Federico mayor thập kỷ văn hóa thế giới 1988 1997 năm 2024

Văn hóa doanh nhân là một danh từ kép được ghép lại bằng 2 từ đơn: văn hóavà doanh nhân. Vì thế, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày nghĩa của các từ đơn, sau đó mới đến từ ghép.

Văn hóalà một từ đa nghĩa, nó được giải thích bằng nhiều cách khác nhau, nhưng có một số điểm chung mà các nhà nghiên cứu đều thừa nhận, rằng: văn hóa là phẩm chất đặc hữu của con người, nó là cái làm phân biệt giữa người và động vật. Đời sống sinh vật của con người có mối liên hệ mật thiết với văn hóa, nhưng văn hóa do học tập mà có, chứ không phải là cái di truyền theo con đường sinh học. Văn hóa được trao truyền và quảng bá theo kênh xã hội thông qua việc sử dụng hệ thống biểu tượng (ngôn ngữ) mà xã hội ấy có được.

Thuật ngữ văn hóa trong khoa văn hóa học thường được dùng trong hai ngữ cảnh.

Thứ nhất, trong các chủng loại sinh vật, văn hóa là thuộc tính chỉ có ở loài người. Đó là khả năng sáng tạo ra những ý niệm, hành vi, bằng các phương tiện đó con người tìm hiểu thế giới, lý giải các hiện tượng thiên nhiên, xã hội và chính bản thân mình. Ở đây, văn hóa là thế giới ý niệm, tức thế giới tinh thần của con người.

Thứ hai, trong phạm vi loài người, văn hóa còn là dấu hiệu, làm phân biệt giữa cộng đồng xã hội này với các cộng đồng xã hội khác. Đó chính là hệ giá trị và chuẩn mực xã hội (gọi tắt là hệ giá trị) và những truyền thống khác nhau, mà các cộng đồng người đã tạo nên trong quá trình hoạt động thực tiễn của họ. Ở đây, có thể nhận ra sự trùng hợp với định nghĩa do nguyên Tổng thư ký UNESCO Federico Mayor đề xuất khi phát động Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa 1988 - 1997. Ông viết: “Văn hóa là một tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo của con người trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống giá trị, các truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định dặc tính riêng của mỗi dân tộc” (1).

Tương tự với sự phân tích trên đây, các nhà xã hội học chia văn hóa thành hai hình thái: văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng (tức văn hóa của nhóm xã hội).

Văn hóa cá nhân nhấn mạnh vào sáng tạo của cá nhân, gồm toàn bộ vốn tri thức, kinh nghiệm… tích luỹ vào một con người, biểu hiện ra ở định hướng giá trị và phương thức hành xử của người ấy trong mối quan hệ với tự nhiên, với xã hội và với bản thân nó. Văn hóa cá nhân phát triển đến đỉnh cao thì trở thành danh nhân.

Khi xã hội phát triển đến mức xuất hiện các giới nghiệp định hình như: trí thức, tăng lữ (thày tu), viên chức, doanh nhân, công nhân…, mỗi giới nghiệp đều có mẫu nhân cách của họ, tương ứng sẽ có các dạng văn hóa cá nhân như: văn hóa trí thức, văn hóa viên chức, văn hóa tăng lữ, văn hóa doanh nhân, văn hóa công nhân,…

Văn hóa cộng đồng là văn hóa của nhóm xã hội, nó không phải là con số cộng giản đơn của những văn hóa cá nhân - thành viên của cộng đồng, mà là toàn bộ hệ giá trị và phương thức hành xử được các thành viên trong cộng đồng chia sẻ và tự giác thực hiện, và đã trở thành truyền thống của họ.

