Nguyên nhân quân tống xâm lược nước ta lần 2

Cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý - Học kì II- Năm học 2018-2019 - Đặng Thị Hiền

CHUYÊN ĐỀ:

CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG TỐNG THỜI LÝ

VÀ BA LẦN KHÁNG CHIẾN CHỐNG QUÂN MÔNG – NGUYÊN THỜI TRẦN

[THẾ KỈ XI – XIII]

MỞ ĐẦU

Lịch sử quốc gia dân tộc Việt Nam từ khi ra đời tới nay là lịch sử dựng nước và giữ nước gắn bó với nhau. Dựng nước luôn luôn gắn chặt với giữ nước, trong đó dựng nước là yếu tố cơ bản. Phải xây dựng được đất nước hùng mạnh về mọi mặt mới có điều kiện, khả năng chiến thắng các thế lực thù địch và phải giữ được nước mới có điều kiện để xây dựng đất nước. Trong quá trình hình thành và phát triển, truyền thống đó có ảnh hưởng sâu sắc đến hệ tư tưởng và các thành quả tinh thần và vật chất của nhân dân ta. 

Do đó, việc tìm hiểu các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta có vai trò quan trọng trong chương trình ôn học sinh giỏi các cấp. Đặc biệt, trong kì thi chọn học sinh giỏi khu vực Duyên  hải và Đồng bằng Bắc Bộ năm học 2018 – 2019, chuyên đề “Cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý và ba lần kháng chiến chống quân Mông – Nguyên thời Trần [thế kỉ XI – thế kỉ XIII]” là một trong những chuyên đề quan trọng được lựa chọn.

Ngoài ra, việc tìm hiểu chuyên đề “Cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý và ba lần kháng chiến chống  quân Mông – Nguyên thời Trần [thế kỉ XI – thế kỉ XIII]”  còn cung cấp thêm cho chúng tôi những kiến thức lịch sử phong kiến Việt Nam thời phong kiến, làm tư liệu để dạy bài 30: Kháng chiến chống ngoại xâm [từ thế kỉ X đến thế kỉ XV] [Chương trình Lịch sử 10 Nâng cao]. Bên cạnh đó, việc hiểu rõ cuộc kháng chiến này giúp chúng ta rút ra bài học quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Xuất phát từ những lý do trên, tôi quyết định lựa chọn đề tài “Cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý và ba lần kháng chiến chống quân Mông – Nguyên thời Trần [thế kỉ XI – thế kỉ XIII]”  làm đề tài bồi dưỡng chuyên môn của bản thân trong năm học 2018 - 2019.

NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ

A. CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG  TỐNG THỜI LÝ

I. Hoàn cảnh

1. Địch

- Cuộc kháng chiến thời Tiền Lê làm chùn ý chí xâm lược của quân Tống trong một thời gian.

 - Giữa thế kỷ XI, nhà Tống lâm vào khủng hoảng. Triều chính bất ổn, tham quan hoành hành. Bên ngoài bị các bộ tộc người Liêu, Hạ xâm chiếm.

- Để giải quyết  khủng hoảng trong nước, Tể tướng Vương An Thạch đề nghị vua Tống Thần Tông xâm lược Đại Việt: ”Nếu thắng, thế Tống sẽ tăng, các nước Liêu, Hạ sẽ phải kiêng nể”.

* Chuẩn bị xâm lược của nhà Tống:

   + Xây dựng những căn cứ quân sự, hậu cần gần biên giới, làm nơi xuất phát trực tiếp cho các đạo quân xâm lược.

   + Mua chuộc các tù  trưởng ở vùng biên giới.

   + Xúi giục Chăm pa quấy rối phía nam nước ta.

2.  Triều Lý

- Năm 1009, triều Lý thành lập, tồn tại đến 1226.

- Trong 216 năm, nhà Lý đã củng cố và phát triển lịch sử dân tộc, mở ra một giai đoạn hình thành và phát triển chế độ phong kiến Việt Nam. Nhà Lý đã có những đóng góp to lớn đối với lịch sử dân tộc.

- Đất nước phát triển toàn diện: KT – CT – VH – GD, quốc phòng vững mạnh, lãnh thổ được mở rộng về phía nam, vượt qua Đèo Ngang đến Bắc Quảng Trị ngày nay. Thi hành những chính sách khôn khéo để giữ vững lãnh thổ, biên cương.

=> ĐSND no ấm, trên dưới thuận hoà, xã hội Đại Việt có thế đứng khá vững chắc, là cơ sở cho những thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Tống, bảo vệ Tổ quốc.

* Đối phó của nhà Lý:

  + Xây dựng lực lượng quốc phòng hùng mạnh.    

  +Tăng cường khối đoàn kết.

  +Tăng cường phòng thủ biên cương.

  + 1069 đánh tan lực lượng quân sự của Chăm pa, dẹp yên phía nam.

II.                    Diễn biến

1. Giai đoạn I: chủ động tấn công sang đất Tống để tự vệ  [10/1075 - 4/1076].

 * Chủ trương của Lý Thường Kiệt:

  “ Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân đánh trước để chặn mũi nhọn của giặc“ - [Tiên phát chế nhân]. Tổ chức một cuộc tập kích thẳng sang đất Tống, tiêu diệt các căn cứ xâm lược của kẻ thù rồi nhanh chóng rút quân về phòng thủ đất nước.

* Diễn biến:

-Ngày 27- 10 - 1075: 10 vạn quân tiến sang đất Tống.

Quân bộ: dân binh các dân tộc miền núi tấn công các trại quân Tống rồi tiến lên Ung Châu. Quân thuỷ đánh Khâm Châu, Liêm Châu  rồi đánh Ung Châu.

  + Kết quả: ngày 01- 3- 1076, quân ta hạ thành Ung Châu, phá hoại thành trì, tiêu huỷ kho tàng lương thảo của địch rồi rút về nước.

* Ý nghĩa:

- Địch: hoang mang tinh thần, làm chậm quá trình xâm lược nước ta của chúng.

- Ta: cổ vũ tình thần binh sĩ và nhân dân, tạo thêm thời gian để ta tiếp tục củng cố lực lượng, tạo điều kiện kháng chiến.

2. Giai đoạn II: Kháng chiến chống xâm lược [cuối 1076 - 3/1077].

 *  Kế hoạch kháng chiến:

   - Bố trí dân binh các dân tộc ít người mai phục trên các con đường hiểm yếu biên giới phía Bắc .

   - Một đạo quân thuỷ do Lý Kế Nguyên chỉ huy giữ mạn Đông Bắc, cản thuỷ quân giặc.

  - Chủ động xây dựng phòng tuyến sông Cầu kiên cố: tận dụng lợi thế của con sông, Lý Thường Kiệt cho cắm hàng cọc tre dày đặc, đắp tường cao tạo thành thành luỹ, bố trí quân ở trên mặt và đằng sau thành. Một đạo quân lớn nhất do Lý Thường Kiệt chỉ huy, bố trí ở phía sau để yểm trợ cho những vị trí xung yếu khi cần thiết.

* Kháng chiến bùng nổ:  Cuối 1076, 30 vạn binh phu của địch tiến vào xâm lược nước ta. Lý Kế Nguyên đánh tan thuỷ quân Tống. Quân ta ở thượng du chặn đánh quyết liệt nhưng không cản được bước tiến của quân thù. Địch tiến đến bờ bắc sông Như Nguyệt.

 - Cuộc chiến trên phòng tuyến sông Như Nguyệt:

  + Quân địch đóng trên bờ bắc sông Như Nguyệt chờ thuỷ quân. Địch hai lần vượt sông chọc thủng phòng tuyến, bị quân ta đánh tan tác. Địch từ tấn công chuyển sang phòng ngự.

