Khai quát đường lối cách mạng của Đảng từ 1954 1975

Tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển

Ảnh tư liệu

Yêu cầu bức thiết của phong trào cách mạng miền Nam

Sau thất bại tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Giơnevơ [21.7.1954] công nhận độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, cam kết rút hết quân về nước. Thực hiện âm mưu, kế hoạch đã vạch ra từ trước, đế quốc Mỹ liền nhảy vào thay chân thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam nước ta, âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự, tạo bàn đạp tiến công miền Bắc, ngăn chặn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa tại khu vực Đông Nam Á.

Mỹ đưa Ngô Đình Diệm - kẻ được Mỹ dung dưỡng và có tinh thần “chống cộng” điên cuồng, quyết liệt lên đứng đầu chính quyền, quân đội tay sai ở miền Nam Việt Nam. Từ đây, Mỹ - Diệm ra sức phá hoại Hiệp định Giơnevơ, loại bỏ các lực lượng tàn dư thân Pháp; đồng thời tập trung quân đội, cảnh sát, mật vụ an ninh mở các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” hết sức tàn bạo, giết hại những người cộng sản cùng đồng bào yêu nước; tiến hành cưỡng bức dồn dân về sinh sống tại các “khu dinh điền”, “khu trù mật” [thực chất là các trại tập trung trá hình] hòng tách dân khỏi cách mạng. Trước sự đàn áp, khủng bố của kẻ địch, cách mạng miền Nam chịu những tổn thất nặng nề chưa từng có. Chỉ trong vòng 4 năm [1954 - 1958], cả miền Nam tổn thất 9/10 tổng số cán bộ, đảng viên. Ở Nam Bộ: Khoảng 7 vạn cán bộ đảng viên ta bị địch giết hại; gần 90 vạn cán bộ, nhân dân bị bắt, bị tù đày; gần 20 vạn bị tra tấn thành tàn tật. Ở Khu 5 [lúc đó gồm cả Trị - Thiên và cực Nam Trung Bộ] khoảng 40% tỉnh ủy viên, 60% huyện ủy viên, 70% chi ủy viên xã bị bắt, bị giết, có tỉnh chỉ còn 2 - 3 chi bộ, 12 huyện đồng bằng không còn cơ sở đảng....

Bên ngoài, bối cảnh quốc tế lúc này cũng rất phức tạp, không thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa thực dân [đế quốc] do Mỹ đứng đầu phát động cuộc “chiến tranh lạnh”, ra sức chạy đua vũ trang chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩalàm cho tình hình thế giới luôn ở trạng thái căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh. Một số đảng cộng sản trong các nước xã hội chủ nghĩacó quan điểm khác với Đảng ta về con đường cách mạng Việt Nam, đa số muốn giữ nguyên hiện trạng chia cắt hai miền Nam - Bắc, không tán thành Việt Nam đẩy mạnh đấu tranh quân sự ở miền Nam...

Giữa bối cảnh lịch sử ấy, yêu cầu bức thiết của phong trào cách mạng miền Nam là cần phải chuyển hướng đấu tranh theo con đường bạo lực cách mạng, bằng lực lượng tại chỗ của nhân dân miền Nam; đồng thời có sự chi viện tích cực từ hậu phương lớn miền Bắc. Chỉ có như thế, cách mạng mới tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi.

Quyết tâm mở tuyến chi viện chiến lược bằng đường biển

Đầu năm 1959, trên cơ sở phân tích, nhận định đúng đắn về bối cảnh quốc tế, khu vực có liên quan; về tình hình xã hội miền Nam dưới chế độ Mỹ - Diệm, Hội nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam [nay là Đảng Cộng sản Việt Nam] lần thứ 15 đã xác định: “con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân [...], dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ chính quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”. Trung ương Đảng đề ra chủ trương nhanh chóng tổ chức chi viện sức người, sức của từ miền Bắc cho cách mạng miền Nam. Bộ Chính trị giao cho Bộ Quốc phòngphối hợp cùng Ủy ban Thống nhất Trung ương tổ chức công tác chi viện.

