo dục của cô gái.

Xưa kia chỉ các nhà quyền quý thích bày vẽ nên họ làm tách bạch riêng từng nghi lễ theo tuần tự các bước ghi trong sách Thọ mai gia lễ, còn phần lớn dân chúng thì họ gọp chung hai nghi lễ trên làm một, và gọi là lễ Dạm hỏi hay lễ ăn hỏi. Vì vậy, mà lễ Dạm hỏi trong hôn lễ cổ truyền của người Việt vốn là một nghi lễ rất quan trọng. Thường khi tiến hành nghi lễ Ăn hỏi, nhà trai sẽ có một chủ hôn, cùng với cha mẹ chú rể, chú rể và một số bà con họ hàng thân thích, do người mối dẫn sang nhà gái để làm lễ. Lễ vật của nhà trai mang theo gồm có: 2 mâm cau trầu, trà , rượu, 4 – 6 tráp quả bánh phu thuê [su sê], bánh cốm hoặc nem trả…, để nhà gái mình với gia tiên rằng, gia đình đã chấp thuận gả chồng cho con gái rồi. Sau đó hai bên gia đình tiến hành thỏa thuận việc tổ chức lễ cưới chính thức cho đôi trẻ. Sau đó lễ Nạp cát [cát có nghĩa là lành], thì nhà trai nhận tờ giấy hoa tiên ghi tên, tuổi, ngày sinh, tháng đẻ thật của người con gái [tương tự như sơ yếu lí lịch], nhà trai sẽ đem về rồi đến nhờ một ông thầy bói, mà họ tin cẩn để xem có hợp không [?]. Nếu thầy bói được quẻ tốt thì coi như việc hôn nhân của đôi trai gái này đã được định đoạt xong.

Tiếp đến là nạp tệ, thì nhà trai cho người đưa các sính lễ đến cho nhà gái. Đây là lễ hỏi chính thức, nên ngoài các lễ vật như trầu cau, trà, rượu, bánh trái, còn có cả đồ nữ trang cho cô dâu; hoặc phong bao một số tiền mặt.

Sau cùng là lễ Thỉnh kì, nhà trai xin nhà gái ấn định ngày tổ chức đám cưới chính thức. Đây là ngày mà cô gái có quyền lựa chọn, để cho nhà trai đón rước mình về nhà chồng. Vì vậy, cô gái sẽ phải chọn ngày lành tháng tốt, nhưng tránh những ngày nguyệt kì trong tháng để khỏi bị ô uế cho bản thân và cho gia đình.

Mặc dù trong sách Thọ mai gia lễ viết là 3 lễ: Nạp cát, Nạp tệ, Thỉnh kì, nhưng từ trước đến nay, người dân đất Việt vẫn gộp ba lễ lại thành một lễ gồm 3 bước cho tiện. Có nghĩa là ngay sau khi làm lễ ăn hỏi xong, thì nhà trai thường được nhà gái nêu việc “Thách cưới” để cùng nhau bàn bạc và thương lượng các lễ vật, cùng tiền bạc để chi phí cho đám cưới, và việc mua sắm nữ trang cho cô dâu. Vì thế, có người gọi đây là lễ dẫn cưới chăng?

Cuối cùng là lễ thân nghinh, tức lễ cưới chính thức được cử hành trọng thể theo các bước như sau: Lễ xin dâu, lễ đón dâu, lễ đưa dâu, lễ cưới, lễ tơ hồng, lễ hợp cẩn. Đây là một nghi lễ quan trọng nhất của cuộc hôn nhân, họ hàng nhà trai mang lễ vật, quần áo cưới và đồ trang sức đến nhà gái làm lễ trước bàn thờ gia tiên nhà gái để xin rước dâu về nhà chồng, rồi long trọng tổ chức lễ cưới cho đôi trẻ tại nhà trai, trước sự chứng kiến của hai họ và thân bằng, cố hữu, cùng toàn thể dân làng, ngõ xóm.