   + Dân binh vùng sau lưng địch chặn đánh các đoàn phu vận chuyển lương thực.

   + Lý Thường Kiệt cử hai hoàng tử Hoằng Chân, Chiêu Văn tấn công doanh trại Quách Quỳ, gây cho địch nhiều thiệt hại và nhằm thu hút sự chú ý của các khối quân địch.

+ Lý Thường Kiệt ban đêm chỉ huy đại quân vượt qua sông, bất ngờ tấn công doanh trại Triệu Tiết. Quân Tống đại bại, bị tiêu diệt đến quá nửa. Bài thơ thần“Nam Quốc Sơn Hà” vang lên từ đền  Trương Hống,Trương Hát đã có tác động to lớn, động viên kích lệ tinh thần  quân sĩ ta và khiến tinh thần quân địch hoang mang, rệu rã.

  - Ý nghĩa: Chiến thắng này làm rung chuyển thế phòng ngự của quân Tống. Là trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa kết thúc chiến tranh.

* Kết thúc chiến tranh:

  Quân Tống lâm vào tình thế tiến lui đều khó. Lý Thường Kiệt chủ động giảng hòa. Tháng 3- 1077, quân Tống rút lui trong cảnh hỗn loạn. Cuộc kháng chiến thắng lợi.

III.                NN thắng lợi, Ý nghĩa lịch sử

1.Ý nghĩa

    -  Đè bẹp ý chí xâm lược của nhà Tống. Nhà Tống phải công nhận nước ta là vương quốc độc lập, trong khoảng 200 năm không dám  đụng chạm đến .

    - Đó là kết quả của một bước phát triển vượt bậc của dân tộc ta về mọi mặt sau hơn một thế kỷ giành độc lập, của đất nước đang ở thế “rồng cuộn hổ ngồi.

2. Nguyên nhân thắng lợi.

- Cuộc kháng chiến của ta mang tính chất chính nghĩa, còn địch mang tính chất xâm lược, phi nghĩa.

- Truyền thống đoàn kết, yêu nước nồng nàn của nhân dân ta.

- Tài năng lãnh đạo, nghệ thuật tiến hành kháng chiến.

IV. Một số câu hỏi luyện tập

Câu 1: Tư tưởng chủ động của nhà Lý trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Tống [1075 – 1077] để bảo vệ nền độc lập dân tộc đã được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

* Chủ động tấn công trước để phá tan sự chuẩn bị xâm lược của nhà Tống:

- 1069, dẹp yên Cham pa ở phía Nam.

- Trước âm mưu của nhà Tống, Lý Thường Kiệt không bị động chờ giặc mà quyết định tấn công trước để đẩy giặc vào thế bị động với tư tưởng “Tiên phát chế nhân”.....

- Năm 1075, Lý Thường Kiệt đã chỉ huy 10 vạn quân vượt biên giới sang đất Tống tấn công Châu Khâm, Châm Liêm, Châu Ung đánh tan hoàn toàn sự chuẩn bị của nhà Tống .. sau đó nhanh chóng chủ động rút về nước.

* Chủ động xây dựng phòng ngự, xây dựng phòng tuyến chặn giặc:

 Sau khi về nước, Lý Thường Kiệt đã cho chuẩn bị sẵn thế trận đánh giặc mà quan trọng nhất là lập phòng tuyến Như Nguyệt......

* Chủ động  tiến công

- Năm 1077, Quách Quỳ đã chỉ huy 30 vạn quân xâm lược nước ta và đã vấp phải phòng tuyến kiên cố của nhà Lý.

- Lý Thường Kiệt đã chỉ huy quân dân chủ động kết hợp giữa những cuộc công kích nhỏ với những trận quyết chiến đẩy địch vào thế bị động...

* Chủ động kết thúc chiến tranh

- Khi quân Tống ở vào thế “Tiến thoái lưỡng nan”, ý chí xâm lược bị đè bẹp thì Lý Thường Kiệt đã chủ động đề nghị giảng hoà để kết thúc chiến tranh

- Mở ra thời kì hoà bình lâu dài, tránh tổn thất, giữ hòa hiếu ....

Câu 2: Cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý được coi là cuộc kháng chiến rất đặc biệt trong lịch sử: Em cho biết những nét đặc biệt ấy là gì? Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của cuộc kháng chiến này.

Trả lời:

·Giới thiệu sơ lược về cuộc kháng chiến.....

Cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý [1075 - 1077] là cuộc kháng chiến rất đặc biệt trong lịch sử.                 

·Những nét đặc biệt của cuộc kháng chiến:                                              

- Đây là cuộc kháng chiến được tiến hành ở ngoài biên cương của Tổ quốc:                                                          

+ 1075: Lý Thường Kiệt đem quân tập kích lên đất Tống...vơi chủ trương “tiên phát chế nhân”    

+ Chủ động tấn công để tự vệ, đánh bất ngờ ; sau đó rút lui về nước xây dựng phòng tuyến

- Cuộc kháng chiến khởi nguồn những truyền thống tốt đẹp của dân tộc  :Nghệ thuật kết hợp giữa trận quyết chiến chiến lược với kết thúc chiến tranh. Cách kết thúc chiến tranh độc đáo: giảng hòa trong thế thắng, thể hiện tính nhân văn cao cả                                                                                 

 + Nhằm đảm bảo mối bang giao hòa hảo giữa 2 nước

 + Đảm bảo nền độc lập lâu dài cho dân tộc

·Nguyên nhân thắng lợi

    - Tinh thần yêu nước, đoàn kết và chiến đấu anh dũng của quân và dân ta …                               

-   Tài chỉ huy quân sự của triều đình [Lý Thường Kiệt] ...                      

·Ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm:

- Tô thắm trang sử vẻ vang của dân tộc, buộc nhà Tống phải từ bỏ mộng xâm lược nước ta ….    Củng cố nền độc lập lâu dài của Đại Việt                                        

- Cuộc kháng chiến để lại những bài học kinh nghiệm quý báu về đường lối và phương pháp đấu tranh:

+ Kháng chiến toàn dân: toàn dân tham gia đánh giặc

+ Kháng chiến toàn diện: đánh địch trên nhiều phương diện, bằng nhiều hình thức khác nhau....     

Câu 3:Trình bày và phân tích những nét nổi bật về sự chủ động của nhà Lí trong cuộc kháng chiến chống Tống [1075 - 1077].

Trả lời:

a. Khái quát:  Cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất, trí tuệ sáng tạo của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Tống  [ 1075 - 1077 ] đã đè bẹp  ý chí xâm lược của nhà Tống, buộc nhà Tống  phải công nhận nước ta là một vương quốc độc lập và trong khoảng hai trăm năm không dám động chạm đến đất nước ta.  Thắng lợi đó là kết quả  sự phát triển về mọi mặt của dân tộc ta sau hơn một thế kỉ giành độc lập, đặc biệt là nghệ thuật trong tiến công, phòng thủ và kết thúc chiến tranh.

b. Sự chủ động:

* Tổ chức phòng ngự vững chắc : Xây dựng một phòng tuyến độc đáo dài hàng trăm km, kết hợp tài tình giữa yếu tố thiên tạo với nhân tạo

      Việc bố trí lực lượng  trên phòng tuyến cũng rất sáng tạo : có một số đạo quân nhỏ trên  mặt phòng  tuyến,  còn đại quân do Lí Thường Kiệt chỉ huy bố trí lùi  ở phía sau để sẵn sàng ứng cứu nơi nào trên  phòng tuyến bị địch chọc thủng.

       Cách tổ chức phòng ngự thể hiện quyết tâm của Lí Thường Kiệt: chặn đứng đường tiến  của quân  thù, bảo vệ vững chắc kinh thành Thăng Long và vùng trung châu giàu có, đông dân của đất nước. 

