Đánh giá hoạt động công tác công đoàn

Nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở [CĐCS] là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp công đoàn nhằm khẳng định vị thế, vai trò, tiếng nói của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Vì thế Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh rất quan tâm đến chất lượng hoạt động của CĐCS, tại Hội nghị lần thứ III của BCH LĐLĐ tỉnh nhiệm kỳ 2013 - 2018 đã ban hành Nghị quyết “Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở”. Từ Nghị quyết trên, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh luôn bám sát tình hình thực tế tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động sao cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của cơ sở, qua đó đạt được những thành tích đáng phấn khởi đã được tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết tại Đại hội X Công đoàn tỉnh, nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các Công đoàn cơ sở vẫn còn một số mặt hạn chế như: Nội dung, hình thức sinh hoạt ở một số CĐCS chậm được đổi mới, chất lượng sinh hoạt chưa cao, hình thức sinh hoạt đơn điệu, thiếu sinh động và hấp dẫn, từ đó chưa tập hợp thu hút đông đảo lực lượng CNVCLĐ tham gia vào tổ chức công đoàn; việc tổ chức họp Ban Chấp hành CĐCS nội dung chưa được đổi mới, chưa dành thời gian thỏa đáng để bàn sâu về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn; một số ít cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở, nhất là NSDLĐ khu vực ngoài nhà nước chưa thật sự quan tâm đúng mức đến hoạt động CĐCS, chưa hỗ trợ về cơ sở vật chất, sắp xếp thời gian để tạo điều kiện cho Công đoàn hoạt động; cán bộ CĐCS còn hạn chế về kỹ năng hoạt động Công đoàn. Từ những kết quả đạt được và hạn chế nêu trên, do đó để nâng cao vị thế vai trò của công đoàn trong hoạt động thực tiễn, giúp công đoàn thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, với kinh nghiệm của bản thân, tôi xin nêu lên một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở. 1. Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 06a/NQ-TLĐ ngày 06/01/2011 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa X về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở”; Hướng dẫn số 09/HD-LĐLĐ ngày 15/10/2019 của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh về “Đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở”. Để thực hiện tốt Nghị quyết và Hướng dẫn nêu trên đòi hỏi hoạt động của hệ thống Công đoàn các cấp bảo đảm các tính chất và nội dung sinh hoạt, gắn liền với xây dựng và củng cố các Công đoàn cơ sở để nâng cao chất lượng đoàn viên. Đổi mới việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sát hợp với tình hình thực tiễn, nâng cao hiệu quả phục vụ đoàn viên, CNVCLĐ một cách cụ thể, nâng cao tính chiến đấu của tổ chức Công đoàn. 2. Thứ hai, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình Công đoàn cơ sở để đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động: Đổi mới nội dung hoạt động cần xác định được nội dung trọng tâm, những công việc Công đoàn cơ sở không làm thì không có tổ chức khác làm thay để coi đó là nội dung chính trong hoạt động của Công đoàn. Bên cạnh, việc đổi mới nội dung phải gắn với đổi mới phương pháp hoạt động, cần tập trung vận động đoàn viên, người lao động là chính, nhằm thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ lợi ích, chức năng tuyên truyền giáo dục đối với đoàn viên, người lao động. Thông qua hoạt động công đoàn phát hiện, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ đoàn viên nòng cốt, làm hạt nhân trong mọi phong trào hoạt động của công đoàn, nhất là đối với người sử dụng lao động, Công đoàn cơ sở phải đổi mới phương pháp xây dựng mối quan hệ hài hòa thông qua quy chế phối hợp trong đó coi trọng phương pháp kết hợp giữa hợp tác và đấu tranh, hợp tác để cùng chung lo cho doanh nghiệp phát triển, có lợi cho doanh nghiệp và người lao động, đấu tranh là để doanh nghiệp thực hiện đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước và các thỏa thuận đã cam kết [HĐLĐ,TƯLĐTT]. 