“hồ chí minh - anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất” là đánh giá của

TS. Nguyễn Đặng Thùy Diễm

Khoa XDĐ, Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang

Từ ngày 28/01/1941 Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt nam sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã dành trọn cả cuộc đời cống hiến cho đất nước, cho dân tộc, cho đến lúc Người ra đi vào cõi vĩnh hằng vào ngày 02 tháng 9 năm 1969, vẫn đau đáu một lòng vì  lợi ích của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Nhân dịp Kỷ niệm 80 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Đặng Thùy Diễm góp phần làm rõ hơn những cống hiến vĩ đại của Người sau khi về nước hoạt động cách mạng.

Từ khoá: Cống hiến vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh, về nước lãnh đạo cách mạng, Việt Nam.

Ngày 28 tháng 01 năm 1941 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ngày cả nước giang rộng vòng tay đón một người con ưu tú về quê hương sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, đó là Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam. Người đã vượt qua cột mốc biên giới Việt – Trung 108 về nước và chọn hang Cốc Bó, thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng là nơi dừng chân đầu tiên. Sau đó, Người bắt đầu sống và làm việc tại hang này vào ngày 08 tháng 02 năm 1941. Gần như cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân” [4, tr.272] và cả cuộc đời của Người chỉ có một ham muốn, “ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” [5, tr.627]. Đó là tất cả những điều mà Người luôn luôn mong muốn thực hiện nhằm làm cho nước nhà được độc lập, không còn bóng quân xâm lược và mong muốn đồng bào ai cũng có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Ngày nay, mỗi khi nhắc đến ngày 28/01/1941, mỗi người dân Việt Nam lại một lần nữa nhớ đến những cống hiến vĩ đại của Người. Điều này thể hiện ở một số nội dung như sau:

 Một là, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau khi về nước, từ ngày 28/01/1941 đến ngày 02 tháng 09 năm 1945 là khoảng thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, trong thời gian này Người đã không ngừng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chỉ đạo sâu sát các phong trào cách mạng trong nước. Ngày 02 tháng 09 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người đã đưa đất nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, bị áp bức, bóc lột vô cùng nặng nề bởi những chính sách đô hộ tàn bạo của thực dân Pháp, không có tên trên bản đồ thế giới, đã trở thành nước một Việt nam độc lập; sự kiện này đã mở ra một kỷ nguyên mới cho toàn thể dân tộc Việt Nam, từ thân phận nô lệ vươn lên làm chủ nước nhà. Đồng thời khẳng định quyền là chủ và làm chủ của mình trong thời đại mới.

Việc khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cho thấy vai trò to lớn của Hồ Chí Minh và công lao vĩ đại của Người trong việc sáng lập ra Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Kiểu nhà nước này phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp với xu thế của thời đại.

Hai là, tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến.

Người nhận thấy tình hình thế giới và trong nước thời bấy giờ, thì thật sự cần thiết để sớm thực hiện cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội vì Quốc hội “là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” [8, tr.41]. Chính vì thế, vào ngày 08 tháng 09 năm 1945 người đã ký Sắc lệnh số 14/SL để thực hiện Cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu để bầu Quốc hội. Ngày 01 tháng 06 năm 1946, toàn dân đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa đầu tiên. Sau đó, Quốc hội họp ngày 02 tháng 03 năm 1946 đã thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến và Chủ tịch Chính phủ là Hồ Chí Minh.

Nhờ có tầm nhìn chiến lược, cho nên việc kiến nghị bầu Quốc hội và thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến trong thời gian này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa đất nước ta vượt qua được giai đoạn hiểm nghèo, khó khăn chồng chất khó khăn. “Chính quyền cách mạng được giữ vững. Khối liên hiệp quốc dân được củng cố và mở rộng. Cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên” [3, tr.197]. 

Ba là, ban hành Hiến pháp và các luật định.

Nhận thức được tầm quan trọng của pháp luật cho nên Người đã ký ban hành nhiều sắc lệnh và hàng loạt văn bản pháp luật khác, chẳng hạn như: Sắc lệnh số 34/SL ngày 20/09/1945 thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến Pháp; Sắc lệnh số 39 ngày 26/09/1945 thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội lập hiến; Sắc lệnh 47/SL ngày 10/10/1945 về việc sử dụng tạm thời bộ luật cũ, trừ một số điểm thay đổi được ấn định trong sắc lệnh. Ngày 09/11/1946 tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá I đã thông qua bản Hiến pháp năm 1946 và ngày 08/11/1946 thông qua Dự án luật Lao động. Thêm vào đó là Sắc lệnh số 197 ngày 11/10/1946 về quyết định mở tại trường Đại học Việt Nam một ban Pháp lý học, đã đặt nền tảng cho sự nghiệp đào tạo luật học ở nước ta; Sắc lệnh số 72 ngày 18/6/1949 về xây dựng các bộ luật mới cho đất nước. Đạo luật đầu tiên được ban hành theo Sắc lệnh số 72 là Luật thuế trực thu và được áp dụng vào tháng 01/1950. Năm 1953, Hồ Chí Minh và Chính phủ, Ban thường trực Quốc hội đã thông qua Luật cải cách ruộng đất. Năm 1957, Người ký ban hành các đạo luật về chế độ báo chí; tự do hội họp, quyền lập hội; quyền tự do thân thể, quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân… [6, tr.75 – 76].