*. Về tấn công

    -  Giai đoạn đầu: Nhà Lí đã  thực hiện xuất sắc tư tưởng  chủ động tiến công:  tiến công Chăm Pa để giữ  yên biên giới phía Nam;  chủ động  đánh sang đất Tống là điều độc đáo có một không hai trong lịch sử : Đẩy địch vào tình thế bị động, bất ngờ nên tổn thất lớn, khoét sâu mâu thuẫn nội bộ của kẻ thù, làm chậm lại cuộc chiến tranh xâm lược của chúng. Tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho cuộc kháng chiến của dân tộc.

 - Giai đoạn sau:  Kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động quân đội chính quy của triều đình đánh chính diện với hoạt động của dân binh quấy rối tiêu hao sinh lực địch ở phía sau, giữa đánh tập trung với đánh phân tán, giữa đánh trận địa với đánh du kích, đẩy địch vào tình trạng khốn đốn.

  Chọn thời điểm thích hợp tổ chức phản công, kết hợp giữa các cánh quân [ cánh quân của hai hoàng tử với đại quân của Lí Thường Kiệt], đánh lạc hướng chú  ý của địch,  tạo yếu tố bí mật, bất ngờ nên giành thắng lợi  giòn giã.

* Chủ động khích lệ tinh thần binh sĩ;

Khi quân Tống vượt sông tấn công, có lúc nghĩa quân lâm vào tình trạng khó khăn, Lí Thường Kiệt cho người đọc bài thơ Nam quốc sơn Hà nhằm khích lệ tinh thần binh sĩ và uy hiếp tinh thần địch.

* Chủ động kết thúc chiến tranh.

   Khi quân Tống lâm vào tình thế tiến lui đều khó, Lý Thường Kiệt đã chủ động giảng hòa, Quân Tống vội nhận lời, sau đó rút lui trong cảnh hỗn loạn. Chúng rút đến đâu, quân ta chủ động thu hồi đất đai đến đấy. Đó là cách kết thúc chiến tranh đầy sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa quân sự và ngoại giao không làm mất thể diện của nhà Tống mà vẫn bảo  toàn chủ quyền của đất nước.

B. BA LẦN KHÁNG CHIẾN CHỐNG QUÂN MÔNG – NGUYÊN THỜI TRẦN [THẾ KỈ XIII]

I. Cuộc kháng chiến lần thứ nhất [ 1258].

1. Nguyên nhân.

- Đầu thế kỉ XIII, đế chế Mông Cổ thành lập,  sau hơn nửa thế kỉ chiến tranh đã lập một đế chế từ bờ Thái Bình Dương đến bờ Hắc Hải.

- Quân Mông Cổ âm mưu chiếm Đại Việt làm bàn đạp đánh lên Nam Tống.

2. Diễn biến.

- Đầu năm1258, 3 vạn quân Mông Cổ  chia làm hai đạo tiến vào nước ta. 17 - 01 - 1258 chúng đến Bình Lệ Nguyên.Vua Trần Thái Tông cùng quân sĩ chiến đấu quyết liệt, sau đó rút về Thăng Long, rồi về vùng Thiên Mạc để bảo toàn lực lượng, thực hiện kế “Thanh dã”.

 - Quân giặc vào Thăng Long- một kinh đô hoang vắng. Chúng ngày càng khó khăn về lương thực, chúng đánh ra các vùng xung quanh để cướp bóc nhưng bị chống cự quyết liệt.

- Triều Trần quyết định phản công lớn ở Đông Bộ Đầu [29- 01]. Địch bị đánh bật khỏi kinh thành, rút chạy, đến phủ  Quy Hoá bị dân binh do Hà Bổng chỉ huy đón đánh thiệt hại nặng.

II.Cuộc kháng chiến lần thứ hai  chống  quân Nguyên [ 1285].

1. Nguyên nhân.

 - Sau khi hoàn thành xâm lược Trung Quốc, năm 1279, quân Mông Cổ lập ra nhà Nguyên, chúng khẩn trương xúc tiến mở rộng đế quốc xuống phương Nam. Chúng luôn tìm cách sách nhiễu nhà Trần, gây sự tiến công xâm lược.

- Đối phó của nhà Trần:

  + Ngoại giao mềm dẻo.

  + Tích cực chuẩn bị kháng chiến: 11 - 1882, Hội nghị Bình Than “ bàn kế đánh, phòng”. Mùa đông 1283 duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu - Hịch tướng sĩ, khích lệ tinh thần tướng sĩ; 1- 1285 Hội nghị Diên Hồng.

2. Diễn biến.

   - Cuối tháng 1- 1285, 50 vạn quân Nguyên từ ba hướng tiến vào nước ta. Trên cả 3 mặt trận, quân ta phải rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng. Triều đình rút về vùng Thiên Trường, Trường Yên. Quân Thoát Hoan và Toa Đô tạo thành 2 gọng kìm hòng diệt quân chủ lực và bắt sống triều đình. Quân ta cho một bộ phận rút ra vùng Đông Bắc nhử địch đuổi theo, sau đó quay vào chiếm Thanh Hoá làm căn cứ.

 -  Nhân dân thực hiện kế “ thanh dã”- làm “ vườn không nhà trống”, chiến tranh du kích phát triển rộng khắp.

-  Thời tiết chuyển sang hè làm quân địch ốm đau, lương thực thiếu thốn đẩy chúng vào tình trạng suy yếu.

- Phản công chiến lược [tháng 5 - 1285].

  + Từ Thanh Hoá, quân ta tiến ra Bắc, bất ngờ tiến công mãnh liệt, tiêu diệt các đồn trại Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, sau đó thừa thắng tiến công Thăng Long. Quân Thoát Hoan phải rút chạy, bị quân ta mai phục, tiêu diệt vô số.

 + Đạo quân Nạp Tốc Lạt Đinh chạy về hướng Vân Nam, bị dân binh do Hà Đặc, Hà Chương chỉ huy gây cho tổn thất nặng nề.

 + Đạo quân Toa Đô định tiến về Thăng Long, đến Tây Kết bị tiêu diệt.

 + Cuối tháng 6, quân xâm lược bị quét sạch khỏi bờ cõi.

III.Cuộc kháng chiến lần thứ  ba [1287 - 1288]

1. Nguyên nhân.

 - Hai lần xâm lược thất bại làm vua Nguyên tức tối, muốn xâm lược lần thứ ba. Mục đích: trả thù, đánh thông con đường bành trướng xuống Đông Nam Á.

- 12- 1287, 30 vạn quân chia làm 3 đạo [bộ, thủy, đoàn thuyền lương] tràn vào nước ta

2. Diễn biến.

 - Quân ta rút về ven biển để bảo toàn lực lượng.  Nhân dân được lệnh cất giấu lương thực, đẩy mạnh tiêu hao sinh lực địch.

 - Ở vùng biển Đông Bắc, quân ta giao chiến quyết liệt nhưng không cản được quân địch. Trận phục kích Vân Đồn - Cửa Lục tiêu diệt toàn bộ đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ. Chiến thắng này đánh vào chỗ yếu có tính chất chiến lược của địch, làm phá sản từ đầu kế hoạch tiếp tế lương thực của Thoát Hoan, tạo điều kiện cho quân ta nhanh chóng tiến lên phản công chiến lược.

- Địch hội quân ở Vạn Kiếp, sau đó tiến về Thăng Long.Quân dân ta tạm rút khỏi kinh thành, chúng đuổi theo ráo riết nhưng không bắt được những người lãnh đạo chủ chốt của ta. Quân dân không ngừng tập kích các đồn trại của dịch. Giặc thiếu lương thực. Đầu tháng 3, Thoát Hoan bỏ Thăng Long rút về Vạn Kiếp; đến đầu tháng 4, giặc chia quân làm hai đạo rút về nước.