3. Thứ ba, đổi mới nội dung và phương pháp xây dựng CĐCS vững mạnh: Muốn đổi mới nội dung xây dựng CĐCS vững mạnh cần phải nghiên cứu, sắp xếp cơ cấu tổ chức cho phù hợp với từng loại hình CĐCS, những CĐCS thành viên, CĐCS bộ phận không phát huy được hiệu quả thì chủ động sắp xếp lại theo cơ cấu tổ chức CĐCS trực tiếp chỉ đạo đến tổ công đoàn. Xác định rõ nội dung trọng tâm để xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm. Tập trung củng cố hoạt động tổ Công đoàn và phân công đoàn viên. Chủ động thu kinh phí và đoàn phí công đoàn, quản lý thu, chi tài chính công đoàn đúng quy định. Ngoài việc đổi mới nội dung cần có phương pháp xây dựng CĐCS vững mạnh. Ngay từ đầu năm phải có kế hoạch thực hiện đồng bộ các tiêu chuẩn và đề ra giải pháp phấn đấu CĐCS vững mạnh. Phân công cán bộ Công đoàn hướng dẫn tổ Công đoàn tự đánh giá, xếp loại và CĐCS thẩm định việc đánh giá, phân loại và xem xét công nhận phải đúng thực chất, tránh hình thức, qua loa. 4. Thứ tư, đổi mới đánh giá chất lượng hoạt động của công đoàn: Trên cơ sở căn cứ nội dung các tiêu chuẩn và thang điểm do Công đoàn cấp trên hướng dẫn, khi thực hiện đánh giá chất lượng CĐCS, đoàn viên hàng năm phải đảm bảo đúng quy trình hướng dẫn và đánh giá phải thực sự khách quan, đúng thực chất, từ đó đề ra kế hoạch, biện pháp cụ thể để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS; từng đoàn viên hàng năm phải đăng ký chương trình học tập, rèn luyện và thực hiện nhiệm vụ với tổ chức Công đoàn, làm cơ sở để đánh giá phân loại chất lượng đoàn viên cuối năm. 5. Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng để trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ CĐCS, nhất là bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch nhằm từng bước nâng cao trình độ năng lực, đáp ứng kịp với yêu cầu nhiệm vụ trước tình hình mới; kịp thời củng cố, nâng chất những nơi hoạt động yếu, mới thành lập hoặc có sự thay đổi cán bộ; phân công cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở phụ trách địa bàn để nắm tình hình, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc; có kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ CĐCS, xem xét lựa chọn những đồng chí có trình độ năng lực, nhiệt tình, tâm huyết và khả năng biết vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của Công đoàn cấp trên vào điều kiện cụ thể ở địa phương, đơn vị để bầu vào Ban Chấp hành CĐCS. 6. Thứ sáu, đa dạng hóa các hình thức tập hợp CNVCLĐ và tập trung hướng mạnh các hoạt động về cơ sở. Đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, nhất là phát triển đoàn viên khu vực ngoài nhà nước. Phát động, tổ chức và chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các chương trình mục tiêu quốc gia trong đoàn viên và CNVCLĐ đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Kịp thời sơ kết, tổng kết các phong trào, các cuộc vận động, cổ vũ, động viên và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến. 7. Thứ bảy, nâng cao chất lượng sinh hoạt của công đoàn, trước hết phải gắn việc đổi mới nội dung với phương thức hoạt động của CĐCS theo hướng hiệu quả và thiết thực thông qua mỗi kỳ sinh hoạt, CĐCS nên tập trung vào một hoặc hai nội dung cơ bản, không nên dàn trãi nhiều hoặc rập khuôn cứng nhắc, chọn những công việc trong tâm cần tổ chức triển khai thực hiện trong từng thời điểm lồng ghép với hoạt động chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, ngành và địa phương mình. Trước khi tổ chức sinh hoạt, Ban Chấp hành CĐCS nhất phải họp trước để trao đổi thống nhất nội dung và phân công điều hành cuộc họp, nhất là trong sinh hoạt cần tạo không khí cởi mở, dân chủ để phát huy trí tuệ của cá nhân thành sức mạnh của tập thể, đó chính là điều cốt lõi trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt CĐCS. Tóm lại, nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và lâu dài, đòi hỏi trách nhiệm của các cấp công đoàn. Song nổ lực chính phải là sự phấn đấu của mỗi cán bộ Công đoàn cơ sở thông qua công việc hàng ngày ở tại cơ quan, đơn vị và được chứng minh bằng hành động cụ thể của mình, lấy hiệu quả công tác làm thước đo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Lương Văn Hòa Trưởng Ban Tổ chức Liên Đoàn Lao động tỉnh

Chủ Đề