Đất méo có tốt không

- Tôi kinh doanh bất động sản thời gian qua nhận thấy giá trị của nhà đất bị méo và thóp hậu thấp hơn vài chục phần trăm so với nhà đất vuông vức. Người ta rất hay kiêng kỵ mua nhà đất xéo nhưng tôi không biết về phong thủy có cơ sở nào lý giải và khắc phục được tình trạng đó không? Tạ Minh Long, đường Nguyễn Văn Luông, quận 6, TP.HCM; Cha mẹ có thừa kế lại cho tôi một miếng đất ở quê khoảng 500 mét vuông có hình thù xéo góc rất gắt. Nhiều người khuyên không nên xây nhà mà bán đi hoặc hợp thửa với miếng khác để vuông vức lại cho hợp phong thủy. Tuy nhiên tôi thấy đất có hình gì không quan trọng bằng chỗ mình ở có bị xéo hay không. Tôi có thể làm nhà vuông trên đất xéo được không, mong được tư vấn thêm về vấn đề này. Phạm Văn Bửu, Bến Lức, Long An

 

Xử lý nội thất nhà xéo có chính phụ sao cho phần sinh hoạt cơ bản vuông vắn là ổn

 

Văn hóa Việt gắn liền với gốc nông nghiệp lúa nước, trọng tĩnh hơn động, ưa thổ mộc ngại hỏa kim, lấy thủy [dòng nước, lối đi] để kết nối, lấy khuôn viên vuông vắn làm chỗ dựa, độ dốc thoai thoải tạo vị thế… Có thể thấy rất nhiều biểu hiện văn hóa truyền thống kể trên đã ăn sâu vào tâm thức người Việt khi chọn đất dựng nhà, tìm nơi cư trú, cho dù đã qua thế kỷ 21 vẫn còn lưu lại khá nhiều truyền tụng. Một trong số đó là quan niệm nhà đất kiêng kỵ bị méo, xéo góc, tránh thóp hậu, chuộng nở hậu. Trong khi văn hóa Tây phương thích góc cạnh mạnh mẽ, nêu bật yếu tố cá nhân, khác biệt, thì văn hóa Đông phương lại hay nghe theo sở thích đám đông, ngại khác lạ, là điều kiện cho các truyền tụng theo kiểu “nghe nói…” càng thêm lan tỏa sâu rộng.

Xưa không ngại, nay sá gì?
Quá trình hình thành một điểm cư trú theo kiểu làng xã nông nghiệp trước đây cho đến thời đô thị hóa sau này luôn diễn biến phức tạp theo thực tế đất đai, sông ngòi tự nhiên, đường sá… nên chuyện nhà đất có hình dáng không ngay hàng thẳng lối hầu như khá phổ biến. Không ít những ngôi nhà, miếng đất rơi vào tình huống bị thóp hậu, hình thang, thậm chí hình tam giác khiến khá nhiều gia chủ lo lắng không biết nên xử lý thế nào. Về sử dụng gặp khó khăn, về phong thủy lại nghe ý kiến cho rằng kiểu nhà “hung sát” khiến giá trị bất động sản giảm sút. Nhưng thực ra nếu khéo điều chỉnh theo phong thủy và nội thất thì vẫn có được một nơi sống tốt và biến bất lợi thành lợi thế cho dạng nhà đất xéo này.
Những thế nhà hay đất có dạng tam giác, hình thang, góc xéo… phong thủy quy về dạng hỏa trạch, truyền thống gọi là thế hỏa vượng. Theo tính chất ngũ hành thì hỏa có hướng chuyển động lên cao và nổi bật khí, nên cuộc đất hành hỏa [chéo góc] và các công trình có cấu trúc hành hỏa [mái nhọn, có chóp đỉnh…] hay phù hợp cho không gian sinh hoạt mang tính dẫn dắt, thu hút, ví dụ như các công trình tôn giáo, tưởng niệm, giải trí thương mại. Khá nhiều khách sạn ở khu trung tâm như khách sạn New World tọa lạc trên khu đất hình tam giác nhưng đã được xử lý khối theo dạng thổ và mộc nằm ngang, các đỉnh nhọn làm sân vườn, hồ nước khá hợp lý…
Cũng cần lưu ý cha ông ta và khoa học phong thủy hiện đại đều không đặt nặng chuyện nở hay thóp hậu. Dù gặp đất xéo thì ngôi nhà truyền thống vẫn vuông vức, để cái xéo ấy ra phần khuôn viên. Ví dụ như tổng thể Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội nằm trên cuộc đất xéo mà dài, thu hẹp dần về phía sau, vậy nhưng bố cục không gian các công trình không hề lộn xộn méo mó, đi vào có tuần tự đóng mở, tĩnh động chỉn chu, thậm chí nếu không nhìn trên ảnh vệ tinh thì khó có thể nghĩ công trình trên khu đất thóp hậu, mà thậm chí còn thấy càng đi vào càng mở ra thêm nhiều lớp không gian, và chiều cao công trình tăng dần, phía trước có hồ nước, đúng thế “tọa sơn diện thủy” truyền thống.
Vấn đề đặt ra khá rõ: không gian cư trú có được thuận tiện, thông thoáng, thẩm mỹ hay không? Vì thế cách thức sử dụng và xử lý không gian nội - ngoại thất như thế nào quan trọng hơn là sự chênh lệch vài ba tấc giữa kích thước mặt trước và mặt sau của miếng đất, ngôi nhà. 