- Trận Bạch Đằng lịch sử:

+ Từ tháng 3, Trần Hưng Đạo đã chỉ đạo xây dựng một số bãi cọc trên sông, bố trí quân mai phục ở các nhánh sông,các cánh rừng, ghềnh đá ven sông.

 + Đạo binh thuyền của Ô Mã Nhi rời Vạn Kiếp 30/3. Quân đội cùng dân binh đánh địch trên suốt đường rút lui, đánh lui đội kỵ binh hộ tống nhằm cô lập hoàn toàn chiến thuyền của địch, sau đó đánh kiềm chế để dưa quân địch vào trận địa quyết chiến đúng lúc ta chuẩn bị xong.

+ 8/ 4, trận Trúc Động tiêu diệt phần lớn đội quân tiền vệ , bịt kín đường sông Giá, buộc địch phải đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng, dấn thân vào trận địa mai phục.

 + Sáng 9/ 4, đạo binh thuyền giặc  vào sông Bạch Đằng, ta cho một đội thuyền ra khiêu chiến rồi vờ thua chạy, địch đuổi theo lọt vào trận địa mai phục. Nước triều rút mạnh, chủ lực và dân binh ta lao ra quyết chiến. Giặc hốt hoảng rút chạy xô vào bãi cọc. Hàng loạt bè lửa trôi nhanh theo nước triều đốt cháy thuyền giặc.Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp bị bắt sống. Ta thu hơn 400 chiến thuyền.

- Quân Thoát Hoan bị đánh tơi bời, rải xác trên đường rút chạy.

 IV. Ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi.

1.Ý nghĩa lịch sử.

  - Đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù hung bạo, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc.

  - Làm suy yếu thế lực của đế quốc Mông - Nguyên,phá tan kế hoạch bành trướng xuống phương Nam của chúng

2. Nguyên nhân thắng lợi.

- Là cuộc chiến tranh chính nghĩa, bảo vệ  toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chủ quyền của dân tộc, cuộc sống yên lành của nhân dân.

   - Truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, sức mạnh đoàn kết, quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do của toàn dân:

    + Kiên cường, bất khuất, quyết tâm chiến đấu [ Nêu  các sự kiện, nhân vật sau] :

    Quân ta thích vào tay hai chữ " Sát Thát".

     Tiếng  đồng thanh hô " Đánh" của các cụ phụ lão tại Hội nghị Diên Hồng.

     Tấm gương hi sinh của Trần Bình Trọng :

 " Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc".

    Tấm gương của Trần Quốc Toản: Không được tham gia Hội nghị Bình Than nên uất ức bóp nát quả cam; tự tổ chức một đạo quân trên một ngàn người, giương cao lá cờ thêu sáu chữ vàng " Phá cường địch, báo hoàng ân", chiến đấu cực kì dũng cảm, nhiều phen làm quân thù khiếp sợ.

    Câu nói của thái sư Trần Thủ Độ : " Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo" trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất; của Trần Quốc Tuấn : " Xin bệ hạ hãy chém đầu thần rồi sẽ hàng" khi quân ta phải rút lui  chiến lược trên cả ba mặt trận.

+ Đoàn kết:

        Đoàn kết từ trong nội triều, hoàng tộc đến toàn dân:  " Vì vua tôi đồng lòng, anh em hoà mục, cả nước góp sức nên bọn giặc phải chịu bị bắt ". Các vua đều trực tiếp cầm quân đánh giặc.  Các quý tộc Trần là những tướng lĩnh xuất sắc lập nhiều chiến công vang dội.Trần Quốc Tuấn đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, chủ động xoá bỏ hiềm khích, thù oán trong dòng họ để củng cố khối đoàn kết trong hoàng tộc.

  Nhân dân: Trước mỗi cuộc kháng chiến tự lập các đội dân binh, ngày đêm sắm rèn vũ khí, luyện tập võ nghệ. Khi kẻ thù xâm lược, nhân dân   triệt nguồn lương thực của quân thù. Các đội dân binh ở khắp nơi sát cánh với quân đội triều đình , không ngừng tập kích, tiêu hao sinh lực địch, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của chúng.   

    Phụ nữ cũng có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, [nêu ví dụ ].

     Có được khối đoàn kết toàn dân là do triều đình biết " khoan thư sức dân làm kế bền gốc, sâu rễ". Cuộc kháng chiến dưới thời Trần đạt tới trình  độ một cuộc chiến tranh nhân dân. Đó là nguyên nhân quyết định thắng lợi.

  Trong khi đó, châu Âu phong kiến đang chìm đắm trong chế độ phong kiến phân quyền, với các nước phong kiến lớn ở châu Á đã bước vào thời kì khủng hoảng, suy vong nên không đủ sức chống lại sự xâm lược của đế quốc Mông - Nguyên.

- Nghệ thuật tiến hành kháng chiến do tài năng lỗi lạc của những người lãnh đạo.

   + Có kế sách  xây dựng, củng cố khối đoàn kết toàn dân. Tổ chức cuộc chiến tranh nhân dân: Chính sách " ngụ binh ư nông" cho phép  vẫn duy trì được sản xuất nhưng khi cần thiết có thể huy động được lực lượng quân đội đông đảo, tổ chức lực lượng dân binh phối hợp với quân đội triều đình, đánh địch mọi nơi, mọi lúc,buộc chúng phải tác chiến liên miên mà không thể có một trận đánh quyết định mang tính chiến lược, đẩy địch vào tình trạng khốn quẫn, tạo thời cơ thích hợp phản công địch.

  + Giải quyết sáng tạo giữa rút lui chiến lược với phản công và tiến công: Cả ba lần kháng chiến, ta đều rời khỏi kinh thành Thăng Long để bảo toàn lực lượng, đánh tiêu hao địch, nắm vững thời cơ chiến lược đánh những đòn quyết định, quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi. Chọn đúng đối tượng quyết chiến chiến lược.

+ Phối hợp nhịp nhàng giữa  quân chính quy với dân binh, giữa đánh chính diện với đánh sau lưng địch. Kế thừa, phát huy cách đánh sáng tạo của người xưa: ví dụ như trận Bạch Đằng . Có biện pháp động viên chính trị: Hịch tướng sĩ.

          - Khó khăn của nhà Nguyên: là kẻ thống trị ngoại tộc nên thường xuyên vấp phải sự phản kháng của nhân dân Trung Quốc.

V. Một số câu hỏi luyện tập

Câu 1:  Giải thích tại sao trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên [1288], quân giặc đã rút lui mà nhà Trần vẫn quyết định tấn công tiêu diệt  chúng ?  Phân tích ngắn gọn nghệ thuật quân sự  trong trận Bạch Đằng[1288].

Trả lời:

- Tóm tắt  hoàn cảnh quân Nguyên rút lui:

Cuối năm 1287, quân Nguyên xâm lược nước ta.  Tháng 3 - 1288,  quân Nguyên rơi vào tình trạng khốn quẫn : thiếu lương thực, liên tục bị quân ta tập kích tiêu hao lực lượng, vì thế chúng quýyết định rút về nước.

Nhà Trần chủ trương đánh những trận quyết chiến tiêu diệt địch vào lúc chúng rút lui vì hai lí do:

   + Âm mưu của địch :

Nhà Nguyên vốn tàn bạo, hiếu chiến, quyết tâm xâm chiếm nước ta để mở đường  bành trướng xuống Đông Nam Á.

    Hai lần thất bại trước chưa làm chúng từ bỏ dã tâm cướp nước ta, lần này tuy tình thế khó khăn nhưng lực lượng chúng còn đông, ý chí xâm lược chưa bị sụp đổ.

