Đọc đoạn thơ anh chị hiểu thế nào về tình cảm mà nhà thơ dành cho người thầy của mình

Hạn hán và xâm ngập mặn, con người mất niềm tin bản thân... là những nội dung trong đề thi thử môn Ngữ văn sáng 21/4, do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức.

I. PHẦN ĐỌC HIỂU [3 điểm]

Đọc đoạn văn bản dưới đây và trả lời các câu hỏi 1, 2, 3, 4.

Chiều 7-4, tại Hà Nội, T.Ư Hội chữ thập đỏ [CTĐ] Việt Nam, cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400, báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh phối hợp tổng kết chiến dịch nhắn tin nhân đạo 2015 và phát động chiến dịch nhắn tin “nước ngọt và sinh kế cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn”.

Năm 2015, thông qua các đầu số 1405, 1408, 1409, T.Ư Hội CTĐ Việt Nam đã tiếp nhận và giải ngân số tiền gần bốn tỷ đồng cho các công trình xây cầu Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè, Tiền Giang, giám định AND, hỗ trợ phẫu thuật tim cho 37 em mắc bệnh tim bẩm sinh, trao quà tết, áo ấm tặng trẻ em và đồng bào nghèo…

Để hỗ trợ đồng bào vùng hạn hán và xâm nhập mặn, TƯ Hội CTĐ Việt Nam cùng các đối tác phát động nhắn tin từ nay đến hết 5-6-2016 với cú pháp NC gửi 1407.

1. Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? [0,25 đ].

2. Ghi lại sự kiện thời sự được đề cập đến trong văn bản trên? [0,25đ].

3. Từ kết quả chiến dịch nhắn tin nhân đạo năm 2015, những hoạt động có ý nghĩa xã hội cao đẹp nào đã được thực hiện và được nêu trong văn bản? [0,5đ].

4. Hãy giới thiệu một vài hoạt động nhân đạo đang được tổ chức và hưởng ứng hiện nay. [0,25đ].

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi 5, 6, 7, 8.

Em nghe thầy đọc bao ngày
Tiếng thơ đỏ nắng, xanh cây quanh nhà
Mái chèo nghiêng mặt sông xa
Bâng khuâng nghe vọng tiếng bà năm xưa
Nghe trăng thở động tàu dừa
Rào rào nghe chuyển cơn mưa giữa trời...
…Đêm nay thầy ở đâu rồi
Nhớ thầy, em lại lặng ngồi em nghe.

[Nghe thầy đọc thơ – Trần Đăng Khoa]

5. Hãy ghi lại 2 hình ảnh thiên nhiên được tác giả sử dụng để miêu tả tiếng thơ thầy đọc? [0,25đ]

6. Cho biết tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong dòng thơ“Mái chèo nghe vọng sông xa/ Êm êm như tiếng của bà năm xưa”? [0,5đ]

7. Đọc đoạn thơ anh, chị hiểu thế nào về tình cảm mà nhà thơ dành cho người thầy của mình? [0,5đ]

8. Ghi lại suy nghĩ [khoảng 5-7 câu văn] của bản thân về những công ơn của thầy cô trong cuộc đời mỗi con người? [0,5đ].

Học sinh sau giờ thi THPT quốc gia 2015.

II. PHẦN LÀM VĂN [7 điểm]

Câu 1 [3 điểm]

Viết bài văn nghị luận [khoảng 600 chữ] trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến sau:

Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa.

Câu 2 [4 điểm]

Trong tác phẩm ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường có đoạn viết:

