Nguyên tắc tập trung dân chủ ở trong đảng theo hồ chí minh là gì ?

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng rất đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Người cho rằng, dân chủ và tập trung là hai mặt có quan hệ gắn bó và thống nhất với nhau trong một quá trình tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dân chủ vừa là bản chất, vừa là động lực, mục tiêu của xã hội mới mà Đảng ta lãnh đạo nhân dân xây dựng nên. Dân chủ trong Đảng là tất cả đảng viên đều được tự do bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề trong sinh hoạt đảng để góp phần thống nhất về quan điểm, chủ trương trong lãnh đạo, chỉ đạo; để xây dựng nghị quyết, đưa được nghị quyết vào cuộc sống. Vì vậy, dân chủ phải đi đến tập trung, là cơ sở của tập trung. Phải tránh dân chủ theo kiểu tùy tiện, phân tán, vô tổ chức, dân chủ hình thức. Về tập trung, Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong Đảng phải thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động. Biểu hiện của tập trung là thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên… Tập trung trên cơ sở phát huy dân chủ chứ không phải tập trung quan liêu, độc đoán, chuyên quyền…

Nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng ta được nêu trong Điều lệ Đảng, được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thông qua, trong đó, nội dung thứ 4 là: Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.

Đánh giá của Đảng về việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ

Nghị quyết số 04-NQ/TW khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã nêu một trong những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém về xây dựng Đảng là: “Nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều nơi bị buông lỏng; nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm, chưa có cơ chế để bảo vệ người đấu tranh phê bình”.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng ở phần “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”, Văn kiện Đại hội XII nhấn mạnh: “Quy định rõ hơn Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; về quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu và mối quan hệ giữa tập thể cấp ủy, tổ chức đảng với người đứng đầu, bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đi đôi với phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của người đứng đầu và cơ chế xử lý đối với người đứng đầu khi vi phạm”. Như vậy, Đảng đã thừa nhận việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục được khắc phục, sửa đổi.

Thời gian gần đây, Trung ương đã xử lý một số vụ việc có liên quan đến vi phạm về nguyên tắc tập trung dân chủ. Chẳng hạn, Thông cáo Kỳ họp 34 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương [tháng 3/2019] nêu Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc… Tương tự là các vụ việc ở Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải tại Thông cáo Kỳ họp 35 [tháng 5/2019]; ở Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La tại Thông cáo Kỳ họp 36 [tháng 6/2019]; ở Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai tại Thông cáo Kỳ họp 37 [tháng 7/2019]; ở Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa tại Thông cáo Kỳ họp 38 [tháng 8/2019]; ở trường hợp đồng chí Nguyễn Văn Bình trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Thông cáo Kỳ họp 49 [tháng 11/2020]…

Các giải pháp về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ

Để khắc phục vấn đề vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, cần có các giải pháp mang tính đồng bộ, gắn liền xây và chống [tức là động viên, giáo dục với việc áp dụng kỷ luật đảng].

Thứ nhất, cần làm rõ nội dung, yêu cầu về nguyên tắc tập trung dân chủ và nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vấn đề này. Cấp ủy các cấp cần thực hiện nghiêm túc chế độ tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách và có các biện pháp thể chế hóa quan điểm này thành các quy chế, quy định cụ thể về tổ chức, lề lối làm việc, phân định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị để vừa bảo đảm tập thể lãnh đạo, vừa tăng cường trách nhiệm cá nhân.

Thứ hai, phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong tổ chức đảng, trong cơ quan, đơn vị, về các nguyên tắc của Đảng, về quy định về những điều đảng viên không được làm, các quy định của pháp luật về cán bộ công chức, viên chức, về nội quy của cơ quan… Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy phải thực sự gương mẫu trong việc chấp hành các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, trong thực hiện nhiệm vụ đảng viên, trong sinh hoạt, lối sống…

Thứ ba, không ngừng mở rộng dân chủ, nhất là dân chủ trong Đảng. Phải thực hiện tốt cơ chế phát huy dân chủ, bảo đảm quyền của đảng viên, như quyền được thảo luận, chất vấn, phê bình, thông tin, bảo lưu ý kiến, phản biện… Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm, luân chuyển, đề bạt cán bộ để lựa chọn đúng người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực vượt trội, có tinh thần trách nhiệm cao, có phẩm chất trong sáng… để đặt vào những vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu…

Thứ tư, mở rộng dân chủ phải đi đôi với củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực theo hướng quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó, bảo đảm vai trò lãnh đạo của tập thể nhưng không ngừng đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Phát huy tính đảng của đảng viên, mọi đảng viên phải chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nói và làm theo nghị quyết của Đảng nhưng không thụ động, máy móc, mạnh dạn đề đạt ý kiến và phản biện các chủ trương của Đảng, của cấp trên.

Thứ năm, tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ nói riêng và các nguyên tắc, quy định của Đảng nói chung. Các trường hợp vi phạm phải được đấu tranh làm rõ và xử lý kịp thời, đúng người, đúng việc, mới có bảo đảm tính giáo dục và ngăn ngừa chung. Phải bảo đảm việc xử lý theo hướng có chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng nặng, xử lý phải càng nghiêm và “không có vùng cấm” như thời gian qua, với tinh thần quyết liệt, mạnh dạn, khách quan và công bằng.

Khắc phục được các hạn chế trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ có thể coi là nền tảng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực sự có hiệu quả! Đồng thời, đây là cơ sở để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của mỗi tổ chức đảng và đảng viên, nhất là trong giai đoạn xã hội, đất nước có nhiều thách thức như hiện nay!

Chủ Đề