Làm thế nào để học thật, thi thật có nhân tài thật

Phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 diễn ra vào sáng nay [14/11] tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục trên khắp mọi miền đất nước và khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn coi Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Ngành giáo dục phải lấy học sinh làm trung tâm, chú trọng phát triển nhân cách, đạo đức, tính sáng tạo của học sinh. Phải lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy cô giáo làm động lực để thành công. Cần phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân ngày nhà giáo Việt Nam nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên và hơn l triệu giáo viên, giảng viên trong cả nước không được tới trường trong một thời gian dài. Hàng nghìn giáo viên đang công tác tại các trường ngoài công lập không có lương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn... Tuy nhiên toàn thể cán bộ, nhân viên, nhà giáo và cán bộ quản lý toàn ngành Giáo dục và Đào tạo đã khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề và với học sinh để cùng nhau đoàn kết, sáng tạo, ứng phó với dịch bệnh và mang kiến thức đến cho học sinh, sinh viên.

Trong không khí ấm cúng, thân mật, chân thành, cởi mở, 60 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương ở khắp các vùng, miền trong cả nước, đại diện cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả nước đã chia sẻ về nghề giáo, về học sinh, học viên, sinh viên, về trường lớp.

Bên cạnh những chia sẻ hết sức cảm động về những khó khăn của thầy và trò ở vùng sâu, vùng xa và trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cũng như những trăn trở với nghề. Các thầy, cô giáo bày tỏ niềm vinh dự, tự hào và hạnh phúc khi được là những kỹ sư tâm hồn; bày tỏ biết ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bậc phụ huynh và toàn xã hội đã dành cho thầy cô giáo nói riêng và ngành Giáo dục và Đào tạo nói chung sự quan tâm đặc biệt. Các nhà giáo tỏ rõ quyết tâm tiếp tục đem hết nhiệt huyết của mình cống hiến cho sự nghiệp trồng người, tất cả vì học sinh thân yêu.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại chương trình.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân của một người đã từng là phụ huynh học sinh, từng là người học trò, từng là người đứng trên bục giảng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước. Đặc biệt, cảm ơn về những chia sẻ, tâm tư hết sức chân thành và sâu sắc tự đáy lòng của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tại buổi gặp mặt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sự hiểu biết, khát vọng và tầm nhìn lớn lao sâu sắc về giáo dục, với câu nói “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người khẳng định “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Các chính sách tập trung đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó chú trọng quan tâm, chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. “Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, ngành Giáo dục đào tạo đã đóng góp to lớn trong việc bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cho thế hệ trẻ, giúp phát triển con người, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thành tựu đó có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ các thầy cô giáo.”

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, gần 2 năm qua dịch COVID - 19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Giáo dục và đào tạo là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Hàng triệu thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và ngoài công lập bị ảnh hưởng thu nhập, đời sống khó khăn do dịch bệnh. Thậm chí, nhiều thầy cô còn phải làm thêm các công việc khác để lo cuộc sống. Hàng chục triệu trẻ em không được học trực tiếp dài ngày, ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng học và đảo lộn cuộc sống hàng triệu gia đình. Hàng nghìn em mồ côi do mất cha, mất mẹ trong dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp gỡ,

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ khó khăn, ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và thành tích vượt khó của đội ngũ nhà giáo trên cả nước. “Các thầy cô đã khắc phục khó khăn thách thức để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn - ngay cả khi dịch bệnh ở thời điểm căng thẳng nhất. Các thầy cô giáo và ngành Giáo dục đã biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội và động lực để đổi mới giáo dục”-Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, hiện nay chúng ta đang thực hiện quyết liệt các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. Phương châm là: Lấy học sinh làm trung tâm; chú trọng phát triển nhân cách, đạo đức, tính sáng tạo của học sinh. Muốn vậy chúng ta cần tiếp tục lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy cô giáo làm động lực để thành công cho phương châm lấy học sinh làm trung tâm. Trong quá trình đó yêu cầu là phải học thật, thi thật, nhân tài thật.