… Từ đây như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những bãi xanh biết của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam – đông bắc, phía đó, nơi cuối đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non. Giáp mặt thành phố ở cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ đến cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu. Và như vậy, giống như sông Xen của Pa-ri, sông Đa-nuýp của Bu-đa-pét; sông Hương nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quí của mình; Huế trong tổng thể vẫn giữ nguyên dạng của một đô thị cổ, trải dọc hai bờ sông. Đầu và cuối ngỏ thành phố, những nhánh sông đào mang nước sông Hương tỏa đi khắp phố thị, với những cây đa, cây cừa cổ thụ tỏa vầng lá u sầm xuống những xóm thuyền xúm xít; từ những nơi ấy, vẫn lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn thấy được. Những chi lưu ấy, cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông đã làm giảm hẳn lưu tốc của dòng nước, khiến cho sông Hương khi qua thành phố đã trôi đi chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh. Tôi đã đến Lê-nin-grát, có lúc đứng nhìn sông Nê-va cuốn trôi những đám băng lô xô, nhấp nháy trăm màu dưới ánh sáng của mặt trời mùa xuân; mỗi phiến băng chở một con hải âu nghịch ngợm đứng co lên một chân, thích thú với chiếc thuyền xinh đẹp của chúng; và đoàn tàu tốc hành lạ lùng ấy với những hành khách tí hon của nó băng băng lướt qua trước cung điện Pê-téc-bua cũ để ra Ban-tích. Tôi vừa từ trong khói lửa miền Nam đến đây, lâu năm xa Huế, và chính Lê-nin-grát đã đánh thức trong tâm hồn tôi giấc mơ lộng lẫy của tuổi dại; ôi, tôi muốn hóa làm một con chim nhỏ đứng co một chân trên con tàu thủy tinh để đi ra biển. Tôi cuống quýt vẫy tay, nhưng sông Nê-va đã chảy nhanh quá, không kịp cho lũ hải âu nói một điều gì với người bạn của chúng đang ngẩn ngơ trông theo. Hai nghìn năm trước, có một người Hy Lạp tên là Hê-ra-clít, đã khóc suốt đời vì những dòng sông trôi đi quá nhanh, thế vậy! Lúc ấy, tôi nhớ lại con sông Hương của tôi; chợt thấy quí điệu chảy lặng lờ của nó khi ngang qua thành phố… Đấy là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế, có thể cảm nhận được bằng thị giác qua trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng bảy từ điện Hòn Chén trôi về, qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhanh trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng…

Hãy phân tích để thấy được tác giả không chỉ miêu tả vẻ đẹp của sông Hương mà còn gửi gắm trong đó tình yêu tha thiết đối với quê hương xứ sở.

Gợi ý giải của tiến sĩ Ngữ văn Phạm Hữu Cường

I. PHẦN ĐỌC HIỂU:

1. Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ báo chí [báo công luận]

2. Sự kiện thời sự được đề cập đến trong văn bản trên là sự kiện tổng kết chiến dịch nhắn tin nhân đạo 2015, phát động chiến dịch nhắn tin “nước ngọt và sinh kế cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn” của TƯ Hội Chữ thập đỏ Việt nam, Cổng thông tin nhân đạo quốc gia và Báo Tuổi trẻ.

3. Những hoạt động có ‎ý nghĩa xã hội cao đẹp đã được thực hiện và được nêu trong văn bản là: xây cầu Mỹ Lợi B, giám định AND, hỗ trợ phẫu thuật tim cho 37 em mắc bệnh tim bẩm sinh, trao quà Tết và áo ấm cho tặng trẻ em và đồng bào nghèo…

4. Một vài hoạt động nhân đạo đang được tổ chức và hưởng ứng hiện nay là: Hiến máu nhân đạo; ủng hộ nạn nhân chất độc da cam; hiến xác nhân đạo, hiến bộ phận cơ thể người; góp đá xây dựng Trường Sa…

5. Hai hình ảnh thiên nhiên được tác giả sử dụng để miêu tả tiếng thơ thầy đọc là: “Tiếng thơ đỏ nắng xanh cây quanh nhà” và “Rào rào nghe chuyển cơn mưa giữa trời”.

6. Tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong dòng thơ là:

- Diễn tả chính xác, tinh tế cung bậc, sắc thái của tiếng thơ thầy đọc: cũng êm ái, thiết tha, trìu mến, yêu thương như tiếng của người bà thân yêu.

- Giúp lời thơ trở nên giàu hình ảnh và sức biểu cảm, cho thấy dấu ấn sáng tạo riêng của tác giả.