Chấp hành chủ trương lãnh đạo do Đảng đề ra, tháng 5.1959, Tổng Quân ủy [năm 1961 đổi thành Quân ủy Trung ương], Bộ Quốc phòng quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược trên bộ vượt dãy Trường Sơn [Đoàn 559] và đến tháng 7.1959, quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược bằng đường biển [thành lập Tiểu đoàn vận tải thủy 603, hoạt động dưới hình thức tên gọi “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”].

Việc tổ chức xây dựng tuyến vận tải đường biển ngay từ đầu gặp rất nhiều khó khăn do thiếu phương tiện [tàu thuyền], nguồn nhân lực, bến bãi. Theo quyết định thành lập, biên chế của Tiểu đoàn vận tải thủy 603 có 2 đại đội với 4 thuyền buồm trọng tải từ 15 - 20 tấn. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, ngày 27.1.1960, Tiểu đoàn 603 tổ chức một chuyến vận chuyển hàng từ cửa sông Gianh [tỉnh Quảng Bình] chi viện cho chiến trường Khu 5. Trên đường đi do gặp gió mùa, sóng lớn, thuyền bị trôi dạt vào Lý Sơn [Quảng Ngãi], không đến được đích, phải hủy bỏ hàng. Cán bộ, chiến sĩ trên thuyền bị địch bắt giữ. Sau khi phân tích, cân nhắc xét thấy phương án vận chuyển bằng thuyền buồm không hiệu quả, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Tiểu đoàn 603 tạm ngừng hoạt động, chờ phương án chi viện mới.

Cùng thời gian này, phong trào “Đồng khởi” của nhân dân miền Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, giáng đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mỹ, làm lung lay tận gốc chính quyền Ngô Đình Diệm. Để đối phó với phong trào, đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ quân sự cho miền Nam Việt Nam, đồng thời đưa nhiều “cố vấn” sang trực tiếp điều khiển quân đội tay sai, chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” [1961 - 1965]. Quân đội Sài Gòn được trang bị hiện đại, sử dụng nhiều hình thức chiến thuật mới như “trực thăng vận”, “thiết xa vận”... mở hàng chục nghìn cuộc hành quân càn quét dài ngày, đẩy mạnh dồn dân lập ấp chiến lược. Đặc biệt, từ năm 1961, Mỹ đã bắt đầu sử dụng chất độc hóa học [trong đó có những chất đặc biệt nguy hại] vào các vùng chúng không kiểm soát được nhằm hủy diệt sự sống trên mặt đất, phá hủy môi trường, tiêu diệt lực lượng kháng chiến.

Trước hành động leo thang chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, Đảng Lao động Việt Nam đã kịp thời từng bước chuyển đấu tranh của nhân dân ở miền Nam từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng. Việc đẩy mạnh sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng và trở nên cấp bách, nhất là đối với các chiến trường xa Trung ương như Nam Bộ, Nam Trung Bộ [là những nơi vận chuyển đường bộ của Đoàn 559 trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới]. Với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 23.10.1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định [số 97/QP] thành lập Đoàn 759 - đoàn vận tải quân sự đường biển đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng với nhiệm vụ: “mua sắm phương tiện, điều hành vận chuyển các loại hàng tiếp tế cho chiến trường miền Nam bằng đường biển”. Quân số ban đầu của Đoàn 759 có 38 cán bộ, chiến sĩ, trong đó phần lớn là các đồng chí mới từ miền Nam vượt biển ra Bắc. Đồng chí Trung tá Đoàn Hồng Phước, nguyên Tham mưu trưởng Sư đoàn 330 được bổ nhiệm làm Đoàn trưởng.

