Phan huyền thư là ai

Phan Huyền Thư là con gái đầu của NSND Thanh Hoa, là nhà báo, nhà thơ, đạo diễn và từng làm giám khảo Sao Mai điểm hẹn 2012.

Phan Huyền Thư là con gái đầu lòng của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa và NSND Thanh Hoa.

Vốn là con nhà nòi, năm 7 tuổi Phan Huyền Thư đã bắt đầu học piano, 8 tuổi học thêm violon và ghi ta. Cô từng tốt nghiệp Học viện âm nhạc quốc gia và hợp tác với rất nhiều nhạc sĩ để viết giao hưởng.

Phan Huyền Thư là ai? Phan Huyền Thư được biết đến với tư cách nhà thơ, đạo diễn

Trước khi theo học ĐH Tổng hợp Văn, Phan Huyền Thư từng có ý định trở thành ca sĩ bằng việc đi hát solo ở các phòng trà, quán bar. Nhưng sau đó, cô chuyển sang viết truyện ngắn, làm thơ. Dù ở lĩnh vực nghệ thuật nào, Phan Huyền Thư đều được đánh giá là con người cá tính, sáng tạo.

Sau một thời gian làm việc ở Tạp chí Thế giới Điện ảnh, Phan Huyền Thư được mời về đầu quân cho Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương với tư cách là một biên kịch. Dần dần, cô được biết đến với tư cách đạo diễn đứng sau những bộ phim tài liệu thành công.

Phan Huyền Thư được đông đảo khán giả cả nước biết đến khi xuất hiện trên sóng truyền hình với tư cách là 1 trong 3 vị giám khảo của Sao Mai điểm hẹn 2012.

Phan Huyền Thư và nghi án đạo thơ

Vào đầu tháng 10/2015, tập thơ Sẹo độc lập của Phan Huyền Thư được đoạt Giải thưởng Văn học 2015 của Hội Nhà văn Hà Nội cho hạng mục Thơ. Tuy nhiên một thời gian ngắn sau khi nhận giải, 2 trong số các tác phẩm của Sẹo độc lập bị tố là đạo thơ.

Sẹo độc lập - Tập thơ đang gây nhiều tranh cãi của Phan Huyền Thư

Tác phẩm Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn được cho là bài thơ phái sinh từ Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển của Du Tử Lê. Trước ý kiến bị nghi đạo thơ, Phan Huyền Thư bình tĩnh trả lời "Nếu tôi đạo thơ của Du Tử Lê, thì người đầu tiên các bạn nên hỏi là chú ấy, chứ sao lại là tôi... Tôi không muốn lên tiếng, hãy để cho độc giả đưa ra nhận xét".

Vài ngày sau đó, một tác giả khác là Phan Ngọc Thường Đoan đã lên tiếng bài thơ Bạch lộ nằm trong tập Sẹo độc lập của Phan Huyền Thư giống với nhiều câu trong bài Buổi sáng của bà sáng tác từ năm 2000.

Trước những ý kiến trái chiều của dư luận về tác phẩm của mình, sáng ngày 20/10, Phan Huyền Thư đã gửi  đơn đến Ban chấp hành Hội  nhà văn Hà Nội với nội dung xin trả lại giải thưởng. Chiều cùng ngày, Hội nhà văn Hà Nội ra quyết định thu hồi giải thưởng trên cơ sở những phát hiện mới nhất về việc nghi đạo một số bài thơ của Phan Huyền Thư.

Mặc dù xin trả lại giải nhưng Phan Huyền Thư vẫn khẳng định với BCH Hội Nhà văn Hà Nội rằng bài Bạch lộ được viết từ  năm 1996 với tên ban đầu là Độc ẩm, rồi gửi cho một số tạp chí ở Mỹ.

Minh Trang [tổng hợp]

Thủ giống thủ, xôi giống xôi

Trên facebook của Hà Quang Minh, một người làm báo viết văn ở TPHCM hôm 18/10 xuất hiện bài viết “Nếu im lặng, tôi là thằng hèn” tố cáo Phan Huyền Thư “đạo thơ trắng trợn”. Căn cứ tố cáo là bài thơ Bạch lộ in trong tập Sẹo độc lập- vừa đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, đạo bài thơ Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan [thường viết tắt PN Thường Đoan], nữ nhà thơ sống tại TPHCM.

Ông Minh cho biết ông lên tiếng không phải vì muốn Sẹo độc lập bị tước giải mà lên tiếng vì muốn hướng đến một nền văn nghệ công chính “có những tác phẩm độc lập thực sự, không trùng lặp, không vay mượn và không ăn cắp”.