    Âm mưu của chúng là chủ động rút lui  an toàn về nước sau đó chuẩn bị thêm lực lượng sang xâm lược nước ta lần nữa.

    Ta phải giáng cho chúng những đòn phản công quyết  định, đập tan ý chí xâm lược của nhà Nguyên, bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước.

+ Kinh nghiệm của hai lần kháng chiến trước:

Đánh địch trên đường rút lui là lúc chúng đang vận động ngoài căn cứ, sức lực mệt mỏi, tinh thần hoang mang, tâm lí thất bại; đó là thời cơ hết sức thuận lợi để tiêu diệt triệt để sinh lực địch.

Nghệ thuật quân sự.

 - Chọn đối tượng quyết chiến trước hết và chủ yếu là  đội quân thuỷ của địch.

    Thuỷ chiến vốn là sở trường của quân dân Đại Việt, là chỗ yếu của quân Nguyên. Thuỷ binh địch đã nếm nhiều thất bại, tinh thần chiến đấu kém. Bộ phận bộ binh và kị binh đi theo không quen chiến đấu trên sông nước.

-  Chọn địa bàn quyết chiến là thượng lưu sông Bạch Đằng.   Lợi dụng địa hình sông nước, núi rừng hai bên để bố trí trận địa mai phục lớn, phối hợp chặt chẽ quân thuỷ và quân bộ. Lợi dụng chế độ thuỷ triều , xây dựng trận địa cọc ở cửa sông, chặn đứng đoàn thuyền địch, phối hợp với trận địa mai phục.

- Bố trí quân mai phục đón đánh, buộc đội kị binh hộ tống phải quay trở lại  để  cô lập đạo quân thuỷ. Đánh địch ở Trúc Động, bịt kín đường sông Giá, buộc chúng đi theo sông Đá Bạc vào trận địa chúng ta bày sẵn.

-   Đánh kiềm chế, đánh khiêu chiến để chúng lọt vào trận địa đúng thời điểm nước triều rút xuống mạnh. Đánh địch cả trước mặt, sau lưng, hai bên; vừa thuỷ chiến vừa hoả công.

Ý nghĩa: Thất bại của đạo quân thuỷ tác động mạnh đến đạo quân bộ  làm tinh thần  của chúng  sụp đổ. Quân triều đình phối hợp  với dân binh liên tục phục kích, tập kích, truy kích làm chúng bị thiệt hại nặng,  rải xác trên đường rút chạy. Cuộc kháng chiến thắng lợi hoàn toàn.

 Trận  Bạch Đằng 1288 tiêu biểu cho nghệ thuật quân sự thời Trần “Giặc cậy trường trận, ta cậy đoản binh".

Câu 2: Trong lịch sử dân tộc ta đã diễn ra ba trận chiến trên sông Bạch Đằng, trong đó tiêu biểu là trận Bạch Đằng năm 938 và năm 1288. Hãy làm sáng tỏ những điểm giống và khác  nhau  giữa hai  trận chiến này.

Trả lời:

- Giống nhau:

   + Bố trí trận địa: đều lợi dụng tối đa địa thế  nhánh sông, ghềnh núi, rừng rậm của khu vực này để bố trí quân mai phục gồm cả quân thuỷ và quân bộ kết hợp và phát huy tối đa sức mạnh của các lực lượng này.

       Lợi dụng chế độ thuỷ triều và sự chênh lệch mực nước rất lớn lúc nước thuỷ triều lên với khi thuỷ triều rút để xây dựng trận địa cọc phối hợp với trận địa mai phục; kết hợp tài tình yếu tố nhân tạo với thiên tạo, làm tăng hiệu quả đánh tiêu diệt quân xâm lược.  Cách đánh giống nhau:  khiêu chiến, đánh kiềm chế để đưa địch vào thế trận bày sẵn, chọn đúng thời điểm để phản công quyết liệt.

  + Cách bố trí trận địa như vậy đều thể hiện rõ quyết tâm của người cầm quân là đánh một trận nhanh , gọn, triệt để; nhằm làm tan nát mộng tưởng xâm lăng của quân thù.

  + Ý nghĩa: Cả hai trận đều là trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa kết thúc chiến tranh, đè bẹp hẳn ý chí xâm lược của kẻ thù.

  - Khác nhau:

  + Trận Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền là đánh quân địch trên đường tiến vào xâm lược nước ta; Trận Bạch Đằng năm 1288 lại là đánh quân Nguyên trên đường rút khỏi nước ta.

  + Khả năng chiến  đấu của hai đạo quân trong hai trận chiến trên khác nhau: Nam Hán có thuỷ quân rất mạnh [ thuyền chiến to khoẻ, có khả năng vượt biển xa, thuỷ quân Nam Hán dày dạn chiến trận]; trong khi đó thuỷ quân là điểm yếu của quân Nguyên [ Không tinh nhuệ bằng quân kị - bộ, đẫ bị đánh tơi bời một số trận nên tinh thần chiến đấu giảm sút, hơn nữa trên thuyền lại chở theo một số lớn quân bộ vốn không quen tác chiến trên sông nước ].

  + Trận Bạch Đằng năm 1288  không chỉ kế thừa  mà còn  phát triển, sáng tạo ra cách đánh mới  hơn trận Bạch Đằng lần trước, đó là dùng những thuyền nan, bè nứa chất đầy chất dễ cháy để lao theo  dòng nước đốt cháy chiến thuyền địch:

                     " Bạch Đằng nhất trận hoả công

                 Tặc binh đại phá, huyết hồng mãn giang".

+ Trận Bạch Đằng năm 938 còn có ý nghĩa rất lớn, là trận chung kết lịch sử của dân tộc ta, chấm dứt hoàn toàn thời kì Bắc thuộc, mở ra thời kì độc lập lâu dài, phát triển rực rỡ của đất nước.

Câu 3:  Nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên thời Trần [thế kỉ XIII].

Trả lời:

  - Là cuộc chiến tranh chính nghĩa, bảo vệ  toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chủ quyền của dân tộc, cuộc sống yên lành của nhân dân.

   - Truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, sức mạnh đoàn kết, quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do của toàn dân:

+ Kiên cường, bất khuất, quyết tâm chiến đấu. [ Nêu  1 / 2  các sự kiện, nhân vật sau] :

    Quân ta thích vào tay hai chữ " Sát Thát".

     Tiếng  đồng thanh hô " Đánh" của các cụ phụ lão tại Hội nghị Diên Hồng.

     Tấm gương hi sinh của Trần Bình Trọng : " Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc".

    Tấm gương của Trần Quốc Toản: Không được tham gia Hội nghị Bình Than nên uất ức bóp nát quả cam; tự tổ chức một đạo quân trên một ngàn người, giương cao lá cờ thêu sáu chữ vàng " Phá cường địch, báo hoàng ân", chiến đấu cực kì dũng cảm, nhiều phen làm quân thù khiếp sợ.

    Câu nói của thái sư Trần Thủ Độ : " Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo" trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất; của Trần Quốc Tuấn : " Xin bệ hạ hãy chém đầu thần rồi sẽ hàng" khi quân ta phải rút lui  chiến lược trên cả ba mặt trận.

+ Đoàn kết:

        Đoàn kết từ trong nội triều, hoàng tộc đến toàn dân:  " Vì vua tôi đồng lòng, anh em hoà mục, cả nước góp sức nên bọn giặc phải chịu bị bắt ". Các vua đều trực tiếp cầm quân đánh giặc.  Các quý tộc Trần là những tướng lĩnh xuất sắc lập nhiều chiến công vang dội. Trần Quốc Tuấn đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, chủ động xoá bỏ hiềm khích, thù oán trong dòng họ để củng cố khối đoàn kết trong hoàng tộc.

