Giá trị được công nhận của Dinh Độc Lập

Dinh Độc Lập có quá trình hình thành lâu dài với nhiều sự kiện có liên quan tới cuộc đấu tranh vì độc lập và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam kể từ khi người Pháp xây dựng Dinh năm 1868 cho đến ngày nay. Sau hơn 3 năm xây dựng, năm 1871 Dinh được khánh thành và chính quyền thực dân Pháp gọi là Dinh NORODOM. Từ đó đến năm 1945 Dinh là nơi ở của nhiều đời toàn quyền Pháp ở Đông Dương.

Tháng 3-1945 phát xít Nhật đảo chính lật đổ chính quyền Pháp, Dinh là nơi làm việc của chính quyền Nhật ở Việt Nam. Nhưng từ tháng 9-1945 Nhật thất bại, Dinh lại trở thành trụ sở làm việc của bộ máy xâm lược Pháp trong suốt 9 năm đến 1954.

Từ tháng 9 - 1954 chính quyền Pháp trao trả Dinh NORODOM cho chính quyền Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ và Dinh được đổi tên là Dinh Độc Lập. Dưới thời Ngô Đình Diệm, Dinh Độc Lập đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính thanh trừng lẫn nhau trong nội bộ chính quyền Sài Gòn theo ý đồ của Mỹ. Tháng 2-1962 quân đảo chính đã ném bom Dinh Độc Lập, không thể sửa chữa và khôi phục lại được cho nên Ngô Đình Diệm quyết định san bằng toàn bộ Dinh cũ và xây dựng lại Dinh mới trên nền đất cũ và vẫn lấy tên là Dinh Độc Lập. Dinh mới được khánh thành ngày 31-10-1966 và tồn tại đến ngày nay.

Tác giả thiết kế Dinh là Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, ông vừa là người thiết kế, đồng thời là kiến trúc sư trưởng theo dõi xây dựng công trình.

Được xây dựng dưới chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, Dinh có kiến trúc đặc thù riêng. Ngô Đình Diệm có ý định xây dựng một phủ Tổng thống lớn, tráng lệ vào bậc nhất Đông Nam Á, vừa là một dinh thự, đồng thời là nơi ở và làm việc, tiếp khách và là một công trình phòng thủ kiên cố  bảo vệ cho chế độ của mình. Về mặt kiến trúc, Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thể hiện tài năng của mình muốn thiết kế một dinh thự cho một Nguyên thủ quốc gia kết hợp kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống phương Đông.

Nằm trong khuôn viên rộng, Dinh Độc Lập có chiều cao 26 mét, có thể chịu được bom 4 tấn [ngày 28-4-1975 Trung úy phi công Nguyễn Thành Trung ném hai quả bom vào đúng vị trí 2 cầu thang cho nên chỉ làm sập hai cầu thang này]. Diện tích mặt bằng của Dinh rộng 4.500m2 với 3 tầng chính, hai gác lửng, một sân thượng, một tầng nền và một tầng hầm. Toàn bộ diện tích các tầng của Dinh thự khoảng 20.000m2 với gần 100 phòng. Mỗi tầng và mỗi phòng của dinh thự đều có kiến trúc, cũng như cách trang trí riêng phù hợp với mục đích sử dụng, đồng thời phù hợp với tổng thể kiến trúc của toàn dinh thự.

Năm 1954, khi tiếp nhận dinh thự này, chính Ngô Đình Diệm đã nói: Dù thế nào đi chăng nữa, tôi cũng giữ một vai trò trong buổi lễ tiếp nhận này, tôi sẽ sống trong ngôi nhà cổ kính này, tôi cũng tự coi mình như một người được sự ủy nhiệm của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên Ngô Đình Diệm đã sử dụng dinh thự này như là một pháo đài bảo vệ cho chế độ độc tài phát xít chống lại nhân dân Việt Nam. Dưới sự bảo trợ của đế quốc Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thi hành nhiều chính sách cực kỳ phản động: Luật 10/59 với việc lập tòa án quân sự đặc biệt có quyền xử án tại chỗ và công khai những người bị nghi là “cộng sản”. Hàng nghìn người yêu nước bị giết hại; Chính sách dồn dân, lập ấp chiến lược, chính sách bình định nông thôn…làm cho cả miền Nam trở thành một trại tập trung khổng lồ.