Năm học 2020 - 2021 ghi dấu mốc quan trọng với việc xây dựng cơ chế chính sách tháo gỡ những nút thắt, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu Nghị quyết 29 của Trung ương. Qua đó, tạo sự chuyển biến về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, đồng thời huy động nguồn lực xã hội và thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh dịch bệnh, Chính phủ đang và sẽ giải quyết sớm những vấn đề trước mắt để tạo điều kiện cho ngành Giáo dục và Đào tạo thích ứng an toàn kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Theo đó, Chính phủ nhất quán quan điểm không để các cháu học trực tuyến quá lâu; giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế phối hợp với các địa phương có phương án giải pháp khắc phục việc này theo lộ trình từng bước nhưng phải hết sức khẩn trương, đảm bảo an toàn chống dịch. Triển khai từng bước tiêm vaccine cho học sinh... Đặc biệt, Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và ngoài công lập.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân ngày nhà giáo Việt Nam nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, tất cả những người làm trong ngành Giáo dục và đào tạo đều đang thực hiện sứ mệnh rất vẻ vang và đáng tự hào. Thủ tướng kêu gọi các cấp, các ngành, mọi người, mọi nhà, mọi bậc cha mẹ cùng chung tay sát cánh với ngành Giáo dục và đào tạo, với các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Việc giáo dục con người không phải là việc riêng của ngành giáo dục và đào tạo, của các thầy cô giáo. Mỗi người trong chúng ta hãy luôn là một người học trò để học tập không ngừng và cũng luôn là một nhà giáo để dục nhiệt tình tham gia vào công việc vẻ vang cao quý này.

Nhân dịp 20/11, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục trên khắp mọi miền đất nước và những giáo viên là người nước ngoài tham gia giảng dạy tại Việt Nam; chúc các thầy cô giáo sức khỏe, thành công để thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích 10 năm trồng cây - Vì lợi ích trăm năm trồng người ”. Xin trân trọng cảm ơn những đóng góp của các thầy  cô cho sự nghiệp trồng người của chúng ta./.

Ngày cập nhật : 14/06/2021

Từ những ngày đầu trên cương vị mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành quan tâm lớn cho giáo dục. Thông điệp “học thật, thi thật, có nhân tài thật” của ông đã tác động lớn tới suy nghĩ, hành động của các nhà giáo.

Thầy và trò Trường THPT Trần Nguyên Hãn viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. [Ảnh: NVCC]

Là người có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, với các vị trí từ giáo viên đến quản lý, Thầy Nguyễn Minh Quý – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn – Hải Phòng chia sẻ: Với cương vị nhà quản lý giáo dục, tôi rất tâm đắc với 3 từ chìa khóa trong thông điệp của Thủ tướng và cũng kỳ vọng những điều này sớm trở thành hiện thực. Tuy nhiên, mong muốn là một chuyện còn khi những chìa khóa ấy trao tay các thầy cô thì không hề đơn giản.

“Theo tôi, muốn “tam thật” thành hiện thực thì phải có sự “đồng lòng, đồng sức, đồng lực” của cả xã hội. Trước hết phải dũng cảm nhìn thẳng vào những tồn tại yếu kém của cả ngành, phải cắt bỏ khối U ác tính "thành tích" đã tồn tại quá lâu trong cả xã hội”, thầy Quý nói.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Quý.

Xác định, để giáo dục chuyển mình và phát triển bền vững, cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Bởi vậy, thầy Quý trăn trở trước câu hỏi: Ai sẽ tiên phong làm điều này, trong 4 thành tố quan trọng tham gia vào quá trình giáo dục học sinh?

Cha mẹ học sinh: Chắc chắn họ không thể tiên phong được, vì họ phụ thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá, sử dụng con người của cả xã hội. Nếu có sự thay đổi thì họ sẽ thay đổi.