7. Tình cảm mà nhà thơ dành cho người thầy của mình là nhớ thương tha thiết và trân trọng, yêu qu‎ý.

8. Suy nghĩ về những công ơn của thầy cô trong cuộc đời của mỗi một con người:

- Các em nên có suy nghĩ riêng, nhưng cần lưu ý:

+ Thầy cô không chỉ mang đến cho mỗi người nhiều tri thức, kĩ năng sống bổ ích mà còn hướng dẫn mỗi người tìm ra phương pháp học, phương pháp thành đạt trong đời.

+ Các thầy cô cũng dạy mỗi người lẽ sống cao đẹp ở đời; là những tấm gương đạo đức, lối sống mẫu mực để học trò noi theo.

- Có thể liên hệ: “Mặt trời, mặt trăng có thể lặn, nhưng ánh sáng mà người thầy rọi vào ta thì sẽ còn mãi trong đời” [Lỗ Tấn]

II. PHẦN LÀM VĂN:

Câu 1: Viết bài văn nghị luận [khoảng 600 chữ] trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau: “Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa”

Gợi ý:

1. Giải thích ý kiến

Về nội dung trực tiếp, câu trích này nói về hậu quả của việc đánh mất niềm tin vào bản thân.

Về thực chất, ý kiến này đề cập đến vai trò quyết định của lòng tự tin.

2. Bàn luận về tự tin và mất tự tin

- Người có lòng tự tin luôn khẳng định năng lực và phẩm chất của mình, coi đó là nguồn sức mạnh chân chính, có ý nghĩa quyết định, giúp con người vững vàng, lạc quan và thành công trong cuộc sống. Do đó tự tin là đức tính quý báu.

- Khi mất tự tin:

+ Con người không còn tin vào phẩm chất và năng lực của bản thân nên sẽ đánh mất những điều kiện cơ bản và cần thiết giúp đạt đến những giá trị quý báu: nghị lực và ý chí, hi vọng và lạc quan...

+ Con người không còn khả năng đương đầu với những khó khăn, thử thách, nên dễ dàng buông xuôi, bỏ mất những cơ hội tốt trong cuộc sống.

3. Bài học nhận thức và hành động

- Trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, đặc biệt những khi gặp khó khăn, thử thách, cần nêu cao bản lĩnh, không đánh mất niềm tin vào bản thân.

- Luôn sống tự tin nhưng tránh chủ quan. Phải cảnh giác với việc tự tin mù quáng. Phải tỉnh táo để biết lắng nghe; biết học hỏi, hợp tác; biết tu dưỡng phẩm chất và trau dồi năng lực của bản thân vì đó là cơ sở của lòng tự tin.

Câu 2:

1. Vài nét về tác giả và tác phẩm:

- Là nhà văn chuyên về bút kí, Hoàng Phủ Ngọc Tường có lối hành văn hướng nội, mê đắm, súc tích, tài hoa. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hoá, lịch sử, địa lí…

- Bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? vốn có nhan đề là Hương ơi, e phải mày chăng? được Hoàng Phủ Ngọc Tường hoàn thành ngày 4/1/1981 khi nhà văn đã sống bên bờ sông Hương, trong lòng thành phố Huế hơn 40 năm trời, tình yêu đối với sông Hương đã thấm vào máu thịt. Tác phẩm được in trong tập bút kí cùng tên [1986]

2. Phân tích đoạn văn để thấy tác giả không chỉ  miêu tả vẻ đẹp của sông Hương mà còn gửi gắm trong đó tình yêu thiết tha đối với quê hương xứ sở:

a. Vẻ đẹp của sông Hương từ chân đồi Thiên Mụ đến khi gặp Huế:

- Tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga báo hiệu cho sông Hương biết đã “tìm đúng đường về” nên dòng sông “vui tươi hẳn lên”, đồng thời “kéo một nét thẳng thực yên tâm”.

- Hình ảnh cầu trắng của thành phố “in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non” là dấu hiệu đầu tiên của “người tình mong đợi” hiện lên trong cái nhìn vừa khát khao, bồi hồi, vừa rạo rực, vui sướng của sông Hương.

- Giáp mặt Huế ở cồn Giã Viên nhưng sông Hương không gặp Huế ngay mà “uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến cồn Hến” rồi mới vòng trở lại gặp Huế, gặp người mình yêu. Đường cong ấy “như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”.