Dinh Độc Lập đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính liên tiếp. Sau khi Dinh bị quân đảo chính ném bom ngày 27-2-1962, gia đình Ngô Đình Diệm phải rời sang Dinh Gia Long để thiết kế và xây dựng lại Dinh, đồng thời cho xây dựng hệ thống hầm để tránh bom. Nhưng trong quá trình tái thiết Dinh Độc Lập, Mỹ đã tiến hành cuộc đảo chính loại gia đình Ngô Đình Diệm. Ngày 2-11-1963 Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị giết, gia đình Diệm, Nhu không được ở trong dinh thự mới này.

Phòng tiếp khách trong nước của Tổng thống Việt Nam cộng hòa thời đó.

Ảnh: TL

Ngày 31-10-1966 Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ là những người may mắn được chủ tọa buổi lễ khánh thành Dinh Độc Lập mới. Từ cuối năm 1967 Nguyễn Văn Thiệu với tư cách là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã đến ở tại dinh thự này.

Thời kỳ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nắm quyền và chiếm Dinh Độc Lập là thời kỳ đế quốc Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến tranh đặc biệt và tiến hành thực hiện chiến lược chiến tranh mới- “chiến tranh cục bộ”. Mỹ đã đưa quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam. Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục dựa vào Mỹ, chính quyền Sài Gòn tiếp tục làm công cụ cho các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Hơn nửa triệu quân viễn chinh và quân chư hầu, quân ngụy ồ ạt mở hàng loạt cuộc phản công lớn hòng giành lại thế chủ động trên chiến trường, hoàn tất chương trình bình định, đồng thời Mỹ đã dùng không quân và hải quân chống nước VNDCCH hòng làm suy yếu miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương đối với tiền tuyến lớn.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 là một đòn quyết định làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, làm lung lay ý chí xâm lược của chúng. Sau đó, năm 1973 đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pari về Việt Nam, công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, rút quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Nhưng với chiến lược phi Mỹ hóa chiến tranh, Mỹ đã sử dụng quân ngụy Sài Gòn như là xương sống của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiến hành phá hoại Hiệp định Pari, xóa bỏ vùng giải phóng.

Mùa xuân năm 1975, trận đánh quyết chiến chiến lược bắt đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên, phát triển mạnh mẽ sang Chiến dịch Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam Đà Nẵng và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cuộc tổng công kích của quân giải phóng phối hợp với sự nổi dậy của nhân dân thành phố Sài Gòn đã tấn công Dinh Độc Lập. Giờ phút đánh chiếm Dinh Độc Lập cũng là giờ phút kết thúc thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh và gải phóng hoàn toàn miền Nam. Dinh Độc Lập trở thành nơi hội tụ của chiến thắng. Tại đây, ngày 30-4-1975 Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các của chính quyền ngụy Sài Gòn bị bắt sống và buộc phải đầu hàng vô điều kiện, đánh dấu sự sụp đổ của một chế độ do đế quốc Mỹ dựng nên nhằm phục vụ cho chiến lược làm bá chủ toàn cầu của Mỹ.

Chính vì vậy Dinh Độc Lập là một địa điểm không chỉ có ý nghĩa quốc gia mà còn có ý nghĩa quốc tế. Nó là một dấu tích về một bộ máy chiến tranh thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ hai, dấu tích về sự thất bại của chủ nghĩa thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ.