Ngoài 6 nghi lễ kể trên trong một cuộc hôn lễ cổ truyền, còn có một số nghi lễ hay tục lệ có liên quan trực tiếp đến việc hôn nhân như: lễ lại mặt, tục đi sêu, tục nạp cheo, tục thách cưới, tục tảo hôn, và tục cưới chạy tang. Những cổ tục lạc hậu này đến nay không còn phù hợp nữa, đã bị bãi bỏ hoàn toàn. Chỉ còn lễ lại mặt là có nhiều nhà vẫn làm theo. Lễ lại mặt, còn được người Việt gọi là Nhị hỉ [sau ngày cưới hai hôm, hai vợ chồng xin phép cha mẹ đằng chồng về thăm nhà vợ] được gọi là nhị hỉ; còn nếu hai gia đình ở khá xa nhau [sau cưới bốn ngày mới về thăm nhà vợ] được gọi là tứ hỉ. Cả hai trường hợp vừa nêu đều được gọi là “lễ lại mặc”. Theo phong tục cổ ruyền, khi hai vợ chồng dẫn nhau về thăm nhà vợ phải sữa một mâm cổ gồm có chè xôi để cúng gia tiên nhà vợ, nhằm báo cáo với tổ tiên việc cưới hỏi đã hoàn tất. Đây cũng là một hình thức để con cái dù là con rể thì vẫn phải giữ trọn đạo hiếu đối với ông bà tổ tiên nhà vợ. Mặt khác người con gái sau khi có chồng vẫn phải quay về nhà cha mẹ đẻ làm lễ cúng gia tiên, nhằm tỏ lòng biết ơn của mình đối với tổ tiên, cùng với công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.

Trong thời thuộc Pháp, các đám cưới ở thành thị đã giảm bớt khá nhiều các thủ tục không hợp thời của các nghi lễ cưới xin cổ truyền, người ta chỉ thực hiện các nghi lễ chính như lễ ăn hỏi [theo cách gọi của người phương Tây là lễ đính hôn] và lễ cưới [hay lễ thành hôn] mà thôi. Nhiều nhà giàu có phong tục của người phương Tây, sau đám cưới đôi vợ chồng trẻ dẫn nhau đi hưởng tuần trăng mật ở những nơi danh lam thắng cảnh. Trong những năm đầu của thế kỉ 20, ở Hà Nội và các đô thị lớn, đám cưới khởi đầu dùng xe kéo bằng tay. Một số nhà giàu có thì dùng xe ô tô có kết hoa cưới [có lẽ xe hoa trong đám cưới ở nước ta bắt đầu xuất hiện ở thời kỳ này chăng?].

Theo nhà nghiên cứu Phạm Công Sơn, vào khoản những năm 1910 – 1920, tại Hà Nội có xe hai ngựa kéo, gọi là xe song mã cho đám cưới thuê. Xe song mã được trang trí rất đẹp và sang trọng, di chuyển thong thả. Người ta chỉ dùng 4 xe là đủ và không bao giờ dùng số lương xe lẻ, vì theo phong tục cưới hỏi truyền thống phải dùng số chẵn đôi, với hàm ý cặp đôi, trọn vẹn và câu đối hài hòa. Trang phục chú rể con nhà giàu thường mặc áo gấm hay the có hoa, quần sa trắng thẳng nếp li, khăn xếp nhiễu và đi giày da. Khi ấy cô dâu thì mặc áo mớ ba, nếu sang có cài khuy kín yếm, hở khuy cổ, thắt lưng nhiễu tam giang buộc múi bỏ ra ngoài, cột lẫn với cây xà tích bằng bạc; cô dâu còn mặc quần là, quần lĩnh ba chanh, chân đi dép cong, đầu đội nón thúng quai thao. [7]

Như vậy, phong tục cưới hỏi của người Việt Nam kể từ thời nhà Nguyễn về sau vẫn được tiếp tục duy trì theo mô hình đã nêu trên, trở thành đám cưới mang phong cách cổ truyền dân tộc. đồng thời, hôn lễ của người Việt Nam ở những thập niên đầu thế kỉ 20 đã giao lưu và bị ảnh hưởng của một số yếu tố theo văn hóa hôn lễ của người phương Tây, và được thể hiện rõ nét nhất trong đám cưới của những người giàu có Hà Nội và các thành thị lớn khác trong cả nước như đã nêu ở trên.

2. Văn hóa hôn lễ trong thời đại mới [từ sau 1945 đến nay]

Thời kì lịch sử từ sau năm 1945 đến nay ở nước ta có thể chia ra làm các giai đoạn như sau: 1. Văn hóa hôn lễ trong giai đoạn chiến tranh [1946 – 1975]; và 2. Văn hóa hôn lễ trong giai đoạn từ năm 1976 đến nay.