Như vậy, sông Hương ở đây có vẻ đẹp của một người con gái lần đầu đến với tình yêu, vừa táo bạo, chủ động vừa rụt rè, e lệ “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e” [Nguyễn Du].

Kết thúc bài thi môn Ngữ văn sáng nay, học sinh lớp 12 tại Hà Nội đã hoàn thành kỳ thi thử do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức. 

Mục đích của kỳ khảo sát này để học sinh làm quen kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào đầu tháng 7 tới. Kết quả khảo sát không dùng để đánh giá vào điểm số năm học của thí sinh.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đề thi thử sẽ theo đúng cấu trúc, nội dung và độ khó của đề thi THPT quốc gia.

b. Vẻ đẹp của sông Hương trong lòng thành phố Huế:

- Sông Hương trong lòng thành phố Huế giống một người con gái đắm say, thủy chung, tình tứ trong những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi khi ở bên người mình yêu. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khéo léo so sánh sông Hương với nhiều dòng sông đẹp nổi tiếng trên thế giới để làm nổi bật vẻ đẹp và sức hấp dẫn kì diệu của sông Hương:

+ Giống như sông Xen của Pa-ri, sông Đa–nuýp của Bu–đa–pét, sông Hương “nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quý‎ của mình”. Đó không chỉ là vị trí địa lý tự nhiên của sông Hương mà còn được Hoàng Phủ Ngọc Tường cảm nhận như là dáng vẻ của người con gái mang tên Hương Giang khi ở bên“người tình mong đợi” của mình.

+ Nhưng khác với những dòng sông ấy, sông Hương vẫn có vẻ đẹp riêng:

• Sông Hương“chỉ thuộc về một thành phố duy nhất”. Sông Hương đã thực sự hiện lên với vẻ đẹp của một người con gái chung tình.

• Sông Hương mang nguồn nước – cũng là nguồn sống đến cho Huế, còn Huế lại dùng tán lá của những cây đa cổ thụ để che mát cho dòng sông xinh đẹp của mình. Cái tôi đắm say, tình tứ, lãng mạn của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cảm nhận sông Hương và Huế như một cặp tình nhân chung thủy, thiết tha.

• Sông Hương đã mang đến cho chốn cố đô một vẻ đẹp cổ xưa mà dân dã, bình dị với“những ánh lửa thuyền chài lập lòe trong sương đêm”, một vẻ đẹp mà“không một thành phố hiện đại nào còn thấy được”.

• Nhiều dòng sông khác khi đi qua thành phố của mình thường trôi đi rất nhanh, riêng sông Hương khi qua Huế lại“trôi đi chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh”. Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, đó không chỉ là dòng chảy tự nhiên của sông Hương mà còn là tình yêu lặng lẽ, nhưng sâu sắc mà sông Hương dành cho thành phố. Vì quá yêu Huế, nên khi ở bên Huế, sông Hương đã chảy rất chậm, giống như một người con gái muốn ở mãi bên người mình yêu, không muốn rời xa.

- Trong cảm nhận của nhà văn, sông Nê-va rất đẹp, nhưng sông Hương còn đẹp và quyến rũ hơn nhiều:

+ Qua cảm nhận tinh tế của nhà văn, dưới ánh sáng Mặt trời mùa xuân, sông Nê – va hiện lên vô cùng tươi đẹp, đầy sức hấp dẫn và quyến rũ. Mỗi“tảng băng”,“phiến băng” trên sông Nê – va cũng nhấp nháy trăm màu, cũng giống như những“con thuyền xinh đẹp”, những“con tàu thủy tinh”, còn những“con chim hải âu tinh nghịch đứng co một chân” lên trên những phiến băng ấy được nhà văn cảm nhận như những “hành khách tí hon”.

+ Đối diện trước sông Nê – va vô cùng xinh đẹp, dù xa Huế gần nửa vòng Trái đất, Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn thấy sông Hương tìm về trong nỗi nhớ:“Lúc ấy, tôi lại nhớ con sông Hương của tôi, chợt thấy quý điệu chảy lặng lờ của nó khi ngang qua thành phố…”.