Sau thắng lợi mùa xuân năm 1975, Dinh Độc Lập vốn là một công trình của nhân dân, từ đó mới thật sự được sử dụng vì lợi ích của nhân dân. Ngày 15-11-1975 tại Dinh thự này đã diễn ra một sự kiện lịch sử trọng đại- đó là Hội nghị Hiệp thương chính trị giữa đại biểu hai miền Nam- Bắc để bàn về vấn đề thực hiện thống nhất nước Việt Nam về mặt Nhà nước. Và cũng từ đó Dinh được gọi là Dinh Thống Nhất.

Ngoài các công trình kiến trúc, trong khu vực Dinh còn có khu vườn rộng với hơn 60 loài cây, trong đó có các loại gỗ quý như Cẩm lai, Giáng hương, Gõ [đỏ và trắng], Dầu sao… Ngoài các điểm di tích, phía cổng chính vào Dinh còn có đường Thống Nhất [sau đổi thành đường 30/4, nay là đường Lê Duẩn], nơi có trưng bày chiếc xe tăng tiến vào chiếm Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975.

Dinh Độc Lập trực thuộc Văn phòng Chính phủ nhiều năm nay vừa phát huy tác dụng một di tích lịch sử- văn hóa, tổ chức đón khách trong nước và quốc tế tham quan; Đồng thời là nơi đón tiếp các đoàn khách cấp cao của Đảng và Nhà nước ở phía Nam Tổ quốc, nơi tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế và trong nước. Từ khi được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, Dinh Độc Lập vốn đã là nơi thu hút rất đông khách tham quan trong nước và quốc tế, nay càng được quan tâm hơn. Hy vọng rằng, dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích với những phương pháp mới hiện đại, nhưng phù hợp với nội dung và ý nghĩa của Dinh sẽ làm cho nơi đây trở thành một địa chỉ văn hóa- lịch sử xứng tầm quốc gia.

TS Nguyễn Thị Tình

Trong kho tàng các di tích văn hóa lịch sử của đất nước, Dinh Độc lập góp mặt như một trong những di tích quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt.

Những ngày tháng 4 lịch sử này, đông đảo người dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới lại có dịp về thăm Dinh Độc lập - biểu tượng của chiến thắng, hòa bình thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Dinh Độc lập trở thành một di tích có giá trị cao về mặt kiến trúc và là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn của lịch sử. Dinh Độc lập hay còn gọi là Dinh Thống nhất hay Hội trường Thống nhất, được người Pháp xây dựng năm 1868 sau khi chiếm xong 6 tỉnh Nam Kỳ và hoàn thành năm 1871 với tên gọi ban đầu là Dinh Norodom.

Năm 1962, Dinh được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế và xây dựng lại trên nền cũ của Dinh Norodom với mong muốn tìm một ý nghĩa văn hóa cho công trình. Do đó, mọi sự xếp đặt từ nội, ngoại thất đều tượng trưng cho triết lý cổ truyền, nghi lễ phương Đông và cá tính của dân tộc Việt Nam. Dinh được xây dựng trên khuôn viên có diện tích 12ha được giới hạn bởi 4 trục đường chính.

Tổng diện tích sử dụng của Dinh là 20.000m2 chia làm 95 phòng, mỗi phòng có một chức năng riêng, kiến trúc và cách trang trí phù hợp với mục đích sử dụng của từng phòng. Riêng khu nhà chính hình chữ T có diện tích mặt bằng là 4.500m2, cao 26m, nằm ở vị trí trung tâm của khu đất. Ðây từng là nơi ở và làm việc Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, gồm có tầng hầm, tầng nền, 3 tầng lầu, 2 gác lửng và sân thượng. Sau năm 1975, khu nhà chính này tiếp tục được sử dụng một số phòng, còn lại để phục vụ du khách tham quan.

Từ khi hình thành đến nay, Dinh Độc lập là nơi chứng kiến những cột mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc. Khởi đầu là sự cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam và các nước Đông Dương, giai đoạn tiếp theo là sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Nhưng bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 10h45 ngày 30/4/1975 xe tăng mang số hiệu 843 của Quân Giải phóng thuộc Đại đội 4, tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 230, Quân đoàn 2 dẫn đầu đội hình đã húc nghiêng cổng phụ Dinh Độc lập. Tiếp đó, xe tăng mang số hiệu 390 đã húc tung cổng chính tiến thẳng vào Dinh.