2.1 Văn hóa hôn lễ trong giai đoạn chiến tranh [1946 – 1975]

Trong giai đoạn chiến tranh chống Pháp [1946 – 1954] thì hôn lễ của dân chúng ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn… vẫn diễn ra một cách bình thường theo phong tục truyền thống và có du nhập thêm một số yếu tố trong văn hóa hôn lễ của phương Tây như đã nói ở phần trên; mặc dù khi đó Hà Nội là Thủ đô của cả nước, song lại nằm trong vùng tạm chiếm, nên ít thay đổi. Còn ở vùng nông thôn nơi bị tạm chiếm ở đồng bằng Bắc Bộ và các địa phương khác trong cả nước, dân chúng có xu hướng giảm tiện bớt những bước không thực sự cần thiết, chỉ thực hiện hai lễ chính là lễ ăn hỏi và lễ chính mà thôi. Việc ăn uống cỗ bàn trong đám cưới cũng được tiến hành đơn giản hơn trước nhiều. Đặc biệt ở những khu giải phóng, do hoàn cảnh chiến tranh, kinh tế còn nghèo nàn, thiếu thốn, nên hôn lễ được tổ chức theo nếp sống mới: đơn giản, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh do các tổ chức đám cưới “tập thể” cho vài đôi trong cùng một buổi hôn lễ chung. Sau phần lễ cưới chung thì đến phần liên hoan văn nghệ và bữa tiệc ngọt rất khiêm tốn, nhưng rất vui tươi, sôi nổi và ấm áp tình người, tình đồng chí, đồng bào.

Trong giai đoạn chiến tranh chống Mĩ [1954 – 1975], nước ta tạm bị chia cắt thành hai miền. Ở miền Nam, người dân vẫn tiến hành tổ chức hôn lễ theo phong tục cổ truyền và có du nhập khá nhiều yếu tố văn hóa ngoại lai trong hôn lễ như trang phục của cô dâu, và chú rể, cũng như người đến dự đều ăn mặc theo kiểu phương Tây [đặc biệt là các đô thị lớn như Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn…]. Kể cả trong việc ăn uống, tiệc tùng trong đám cưới thì người ta sử dụng nhiều đồ ăn thức uống của người phương Tây, cùng với xe hơi sang trọng và váy đầm. Khi đó ở miền Bắc tiến hành xây dựng Chủ nghĩa xã hội, trên lĩnh vực văn hóa cũng có nhiều chuyển biến văn hóa tích cực, đặc biệt là trong đời sống sinh hoạt phong tục xã hội như việc cưới xin cũng đã được tổ chức theo nếp sống mới, tuy cũng đủ các bước chính đó là lễ ăn hỏi theo phong cách mới. Sau khi nhà trai nhà gái đã tổ chức lễ ăn hỏi rồi thì đôi trai gái đi làm thủ tục đăng kí kết hôn tại cơ quan của chính quyền sở tại. Theo luật hôn nhân và gia đình thì trai gái đều từ 18 tuổi trở lên được quyền tự do kết hôn và được pháp luật công nhận.

Trong thời kì chiến tranh chống Mĩ, ở miền Bắc nói chung, và ở Hà Nội nói riêng có khá nhiều đám cưới của thanh niên nam nữ diễn ra rất khẩn trương trươncs khi lên đường làm nhiệm vụ giết hoặc cứu nước. Tuy nhiên những đám cưới mang tính thời chiến như vậy, mặc dù tiến hành rất khẩn trương nhưng phải đúng thủ tục đặc biệt, trong phòng cưới được trang hoàng khá lộng lẫy, trên phông chính diện có trang trí chữ lồng quấn vào nhau [hai chữ cái tên cô dâu và chú rể] rất đẹp, ở chính giữa còn có hình hai con chim bồ câu trắng sát cánh bay bên nhau; ở hai bên có hai dòng chữ: “Chúc mừng hạnh phgucs” và “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. về trang phục của cô dâu và chú rể cũng rất giản dị, thường là những bộ áo mới may và không mấy cầu kì về kiểu cách, màu sắc cũng không quá sặc sỡ. người ta tổ chức đón rước cô dâu cũng đi bộ là chủ yếu, trừ những đám ở xa thì mới có xích lô và xe đạp là những phương tiện chính yếu để đưa đón cô dâu và chú rể. Có thể nói đó là một vài đặc trưng căn bản của mọt đám cưới trong thời kì chiến tranh ở Hà Nội nói riêng và ở miền Bắc nói chung.