Trên đời này “tư tưởng lớn” gặp nhau không phải hiếm nhưng một bài thơ có những câu liên tiếp trùng nhau, “luộc nguyên con” hoặc na ná nhau như trường hợp trên, thì lạ lùng.

Những câu luộc nguyên con, nghĩa là giống từng chữ- bài này có câu này thì bài kia cũng thế, cắt dán của nhau, ví dụ như: “Những gương mặt người. Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh. Buổi sáng muốn gọi anh. Nụ hôn nửa vời. Trái tim không cửa...

Những câu chỉ khác một hai chữ: Quen và không quen/ Quen mà không quen. Em ngồi một mình/Em một mình. Ai hờ hững xéo lên lá cỏ/Bóng ai hờ hững xéo trên lá cỏ. Quàng nỗi nhớ chạy quanh chiếc bàn nhỏ. Bản giao hưởng đêm qua còn phảng phất trên phím dương cầm/Quàng nỗi nhớ lên gối chăn bỏ ngỏ. Bản Blues jazz đêm qua lẩn khuất phím dương cầm... [Vế đầu thuộc bài Buổi sáng, vế sau- Bạch lộ].  Hoặc bài này viết Nắng nói lời mê ngủ [Buổi sáng] thì bài kia chế thành Mây tái mặt thẫn thờ [Bạch lộ].

Về thời điểm ra đời, Buổi sáng của PN Thường Đoan viết năm 2000, đưa vào tập Đếm cát in năm 2003. Phú Quang phổ nhạc thành bài hát Catinat cà phê sáng rồi in đĩa năm 2001. Còn Bạch lộ của Phan Huyền Thư in trong tập Sẹo độc lập năm 2014. Nhạc sĩ Phú Quang cũng xác nhận trên báo như một nhân chứng, sau khi Thường Đoan lên tiếng về thời điểm in thơ của mình cùng hoàn cảnh ra đời của nó.

Mới tuần trước, Phan Huyền Thư bị tố đạo thơ Du Tử Lê, một nhà thơ hải ngoại. Câu thơ Du Tử Lê, cũng là tên bài thơ: Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển. Câu thơ Phan Huyền Thư: Nếu tôi chết hãy đem tôi ra biển [bài Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn, cũng nằm trong tập Sẹo độc lập]. Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, ông Phạm Xuân Nguyên khẳng định trong một bài báo rằng Phan Huyền Thư không đạo thơ ai hết, rằng “biển là của chung mọi người”.

Hai bài thơ giống nhau lạ lùng gây sốt mấy ngày qua.

Dậy sóng

Mấy ngày qua, trước dư luận so sánh câu thơ của mình và Du Tử Lê- giống nhau và đều dùng làm tư tưởng chủ đạo của một bài thơ, Phan Huyền Thư khẳng định không đạo thơ ai mà chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, chị chưa từng đọc bài thơ của Du Tử Lê bao giờ. Nhưng lại hứa từ nay sẽ in nghiêng câu thơ Nếu tôi chết hãy đem tôi ra biển, coi như trích dẫn! Như vậy, tác giả này đã mặc nhiên thừa nhận ý kiến của Lê Thiếu Nhơn, rằng bài thơ của Phan Huyền Thư chỉ là thơ phái sinh, lấy cảm hứng từ câu thơ của người khác để triển khai ý niệm của mình. 

Chủ nhân giải thưởng thơ Hội Nhà văn Hà Nội 2015 lý luận đại ý: Quan trọng là Du Tử Lê có lên tiếng đòi công bằng không, nếu không thì có gì mà ầm ĩ. Người [cứ cho là] mất cắp không kêu ca thì thôi, hà cớ gì kẻ ngoài cuộc lại làm to chuyện? Có thông tin Phan Huyền Thư đã có lời nói khó với Du Tử Lê, mà kể cả không như vậy, chắc gì nhà thơ hải ngoại cao niên muốn sa vào cuộc ồn ào này.

Với vụ Bạch lộ- Buổi sáng, PN Thường Đoan thoạt đầu định giữ im lặng khi nghe cô trần tình và xin im lặng cho cô một thời gian: “Thư khóc nói chưa từng đọc Buổi sáng nhưng có nghe Catinat cà phê sáng của Phú Quang”.

Từ 18/10 Phan Huyền Thư đã đóng cửa facebook của mình nhưng lại lên tiếng ở facebook khác “Các anh đừng nặng lời với em quá. Em chỉ in sau chứ không viết sau ạ”.