11 giờ 30 cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng chỉ huy xe tăng 843 đã hạ lá cờ 3 sọc, kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam lên trên nóc Dinh Độc lập, kết thúc 30 năm chiến tranh gian khổ và anh dũng của dân tộc ta. Dinh Độc lập lại là nơi chứng kiến Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh phải ra Đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền Cách mạng. Từ đây lịch sử Việt Nam bước sang một trang mới và Dinh Độc lập trở thành di tích lịch sử mang tính biểu tượng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Trong khuôn viên Dinh Độc lập vẫn con hai chiếc xe tăng mang số hiệu 843 và 390 của quân giải phóng như một minh chứng lịch sử hùng hồn cho đại thắng của dân tộc ta. Ngày nay, Dinh Độc Lập được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là cơ quan trực thuộc Văn phòng Chính phủ. Dinh Độc Lập đã và đang thực hiện tốt chức năng giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ Việt Nam và là cầu nối giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Trong hoạt động du lịch văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh, Dinh Độc lập giữ một vai trò quan trọng, là điểm đến của hầu hết các đoàn tham quan và là một trong những địa điểm thu hút số lượng khách tham quan đông nhất tại các di tích - bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh với gần 1 triệu lượt khách trong và ngoài nước tham quan mỗi năm.

Chị Nguyễn Thị Huỳnh Như, hướng dẫn viên Di tích lịch sử Dinh Độc lập cho biết, những ngày này không chỉ người dân trong nước mà rất nhiều đoàn kết quốc tế cũng đến tham quan.

Hiện, Dinh Độc lập lưu giữ khoảng 6.800 hiện vật, trong đó nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, mỹ thuật. Đây còn là điểm đến ý nghĩa đối với nhiều bạn trẻ muốn học tập, nghiên cứu về lịch sử qua các hiện vật được lưu giữ tại đây. Hòa trong dòng người đến tham quan Dinh Độc lập, bạn Đoàn Hồng Ngọc, sinh viên Khoa Lịch sử-Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ niềm tự hào và bày tỏ mong muốn tìm hiểu, thực hiện một đề tài lịch sử để bạn bè năm châu biết đến Dinh Độc lập - nơi đã đánh dấu chiến công lừng lẫy trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 lịch sử của quân và dân ta và kết thúc đại thắng vào trưa ngày 30/4/1975 khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hai vị khách Harold và Barbara, Quốc tịch Australia lần đầu tiên đến Việt Nam cũng tranh thủ đến để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công trình kiến trúc Dinh Độc Lập và chia sẻ: Đây là một công trình kiến trúc khá độc đáo và có bề dày lịch sử. Qua những hình ảnh và hiện vật lưu giữ ở đây, chúng tôi càng hiểu hơn về cuộc chiến tranh mà đất nước, nhân dân Việt Nam đã trải qua gần 40 năm về trước.

Theo Ban Quản lý Dinh Độc lập, trong thời gian tới, để phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Dinh Độc lập, Hội trường Thống Nhất, đơn vị đang lập đề án “Đổi mới công tác trưng bày và thuyết minh tại Di tích lịch sử Dinh Độc lập” nhằm tăng sự phong phú, sống động, hấp dẫn trong công tác trưng bày, thuyết minh để thu hút và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế. Cụ thể, từ nay đến năm 2015 sẽ xây dựng nhà trưng bày về Dinh Độc lập qua các thời kỳ; đổi mới lộ trình tham quan và hình thức thuyết minh bằng các pano, biển báo, biển chú thích, bảng tên phòng; tăng cường nghiên cứu, sưu tầm hiện vật trong và ngoài nước phục vụ công tác trưng bày./.

Việt Âu [TTXVN]

Video liên quan

Chủ Đề