Cái tôi tài hoa uyên bác của nhà văn không chỉ cảm nhận điệu chảy lặng lờ của sông Hương qua“trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng Bảy” – nghĩa là cảm nhận bằng cái nhìn của hội họa -  mà còn hoài niệm về nhịp chảy sông Hương bằng cả tâm hồn âm nhạc.

Trong niềm thương nhớ của nhà văn,“điệu chảy lặng lờ” ấy của sông Hương cũng chính là“điệu slow tình cảm” dành riêng cho Huế. Việc luôn cảm nhận sông Hương như một người con gái chung tình càng làm nổi bật lên cái tôi đắm say, tình tứ của nhà văn.

c. Kết luận:  

- Trong đoạn trích, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thể hiện nhiều phát hiện mới mẻ, độc đáo về vẻ đẹp của dòng sông Hương. Sông Hương là hiện thân cho vẻ đẹp của con người xứ Huế, của thiên nhiên xứ Huế và thiên nhiên đất Việt.

- Qua đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng bộc lộ một tình yêu đắm say đối với thiên nhiên xứ Huế; niềm tự hào và sự gắn bó thiết tha, sâu nặng với thiên nhiên đất Việt, với đất nước và quê hương xứ sở của mình. Đó cũng là vẻ đẹp tâm hồn của một nhân văn “lãng mạn và tài hoa, say đắm với quê hương, thiết tha với đất nước, tận tuỵ với văn chương, chung thuỷ với bạn bè” [Ngô Minh].

- Qua đoạn trích, Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng thể hiện cái “tôi” của một bậc thầy bút ký, một cái “tôi” rất mực đa tình, lãng mạn, uyên bác, tài hoa mà lặng lẽ, khiêm nhường, luôn chắt chiu những vẻ đẹp của thiên nhiên đất Việt để dâng tặng cho đời.
- Lời văn trong đoạn trích rất giàu chất thơ, chất lãng mạn và chất trữ tình. Ngôn ngữ tinh tế, có nhiều sáng tạo hình ảnh đặc sắc, nhất là hình ảnh so sánh…

Trong đoạn trích bài bút ký không chỉ có vẻ đẹp của dòng sông Hương mà còn có vẻ đẹp của một dòng sông chữ. Nếu dòng sông Hương bắt nguồn từ dãy Trường Sơn thì dòng sông chữ lại được khơi nguồn từ ngòi bút tài hoa, tinh tế của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Thầy Trịnh Quỳnh – giáo viên dạy Ngữ văn trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định, chia sẻ: Đề thi này có sự phân hóa theo 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Cụ thể, từ việc nhận biết phong cách ngôn ngữ, hiểu được ý nghĩa của hoạt động quyên góp từ thiện, học sinh phải vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn, đó là giới thiệu thuyết minh về một hoạt động nhân đạo.

Câu đọc hiểu, từ vấn đề thời sự đã hướng tới những vấn đề muôn thuở, là có trách nhiệm với cộng đồng xã hội, có tình cảm yêu thương quý trọng thầy cô.

Câu hỏi nghị luận xã hội thuộc dạng nghị luận về vấn đề tư tưởng đạo lý. Để bài làm sâu sắc gần gũi và thuyết phục, học sinh cần có dẫn chứng từ bản thân và cuộc sống như niềm tin vào vấn đề an toàn thực phẩm, niềm tin vào những nhà lãnh đạo đất nước khi đưa ra lời thề nhậm chức.

Phần nghị luận văn học hoàn toàn không đòi hỏi học sinh học thuộc lòng. Ngược lại, học sinh phải biết hình thành ý phân tích văn bản theo giá trị nội dung [miêu tả cảnh sắc thiên nhiên của sông Hương khi vào thành phố Huế và điệu slow tình cảm của sông Hương dành riêng cho Huế] và giá trị nghệ thuật [nhân hóa, so sánh, giọng văn, nhịp điệu...].

Học sinh giỏi phải chỉ ra được tình cảm đặc biệt của tác giả dành cho quê hương xứ sở.

Video liên quan

Chủ Đề