Chính điều này khiến Thường Đoan phẫn nộ. Người ta có thể không nghĩ Du Tử Lê đạo thơ Phan Huyền Thư vì bài thơ nổi tiếng của ông làm từ năm 1977. Nhưng còn trong nước với nhau, phụ nữ với nhau, các điều kiện ngoại cảnh khác... Biết đâu đấy. Cho nên chị đã quyết định làm sáng tỏ mọi việc.

Giải thưởng thơ Hội Nhà văn Hà Nội mới chỉ trao chưa đầy một tuần đã dính chùm, vụ sau có vẻ dễ sáng tỏ hơn vụ trước. Dư luận đang thực sự nổi sóng về một vấn đề mà họ cho rằng nhức nhối từ lâu không chỉ trên thi đàn với các “thi tặc” [từ mới] mà cả trong văn xuôi, báo chí, đến lúc cần mổ xẻ tận gốc.

Vụ đạo thơ của Phan Huyền Thư có lẽ là câu chuyện văn nghệ ồn ào nhất trong mấy ngày qua. Chưa qua nổi tai tiếng giống ông Du Tử Lê câu thơ "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển", Phan Huyền Thư lại dính ngay nghi án 'đạo' gần như nguyên vẹn bài thơ 'Buổi Sáng' của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan dưới cái lốt mới mang tên “Bạch Lộ” trong tập "Sẹo độc lập".

Một bài học quý giá

Anh Minh

Vụ đạo thơ của Phan Huyền Thư có lẽ là câu chuyện văn nghệ ồn ào nhất trong mấy ngày qua. Chưa qua nổi tai tiếng giống ông Du Tử Lê câu thơ "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển", Phan Huyền Thư lại dính ngay nghi án 'đạo' gần như nguyên vẹn bài thơ 'Buổi Sáng' của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan dưới cái lốt mới mang tên “Bạch Lộ” trong tập "Sẹo độc lập".

Nếu ở lần dấy lên nghi án đạo thơ ông Du Tử Lê, Phan Huyền Thư liên tục cập nhật các dòng trạng thái trên facebook cá nhân về câu thơ này, với hàm ý thanh minh, lý giải thì ở lần bị tố cáo đánh cắp bài "Buổi sáng" của Phan Ngọc Thường Đoan, Phan Huyền Thư đã để lại một bình luận trên facebook  rằng "đừng nặng lời với em, em chỉ in sau chứ không viết sau" sau khi đã gọi điện thoại năn nỉ Phan Ngọc Thường Đoan im lặng, kèm theo lời hứa sẽ vào TP Hồ Chí Minh gặp trực tiếp rồi sau đó đóng tài khoản facebook.

Nếu ở lần đầu, Phan Huyền Thư gửi một thông cáo chính thức rằng "Nhận thấy có sự trùng lặp, điều tối kỵ trong văn chương, và cảm thấy câu thơ đó không quyết định toàn bộ nội dung bài thơ, tôi sẽ thay đổi nó bằng một câu khác. Những bạn đọc đã cầm tập thơ của tôi, vui lòng cập nhật câu thơ được thay thế của tôi và giúp tôi chỉnh sửa thủ công trên bản in" thay vì bù lu bù loa cho rằng mình bị hàm oan; và ở lần thứ hai, cô thực sự gặp Phan Ngọc Thường Đoan như đã hứa, đồng thời tuyên bố tự thu hồi lại tập thơ đã phát hành thì mọi chuyện đã khác. Đằng này, người ta chỉ nhận thấy ở cô một sự chống chế quá lố, và sự thiếu tôn trọng những đồng nghiệp của mình cũng như thiếu tự trọng nghề nghiệp mà mình cần có. Chính vì thế, sự thông cảm đã mất dần, để kèm theo nó là những ác cảm ngày một dâng cao.


Bài thơ “Buổi sáng” của Phan Ngọc Thường Đoan và bài “Bạch Lộ” của Phan Huyền Thư có những đoạn giống y chang.

Bài học từ câu chuyện Phan Huyền Thư chính là tính tự trọng và kỹ năng đối phó khủng hoảng của những người nổi tiếng. Khi đối diện khủng hoảng truyền thông, sự thẳng và thật là vô cùng quan trọng. Vượt trên hết, bài học ấy không chỉ giúp cho những người nghệ sỹ như Phan Huyền Thư tránh được phiền toái mà còn giúp cho nền nghệ thuật tránh được một thứ vô cùng nguy hiểm là thuyết âm mưu. Dễ hiểu, đang có những thuyết âm mưu cho rằng Phan Huyền Thư 'bị đánh' vì cô được giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015 cho tập thơ "Sẹo độc lập". Mà trong nghệ thuật, tồn tại âm mưu thì kinh khủng lắm.