Trong bối cảnh đó, tình hình văn hóa hôn lễ ở miền Nam, nhiều gia đình giàu có làm ăn sinh sống tại các đô thị lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế… thì vẫn tiếp tục tổ chức hôn lễ theo phong cách của người phương Tây. Còn phần lớn nhân dân lao động sống trong vùng tạm chiến của Mĩ – Ngụy, thì tiến hành tổ chức hôn lễ theo phong cách cổ truyền dân tộc. Tuy nhiên, người ta cũng có ý thức lựa chọn một số yếu tố của văn hóa hôn lễ hiện đại vào việc cưới xin của gia đình mình khá phù hợp với phong tục truyền thống của người Việt Nam.

2.2. Văn hóa hôn lễ trong giai đoạn từ năm 1976 đến nay

2.2.1 Văn hóa hôn lễ trong giai đoạn 1976 – 1986

Trong giai đoạn [1976 – 1986], văn hóa hôn lễ ở nước ta về cơ bản vẫn giống như ở Hà Nội và ở miền Bắc trong giai đoạn trước. Trong bối cảnh đó, việc cưới hỏi vẫn tiếp tục thực hiện theo phong tục cổ truyền và theo nếp sống mới [như đã nêu ở phần trên], gồm ba bước và các nghi lễ như sau:

Trước tiên là lễ ăn hỏi hay lễ đính hôn, được tiến hành theo phong tục cổ truyền, tổ chức trang nghiêm bên nhà gái. Sau khi đôi trai gái đã tự do tìm hiểu và yêu thương nhau chín mùi thì báo cáo cho cha mẹ đôi bên gia đình biết để chuẩn bị tiến hành làm lễ ăn hỏi chính thức. Hôm đó, nhà trai cử người mang lễ vật gồm trầu cau, trà rượu và bánh trái sang nhà gái làm lễ ăn hỏi. Các lễ vật như trầu cau, trà rượu, bánh trái, kẹo và thuốc lá điều được đặt vào mâm đồng và các quả tráp sơn son thiếp vàng. Theo phong tục truyền thống thì số lượng các mâm quả tráp cũng phải là số chẳn như: 2 mâm trầu, cau cả buồng, 2 quả tráp đựng bánh su sê và bánh cốm, 2 quả tráp đựng rượu, trà, và thuốc lá… Khi đoàn nhà trai đến, nhà gái cử người ra đón và mời đoàn nhà trai vào nhà tiếp kiến. Các mâm, quả lễ vật nhà trai mang sang đều được nhà gái vui vẻ đón nhận, rồi đem bày lần lượt trên bàn thờ cúng gia tiên. Sau các vị đại diện nhà trai và nhà gái đã an tọa, thì chủ hôn nhà gái cử hành lễ cáo trình gia tiên về việc con gái nhà mình có người ăn hỏi và cầu xin tổ tiên phù hộ cho con cháu. Lễ bái gia tiên xong thì đại diện nhà gái mời đoàn nhà trai dự tiệc ngọt, uống rượu trà và ăn bánh kẹo, hút thuốc lá. Trong bầu không khí đầm ấm, vui vẻ bửa tiệc ngọt do nhà gái khoản đãi, thì hai bên gia đình cùng nhau bàn bạc đến ngày tổ chức đám cưới cho đôi trẻ. Nhà trai chủ động nêu việc dẫn cưới đưa sang nhà gái hôm cưới là 3 mâm lễ vật và một món tiền nhỏ để nhà gái chi dùng vào ngày cưới. Khi ấy nhà gái tỏ lòng cảm thông và vui vẻ nhận lời với nhà trai, tiếp theo nhà gái làm thủ tục lại quả cho nhà trai.

Sau lễ ăn hỏi, đôi trai gái đưa nhau ra Ủy ban Nhân dân phường, xã để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Nghi thức đăng kí kết hôn được tổ chức long trọng tại văn phòng Ủy ban Nhân dân xã, phường. Đây là một nghi thức mới đã được thực hiện ở miền Bắc trong giai đoạn trước, khi đó người đại diện chính quyền tiến hành nghi thức trao đăng kí kết hôn cho đôi trai gái và căn dặn những điều liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của đôi vợ chồng trẻ trước gia đình và xã hội. Làm thủ tục đăng kí kết hôn, xong đôi vợ chồng trẻ về viết thiếp mời, gửi đến bạn bè thân quen, mời họ thu xếp thời gian đến dự đám cưới của mình.

Sau một thời gian chuẩn bị, đến ngày cưới, hai bên gia đình họ nhà trai và nhà gái sửa soạn lễ vật để cúng gia tiên. Lễ vật gồm chai rượu trắng, mâm xôi, con gà và đĩa trầu cau. Vì theo phong tục cổ truyền thì vào ngày cưới nhà trai và nhà gái đều phải làm lễ cúng trình báo với gia tiên về việc hôn nhân của con cháu trong nhà cho ông bà tổ tiên biết, để chứng giám rồi phù hộ cho con cháu hạnh phúc bền lâu. Lễ kết hôn hay lễ thành hôn do hai gia đình tự tổ chức theo phong tục cổ truyền dân tộc, gồm nghi lễ đón rước dâu, nhà trai tổ chức sang nhà gái đón dâu và tiến hành thủ tục trước bàn thờ gia tiên nhà gái, sau đó rước dâu về nhà chồng, rồi tiến hành lễ cưới trước bàn thờ gia tiên nhà trai trước sự chứng kiến của hai họ và bạn bè thân hữu. Ngoài ra, còn phần tổ chức nghi thức hôn lễ tại phòng cưới ở khu dân cư và bửa tiệc cưới mừng hạnh phúc cô dâu chú rể. Khi đó, việc tổ chức ăn mừng đám cưới bằng bửa tiệc ngọt là chủ yếu gồm: bánh kẹo, rượu trà và hoa quả… Một số nhân tố văn hóa mới đã thấy xuất hiện trong đám cưới ở Hà Nội và các đô thị lớn khác trong cả nước như về trang phục của cô dâu và chú rể: cô dâu thường mặc áo dài màu hồng, hoặc màu sáng, đi dày cao gót; còn chú rể đã mặc complê, thắt cà vát, đi giày da; các cô phù dâu cũng mặc áo dài, và các cậu phù rể cũng mặc lễ phục như chú rể. Trong phòng cưới người ta đã trang hoàng nhiều màu sắc và hoa lá lộng lẫy hơn xưa. Ngoài ra còn có hệ thống âm thanh, loa đài cátsét, băng nhạc…, có đám cưới còn thuê một ban nhạc sống đến để góp vui cho đám cưới. Trong lễ ăn hỏi, phần lớn các nhà trai ở Hà Nội đã thuê khoảng chục xe xích lô, được trang hoàng lộng lẫy để chở những người mang lễ vật và các vị đại diện cho nhà trai đến nhà gái làm lễ ăn hỏi. Đến khi tổ chức lễ cưới thì nhà trai thuê hẳn một chiếc xe ô tô [xe ca chở khách] hiệu “Hải Âu” khoảng 35 – 40 chỗ ngồi, để đưa đang nhà trai mang lễ vật dẫn cưới sang nhà gái, rồi sau khi cử hành lễ gia tiên ở nhà trai. Sau đó xe ca tiếp tục đưa cô dâu và chú rể cùng hai họ đến phòng cưới để tổ chức thành hôn đã chuẩn bị sẳn sàng từ trước.