Xã hội Việt Nam truyền thống đã sản sinh ra các dạng cộng đồng như: gia đình, làng xã, tộc người, dân tộc, tôn giáo…, tương ứng có các dạng văn hóa cộng đồng như: văn hóa gia đình, văn hóa làng xã, văn hóa tộc người, văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo, Đạo giáo, Thiên chúa giáo… Nền kinh tế hiện đại làm xuất hiện các dạng cộng đồng mới, như: doanh nghiệp, trang trại, công ty xuyên quốc gia…, tương ứng có các dạng văn hóa cộng đồng mới như: văn hóa doanh nghiệp, văn hóa trang trại, văn hóa công ty,…

Từ sự phân tích trên đây, có thể nhận thấy mỗi nền (kiểu) văn hóa thường có hai hình thái biểu hiện: văn hóa cá nhân thể hiện như các tài năng xuất chúng của cộng đồng, chính những cá nhân này đã sáng tạo và bồi đắp nên văn hóa cộng đồng; còn văn hóa cộng đồng thì biểu hiện như là môi trường văn hóa, có nhiệm vụ nuôi dưỡng và hun đúc nên những cá nhân kiệt xuất. Như vậy, quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng là mối quan hệ tương tùy và tương tác, cái nọ phải dựa vào cái kia mà tồn tại, không thể có cái nọ mà thiếu cái kia và ngược lại. Tuy nhiên, tài năng sáng tạo bao giờ cũng là thứ quý hiếm, nó giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển chung của cộng đồng.

Doanh nhânlà từ hiếm thấy trong hệ thống các nước XHCN trước đây, nhưng nó khá phổ biến ở nước có kinh tế thị trường phát triển. Trong cuốn Việt Nam tân từ điển do nhà Khai Trí xuất bản ở Sài Gòn năm 1967, tác giả Thanh Nghị giải thích: doanh nhân là người kinh doanh, ông dịch sang tiếng Pháp là : Homme d’ affaires, nghĩa là người làm dịch vụ (2).

Tôi cho rằng: doanh nhân là người có xu hướng và khát vọng làm giàu, bằng việc tổ chức các hoạt động kinh doanh, nhằm không ngừng tạo ra giá trị thặng dư tối đa, làm gia tăng tài sản cho mình, cũng tức là tăng trưởng sản phẩm cho xã hội.

Từ doanh nhân do Trung tâm văn hóa doanh nhân Việt Nam đề xuất không phải nói về những người kinh doanh thông thường, mà ở đây dùng để chỉ các ông chủ doanh nghiệp. Văn hóa doanh nhân là văn hóa chủ doanh nghiệp.

Vậy thế nào là văn hóa doanh nhân (chủ doanh nghiệp)?

Phần trên đã phân tích mỗi nền (kiểu, dạng) văn hóa có hai hình thái biểu hiện: cá nhân và cộng đồng. Hai hình thái biểu hiện này cần nương tựa vào nhau để cùng tồn tại.

Trong nền văn hóa kinh doanh hiện đại, ta thấy: Văn hóa doanh nhân - thuộc hình thái cá nhân, còn văn hóa doanh nghiệp - thuộc hình thái cộng đồng.

Khi chủ doanh nghiệp vận dụng một cách sáng tạo các yếu tố văn hóa trong hoạt động kinh doanh, tức là ông ta đang xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong doanh nghiệp mình. Và, chỉ khi nào chủ doanh nghiệp để lại dấu ấn sáng tạo trong văn hóa doanh nghiệp của mình, lúc ấy trong ông mới có cái gọi là Văn hóa doanh nhân.

Trong cuốn sách Mười hai người lập ra nước Nhật có một doanh nhân tên là Matsushita Konosukê (3). Ông là một doanh gia Nhật Bản được tôn vinh là anh hùng dân tộc, vì đã xây dựng thành công triết lý kinh doanh và tìm ra phương thức kinh doanh phù hợp với người Nhật. Người ta gọi chủ trương của ông là Đường lối kinh doanh Matsushita. Cũng có thể coi đây là Văn hóa kinh doanh Matsushitađược!

Như vậy, có thể hình dung văn hóa doanh nhân là sự kết hợp giữa văn hóa kinh doanh với đạo đức kinh doanh của chủ doanh nghiệp - tức là kết hợp giữa văn hóa nghề nghiệp với văn hóa nhân cách của doanh nhân.

Văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp

Thuộc dạng văn hóa cộng đồng, ngày nay cũng được gọi là Văn hóa tổ chức. Thuật ngữ văn hóa tổ chức đã được các nhà nghiên cứu người Hoa Kỳ như E.N. Schein, Andrew Brown đưa ra vào các thập niên 80, 90 của thế kỷ trước.

E.N. Schein đã nêu một định nghĩa như sau: “Văn hóa tổ chức là toàn bộ cách thức và nguyên tắc xử lý các vấn đề thống nhất bên trong và thích ứng với bên ngoài để tồn tại và phát triển. Những cách thức và nguyên tắc đó là yếu tố khởi nguyên, được các thành viên trong tổ chức tự nguyên chấp nhận, lấy đó làm phương hướng hành động, phân tích và đưa ra những quyết định thích hợp” (4).

Tổ chức xã hội cũng giống như cơ thể sinh học, muốn tồn tại và phát triển thì cơ thể ấy phải có khả năng hóa giải các mẫu thuẫn để tạo nên sự thống nhất từ bên trong, đồng thời nó còn phải có năng lực thích ứng năng động với những biến đổi ở bên ngoài.

Cơ cấu của văn hóa tổ chức có thể bao gồm một số yếu tố như sau:

Yếu tố giá trị:Xuất phát từ nhu cầu của các thành viên, người lãnh đạo cần lựa chọn một định hướng giá trị phù hợp. Giá trị - đó là cái cao cả, đại diện cho những gì được coi là tốt đẹp nhất, khiến mọi người đều ao ước và mong đạt được. Có tổ chức lấy sáng tạo làm giá trị đầu bảng, các tổ chức khác lấy việc hoàn thành nhiệm vụ, có thu nhập cao là quan trọng hàng đầu, hoặc tôn vinh thể chế dân chủ bằng việc thực hiện sự công khai minh bạch.

Yếu tố chuẩn mực:Là những quy định thành văn hoặc bất thành văn, hệ chuẩn mực có chức năng hướng dẫn cách hành xử để mọi người phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu mà tổ chức đặt ra. Nếu giá trị được coi là mục tiêu lý tưởng thì việc thực hiện chuẩn mực là làm cho lý tưởng ấy được hiện thực hóa trong cuộc sống.

Yếu tố biểu hiện của tổ chức:Mỗi tổ chức thường khẳng định mình thông qua việc sử dụng hệ thống các biểu tượng, như: Lô-gô, thương hiệu, khẩu hiệu, trang phục, lễ hội, các nghi thức trong giao tiếp, sinh hoạt văn nghệ và các hình thức sinh hoạt tập thể khác. Yếu tố biểu hiện góp phần làm nên bản sắc riêng của tổ chức.

Xây dựng khí quyển tinh thần trong tổ chức:Sức mạnh của tổ chức biểu thị ở sự đồng thuận tinh thần của nó. Người lãnh đạo cần quan tâm xây dựng những tình cảm cao đẹp trong tổ chức của mình như: sự tương kính, thái độ đồng cảm, tinh thần thân thiện, ý thức cộng đồng, tin cậy lẫn nhau, sẵn sàng hợp tác với người khác trong công việc…

Xây dựng phong cách quản lý:Phong cách quản lý biểu hiện ra ở một số điểm như sau: Có tinh thần dân chủ tôn trọng người khác nếu thấy hợp lý, không võ đoán, kiêu ngạo; Quyết đoán nhưng không độc đoán. Mỗi khi đưa ra quyết sách người lãnh đạo cần dựa vào những dữ kiện thật, không thể ỷ vào sức tưởng tượng chủ quan. Có khả năng nhìn xa trông rộng; Dám chịu trách nhiệm với cấp trên, cấp dưới, với khách hàng và toàn xã hội.

Năm điều trên đây tạo nên văn hóa tổ chức của cộng đồng doanh nghiệp. Đó cũng chính là văn hóa nghiệp vụ của doanh nhân.

Về nhân cách doanh nhân

Nhân cách là một thuật ngữ tâm lý học. Đó là một tổ hợp gồm 4 nhóm thuộc tính tâm lý là: khí chất, xu hướng, năng lực và tính cách; trong đó nhóm xu hướng bao gồm: nhu cầu, hứng thú, sở thích, lý tưởng, khát vọng… được xem là quan trọng nhất. Xu hướng đóng vai trò chủ đạo và là động lực thúc đẩy sự phát triển nhân cách.

Trong văn hóa học xã hội, thay cho xu hướng người ta sử dụng thuật ngữ định hướng giá trị. Nó biểu hiện giống như ngọn cờ tập hợp các thành viên trong nhóm lại, thống nhất hành động hướng vào mục đích chung. Như vậy, định hướng giá trị trở thành yếu tố cốt lõi của nhân cách.

Theo quan niệm của nhà văn hóa học người Nga E.V. Xôcôlốp (5), thì định hướng giá trị giống như tấm bánh ba lớp: Lớp nhận thức, tri thức, ý nghĩa trong đó ghi dấu ấn kinh nghiệm xã hội của nhân cách; Lớp cảm xúc biểu hiện mức độ xúc động, tinh thần say mê, khát vọng cháy bỏng trong việc thực hiện giá trị mà nhân cách theo đuổi; Lớp ứng xử, chỉ toàn bộ phương thức hành xử của nhân cách, nhằm đạt được mục tiêu với hiệu quả tối ưu.

Vậy định hướng giá trị (hay ý tưởng xã hội) của nhân cách doanh nhân là gì?

Theo tôi làm giàulà câu trả lời rốt ráo, Người Trung Quốc nói là trí phú, nghĩa là biết cách làm giàu. Cấu trúc của định hướng làm giàu gồm 3 thành tố: Có tri thức làm giàu; Có khát vọng làm giàu; Biết cách ứng xử trong làm giàu.

Mọi người đều biết rằng: xã hội công nghiệp là thuộc dạng xã hội chức năng, ở đấy diễn ra sự phân công lao động triệt để. Công nhân, viên chức, cán bộ giáo dục, khoa học, y tế, văn hóa… đều không có chức năng làm giàu. Chỉ doanh nhân là có chức năng ấy. Ông J. Schumpeter - nhà kinh tế học người Áo (1883 - 1950) nói rằng: Người đóng vai trò chủ yếu trong nền kinh tế thị trường hiện đại là tầng lớp doanh nhân. Doanh nhân là đội quân chủ lực - những người đi tiên phong trong công cuộc làm cho dân giàu, nước mạnh.

Làm giàu và biết cách làm giàu là hai vấn đề khác nhau, cũng như yêu nước và biết cách yêu nước. Yêu nước là tình cảm tự nhiên của con người, còn cách yêu nước là tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người. Cũng như vậy, làm giàu là nhu cầu tự nhiên của mỗi người, biết cách làm giàu mới là vấn đề của văn hóa.

Như mọi người đều biết: cách làm giàu vừa là khoa học, lại vừa là nghệ thuật. Là khoa học người ta có thể tìm ra quy luật, xây dựng nên những công thức, những quy trình công nghệ, rồi cứ thế tiến hành để đi đến kết quả. Là nghệ thuật việc làm giàu gắn với sự sáng tạo của cá nhân, mà sáng tạo là dạng hoạt động đầy bí ẩn, không thể quy thành công thức. Tóm lại, trong điều kiện hiện thời chưa thể có công thức chung cho hoạt động làm giàu, điều đó chỉ có thể dành cho sự sáng tạo của doanh nhân. Điều phổ biến nhận thấy là ai cũng có quyền làm giàu chính đáng, tức làm giàu đúng pháp luật. Để làm giàu, doanh nhân có thể làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Khi làm giàu được xem là hoạt động sáng tạo, thì văn hóa doanh nhân đồng nghĩa với văn hóa làm giàu hoặc đạo làm giàu của doanh nhân.

Tóm tắt những điều phân tích ở trên, có thể đi đến một quan niệm về văn hóa doanh nhân như sau: “Văn hóa doanh nhân là thuộc dạng văn hóa cá nhân, hình thành trong môi trường của một văn hóa doanh nghiệp thành đạt. Đó là toàn bộ vốn trí thức, kinh nghiệm, biểu thị thành những giá trị và khuôn mẫu hành xử tích lũy vào một cá nhân tạo nên văn hóa doanh nhân - một con người có tri thức làm giàu, có khát vọng làm giàu, dám chịu rủi ro để làm giàu bằng cách tổ chức các hoạt động kinh doanh, liên tục tạo ra giá trị thặng dư tối đa, không ngừng làm gia tăng tài sản cho cá nhân cũng như cho doanh nghiệp”.

2. Quá trình hình thành văn hóa doanh nhân trong lịch sử nước ta

Khi bàn đến vấn đề kinh doanh, các nhà nghiên cứu đều dễ nhất trí với nhau rằng: nước ta không có truyền thống thương nghiệp.

Nước ta thời xưa theo truyền thống Nho giáo mà chủ yếu là Tống nho. Nho giáo coi buôn bán là mạt nghệ. Chính sách của Nhà nước theo Nho giáo là trọng nông, ức thương, nhằm cột chặt người dân vào ruộng đất, làng xã, để tiện cho việc thu thuế, bắt phu, bắt lính.

Các nhà nho đưa ra quan niệm tri túc, nghĩa là thiếu một chút cũng cho là đủ, tiết dụctức là hạn chế nhu cầu, coi thường của cải và hạnh phúc vật chất. Nhà nho còn nói: Vi phú bất nhân, nghĩa là làm giàu phải ác, và Vi nhân bất phúnghĩa là muốn làm người chân chính thì không nên màng tới sự giàu sang. Tôi cho rằng, đây chỉ là một quan niệm phiến diện, nhằm biện minh cho sự nghèo nàn của xã hội nông nghiệp truyền thống. Bởi người ta vẫn có thể làm giàu, mà không cần dùng tới các thủ đoạn bất nhân, cũng như người sống chân chính vẫn có thể làm giàu bằng tài năng vốn có của mình.

Thực ra, trong xã hội Nho giáo không phải con người không đam mê phú quý. Có điều nhà nước Nho giáo chỉ mở một con đường cho những ai muốn vươn lên để đạt tới vinh thân phì gialà: Đi học, thi đỗ, làm quan. Thực tế đó đã tạo ra trong xã hội nông nghiệp tâm lý coi trọng việc làm quan, coi khinh thực nghiệp, trong đó có nghề buôn.

Lịch sử nước ta có nói đến một số nhân vật liên quan đến việc buôn bán, như Mai An Tiêm thời huyền sử, Trần Khánh Dư thời Trần, Trần Nguyên Hãn thời Lê sơ, Phạm Quỳnh thời Mạc, Nguyễn Nhạc thời Tây Sơn và Lê Văn Khôi thời Nguyễn. Trừ Mai An Tiêm ra, các nhân vật trên đây đều là những vị tướng nổi tiếng nơi trận mạc, buôn bán đối với họ chỉ là công việc nghiệp dư, nên không thể gọi họ là doanh nhân.

Lịch sử nước ta còn ghi chép một số cơ hội có thể phát triển công việc buôn bán với nước ngoài. Vào đầu thế kỷ XVII người ta thấy thương gia các nước Bồ Đào Nha, Nhật Bản đến phố Hiến và Hội An. Công ty Đông ấn của Hà Lan đến phố Hiến đặt thương điếm vào năm 1637. Đến năm 1672 thì có thêm Công ty Đông Ấn của Anh và đến năm 1681 thì Công ty Đông Ấn của Pháp cũng có mặt ở phố Hiến.

Trong số nhà buôn của các nước trên đây thì người Hà Lan xây dựng được mối quan hệ mật thiết với nhà nước thời Lê - Trịnh. Thuyền trưởng Hà Lan là Hartsink đã có nhiều cuộc tiếp xúc và được chúa Trịnh Tráng hết sức tin cậy. Viên toàn quyền người Hà Lan ở Đài Loan còn tiến cử con gái là OurouSan vào làm cung phi cho vua Lê Thần Tông, được vua rất sủng ái. Thông qua người phi này mà thuyền trưởng Hartsink tiếp cận được với vua Lê Thần Tông, rồi đặt thương điếm ở Thăng Long.

Đáng tiếc là nhà nước Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài cũng như chúa Nguyễn ở Đàng Trong không biết nhân cơ hội này để phát triển sự giao thương, họ chỉ quan tâm tới việc môi giới để mua vũ khí của phương Tây, dùng để đánh đối phương. Kết quả là sang thế kỷ XVIII các thương điếm nước ngoài dần dần rút đi hết, các mầm mống ngoại thương đều bị thui chột.

Một cơ hội nữa là vào những thập niên đầu của thế kỷ XIX, nhiều tàu buôn của Hoa Kỳ đã đến các hải cảng Việt Nam tìm nguồn hàng. Viên lãnh sự Mỹ tại Batavia (Indonexia) là John Shillaber đã liên tục gửi thư cho Bộ ngoại giao, thúc giục gửi các đội tàu mang cờ Mỹ tới Ấn Độ Dương để bảo vệ mậu dịch Mỹ và ký kết các hiệp định thương mại với các nước Nhật Bản, Xiêm La, Việt Nam. Do đó, Tổng thống Mỹ Andrew Jackson đã cử phái viên Edmund Robert mang quốc thư của tổng thống, chỉ thị của ngoại trưởng Edward Livingston và Bản dự thảo Hiệp định thương mại với Việt Nam đến nước ta. Ngoài ra, Robert còn mang theo hộ chiếu, hóa đơn vận chuyển các tặng phẩm cho các vị vua chúa ngoại quốc. Robert cùng với tàu Peacock rời Mỹ vào tháng 3-1832, đến cảng Vũng Lầm - Phú Yên vào tháng 1-1833. Triều đình Minh Mạng cử Thượng thư Nguyễn Tri Phương và Tham tri Lý Văn Phúc tiếp xúc với Robert. Do có sự hiểu lầm về lời lẽ trong quốc thư của Tổng thống Mỹ nên cuộc tiếp xúc không thành. Thực ra, do chính sách bế quan tỏa cảng, ức thương, do cái nhìn thiển cận của triều đình Huế mà một cơ may nữa đã bị bỏ lỡ.

Vào đầu thế kỷ XX, khi ổn định xong nền cai trị, thực dân Pháp bắt đầu tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa. Hệ quả của việc này đã làm xuất hiện một số yếu tố của kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam như: Lập Ngân hàng Đông Dương; Lập các công ty khai thác mỏ, xây dựng các đồn điền chè, cà phê, quế; Thành lập các hãng buôn, xí nghiệp.

Hiện thực trên đây cùng với làn gió Duy Tân từ Đông Á thổi vào đã làm các nhà nho Duy Tân nước ta bắt đầu thức tỉnh. Các cụ Phan Chu Trinh, Trần Cao Vân, Huỳnh Thúc Kháng đưa ra chủ trương “ ỷ Pháp cầu tiến bộ”, “ Chú trọng mở mang kinh tế, lập thương hội, nông hội làm tiền đề dân sinh”, thời ấy các cụ đã nghĩ: “ Không để dân giàu thì không có con đường nào đạt đến mục đích tự trị được”.

Ở Hà nội, ông cử Lương Văn Can viết sách Thương học phương châm - cuốn sách giáo khoa về thương mại đầu tiên ở nước ta. Lương Văn Can (1854-1927) (6) người làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông, đậu cử nhân Hán học năm 21 tuổi, được triều đình bổ làm giáo thụ phủ Hoài Đức, nhưng ông không nhận. Sau lại bổ làm Ủy viên Hội đồng thành phố Hà Nội, ông cũng không nhận. Ông cùng Nguyễn Quyền và một số nhà nho cấp tiến khác lập Đông Kinh nghĩa thục tại Hà Nội. Thương học phương châm là một trong những sách giáo khoa của Trường này.

Trong lời tựa của cuốn sách, tác giả viết: “ Cổ nhân thường khinh sự buôn bán là mạt nghệ, bởi vì người buôn bán tham lợi vô yếm, ít nói thực, sợ mất cái lòng đạo đức đi”.

Bấy giờ phong khí mở rộng, hoàn cầu đi lại như một nhà, đường bộ thì có hỏa xa, đường thủy thì có hỏa thuyền, không trung thì có tàu bay, lại thêm điện báo để thông thư tín, điện thoại để thông âm ngữ, tin tức đã mau, vận tải rất tiện, người mà thông thạo buôn bán thì làm giàu cũng dễ.

Tục ngữ có câu: Phi thương bất phú. Các đại quốc do thông thương mà được phú cường, các nhà đại tư bản do kinh thương mà thành phú gia địch quốc, thế thì buôn cũng không nên câu nệ như xưa, mà chẳng lưu tâm nghiên cứu. Nhưng vì nước ta ngày trước học Nho chỉ chí tại thi đỗ để ra làm quan, ngày nay học Tây chí tại tốt nghiệp, ít ai có chí làm thực nghiệp. Hoặc có một bọn muốn làm nghề buôn, mà tư bản đã ít, học thức cũng kém, chỉ được mấy năm thì thất bại, khánh tận ngay, ấy chỉ tại không có thương học mà đến thế!

Ôi! sự buôn là rất phiền phức, nào tư bản, nào tính toán, nào sổ sách, nào thư từ, nào mua hàng, bày hàng, bán hàng, tính hàng, nào thương hiệu, thương tiêu, thương địa, thương điếm, nào giao tế tiếp dân, nào quảng cáo, việc gì cũng có cơ quan, nếu không có thương học bao gồm “ thương đức, thương tài” thì không được.

Đương buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài thi sức ở trong trường thương chiến, văn minh càng tiến bộ, buôn bán càng thịnh đạt. Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy như thế, ta há nên coi thường xem khinh sao được!

Cuối cùng, tác giả tìm ra nguyên nhân khiến thương nghiệp nước ta không tiến lên được, là do 10 điều như sau: Người mình không có thương phẩm; Không có thương hội (tổ chức); Không có tín thực (chữ tín và chữ thực); Không có kiên tâm; Không có nghị lực; Không biết trọng nghề; Không có thương học (Trường dạy nghề buôn); Kém đường giao tiếp; Không biết tiết kiệm; Khinh nội hóa.

Đọc lại một số đoạn văn trong sách Thương học phương châm mà Lương Văn Can đã viết ra cách đây tròn một thế kỷ, ta nhận thấy các ý tưởng chính trong sách vẫn giữ nguyên giá trị, đặc biệt là các khái niệm thương đức, thương tàithì hoàn toàn trùng hợp với các ý tưởng trong văn hóa doanh nhân. Có thể xem Thương học phương châm như là sách giáo khoa dạy về văn hóa doanh nhânhồi đầu thế kỷ trước. Và, đường lối hoạt động của Trung tâm văn hóa doanh nhân Việt Nam ngày nay là sự kế thừa và tiếp nối tinh thần yêu nước của các nhà nho Duy Tân nước ta, với khẩu hiệu chấn hưng thương nghiệp để hội nhập với hoàn cầu.

Phần trên chúng tôi đã phân tích văn hóa doanh nhântheo hai bình diện lô-gích và lịch sử. Từ sự phân tích trên đây có thể đi đến nhận định, rằng: Văn hóa doanh nhân là một thuật ngữ khoa học. Xây dựng văn hóa doanh nhân ở nước ta đáng được ghi nhận là đề tài khoa học của nước ta hiện nay.

_______________

1. Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa,Bộ VHTT và TT xb, Hà Nội, 1992, tr.23.

2. Thanh Nghị, ViệtNamtân từ điển , Nhà Khai trí xb, Sài Gòn, 1967, tr.420.

3. Sakaiya Taichi, 12 người lập ra nước Nhật , Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, Chương XII, tr.414-446.

4. Dẫn theo A.A. Radighin, Văn hóa học , Viện VHTT xb, Hà Nội, 2004, tr.150.

5. E.V. Xôcôlốp, Văn hóa và nhân cách , Nxb khoa học Lêningrát, 1972 (Tiếng Nga).

6. Dẫn theo Trần Thái Bình, Lương Văn Can người thầy đầu tiên viết sách dạy buôn bán ở Việt Nam , Tạp chí Xưa và Nay số 37, tháng 3/1997.