      Nhân dân: Trước mỗi cuộc kháng chiến tự lập các đội dân binh, ngày đêm sắm rèn vũ khí, luyện tập võ nghệ. Khi kẻ thù xâm lược, nhân dân   triệt nguồn lương thực của quân thù. Các đội dân binh ở khắp nơi sát cánh với quân đội triều đình , không ngừng tập kích, tiêu hao sinh lực địch, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của chúng.   

    Phụ nữ cũng có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, [nêu ví dụ ].

     Có được khối đoàn kết toàn dân là do triều đình biết " khoan thư sức dân làm kế bền gốc, sâu rễ". Cuộc kháng chiến dưới thời Trần đạt tới trình  độ một cuộc chiến tranh nhân dân. Đó là nguyên nhân quyết định thắng lợi.

  Trong khi đó, châu Âu phong kiến đang chìm đắm trong chế độ phong kiến phân quyền, với các nước phong kiến lớn ở châu Á đã bước vào thời kì khủng hoảng, suy vong nên không đủ sức chống lại sự xâm lược của đế quốc Mông - Nguyên.

- Nghệ thuật tiến hành kháng chiến do tài năng lỗi lạc của những người lãnh đạo.

   + Có kế sách  xây dựng, củng cố khối đoàn kết toàn dân. Tổ chức cuộc chiến tranh nhân dân: Chính sách " ngụ binh ư nông" cho phép  vẫn duy trì được sản xuất nhưng khi cần thiết có thể huy động được lực lượng quân đội đông đảo, tổ chức lực lượng dân binh phối hợp với quân đội triều đình, đánh địch mọi nơi, mọi lúc,buộc chúng phải tác chiến liên miên mà không thể có một trận đánh quyết định mang tính chiến lược, đẩy địch vào tình trạng khốn quẫn, tạo thời cơ thích hợp phản công địch.

  + Giải quyết sáng tạo giữa rút lui chiến lược với phản công và tiến công: Cả ba lần kháng chiến, ta đều rời khỏi kinh thành Thăng Long để bảo toàn lực lượng, đánh tiêu hao địch, nắm vững thời cơ chiến lược đánh những đòn quyết định, quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi. Chọn đúng đối tượng quyết chiến chiến lược.

+ Phối hợp nhịp nhàng giữa  quân chính quy với dân binh, giữa đánh chính diện với đánh sau lưng địch. Kế thừa, phát huy cách đánh sáng tạo của người xưa: ví dụ như trận Bạch Đằng . Có biện pháp động viên chính trị: Hịch tướng sĩ.

Câu 4: Phân tích vai trò của Trần Hưng Đạo trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên

Trả lời:

- Thế kỉ XIII, trên bước đường ổn định và phát triển của đất nước dưới thời Trần, nhân dân Đại Việt phải đương đầu với ba lần xâm lược của quân Mông-Nguyên vào năm 1258,1285 và 1288.

- Dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo và các vua Trần cùng các tướng lĩnh tài năng, nhân dân ta đã đập tan các cuộc xâm lược của kẻ thù, bảo vệ vững chắc nền độc lập của đất nước.

* Trần Hưng Đạo có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng khối đoàn kết toàn dân, đó chính là yếu tố cơ bản tạo nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên

- Khôn khéo hàn gắn những vết rạn nứt trong đội ngũ quý tộc và quan lại cao cấp: bày tỏ sự trung thành tuyệt đối của mình với vua Trần để xóa dần và xóa sạch sự ngờ vực của nhà vua, tự mình tắm rửa cho Trần Quang Khải,...

- Tạo lập và bảo vệ khối đoàn kết trong nội bộ quý tộc và tướng lĩnh cao cấp: Tác động tích cực và có hiệu quả đến quyết định của triều Trần trong việc triệu tập hội nghị Bình Than [1282] nhằm xác định phương hướng chiến lược chống ngoại xâm và tổ chức bộ máy chỉ huy...

- Mở rộng và củng cố khối đoàn kết toàn dân, biến quyết tâm của triều đình thành quyết tâm của cả nước: Bằng uy tín chính trị của mình, ông đã tác động vào quyết định độc đáo của nhà Trần là triệu tập hội nghị Diên Hồng. Từ đây, khối đoàn kết toàn dân được xác lập.

- Biên soạn và phổ biến “Hịch tướng sĩ”, khơi dậy lòng yêu nước, căm thù giặc, khí thế quật cường của binh sĩ. Binh sĩ tự khắc vào tay mình 2 chữ “Sát Thát”.

* Ba lần lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh bại hoàn toàn âm mưu xâm lược của quân Mông-Nguyên, bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước:

- Trong lần thứ nhất: ông là người đứng đầu một đạo quân bộ chặn đánh địch ở biên giới phía Bắc, kiểm soát chặt chẽ mọi động tĩnh ở biên giới, có ý nghĩa rất quan trọng với việc hoạch định chính sách chung của triều đình.

- Trong kháng chiến lần hai và lần ba: ông giữ chức “Quốc công tiết chế” thống lĩnh quân đội.

+ Trong lần 2: Ông là người vạch ra kế hoạch chung, là tướng chỉ huy những trận đánh quan trọng nhất [Hàm Tử, Chương Dương, Vạn Kiếp], đưa ra các quyết định có ý nghĩa chiến lược đúng đắn: Rút lui bảo toàn lực lượng, quyết tâm đánh trả đạo quân Toa Đô từ Chiêm Thành đánh lên...

+ Trong lần 3: Ông là nhà chiến lược xuất sắc, tướng tổng chỉ huy thiên tài. Ông đã đề ra kế hoạch chung: Rút lui chiến lược, thực hiện kế hoạch “thanh dã”, tiêu diệt thủy binh và đoàn thuyền lương, uy hiếp liên tục buộc địch tháo chạy và đánh trận quyết định trên sông Bạch Đằng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến...

Trần Hưng Đạo là nhà lý luận quân sự thiên tài với “Binh thư yếu lược”, “Hịch tướng sĩ”…đã vạch ra đường lối đánh giặc cho dân tộc. Trần Hưng Đạo còn là người có tầm nhìn chiến lược trong xây dựng đất nước: Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ.

Câu 5: Tinh thần “Toàn dân đánh giặc” được thể hiện như thế nào trong các cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên thế kỉ XIII?

Trả lời:

- Với tinh thần: “…vua tôi đồng lòng, anh em  hòa thuận, cả nước góp sức…”. Tất cả các tầng lớp nhân dân, thành phần xã hội đều tham gia đánh giặc bảo vệ đất nước.

- Nhà Trần đã chuẩn bị rất chu đáo tiềm lực về mọi mặt cho mỗi lần kháng chiến, rất quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân bằng nhiều biện pháp để tạo nên sự gắn bó giữa triều đình với nhân dân.

- Trước khí thế hung hãn của giặc Mông-Nguyên, dân tộc Việt Nam không hề biết sợ.“Tiểu dân thanh dã, đoản binh phục hậu”, từ miền ngược đến miền xuôi, từ núi rừng đến sông biển, tất cả các quận huyện trong nước, hễ giặc đến đều đứng lên đoàn kết chiến đấu, dựa vào thôn xóm, làng bản, địa hình hiểm trở để kiên quyết chống trả.

-  Trong kháng chiến, các quý tộc, vương hầu nhà Trần đã chủ động giải quyết các bất hòa trong nội bộ vương triều, tạo nên hạt nhân của khối đoàn kết dân tộc mà Trần Quốc Tuấn là tiêu biểu.

Câu 6: Quân, dân nhà Trần đã thể hiện lòng yêu nước, quyết tâm chống giặc cứu nước như thế nào trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông – Nguyên thế kỉ XIII ?

Trả lời:

- Vua tôi, tướng lĩnh, binh sĩ nhà Trần:

+ Các vua đều trực tiếp cầm quân đánh giặc [ vua Trần Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông]. 