2.2.2 Văn hóa hôn lễ từ năm 1986 đến nay.

Đây là thời kì đổi mới, Đảng và nhà nước ta chủ trương xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, chuyển đổi nền kinh tế nước ta sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa nước ta dần thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế, nghèo nàn và lạc hậu; đời sống của cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân lao động không ngừng được cải thiện và nâng cao về mọi mặt. Sau một vài năm tiến hành đổi mới, sản lượng lương thực và thực phẩm của nước ta ngày càng tăng nhanh, đáp ứng được mọi nhu cầu cấp thiết của nhân dân trong nước, dẫn đến đời sống văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân lao động trong xã hội ta ngày càng phồn thịnh. Đó là những nguyên nhân chính thúc đẩy các sinh hoạt văn hóa như: tín ngưỡng, phong tục, lễ hội cổ truyền được mau chóng phục hồi và phát biểu theo xu hướng vừa bảo lưu giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, vừa tiếp thu một cách sáng tạo có chọn lọc các giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại trong thời đại mới hiện nay. Vì vậy, văn hóa hôn lễ của người Việt Nam nói chung cũng phải vận động và biến đổi theo quy luật chung của thời đại. Sau vài năm đổi mới đã xuất hiện một mô hình đám cưới mới ở Hà Nội các đô thị lớn khác trong cả nước, vẫn mang nội dung của phong tục truyền thống, nhưng được tổ chức theo phong cách mới văn minh hiện đại.

Về hình thức, phần lớn đám cưới ở Hà Nội và các đô thị lớn khác được tổ chức long trọng, văn minh lịch sự theo đúng quy chế của pháp luật và phù hợp với phong tục cổ truyền dân tộc. Nhiều gia đình làm ăn khá giả, đã tổ chức đám cưới cho con cái họ tại các nhà hàng hoặc khách sạn sang trọng. Việc rước đón dâu của nhà trai được thực hiện bằng xe ô tô con đời mới, được trang hoàng đèn hoa lộng lẫy theo kiểu phương Tây. Trang phục của cô dâu là váy đầm trắng nhiều tầng, đầu đội vương miệng bằng voan trắng có cài bông hoa, đi giầy cao gót màu kem và đi tất chân, găng tay cũng màu trắng. Chú rể mặc bộ complê màu sang trọng, trong mặc áo cổ cồn trắng và thắt ca vát sẫm màu, đi giầy da đen bóng loáng. Các cô phù dâu thì mặc áo dài màu trang trọng. Hai phù rể cũng mặc complê sẫm màu lịch sự như chú rể.

Tuy nhiên về nội dung của một cuộc hôn lễ, người ta vẫn tổ chức theo 3 bước, gắn liền với 3 nghi thức chính gồm: Lễ ăn hỏi [hay lễ đính hôn], nghi thức làm thủ tục đăng kí kết hôn [tại văn phòng Ủy ban Nhân dân xã, phường], và lễ cưới [hay lễ thành hôn].Trong đó lễ ăn hỏi được tổ chức theo kiểu truyền thống, như lễ vật phải là trầu cau, trà rượu, bánh su sê, bánh cốm, mứt hạt sen, thuốc lá. Các lễ vật này thường được đặt lên mâm [trầu cau, trà rượu] và các quả tráp [bánh trái], sơn son thếp vàng, và số lượng tùy theo, thường là hai mâm trầu cau, trà rượu], và các quả tráp [bánh trái], sơn son thếp vàng, và số lượng tùy theo, thường là 2 mâm cau trầu, rượu, trà, thuốc lá, và 4 quả tráp để bánh su sê, bánh cốm, mứt hạt sen… Nhiều đám hỏi còn có cả thủ lợn quay.

