Công chức hướng dẫn thủ tục thờ ơ

Hỏi: Xin cho biết, những quy định về văn hóa công vụ của cán bộ, công chức, viên chức khi giao tiếp với dân?

Trả lời:

Khoản 4 Điều 1 Quyết định 1847/QĐ-TTg ngày 27-12-2018 về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ do Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về nội dung của văn hóa công vụ như sau:

Thứ nhất, về tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức

Cán bộ, công chức, viên chức phải trung thành với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng và tận tụy phục vụ Nhân dân. Khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ý thức rõ về chức trách, bổn phận của bản thân, bao gồm:

- Phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó. Tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”.

- Phải có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; tránh hiện tượng trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức; chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

- Không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân.

- Cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; không mê tín dị đoan và có những hành vi phản cảm khi tham gia lễ hội.

1. Những thông tin liên quan đến tham nhũng trong vụ “những chuyến bay giải cứu”, vụ liên quan kit test của Công ty Việt Á... mới thấy được phần nào sự vô cảm của những cán bộ đã dính vào sai phạm. Khi đất nước và người dân đang phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh, một loạt cán bộ, quan chức cấp cao bất chấp lẽ đạo đức để trục lợi.

Ở một vụ án khác, một bộ phận quan chức cấp cao trong ngành y tế để cho cấp dưới nhập thuốc chống ung thư giả với khối lượng lớn trong khi người bệnh nuôi hy vọng được cứu sống từ nguồn thuốc đặc hiệu... Đau nhất không phải chỉ CBCC bình thường mà hầu hết là cán bộ, lãnh đạo, những nhà quản lý có trách nhiệm cao.

Có việc liên quan đến giấy tờ phải đến bộ phận “một cửa” mới thấy được thực trạng. Không phải tất cả, nhưng nhiều nơi có chung những đặc điểm khá giống nhau. Cán bộ giải quyết ngồi ngăn cách với người dân qua vách kính, ai thắc mắc thì hướng dẫn đại khái qua một ô nhỏ. [Người ta hay gọi một cửa, nhiều lỗ]. Người đến liên hệ nếu mới lần đầu dễ bỡ ngỡ về cung cách và thái độ của cán bộ tiếp dân ở đây.

Cán bộ nhận hồ sơ có thể biết rõ giấy tờ có sai sót nhưng không nói ngay, thiếu thủ tục không nhắc bổ sung, có số điện thoại nhưng cũng không gọi lại, chờ khi đến lấy mới biết thiếu, phải bổ sung. Đó là chưa kể các loại thủ tục đòi hỏi chi tiết, quy định chưa rõ ràng thì vin vào các quy định, thậm chí cố tình làm cho nó cứng nhắc thêm chỉ vì lý do tế nhị. Đó là chưa kể “một cửa” nhưng còn vô số “cửa phụ” khó mà kiểm soát tiêu cực đằng sau.

Trên đây chỉ là một vài biểu hiện của của thờ ơ, vô cảm mà chúng ta thấy và chứng kiến.

Trong một tập thể, thờ ơ, vô cảm thường dễ lây lan, dần dần trở thành hiệu ứng đám đông trong tập thể.

2. Thái độ thờ ơ, vô cảm của công chức được xem là một “bệnh”. Căn bệnh do lối sống, cách hành xử của một bộ phận cán bộ đối với công việc và với đối tượng phục vụ. Đây là một trong những nguyên nhân tạo tâm lý vô cảm, thờ ơ, khó hăng say với công việc. Hệ lụy của nó là thủ tiêu động lực vươn lên, trì trệ, ảnh hưởng đến phong trào chung, hình thành nên tệ cửa quyền, ban phát... Bởi thế lâu nay, khi người dân làm việc với cơ quan công quyền thường bị ám ảnh bởi cơ chế “xin - cho” vốn đã tồn tại trong tiềm thức của nhiều người.

Không chỉ vậy, thái độ thờ ơ, vô cảm luôn ám ảnh người dân, doanh nghiệp bởi những dư luận tiêu cực, hình thành thói quen phải “chạy” mỗi khi phải tiếp cận cán bộ công vụ. Tình trạng này nếu không được khắc phục sẽ làm giảm uy tín của bộ máy công vụ, cao hơn nữa là làm giảm lòng tin của người dân với nền hành chính nhà nước, với chế độ.

Công chức và người lãnh đạo, quản lý là chủ thể chính trong môi trường làm việc, có tác động lớn đến tình cảm, thái độ, trách nhiệm trong khi thi hành công vụ. Bởi thế, ở đâu môi trường làm việc yêu cầu cao, sự nghiêm túc, trách nhiệm, công tâm, công bằng, thì ở đó mỗi người có động lực để đổi mới, buộc phải thay đổi chính mình. Người lãnh đạo quản lý nếu không sâu sát, quan liêu, thờ ơ, vô cảm sẽ rất khó có được cán bộ dưới quyền làm việc tốt hơn.

Thái độ thờ ơ, vô cảm sẽ khó bị triệt tiêu mặc dù Luật CBCC, viên chức, quy chế văn hóa công vụ đã quy định rất rõ. Bên cạnh đó cần siết lại kỷ cương, kỷ luật bằng các biện pháp xỷ lý nghiêm với những biểu hiện tiêu cực, thái độ nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm. Những quy định “4 nên”, “bốn không” trong quy chế văn hóa công vụ phải được thể chế bằng luật, quy định, không chỉ là vận động chấp hành trong hành chính.

Chủ Đề