Các góc nhìn khác nhau của Nhà thờ Đức Bà thành phố Hồ Chí Minh: phần gian chính sử dụng là phần “nở hậu” nhất

 

Đất xéo làm nhà không méo 
Nhiều người quan niệm khi phần nhà phía sau nhỏ hơn, hẹp hơn so với mặt trước thì gọi là thóp hậu, và khái niệm nở hậu hay thóp hậu đã trở thành một trong những “tiêu chuẩn” để giới kinh doanh nhà đất đánh giá ưu nhược một căn nhà, miếng đất. Thực sự đây là vấn đề liên quan đến môi trường ở và tâm lý sở hữu. 

Về mặt môi trường ở, với nhà ống, sự hơn kém nhau vài mét có thể gây bất tiện trong sử dụng, tạo cảm giác chật chội. Nhà thóp hậu càng đi vào càng bị thu hẹp sẽ thấy tù túng, sắp đặt nội thất trở nên khó khăn. Nhưng vấn đề là phần sinh hoạt chủ yếu phải đủ, chứ không phải là so đo về kích thước trước - sau của tổng thể miếng đất hay ngôi nhà. Cụ thể như hình khối của công trình Nhà thờ Đức Bà nhìn từ trên cao xuống ngỡ như là bị thóp dần về phía sau, nhưng thực tế phần phía sau ít dùng đến thì nhỏ cũng không sao, phần gian chính để hành lễ mới là khu vực rộng rãi nhất của tổng thể công trình này.
Về mặt tâm lý, khi người ta bị chèn ép chung quanh thì nảy sinh tâm lý bức bối khó chịu, do đó ai cũng thích sở hữu miếng đất hay ngôi nhà có mặt bằng thẳng thớm vuông vức. Nhưng thực ra mọi không gian sống đều có vấn đề về góc cạnh do cách bố trí và cấu trúc nhà. Ví dụ một căn phòng vuông vức nhưng có cột bên trong thì khó sử dụng và gây vướng víu hơn mặt bằng xéo mà quang đãng. Mặt khác, dù có góc méo mó thì nhà vẫn có thể khắc phục bằng cách đóng tủ kệ hay xây tường dày, vách ngăn che lấp, tạo không gian vuông vức. Các góc nhọn có thể bo tròn bằng vách tường hay tủ kệ, bồn hoa hoặc đặt vật trang trí, tránh trổ cửa hay sử dụng không gian sinh hoạt tại các mũi nhọn mà nên bám theo không gian chính ở vị trí trung tâm, dùng các đường cong mềm mại [thủy khắc hỏa] để lấy lại thế cân bằng và giảm xung sát
Vì vậy, khoa học phong thủy từ truyền thống đến hiện đại đều không quá đặt nặng chuyện nở hay thóp hậu. Đất xéo mà nhà không méo, bởi không ai sống ngoài khuôn viên cả. Việc xử lý không gian nhà vuông, nhất là ở phần chính yếu, phần sử dụng cơ bản, và đẩy các khu phụ trợ ra vùng bất lợi sẽ giúp nội khí bình ổn, có chính phụ rõ ràng. Đối với người chuyên môn thực ra xử lý nội thất nhà “thóp hậu” khá đơn giản, chỉ cần lấy một bên tường ổn định làm chuẩn để xác lập các vùng không gian chính, còn phần xéo sẽ đặt các không gian phụ, đóng tủ tường, trổ giếng trời... nhằm xóa khiếm khuyết. Điều cốt lõi là phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, hay bếp được vuông vức, dồn ngóc ngách về phía kho, vệ sinh, cầu thang, giếng trời... thì sẽ không còn cảm giác thóp hậu hay xéo góc nữa.

 

 

 

Thậm chí trong một không gian nhà ống vuông vức đơn điệu, giải pháp thiết kế xoay chéo cầu thang, khối phòng… lại giúp không gian phong phú, thoáng sáng và tiện dụng hơn nữa

Chủ Đề