Đến ngày làm lễ ăn hỏi, nhà trai cử một đoàn gồm các vị đại diện và những người thân mang lễ vật sang nhà gái. Nếu ở gần thì nhà trai thuê khoảng chục chiếc xe xích lô du lịch để chở lễ vật sang nhà gái. Nếu ở gần thì nhà trai thuê khoảng chục chiếc xe xích lô du lịch để chở lễ vật và những người nhà trai; còn ở xa thì nhà trai thuê một chiếc xe ô tô loại 24 chỗ ngồi để chở đoàn nhà trai đi ăn hỏi. Khi đến gần nhà gái thì mọi người xuống xe, sắp xếp doội hình: đi đầu là một vị cao niên mặc lễ phục, tay cầm hương; tiếp đến là chàng rể tương lai, mặc complê, tay bưng khay trầu rượu; đi bên cạnh lui về phía sau một chút là hai chàng thanh niên bưng 2 mâm trầu cau; theo sau là các cô gái mặc áo dài tân thời, tay bưng quả tráp lễ vật, họ đi theo hai hàng dọc. Tiếp đến là các vị đại diện nhà trai và bố mẹ chàng trai cũng đi sóng hàng đôi [nếu là vợ chồng], còn không thì những người cùng giới phải đi từng cặp với nhau. Khi đoàn nhà trai đến cổng nhà gái đã có người đứng chờ sẵn ở đó để đón đoàn. Vị đại diện nhà gái vồn vã chào hỏi và mời đoàn nhà trai vào tiếp kiến;đồng thời nhà gái cử người ra đón lễ vật của nhà trai đem sang, rồi đưa lễ vật vào xếp ngay ngắn lên bàn thờ gia tiên, để nhà gái làm thủ tục cúng gia tiên. Khi mọi người có mặt đã an vị, chủ hôn nhà gái thắp đèn, châm hương, rồi cử hành lễ cúng trình báo với tổ tiên về việc con gái đã có nơi ăn hỏi, xin tổ tiên ông bà phù hộ cho cháu gái được hạnh phúc bền lâu. Sau đó chủ hôn nhà gái làm lễ đính hôn cho đôi trai gái trước bàn thờ gia tiên nhà gái, với sự chứng kiến của đại diện của hai họ. Kể từ đây, hai gia đình chính thức là thông gia. Lễ đính hôn vừa xong thì vị đại diện nhà gái mời họ nhà trai dự bữa tiệc ngọt do nhà gái khoản đãi, để cùng bàn tiếp việc cưới xin cho hai trẻ. Bên họ nhà gái sau ít phút bàn bạc đã thống nhất với đề nghị của nhà trai. Kết thúc bữa tiệc ăn hỏi thì nhà gái tiến hành lại quả cho nhà trai một phần lễ vật theo phong tục cổ truyền; còn phần lớn lễ vật do nhà trai mang sang, nhà gái chia ra thành các phần nhỏ gồm: 1 quả cau, 1 lá trầu, 1 chiếc bánh cốm, 1 chiếc bánh su sê, 1 gói mứt sen, một ấm trà, và vài ba điếu thuốc lá; rồi cho vào một chiếc túi màu hồng điều có in chữ “Song hỉ” rất trang nhã, để đem biếu bà con hàng phố, hàng xóm láng giềng và bạn bè cùng cơ quan, nhằm thông báo cho mọi người biết con gái nhà mình đã có nơi, có chốn để họ chia vui và chúc mừng.

Sau lễ ăn hỏi ít ngày, đôi trai gái cùng nhau ra Ủy ban Nhân dân phường, xã làm thủ tục đăng kí kết hôn theo qui định của pháp luật. Khi đó, tại Văn phòng của Ủy ban Nhân dân phường, người đại diện chính quyền trịnh trọng làm nghi thức kết hôn, rồi trao đăng kí kết hôn cho đôi bạn trẻ. Từ giờ phút này trở đi họ chính thức là vợ chồng của nhau.

Đăng kí kết hôn xong, đôi vợ chồng trẻ bắt tay ngay vào việc chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho đám cưới của mình. Việc đầu tiên, họ đi chọn mẫu để in thiếp mời theo số lượng và ngày giờ đã dự kiến của đôi bên gia đình trong lễ ăn hỏi. Thông thường thiếp mời sẽ được gởi đến cho khách khứa và bạn bè trước ngày cưới hàng tuần lễ, để người ta còn thu xếp công việc và thời gian tới dự đông đủ. Sau đó, cô dâu chú rể cùng lo mua sắm quần áo cưới, giường đệm, chăn màn mới tinh… Điều kiện kinh tế bây giờ đã cho phép chú rể may sắm một bộ complê, áo trắng cổ còn, giày da mới; còn cô dâu thì thuê hoặc mua một bộ áo cưới sang trọng theo mốt mới hiện đại để mặc trong ngày cưới. Trước ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ có thể đến ảnh viện để chụp ảnh nghệ thuật [kĩ thuật số]. Việc tiếp theo là thuê nơi tổ chức bữa tiệc cưới. Nếu tổ chức tại gia thì chỉ việc lo thuê nhà bạt, bàn ghế, bát đĩa, cốc chén, đài điện, phông màn… cửa hàng dịch vụ; và lo luôn cả việc đặt cỗ tiệc cưới tại nhà hàng cho tiện. Tại các thành thị lớn thường thuê nhà hàng hay khách sạn. Vào mùa cưới [là 3 tháng cuối năm: 10, 11 và 12 âm lịch], các gia đình có cưới hỏi phải lo đăng kí thuê địa điểm trước vài tuần lễ mới có chỗ mà mình muốn, đúng với ngày giờ tổ chức đám cưới đã được ấn định trước từ lễ ăn hỏi. Vì thế mà chi phí cho đám cưới tại gia cũng rẻ hơn nhiều so với làm đám cưới ở nhà hàng, khách sạn.