Ngay sau khi thành lập, Đoàn 759 [sau là Đoàn 125 và Lữ đoàn 125 Hải quân] tích cực chuẩn bị, tổ chức thực hiện vận chuyển chi viện miền Nam. Dù đối diện với muôn vàn khó khăn do điều kiện tự nhiên của biển cả; sự ngăn chặn, đánh phá ác liệt của kẻ thù, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên tuyến vẫn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng, mưu trí sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Suốt 14 năm hoạt động [1961 - 1975], Đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển hơn 100.000 tấn hàng quân sự [chủ yếu là vũ khí], cùng hàng chục nghìnlượt người đến các chiến trường, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, giành thắng lợi cuối cùng cho sự nghiệp cách mạng.

Đường Hồ Chí Minh trên biển [1961 - 1975] đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một huyền thoại, một kỳ tích thế kỷ XX. Quyết định mở tuyến chi viện chiến lược quan trọng đặc biệt này cũng góp phần khẳng định đường lối kháng chiến độc lập tự chủ, đúng đắn sáng tạo của Đảng ta; là một thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược, vượt lên trên mọi toan tính của các nhà hoạch định chính sách phía Mỹ trong “cuộc đụng đầu lịch sử”.

QPTD -Thứ Hai, 22/08/2011, 23:43 [GMT+7]

Đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng - nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Dưới sự lãnh đạo của Đảng sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành được thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi đó đã khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ của Đảng ta.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bền bỉ và anh dũng của nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ [7-1954], công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Thế nhưng, sau ngày Hiệp định được ký kết, đế quốc Mỹ đã gạt thực dân Pháp, trực tiếp viện trợ và giúp chính quyền Sài Gòn xây dựng quân đội, hòng biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, chia cắt lâu dài Việt Nam, ngăn chặn ảnh hưởng của CNXH xuống Đông Nam Á, răn đe phong trào giải phóng dân tộc đang trên đà phát triển.

Do âm mưu, hành động phá hoại của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta phải trải qua chặng đường dài 21 năm [1954-1975], với vô vàn gian khổ, hy sinh, khó khăn, phức tạp.

Đặc điểm lớn, bao trùm và xuyên suốt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là: đất nước bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội đối lập. Quá trình Đảng ta đề ra và thực hiện đường lối chiến lược, phương hướng đấu tranh cho cách mạng cả nước cũng như cho mỗi miền, đều chịu sự tác động và chi phối của đặc điểm này. Nước ta, đất không rộng, kinh tế chưa phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; tiến hành Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta phải đương đầu với một tên đế quốc có tiềm lực kinh tế và quân sự to lớn, đang ráo riết thực hiện âm mưu thống trị thế giới. Trong lúc đó, hệ thống XHCN, quan hệ giữa các nước lại đang diễn biến phức tạp; sự xuất hiện các khuynh hướng của chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, sô vanh... là những trở ngại, tác động tiêu cực tới cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Trung thành vô hạn với Tổ quốc, với nhân dân; kiên định lập trường cách mạng; trên cơ sở đánh giá đúng bản chất, âm mưu và hành động của kẻ thù; đánh giá lực lượng so sánh đôi bên với quan điểm cách mạng và khoa học; bám sát diễn biến thực tế của tình hình chiến trường trong nước, khu vực và thế giới; vững tin vào lòng yêu nước và sức mạnh to lớn của nhân dân, Đảng ta đã đề ra đường lối cách mạng độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo để lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc. Đường lối ấy của Đảng không ngừng được bổ sung, ngày càng hoàn chỉnh, là nhân tố quyết định sự phát triển của cuộc kháng chiến, đánh bại mọi âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù xâm lược.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng XHCN ở miền Bắc; kết hợp chặt chẽ và nhịp nhàng trong mối tương quan biện chứng giữa hai chiến lược cách mạng đó nhằm tạo ra và nhân lên sức mạnh tổng hợp to lớn của cả nước đánh giặc. Đây là nét đặc thù nổi bật của cách mạng Việt Nam từ tháng 7-1954 đến tháng 5-1975. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, CNXH được xây dựng trên miền Bắc là sức mạnh hiện thực đảm bảo cho miền Bắc có đủ điều kiện cùng một lúc vừa chi viện toàn diện, liên tục, ngày càng tăng cường sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, vừa giữ vững sản xuất, đương đầu, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ. Đó là sức mạnh của độc lập dân tộc, của tình cảm Bắc - Nam một nhà. Sức mạnh của cách mạng miền Nam, trước hết là sức mạnh của độc lập dân tộc, đồng thời là sức mạnh của CNXH. Đồng bào, chiến sĩ miền Nam chiến đấu không chỉ để giải phóng miền Nam mà còn để bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Chính vì vậy, Đảng ta chỉ rõ: tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh đánh đổ ách thống trị thực dân kiểu mới của Mỹ ở miền Nam là hai nhiệm vụ thuộc hai chiến lược cách mạng khác nhau, giải quyết những mâu thuẫn khác nhau ở mỗi miền, nhưng lại gắn bó chặt chẽ, ảnh hưởng lẫn nhau, thúc đẩy nhau phát triển trong một thể thống nhất nhằm giải quyết mâu thuẫn bao trùm: giữa dân tộc Việt Nam và kẻ thù xâm lược cùng chính quyền và quân đội tay sai của chúng. Trong thực hiện hai chiến lược cách mạng đó, ở mỗi miền, Đảng ta chỉ rõ: cách mạng XHCN ở miền Bắc gắn bó chặt chẽ với cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ sự nghiệp cách mạng cả nước, đối với cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà; cách mạng miền Nam có vị trí rất quan trọng, có tác dụng quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam.