Cần một ứng xử đàng hoàng

Lê Thiếu Nhơn

Cần thẳng thắn với nhau, khi làm thơ đôi khi cũng xảy ra trường hợp ngoài ý muốn là vướng nghi án đạo thơ. Nghi án ấy có thể do chính tác giả phát hiện, và có thể do độc giả phát hiện. Dĩ nhiên, đã mang tiếng sáng tạo mà đối mặt với nghi án đạo thơ, thật chẳng vui vẻ gì. Thế nhưng, điều quan trọng hơn là phải ứng xử ra sao!?

Nóng bỏng trên văn đàn là trường hợp tập thơ "Sẹo độc lập" của Phan Huyền Thư. Bây giờ ít người đọc thơ lắm. Nếu Hội Nhà văn Hà Nội không trao giải cho "Sẹo độc lập", thì cũng chẳng ai quan tâm. Ở đây, đừng lấy cái tâm lý đố kỵ hay tị hiềm để gán ghép cho những ai đả động đến "Sẹo độc lập" sau khi nhận giải. Bởi lẽ, cũng giống như một cô gái vừa đoạt danh hiệu Hoa hậu thì chắc chắn thu hút sự ngưỡng mộ lẫn sự đánh giá của đám đông.

Dù nhà thơ không thể "hot" bằng hoa hậu, song đã chấp nhận phô diễn cá nhân thì phải tình nguyện đón lấy sự phản ứng của người khác, kể cả yêu mến, kể cả trách giận, thậm chí kể cả giày vò. "Sẹo độc lập" đang đứng giữa tâm điểm dư luận vì hai bài thơ "Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn" và "Bạch lộ" có giăng mắc với nhà thơ Du Tử Lê và nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan.

Trường hợp thứ nhất: bài thơ "Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn" có câu mở đầu "Nếu tôi chết hãy đem tôi ra biển" không khác mấy so với câu "Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển" của Du Tử Lê. Bài thơ của Du Tử Lê đã công bố gần 40 năm trước và được phổ nhạc, nên rất nhiều người biết đến. Phan Huyền Thư viết sau, không thể không thiệt thòi trong phân định tình cảm của người đọc. Phan Huyền Thư có quyền nói rằng mình chưa từng biết đến câu thơ của Du Tử Lê, dù chị tự tin bản thân là nhà thơ chuyên nghiệp và đang được tôn vinh ở một giải thưởng dành cho nhà thơ chuyên nghiệp. Cũng không ai ép Phan Huyền Thư phải thú thật từng nghe qua "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển".

Thế nhưng, về mặt quy luật sáng tạo, cái ra trước không thể sao chép của… cái ra sau. Mặt khác, câu thơ "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển" nằm trong chỉnh thể ý niệm bài thơ của Du Tử Lê. Tất cả những nhà thơ đang sống trong nước đều không thể gây rung động cho độc giả, nếu viết câu thơ ấy. Ngược lại, với Du Tử Lê, câu thơ ấy nói lên nỗi lòng của người Việt tha hương bên kia bờ đại dương chỉ khao khát khi lìa trần được thỏa nguyện lá rụng về cội. Vì vậy, câu thơ "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển" mang dấu ấn của Du Tử Lê. Và khi Phan Huyền Thư viết một câu tương tự, dù để triển khai nội dung hoàn toàn khác, thì cần thiện chí khẳng định đã tạo ra một tác phẩm phái sinh. Chúng ta phải sòng phẳng với nhau rằng, dẫu những câu đơn giản nhất trong Truyện Kiều như "Trăm năm trong cõi người ta" hay "Đau đớn thay phận đàn bà", thì hậu sinh cũng không có thể viết y chang mà xem như sáng tạo tuyệt vời của mình. Đó là luật bất thành văn, thể hiện sự kính trọng giữa thế hệ sau với thế hệ trước!