Trong những năm gần đây, phần lớn đám cưới của người Hà Nội, hoặc ở những thành phố lớn đều thuê xe con dạng sang để chở cô dâu chú rể và xe 12 chổ hoặc xe 24 chỗ để chở các cô phù dâu, các cậu phù rể và những nam thanh nữ tú làm nhiệm vụ bưng mâm hay ăn hỏi hoặc lễ đón dâu, hay lễ đưa dâu và lễ cưới.

Theo phong tục cổ truyền, đến ngày tổ chức đám cưới thì cả hai gia đình thông gia đều sửa soạn một mâm lễ vật để cúng trình gia tiên, nhằm mục đích trình báo cho ông bà tổ tiên biết về việc đám cưới của con cháu trong nhà. Đến khoảng 8 giờ sáng, nhà trai tiến hành đưa lễ dẫn cưới sang nhà gái, rồi chuẩn bị cho lễ tuyệt cưới lúc 10h30` tại địa điểm đã ghi trong thiếp mời. Đồng thời nhà gái cũng khẩn trương lo cho bửa tiệc cưới bên nhà mình cho thật chu đáo cùng ngày giờ cho bên nhà trai.

Tại nơi ăn cưới của nhà trai hoặc nhà gái, đều được trang hoàng lộng lẫy và sang trọng. Khi khách khứa và bạn bè thân hữu đến dự, thì đại diện của gia đình chào đón niềm nở, rồi được người tiếp tân dẫn khách vào phòng uống trà, hút thuốc, ăn bánh kẹo. Khi đã đủ người ngồi mâm thì chủ hôn hoặc gia chủ mời mọi người vào bàn ổn định chỗ ngồi để buổi tiệc cưới được bắt đầu. Rồi ông chủ hôn trịnh trọng tuyên bố lí do và kính mời quí vị cùng nâng cốc chúc mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ và chúc quý khách vui vẻ, ăn uống ngon miệng.

Từ những điều mà chúng tôi vừa phân tích và lí giải trên đây, đã phần nào chứng minh được tiến trình vận động và biến đổi của văn hóa hôn lễ nói chung và văn hóa ẩm thực trong đám cưới nói riêng của người Việt Nam từ trước tới nay. Có thể coi đây là một phác thảo đầu tiên về bức tranh toàn cảnh của văn hóa hôn lễ ở nước ta từ truyền thống đến hiện đại. Trên cơ sở đó, những nhà quản lí văn hóa xã hội cần có những giải pháp thích hợp để phát huy các giá trị văn hóa của phong tục truyền thống vào đời sống xã hội đương đại, nhằm mục tiêu xây dựng nền văn hóa dân tộc ta vừa truyền thống, vừa hiện đại, lại vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

N.Q.L

Tài liệu tham khảo

[1] Lê Trung Vũ [chủ biên], Lễ hội cổ truyền, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.

[2] Lê Thị Nhâm Tuyết, Nghiên cứu về hội làng cổ truyền của người Việt”, Văn hóa dân gian, Hà Nội, 1986, số 1, tr.3.

[3] Vũ Quỳnh. Kiều Phú, Lĩnh Nam chính quái, nxb. Văn học. Hà Nội, 2001.

[4] Hồng Đức thiện chính thư, do Ts. Nguyễn Sĩ Giác phiên dịch, Nam Hà ấn quán, Sài Gòn, 1959.

– Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3 và tập 4, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972 -1973.

– Một số văn bản pháp luật Việt Nam thế kỉ XV – thế kỉ XVIII, Viện Nhà nước và pháp luật, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 1994.

[5] Trương Đình Tín, Phong tục Việt Nam [quan, hôn, tang, tế], Nxb. Đà Nẵng, 1999, tr. 84 – 8.

Chủ Đề