+ 1282, nhà Trần triệu tập hội nghị bến Bình Than- hội nghị của các vương hầu, quý tôc, tướng lĩnh nhà Trần để  bàn kế sách đánh giặc đồng thời thắt chặt khối đoàn kết trong nội bộ cũng như tầng lớp trên trong xã hội.

+ Lời Hịch của Trần Quốc Tuấn đã thổi bùng lên ngọn lửa căm thù, lòng quyết tâm giết giặc của quân dân ta.

+ Trần Quốc Tuấn đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, chủ động xoá bỏ hiềm khích, thù oán trong dòng họ để củng cố khối đoàn kết trong hoàng tộc. Trần Quốc Toản tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã quyết tâm giết giặc, lập công, không được tham dự hội nghị Bình Than, đã về lập đội quân nghìn người ngày đêm luyện tập để đánh giặc, thêu lá cờ có 6 chữ vàng ‘‘giết cường địch, báo hoàng ân’’...

+ Binh lính thích lên tay hai chữ «Sát thát » thể hiện quyết tâm diệt giặc.

- Nhân dân :

+Năm 1285  Hội nghị Diên Hồng được tổ chức, tạo cơ sở vững chắc, to lớn để xây dựng khối đoàn kết toàn dân, biến quyết tâm của triều đình thành quyết tâm của cả dân tộc. Trong hội nghị với lời hô ‘Đánh’ của tất cả các bô lão đã biểu thị rõ ý chí quyết tâm chống giặc cứu nước của quân dân ta.

 +Trước mỗi cuộc kháng chiến các đội dân binh được thành lập, ngày đêm sắm rèn vũ khí, luyện tập võ nghệ. Các đội dân binh ở khắp nơi sát cánh với quân đội triều đình , không ngừng tập kích, tiêu hao sinh lực địch. Khi có lệnh của triều đình, nhân dân thực hiện kế  Thanh dã để góp phần gây khó khăn cho địch, tạo thời cơ cho quân ta phản công giành thắng lợi.

+ Các tù trưởng miền núi là người dân tộc thiểu số : Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương cũng góp phần to lớn trong chặn đánh và chặn đường rút chạy của địch.

+  Phụ nữ cũng có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến : Linh Từ Quốc Mẫu – Trần Thị Dung tổ chức cho gia đình hoàng tộc, quan lại di chuyển khỏi kinh thành Thăng Long. Bà bán nước ở bến đò Rừng đã chỉ cho Trần Quốc Tuấn sự lên xuống của mực nước.

+ Những người có thân phận thấp kém trong xã hội như Yết Kiêu, Dã Tượng cũng dũng cảm, kiên gan tham gia cuộc chiến và lập nhiều chiến công vang dội.

Câu 7: Hãy nêu những bài học về huy động sức mạnh toàn dân và nghệ thuật tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của quân dân nhà Trần thế kỉ XIII. Những bài học đó được Đảng và nhân dân ta vận dụng như thế nào trong cuộc kháng chiến chống Pháp [1945 - 1954] và kháng chiến chống Mĩ [1954 - 1975]?

Trả lời:

a. Những bài học về huy động sức mạnh toàn dân và nghệ thuật tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của quân dân nhà Trần thế kỉ XIII

- Phát huy lòng yêu nước, đoàn kết dân tộc, huy động sức mạnh toàn dân tộc [Hội nghị Diên Hồng, Hịch Tướng sĩ…]

- Tinh thần quyết chiến, quyết thắng…

- Nghệ thuật quân sự: lấy ít đánh nhiều, lấy yếu chống mạnh, đánh lâu dài, khôn khéo bảo toàn lực lượng, kế thừa sáng tạo nghệ thuật quân sự của ông cha ta trong giai đoạn trước [Bạch Đằng…]

- Kết hợp đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao.

b.Những bài học đó được Đảng và nhân dân ta vận dụng  trong cuộc kháng chiến chống Pháp [1945 - 1954] và kháng chiến chống Mĩ [1954 - 1975]

- Dân tộc ta luôn phải đương đầu với những kẻ thù mạnh hơn mình gấp bội, vì thế truyền thống đánh giặc, giành và bảo vệ độc lập của ông cha ta trở thành sức mạnh mềm cho dân tộc trong những giai đoạn tiếp sau đó.

- Bài học đánh giặc của nhà Trần được vận dụng sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mĩ bảo vệ độc lập dân tộc.

+ Về huy động sức mạnh toàn dân: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi kháng chiến chống Mĩ của Hồ Chí Minh; xây dựng mặt trận Việt Minh, Liên Việt, mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam…Tập hợp lực lượng dân tộc, phân hóa, cô lập kẻ thù; chính sách xây dựng và củng cố hậu phương về mọi mặt.

+ Về nghệ thuật chỉ đạo quân sự: khôn khéo bảo vệ lực lượng, đánh lâu dài, chọn điểm quyết chiến…

Câu 8: Nhà Trần đã làm gì để huy động sức mạnh toàn dân trong cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông thế kỉ XIII. Nhân dân đã hưởng ứng quyết tâm đánh giặc của nhà Trần như thế nào?

Trả lời:

a]                      Trong thế kỉ XIII, sau khi đã chinh phục nhiều nước trên thế giới, quân Nguyên Mông đã 3 lần tiến hành xâm lược Đại Việt [1258, 1285, 1287-1288] nhưng cả 3 lần xâm lược họ đầu bị quân dân nhà Trần đánh bại. Sở dĩ Đại Việt là một nước không lớn, dân không đông nhưng đã đánh bại một Đế quốc hùng mạnh và bậc nhất thế giới trong nửa sau thế kỉ XIII là là do triều đình đã huy động sức mạnh dân tộc tiến hành chiến tranh nhân dân chống xâm lược.

·Nhà Trần đã xây dựng khối đoàn kết toàn dân.

·"Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc". Vua tôi nhà Trần đã nhận thức được sức mạnh của dân, tất cả đều phụ thuộc vào sức mạnh của nhân dân. Nhờ chính sách này mà nhà Trần đã tạo được sự tin tưởng của dân với mình. Nhờ đó khi tổ quốc bị xâm lăng, nhân dân đã hưởng ứng tổ chức cuộc kháng chiến.

·Để đoàn kết toàn dân, nhà Trần đã xây dựng, củng cố khối đoàn kết từ ngay trong triều đình và coi đó là hạt nhân của khối đoàn kết toàn dân. Quý tộc, vương hầu nhà Trần đã đặt quyền lợi dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, đã gác lại mối bất hoà, sự mâu thuẫn trong nội bộ [Trần Quốc Tuấn đã chủ động hoà giải với Trần Quang Khải từ đó củng cố sự đoàn kết trong giới lãnh đạo]. Để đoàn kết vua tôi, vua Trần đã tổ chức hội nghị Bình Than năm 1282 đã củng cố quyết tâm lãnh đạo trong triều đình. Đây là hội nghị cấp cao của triều đình sau đó mở rộng ra toàn dân.

·Nhà Trần đã mở rộng khối đoàn kết toàn dân. Quân dân xây dựng ý chí đấu tranh. Sau hội nghị Bình Than nhà Trần tổ chức hội nghị Diên Hồng năm 1285 bao gồm các bô lão trong các làng xã đại diện cho nhân dân cả nước. Hội nghị đã thể hiện sự đoàn kết nhất trí và quyết tâm của toàn dân trong cuộc kháng chiến.

b]                     Nhân dân đã hưởng ứng quyết tâm đánh giặc

·Tất cả từ người dân đến tướng lĩnh đều chung 1 ý chí quyết tâm đánh giặc, điều đó thể hiện ở: trên tay các binh sĩ, tướng lĩnh đều khắc chữ "Sát Thát"; quyết tâm chống giặc lần I thể hiện qua việc Trần Thủ Độ nói với nhà vua: "Nếu bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu thần trước"; của Trần Bình Trọng: "Ta thà làm ma nước nam còn hơn làm vương đất Bắc". Tất cả đã gieo niềm tin cho vua, cho nhân dân và thúc đẩy nhân dân đoàn kết, quyết tâm đánh giặc.