Với việc giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, Đảng ta đã động viên và tập hợp một cách rộng rãi, vững chắc mọi lực lượng dân tộc vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Thực tế 21 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã chứng tỏ đường lối chiến lược đó của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo; đảm bảo cho cuộc chiến đấu của toàn quân và toàn dân ta trên khắp hai miền giành thắng lợi ngày càng to lớn và toàn diện, đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ ở miền Nam, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và lần thứ hai của không quân, hải quân Mỹ trên vùng trời, vùng biển miền Bắc, giành thắng lợi từng bước, tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.

Ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH không chỉ là ánh sáng soi đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà còn là điều kiện để kết hợp lợi ích cơ bản của dân tộc ta với những mục đích của thời đại: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH. Nói cách khác, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp nghĩa vụ dân tộc và nghĩa vụ quốc tế cao cả, trong sáng. Đây là một nội dung quan trọng của đường lối kháng chiến của Đảng ta và là điều kiện cơ bản tạo ra thế và lực mới, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đến thắng lợi. Đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của một cường quốc giàu có hơn ta gấp nhiều lần về quân sự, kinh tế; trong khi, đặc biệt nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần độc lập tự chủ của mọi người Việt Nam yêu nước; xem đó là nội lực, là nhân tố quyết định cơ bản nhất, làm nên sức mạnh đánh thắng quân xâm lược, Đảng ta đồng thời khẳng định phải kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế. Xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận không tách rời của cách mạng thế giới; đặt cách mạng và chiến tranh cách mạng Việt Nam trong cục diện chung của thế giới, trong xu thế chuyển biến của thời đại, trong lãnh đạo và chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã gắn liền việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược, sách lược của cách mạng với việc đề ra mục tiêu, phương hướng, đường lối, chính sách đối ngoại; chiến lược, sách lược đấu tranh, tập hợp lực lượng, xây dựng, củng cố nền tảng chính sách đối ngoại và nền ngoại giao của ta, chủ động tiến công địch trên chính trường quốc tế. Trên thực tế, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra và thực hiện thành công đường lối quốc tế, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, mà nội dung cốt lõi là phát triển liên minh chiến đấu và giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân ba nước Đông Dương; đoàn kết chặt chẽ với lực lượng cách mạng trên thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ; lấy việc đoàn kết, liên minh với Liên Xô, Trung Quốc làm hạt nhân; trên cơ sở đó, hình thành và phát triển một mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ sự nghiệp kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta, tạo ra sức mạnh tổng hợp to lớn đánh thắng chiến tranh xâm lược của kẻ thù.

