Lợi ích của việc học Luật bằng phương pháp giải quyết tình huống

Phương pháp học bằng tình huống

Trong một hội thảo về “Giảng dạy bằng phương pháp tình huống” có rất nhiều ý kiến chưa thống nhất từ những người làm công tác giảng dạy ở các trường đại học phía Nam. Những ý kiến này đặt vấn đề có nên và có thể giảng dạy bằng phương pháp này trong điều kiện giáo dục của Việt Nam hiện nay hay không.

Không có ý định trả lời cho câu hỏi trên, chúng tôi chỉ kiểm chứng từ 40 học viên được đào tạo một năm bằng phương pháp này thường xuyên. Phần sau là kết quả của ba câu hỏi trọng tâm: 1. Những gì bạn thích, thấy bổ ích khi học bằng phương pháp này? 2. Theo bạn, những khó khăn, trở ngại khi học bằng phương pháp này? 3. Phương pháp học này giúp ích gì trong công việc thực tế?

1. Ý kiến nhận được từ câu hỏi thứ nhất cho nhiều thông tin thú vị. Trước hết, đây là cách học giúp dễ hiểu và dễ cảm nhận hơn là các lý thuyết phức tạp và phương pháp này còn có thể phân tích được những vấn đề thực tế mà chưa có lý luận. Điều này cũng không có gì khó hiểu, thay vì giảng nhiều bài về lý thuyết đàm phán để người học tưởng tượng và sau đó tự rút ra cảm nhận riêng, bạn hoàn toàn có thể thiết kế một tình huống đàm phán kinh doanh và đưa người học vào từng vai cụ thể và phải ra quyết định. Quá trình ra quyết định và kết quả của quyết định ấy sẽ giúp người học không mau quên như là các lý thuyết. Kết quả đi kèm cũng là một lợi ích mà người học thu được, đó là thúc đẩy cá nhân họ phải ra quyết định chứ không phải chỉ ngồi nghe những gì người dạy truyền đạt. Học bằng phương pháp này sẽ giúp người học nâng cao tư duy và suy nghĩ độc lập.

Thứ hai, phương pháp học này giúp người học “biết người, biết ta”. Đó là một quá trình nhận ra điểm yếu của bản thân khi so sánh với người học khác trong quá trình phân tích tình huống, sau đó là khắc phục và tự tin. Thông qua thảo luận, những người tham gia luôn nhận được nhiều hơn những ý kiến, quan điểm, thông tin hay ý tưởng mà mình có ban đầu.

Như vậy, học bằng phương pháp tình huống còn tạo ra một cơ hội so sánh năng lực toàn diện hơn, đó là cả một ''gói'' kỹ năng như phát biểu trước đám đông, phân tích vấn đề một cách logic, hiểu biết rộng về thực tế, biết vận dụng lý thuyết để áp dụng phân tích các vấn đề thực tế, phản biện và chấp nhận các ý kiến, khác biệt, thương lượng... Đó là những kỹ năng cần có để thành công của một cá nhân. Khó có thể có một phương pháp học nào thay thế phương pháp tình huống để rèn luyện những kỹ năng này.

2. Không phải buổi học bằng phương pháp tình huống nào cũng thành công [thành công hay thất bại được hiểu là cảm nhận cá nhân so với kỳ vọng của người học và người dạy chứ không phải là tính đúng, sai của kết quá thảo luận]. Các ý kiến thu được từ kết quả điều tra nói trên cũng cho thấy có không ít những trở ngại ''mềm'' của phương pháp này [trở ngại ''cứng” làm cơ sở vật chất, số lượng người học, số thời gian quy định trong giảng dạy...].

Thứ nhất, các vấn đề xã hội thường được giải thích theo những quan điểm khác nhau và những người tham gia thảo luận nếu không cùng một ''ngôn ngữ'' thì khó lòng dẫn đến một kết cục như người soạn tình huống muốn hướng đến, nhất là những lớp học có học viên đa dạng về ngành nghề, tình độ hay đến từ các vùng có hoàn cảnh khác nhau...

Thứ hai, không phải tất cả các tình huống đều được thảo luận một cách rốt ráo bởi thực tế không hiếm các quyết định đưa ra hoàn toàn không có một cơ sở để giải thích về mặt lý thuyết.

Ngoài ra, còn có những trở ngại không kém phần quan trọng là sự bất hợp tác từ phía người học. Sự thụ động hoặc không có kỹ năng làm việc nhóm cũng là một cản trở đáng kể trong phương pháp giảng dạy này.

3. Kết quả khảo sát của câu hỏi ''phuơng pháp học này đã giúp ích gì với thực tế công việc?'' có thể chia thành ba nhóm lớn. Nhóm thứ nhất cho rằng đây là phương pháp hữu hiệu nhất mà họ được tiếp cận, hiện tại đang dùng phương pháp này cho công việc. Nhóm thứ hai cho rằng chưa trực tiếp ứng dụng phương pháp này trong công việc hiện tại, nhưng nhờ phương pháp này đã giúp cho cá nhân tự tin hơn trong giải quyết vấn đề, trình bày vấn đề chặt chẽ hơn, biết lắng nghe và chia sẻ với đồng nghiệp. Nhóm thứ ba không kết luận rõ ràng về hiệu quả.

Hiện nay, việc áp dụng giảng dạy bằng phương pháp nghiên cứu tình huống vẫn còn những trở ngại [và cả ngần ngại]. Nhiều nơi còn thiếu các phương tiện vật chất hỗ trợ, số lượng sinh viên quá nhiều trong một lớp, người dạy thiếu tiếp cận thực tế... và hơn hết là thiếu các động cơ khuyến khích của cơ chế giáo dục cho việc soạn thảo và giảng dạy tình huống. Thế nhưng, hiệu quả là rõ ràng. Phương pháp này không chỉ làm sáng tỏ một vấn đề được đem ra thảo luận mà còn giúp người học phát triển những kỹ năng phân tích để thành công. Đó mới là điều cần thiết nhất, bởi vì cuộc sống mỗi cá nhân là một tình huống mà chính họ phải là người tự phân tích và ra quyết định.

Nguyễn Hoài Bảo [TBKTSG]

Video liên quan

Chủ Đề