Trường hợp thứ hai: bài thơ "Bạch lộ" có nhiều câu, nhiều chữ giống hệt bài thơ "Buổi sáng" của Phan Ngọc Thường Đoan. Khi vừa bị phanh phui, Phan Huyền Thư đã gọi điện cho nhà thơ đàn chị để khóc và xin bỏ qua. Thế nhưng, sau đó Phan Huyền Thư lại tường trình mình đã viết bài thơ "Bạch lộ" vào năm… 1996, và đã gửi in bên… Mỹ nhưng thất lạc bản thảo gốc. Khi bẽ bàng hứng chịu áp lực nào đó, người ta hay tìm cách chống chế, cũng là điều dễ hiểu. Theo phân bua rất bài bản và rất lớp lang của Phan Huyền Thư, thì bài thơ "Bạch lộ" ban đầu đặt tên "Độc ẩm với bình minh", sau đó đổi thành tên "Độc ẩm cuối thu", rồi khi in mới chọn tên "Bạch lộ".

Có ba câu hỏi đặt ra. Một, bài thơ gắn bó với nhiều kỷ niệm như vậy, tại sao tập thơ đầu tay "Nằm nghiêng" in năm 2002 và tập thơ tiếp theo "Rỗng ngực" in năm 2005, Phan Huyền Thư không đưa vào mà phải đợi đến tập thơ "Sẹo độc lập" in năm 2014? Phàm đã làm thơ, ai cũng hứng thú công bố những bài thơ tâm đắc khi có cơ hội. Hơn nữa, gia tài thơ của Phan Huyền Thư không quá đồ sộ, để đắn đo và sàng lọc lao tâm khổ tứ mỗi lần chuẩn bị bản thảo để in thơ. Hai, nếu đã viết từ… lâu lắm, sao khi gọi điện cho nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan thì chị không xác định ngay bản quyền minh bạch của mình, mà phải đợi qua một đêm suy tư "nhất dạ sinh bách kế" mới… sực nhớ ra hoàn cảnh sáng tác bài thơ? Nếu bài thơ "Bạch lộ" được giấu kỹ trong ngăn kéo của Phan Huyền Thư, hoặc đã gửi qua Mỹ vào lúc nào không rõ, thì không lẽ nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan có mắt thần để liếc qua đọc trộm à? Ba, bài thơ "Buổi sáng" được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc "Catinat cà phê sáng" từ năm 2000, sau đó in vào tập nhạc kèm theo album "Về lại phố xưa" do NXB Âm nhạc - DIHAVINA ấn hành năm 2001. Phan Huyền Thư thổ lộ từng nghe ca khúc "Catinat cà phê sáng", sao chị không phản ứng gì? Chị độ lượng đến mức không thèm chấp nhạc sĩ Phú Quang lẫn nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan xâm phạm tác phẩm của mình mà thờ ơ với bản quyền âm nhạc ư?

Chỉ cần trả lời ba câu hỏi trên, chắc chắn bạn đọc sẽ có câu trả lời thỏa đáng.

Nếu không xin lỗi công khai, tôi sẽ kiện ra tòa

Nguyệt Hà [thực hiện]

- Thưa nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, chị đã đọc thông tin trên báo Tuổi trẻ sáng 20-10, trong đó nhà thơ Phan Huyền Thư nói rằng, chị ấy viết "Bạch lộ" từ năm 1996 và đã gửi đăng báo ở hải ngoại chưa? Tâm trạng của chị hiện giờ thế nào?

+ Tôi biết thông tin này trước khi báo Tuổi trẻ phát hành, do đó không có gì ngạc nhiên hết, chỉ tội nghiệp cho Phan Huyền Thư thôi, cố ngụy tạo các chứng cứ thì sự thật vẫn là sự thật.

- Đang là "nạn nhân", bỗng dưng chị lại có thể trở thành "tội đồ", chắc hẳn chị sốc, nhất là khi Phan Huyền Thư đã gọi điện với chị trước đó và hứa sẽ bay vào để gặp chị. Chị nghĩ gì về thái độ "quay ngoắt" 180 độ này của Phan Huyền Thư?

+ Đêm 18/10/2015 là lần đầu tiên tôi nói chuyện với Phan Huyền Thư, nhưng lấy mốc từ năm 2007 đến nay đã nghe nhiều việc lùm xùm của cô ấy trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật, nên chẳng thấy có gì ngạc nhiên, mà cũng không có gì buồn.

- Chị vẫn đang đợi Phan Huyền Thư một câu trả lời xác đáng, bây giờ Phan Huyền Thư lại trả lời chị thế này, chị sẽ xử lý thế nào?

+ Nếu Phan Huyền Thư không xin lỗi công khai trên các tờ báo cô đã phát ngôn, tôi sẽ kiện ra tòa, vì danh dự của mình .

-Xin cảm ơn chị!

Anh Minh-Lê Thiếu Nhơn-Nguyệt Hà

Video liên quan

Chủ Đề