Nền kinh tế mệnh lệnh là gì

TS.Nguyễn Đình Cung

Chỉ còn vài ngày nữa là hết tháng 9, theo ông với tác động phức tạp của dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 sẽ như thế nào?

Dịch bệnh lan rộng, phức tạp và khó lường với biến chủng mới lây nhiễm rất nhanh đã buộc TP.HCM, 19 tỉnh thành phố phía Nam và cả Hà Nội phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và một số địa phương thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg. Thực trạng nói trên đã gây ra những khó khăn chưa từng có đối với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là ở các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Do đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9/2021 chắc chắn vẫn chưa được cải thiện và có thể còn tiếp tục xấu thêm so với tháng 8. Có thể kết quả phát triển kinh tế, xã hội quý III/2021 sẽ ở mức thấp nhất trong năm và trong cả hàng chục năm trở lại đây.

Liệu có điểm sáng nào trong bức tranh kinh tế không, thưa ông?

Nhìn chung bối cảnh, điều kiện bên ngoài trong năm 2021 và 2022 là thuận lợi đối với phục hồi và phát triển kinh tế đất nước. Kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế phát triển, Trung Quốc đã và đang phục hồi mạnh mẽ. Thương mại và đầu tư thế giới cũng từng bước phục hồi. Các quốc gia phát triển, Trung Quốc đang từng bước mở cửa nền kinh tế một cách toàn diện và vững chắc. Các nền kinh tế châu Á, Đông Nam Á đang nới lỏng, tiến tới mở cửa nền kinh tế.

Tình hình trong nước cũng có nhiều điểm sáng. Thứ nhất, mặc dù vaccine đang rất khan hiếm, nhưng chiến dịch ngoại giao vaccine của Chính phủ đã khá thành công; việc tiêm chủng đang được đẩy nhanh. Đặc biệt từ năm 2022, Việt Nam có thể chủ động được về nguồn cung vaccine.

Điểm sáng tiếp theo là dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung ứng dịch vụ đang dần mở cửa lại. Mức độ trầm trọng của dịch bệnh chủ yếu ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Vì vậy, khi phủ kín vaccine ở tại các địa phương này, các hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được mở cửa lại, thì sản xuất và đời sống ở các địa phương khác có thể trở lại bình thường trong điều kiện bình thường mới.

Thứ ba, các chính sách và chương trình của Chính phủ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chống chọi, vượt qua đại dịch được đưa ra kịp thời và có hiệu lực hơn trước.

Vậy theo ông, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ ở mức nào?

Bên cạnh những điểm sáng thì khó khăn và tổn hại mà dịch bệnh gây ra vẫn còn tiếp tục và khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn. Việc mở cửa lại, phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới sẽ là thách thức chưa từng có đối với Chính phủ và nhân dân ta. Chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tuy có hiệu lực hơn, nhưng có lẽ là quá nhỏ so với tổn thất của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là với doanh nghiệp nhỏ, người lao động nghèo và lao động phi chính thức.

Đại dịch đã tác động nặng nề tới kinh tế TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ khiến khu vực này có thể không có tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm trong năm nay. Hà Nội cũng trải qua hơn một tháng phong tỏa, tăng trưởng quý III giảm 0,8%- 0,98%, dự báo cả năm đạt 4,54%, cũng có thể là 3,97%. Vì thế tăng trưởng kinh tế năm nay có thể chỉ đạt mức thấp 2-3%. Điều này có nghĩa là đại dịch Covid-19 đang làm chúng ta tụt lại xa hơn.

Vì vậy, vượt qua đại dịch, nhanh chóng phục hồi và đẩy nhanh phát triển kinh tế đất nước đã và đang trở thành mệnh lệnh cho Chính phủ, cho chính quyền các địa phương, cho từng nhà lãnh đạo và cả hệ thống chính trị.

Để phục hồi và đẩy nhanh phát triển kinh tế, theo ông chúng ta cần phải làm gì?

Trong giai đoạn này cần phải có hai điều kiện liên quan mật thiết với nhau là liên tục tăng độ phủ vaccine và kiểm soát dịch bệnh theo các mức độ nguy cơ khác nhau, từ cao, trung bình, đến thấp. Và phải chấp nhận thực trạng vẫn có F0 trong cộng đồng.

Mục tiêu từ nay đến cuối năm là chuyển hoạt động quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội trở lại bình thường mới trong điều kiện sống và làm việc thích nghi với dịch bệnh. Trong đó, quan trọng nhất là hỗ trợ từng bước khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh và nhanh chóng tiến tới trạng thái bình thường hóa.

Để đạt được mục tiêu này, trước hết là tăng độ phủ vaccine. Đồng thời xây dựng và áp dụng quy định về tiêu chuẩn an toàn trong mở cửa vận tải hành khách quốc tế, tiêu chuẩn an toàn đối với sản xuất, kinh doanh và giao tiếp xã hội trong từng vùng [vùng xanh, vàng và đỏ], đối với di chuyển [hành khách, hàng hóa] giữa các vùng. Nguyên tắc xuyên suốt ở đây là không đặt thêm các quy định xin-cho, tạo thêm thủ tục hành chính.

Chính phủ đánh giá và lựa chọn một trong số các nền tảng [App] khai báo sức khỏe tích hợp dữ liệu tiêm vaccine của từng người dân và giám sát thực thi các tiêu chuẩn an toàn di chuyển của người và hàng hóa…

Cần yêu cầu các địa phương bãi bỏ ngay các loại giấy đi đường, bãi bỏ các trạm ngăn chặn đi lại của người và hàng hóa, trừ các khu vực bị phong tỏa. Thực hiện xuyên suốt nguyên tắc tất cả các hàng hóa, trừ hàng cấm kinh doanh, đều được tự do vận chuyển theo quy định của pháp luật. Các địa phương không được quyền ngăn chặn lưu thông hàng hóa hay cấm vận chuyển hàng hóa qua địa phương mình… Các bộ và các địa phương cần đẩy nhanh tốc độ và quy mô áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước.

Vấn đề tiếp theo là tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh từng bước trở lại hoạt động ổn định, bình thường. Từng bước khôi phục lại vận tải hành khách nội địa, từng bước khôi phục lại đời sống bình thường và sinh kế của người dân.

Các chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân cần được thực hiện hiệu quả. Trong đó, tập trung nguồn lực về an sinh xã hội [trong các gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ], để hỗ trợ các nhóm đối tượng mất công ăn việc làm, mất thu nhập, bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sinh kế, gồm cả lao động chính thức và phi chính thức ở các địa phương bị tác động nghiêm trọng bởi làn sóng dịch lần thứ 4. Bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không khả thi trong hỗ trợ an sinh xã hội ở các vùng dịch bệnh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chủ Đề