Học trò: Từ cấp học dưới, các trò cần được giáo dục để phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực, kỹ năng, các em cần thấu hiểu - việc học là cho mình, học vì sự tiến bộ của bản thân các em chứ không phải học vì điểm, học vì sự ganh đua hay học để đối phó với các bài kiểm tra, học để thi vượt cấp...

Chúng ta cần một thế hệ học trò có động lực phấn đấu thực sự trong học tập để làm người. Thực tế lâu nay với dòng chảy êm đềm, miệt mài của dòng sông giáo dục, rất nhiều học trò của chúng ta đã trở thành những rô-bốt hiện đại, trở thành là những con số để báo cáo thành tích, do đó theo tôi, là sản phẩm của quá trình giáo dục nên không thể trông chờ các em thay đổi tiên phong được.

Thầy cô: Xét đơn thuần, thầy cô là người truyền thụ kiến thức cho các thế hệ học trò, là những viên chức trong ngành giáo dục, thầy cô cũng phải mưu sinh để sống chứ không thể trông cậy vào đồng lương ít ỏi. Bản thân thầy cô cũng chịu áp lực thành tích bởi các bậc CMHS, bởi nhà trường và cả xã hội. Họ sẵn sàng thay đổi, nhưng họ chờ đợi sự thay đổi từ cấp trên, từ sự thay đổi của xã hội.

Các nhà cán bộ quản lý giáo dục: Là những người trước tiên nhìn thấy những hạn chế, tồn tại của công việc đang làm, nhưng họ không dám thay đổi vì họ sợ: Sợ thất bại, sợ mất chức, sợ cô độc, sợ sự dè bỉu... Họ chờ đợi sự thay đổi lớn, tổng thể để chuyển mình. Cán bộ quản lý [CBQL] cấp dưới nhìn CBQL cấp trên, CBQL cấp Trường nhìn cấp Phòng, cấp Phòng nhìn cấp Sở, cấp Sở nhìn cấp Bộ, cấp Bộ nhìn như thế nào: nhìn lên cấp cao hơn để chờ đợi một cơ chế, để giáo dục là quốc sách thực sự? Nhìn sang bên các bộ ngành, các UBND tỉnh, thành phố chờ đồng hành? Nhìn xuống dưới chờ đợi những chuyển động...?

Học trò, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo là những nhân tố quan trọng nằm trong guồng máy của giáo dục, nhưng họ không thể quyết định để guồng máy ấy chạy như thế nào cho đúng hướng.

“Người đứng đầu Chính phủ đã khơi nguồn cho 3 chìa khóa, nhưng:

 Ai là người dũng cảm thay đổi những trì trệ, yếu kém?

Ai là người đứng ra bảo vệ những người dám thay đổi đó? 

Ai là người tạo cơ chế, hành lang pháp lý cho sự thay đổi sâu rộng trong các nhà trường, trong ngành GD, trong cả xã hội để “học thật, thi thật và có nhân tài thật”?

Để guồng máy ấy chạy đúng hướng, thiết nghĩ, những nhà quản lý giáo dục từ các nhà trường, cao hơn nữa là cấp Phòng, cấp Sở, cấp Bộ cần dũng cảm thay đổi, với sự tin tưởng, ủng hộ, trao quyền của lãnh đạo Đảng và Nhà nước và chính quyền các cấp. Khi đã rõ định hướng và tiên phong đổi mới theo mục tiêu, chắc chắn CBQL giáo dục sẽ không đơn độc. Và dù làm được một điều, hay hai điều từ tâm huyết và sự đồng lòng thì giáo dục sẽ thay đổi tích cực và mang lại những hi vọng mới về một Việt Nam sẽ hùng cường, phát triển” – Hiệu trưởng Nguyễn Minh Quý.

Theo GD&TĐ

Video liên quan

Chủ Đề