·Nhân dân đã hưởng ứng và thực hiện kế "thanh dã" của nhà Trần. Sự thực hiện kế "thanh dã" của nhân dân đã góp phần làm suy yếu thế của giặc. Quân giặc đi tới đâu nếu không bị đánh thì cũng chỉ thấy cảnh "vườn không nhà trống". Họ không thể "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh". Do đó kế "thanh dã" đã thể hiện tính nhân dân rất sâu sắc của cuộc kháng chiến.

·Tính nhân dân trong cuộc kháng chiến còn thể hiện trong các trận đánh: nhân dân phá cầu, đường để ngăn bước tiến của giặc, để tách đạo kị binh của Trình Đoàn Phi ra khỏi đạo quân thuỷ trong cuộc kháng chiến lần III; lực lượng dân binh ở địa phương đã phối hợp chiến đấu với quân đội triều đình; những người dân bình thường cũng góp sức cho cuộc kháng chiến bằng khả năng của mình như bà hàng nước đã chỉ cho Trần Quốc Tuấc quy luật lên xuống của con nước sông Bạch Đằng để ông bố trí trận địa, nhân dân phối hợp giúp đỡ, góp sức cùng quân đội nhà Trần xây dựng trận địa mai phục trên sông Bạch Đằng.

·Sức mạnh toàn dân đã làm nên tất cả. Điều đó được Trần Quốc Tuấn tổng kết lại sau cuộc kháng chiến thắng lợi. Bấy giờ Toa Đô, Ô Mã Nhi 4 mặt bao vây nhưng nhờ vua tôi đồng lòng, anh em hoà hợp, cả nước góp sức nên quân giặc bị bắt.

Câu 9:Sự khác nhau trong nghệ thuật kết thúc chiến tranh của cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý và kháng chiến chống Mông – Nguyên thời Trần. Giải thích vì sao có sự khác biệt đó?

Trả lời:

a.Sự khác nhau trong nghệ thuật kết thúc chiến tranh của cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý và kháng chiến chống Mông – Nguyên thời Trần

- Thời Lý:

Sau khi tiến hành trận quyết chiến trên bờ Bắc sông Như Nguyệt, quân ta đã đánh tan quân xâm lược, đẩy địch vào thế “tiến thoái lưỡng nan” ta chủ động giảng hoà với địch kết thúc chiến tranh.

- Thời Trần:

+ Cả ba lần quân dân nhà Trần đều tiến hành các trận quyết chiến chiến lược, đẩy lui quân địch, giành thế thắng: Đông Bộ Đầu, Tây Kết, Chương Dương, Hàm Tử…

+ Điển hình là lần kháng chiến thứ ba, khi quân Thoát Hoan bị cầm chân tại Vạn Kiếp gặp phải khó khăn. Thoát Hoan quyết định rút quân về nước theo hai đường thủy bộ. Quân ta tập trung lực lượng, tiến đánh nhằm tiêu diệt hoàn toàn lực lượng của địch: trận Bạch Đằng [1288], kết thúc thắng lợi chiến tranh xâm lược của quân Mông Nguyên.

b. Giải thích

- Tương quan lực lượng ta và địch khác nhau

+ Cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý diễn ra khi nhà Tống đang gặp phải những khó khăn trong nước và vùng biên cương phía Bắc. Khi không thành công, nhà Tống muốn nhanh chóng đưa tàn quân về nước. Nhà Lý chủ động giảng hòa trên thế thắng đã giữ thể diện cho nước lớn, tránh nguy cơ về một cuộc chiến tranh mới

+ Thời Trần, mặc dù đang trên đà phát triển, song thế giặc mạnh. Quân Mông Nguyên đang là đội quân hùng mạnh với âm mưu bành trướng lãnh thổ rộng lớn.

- Đặc điểm quân Mông Nguyên: là một quân đội hiếu chiến và hiếu thắng, từng tung hoành ngang dọc, “bách chiến bách thắng” nên không có ý định chùn bước khi xâm lược một Đại Việt bé nhỏ. 3 lần cất quân xâm lược thể hiện âm mưu thôn tính đến cùng lãnh thổ nước ta. Do vậy, muốn bảo vệ nền hòa bình lâu dài, chỉ có thể giáng những đòn quyết định, đập tan âm mưu đó.

KẾT LUẬN

Chuyên đề “Cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý và ba lần kháng chiến chống  quân Mông - Nguyên thời Trần [thế kỉ XI – thế kỉ XIII]” là một chuyên đề quan trọng, là một trong những nội dung trọng tâm của các kì thi Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ năm 2019 cũng như thi HSG Quốc gia môn Lịch sử.  

Để thực hiện các mục tiêu giảng dạy, tôi xin mạnh dạn đề xuất một số phương pháp dạy học áp dụng trong chuyên đề này. Đó là về Một số dạng câu hỏi và phương pháp giải quyết một số dạng bài tập lịch sử thường gặp:

- Dạng câu hỏi về diễn biến của sự kiện lịch sử: Để làm được câu hỏi dạng này, học sinh cần nắm vững và trình bày những diễn biến chính của vấn đề.

- Câu hỏi xác định nguyên nhân thành công của một sự kiện lịch sử: nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống, chống Mông Nguyên, nguyên nhân chung. Học sinh cần nắm chắc các yếu tố thắng lợi của mỗi cuộc chiến.

- Dạng câu hỏi yêu cầu lập bảng niên biểu về các sự kiện lịch sử: học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản.

- Dạng câu hỏi xác định, phân tích tính chất của sự kiện lịch sử: học sinh buộc phải nắm được, phân tích được bản chất vấn đề .

- Câu hỏi xác định tính kế thừa giữa các sự kiện, giai đoạn, thời kì lịch sử.

Với dạng câu hỏi này, yêu cầu đối với học sinh là cần phải hiểu rõ quá trình phát triển liên tục, thống nhất, tính phong phú, đa dạng, cuy thể của các sự kiện, giai đoạn, thời kì lịch sử. Khi gặp câu hỏi dạng này, học sinh cần phải nắm vững một vấn đề có tính quy luật trong sự phát triển là sự tiếp nối logic giữa quá khứ-hiện tại-tương lai.

- Dạng câu hỏi tìm hiểu ý nghĩa của sự kiện và rút ra bài học kinh nghiệm lịch sử đối với các giai đoạn sau hoặc ngày nay: học sinh cần biết liên hệ thực tiễn để đạt kết quả tốt.

Với mong muốn tích cực đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, tôi đã sử dụng hài hòa các phương pháp truyền thống kết hợp nhuần nhuyễn với các phương pháp mới để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập của học sinh.

          Trên đây kinh nghiệm giảng dạy chủ quan của bản thân khi giảng dạy chuyên đề “Cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý và ba lần kháng chiến chống  quân Mông - Nguyên thời Trần [thế kỉ XI – thế kỉ XIII]”. Trong quá trình trình bày không tránh khỏi những sai sót, kính mong các thầy cô đồng nghiệp rút kinh nghiệm và chia sẻ ý kiến!

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sách giáo khoa Lịch sử [nâng cao] lớp 10

2. Giáo trình Lịch sử Việt Nam tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2019.

3. Hướng dẫn ôn thi bồi dưỡng HSG THPT Chuyên đề Lịch sử, Nxb Quốc gia Hà Nội, 2015.

Chủ Đề