Để biến đường lối trên đây thành hiện thực, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải tìm ra phương pháp đúng đắn, hiệu quả, phù hợp; phải cụ thể hóa đường lối đó thành các giải pháp cơ bản thích ứng với từng giai đoạn kháng chiến ở mỗi miền. Đảng ta đã xác định: sử dụng bạo lực cách mạng tổng hợp bao gồm lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện trên cả nước. Thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; của nghệ thuật chỉ đạo tiến hành chiến tranh nhân dân tài tình, sắc sảo của Đảng ta. Kế thừa thành quả và bài học kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phát huy tinh hoa truyền thống quân sự độc đáo của dân tộc, chiến tranh nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được phát triển lên một tầm cao mới với nội dung và hình thức đấu tranh hiệu quả và phong phú. Lực lượng tiến hành chiến tranh là toàn dân đánh giặc, gồm lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân làm nòng cốt và lực lượng chính trị của quần chúng; vừa là cơ sở để xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, vừa là chỗ dựa vững chắc để lực lượng vũ trang tác chiến, đồng thời phối hợp với lực lượng vũ trang tiến công, phản công quân địch... Phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân là cả nước tổ chức thành một mặt trận rộng lớn, mỗi người dân yêu nước là một chiến sĩ, mỗi làng xã, đường phố là một pháo đài; phát huy sức mạnh tổng hợp của sự kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang trên ba vùng chiến lược, đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và binh vận, kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị với đấu tranh ngoại giao, kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, kết hợp tiêu diệt địch với giành và giữ vững quyền làm chủ, chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực...

Thực tế 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thấy, tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, quân và dân ta trên khắp chiến trường đã tiến công địch bằng nhiều hình thức, bằng mọi vũ khí có trong tay, bằng nhiều mưu kế sáng tạo, mọi nơi, mọi lúc, cả trên bộ, trên không, trên sông, trên biển; tiền tuyến và hậu phương. Trong cuộc chiến đấu đó, quân và dân ta luôn phát huy mạnh mẽ tư tưởng chiến lược tiến công, luôn tìm mọi cách giành và giữ quyền chủ động chiến trường, hãm địch trong thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp và hiểm hóc, buộc chúng bị căng kéo, chia cắt, dàn mỏng lực lượng, tạo điều kiện cho chủ lực của ta tập trung lực lượng tiến hành các cuộc tiến công trên những hướng chiến lược trọng yếu gây tác động mạnh, làm chuyển biến cục diện chiến trường, giành thắng lợi từng bước, đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, từ đó giành thắng lợi hoàn toàn.

Đường lối chính trị, quân sự của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là kết quả của cả một quá trình tìm tòi, tổng kết thực tiễn phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi, rộng khắp, liên tục, mạnh mẽ trên mọi miền đất nước trong những tháng năm toàn dân tộc đồng lòng đánh Mỹ dưới ngọn cờ của Đảng. Đường lối đó đáp ứng đòi hỏi bức xúc của cách mạng Việt Nam, của dân tộc Việt Nam trước thử thách ngặt nghèo của lịch sử; đáp ứng khát vọng của mọi người Việt Nam yêu nước. Đó chính là nhân tố cốt lõi tạo nên sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; là nhân tố mang ý nghĩa quyết định nhất trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay.

Thiếu tướng, TS. PHẠM VĂN THẠCH

Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Video liên quan

Chủ Đề