Sau đó, Người đã chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp và ban hành một bản Hiến pháp mới: Hiến pháp năm 1959 để phù hợp với tình hình mới ở Việt Nam trong giai đoạn này và phù hợp với xu thế chung của thời đại. Cùng với bản Hiến pháp năm 1959 là các đạo luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà [6, tr.77].

Với việc ban hành các Hiến Pháp và pháp luật đã cho thấy Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề con người và bảo vệ quyền lợi, lợi ích của con người trong xã hội. Luật pháp mà Hồ Chí Minh đề cập thể hiện nội dung toàn diện, sâu sắc về pháp luật kiểu mới, phù hợp với điều kiện lịch sử mới của đất nước Việt Nam.

Bốn là, thành lập mặt trận dân tộc thống nhất nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong quá trình thành lập các mặt trận dân tộc thống nhất, Hồ Chí Minh cho rằng mặt trận dân tộc thống nhất là nơi quy tụ, tập hợp của các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, các tổ chức, cá nhân yêu nước nhằm thực hiện mục tiêu chung là độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc, tự do và hạnh phúc của nhân dân. Bên cạnh đó, mặt trận dân tộc thống nhất là một trong những lực lượng có vai trò rất to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Chính vì thế, tháng 05 năm 1941, Người đã chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh và đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã làm cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngoài ra, ngày 29 tháng 5 năm 1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Liên Việt được thành lập. Ngày 03 tháng 03 năm 1951, Đại hội toàn quốc đã thống nhất Việt Minh và Liên Việt thành một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, lấy tên gọi là Mặt trận Liên Việt. Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân ta đã kháng chiến thắng lợi, lập lại hòa bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền Bắc. Vào ngày 10 tháng 09 năm 1955, thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân ta giành được thắng lợi trong công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc… Tiếp đó, ngày 20 tháng 12 năm 1960 thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với chương trình hoạt động thiết thực phù hợp tình hình đất nước trong giai đoạn này.

Từ đó cho thấy, việc thành lập các mặt trận dân tộc thống nhất tương ứng từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng với mục đích là Người muốn kêu gọi đoàn kết toàn dân không phân biệt già trẻ, trai gái, giàu nghèo, dân tộc, đảng phái, tôn giáo…Việc tổng hợp sức mạnh toàn dân tộc nhằm thực hiện những nhiệm vụ chung lúc bấy giờ là đánh đuổi đế quốc, thực dân, giành lấy độc lập, tự do, hạnh phúc cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Đây là một trong những yếu tố làm nên thành công của các phong trào cách mạng.

Năm là, lãnh đạo, chỉ đạo thắng lợi các cuộc cách mạng.

Điều này thể hiện trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đem lại nhiều thắng lợi to lớn cho cách mạng Việt Nam như: Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công; thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; xây dựng hậu phương vững chắc để chi viện cho miền Nam trong cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ, đi đến thống nhất nước nhà. Trước khi mất, Người đã dự đoán: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất” [1, tr.37]. Thực hiện lời căn dặn của Người, nhân dân ta đã làm nên chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30 tháng 04 năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đất nước không còn bị chia cắt thành hai miền, Bắc – Nam sum họp một nhà.

Thêm vào đó, những quan điểm về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của Nhân dân, của khối đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của Nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân [2, tr.130], có gía trị lý luận và thực tiễn hết sức sâu sắc.

Tóm lại, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh “đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội” [7, tr.71]. Chính điều này đã góp phần làm nên những trang sử vẻ vang cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Bên cạnh  đó, những quan điểm, những lời chỉ dẫn của Người ở nhiều lĩnh vực có giá trị trường tồn không chỉ đến hôm nay mà còn có giá trị mãi đến mai sau./.

Tài liệu tham khảo

1.  Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2014.

2.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 60, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.

3.  Lê Mậu Hãn: Sức mạnh dân tộc của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2017.

4.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

5.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

6.  Trần Nghị: Tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật và việc vận dụng trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014.

7.  Mạch Quang Thắng, Bùi Đình Phong và Chu Đức Tính: UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2013.

Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và các Hiến pháp Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2015.

Số lần đọc: 372

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề