Chiến lược sản xuất ảnh hưởng như thế nào đến chuỗi cung ứng

“Thưa giáo sư, cái mà ngài tưởng là thịt bò chỉ là thịt thăn của rùa biển. Còn đây là gan cá heo rán. Ngài rất dễ lầm món này là ra-gu lợn! Đầu bếp của tôi bảo quản thực phẩm rất tài. Ngài nên nếm mỗi thứ một ít. Đây là kem làm bằng váng sữa cá voi. Đây là đường làm bằng cây phu-cút khổng lồ ở Địa Trung Hải. Và cuối cùng, xin mời ngài ăn mứt làm bằng a-nê-môn, mà mùi vị chẳng kém gì các thứ quả chín thơm nhất trên mặt đất. 

Tôi nếm mỗi thứ một chút không phải vì tham ăn mà vì tò mò. Trong khi đó, thuyền trưởng Nê-mô làm tôi mê đi bằng những chuyện thần kỳ của ông ta.”

“Hai vạn dặm dưới đáy biển”, Jules Vernes

 Hãy phân biệt:

Cái cốt lõi và sự màu mè

Quy luật và kỹ thuật

Xu hướng và mốt nhất thời

Đột phá và cải tiến”

John Naisbitt, trong cuốn sách “Lối tư duy của tương lai”

Xây dựng chiến lược chuỗi cung ứng: nhìn cả rừng, đừng đếm từng cây

Với chỉ hơn 20 năm phát triển thôi mà quản trị chuỗi cung ứng đã trở thành một lĩnh vực vô cùng hấp dẫn với hàng ngàn những sáng tạo và đổi mới. Một nhà quản trị chuỗi cung ứng đầy kinh nghiệm đã từng phát biểu “Thật kinh ngạc, quản trị chuỗi cung ứng đã đem lại những thay đổi vượt bậc mà trước đây chúng ta không hề ngờ tới. 10 năm trước, tôi cho rằng chỉ cần quan tâm đến Lean trong sản xuất, giảm tồn kho, giảm chi phí trong logistics. Chấm hết.

Nhưng giờ đây, tôi nhận ra rằng nếu ngồi lại và kết nối tất cả các bộ phận thuộc về chuỗi cung ứng, từ mua hàng, sản xuất, logistics, đến dịch vụ khách hàng, thậm chí là bán hàng, bạn có thể tạo ra vô số các đổi mới mà chính mình cũng không ngờ tới”.

Tuy nhiên, chính những sáng tạo và đổi mới trong quản trị chuỗi cung ứng lại ít nhiều gây ra khó khăn cho các nhà hoạch định chiến lược. Bởi họ phải đứng trước một rừng quan điểm về chiến lược, họ bị nhồi nhét quá nhiều thông tin với những quả quyết “Cứ làm đi, cứ triển khai đi, cứ ứng dụng đi, bạn sẽ thành công”. Và kết cục tất yếu là nhiều nhà quản trị không biết thực sự cần bắt đầu từ đâu và đi theo hướng nào.

Chỉ riêng lý thuyết về chiến lược chuỗi cung ứng không thôi cũng đã có rất nhiều quan điểm khác nhau: nào là chiến lược chuỗi cung ứng thân thiện [intimate supply chain], chuỗi cung ứng tinh giản [lean supply chain] chuỗi cung ứng nhanh nhạy [agile supply chain], chuỗi cung ứng hiệu năng [efficient supply chain], chuỗi cung ứng hướng đến khách hàng [customer driven supply chain], rồi chuỗi cung ứng tự cường [resilient supply chain], đến chuỗi cung ứng định hướng theo nhu cầu [demand driven supply chain].

Đó là chưa kể đến nhiều tổ chức ra đời chỉ để cổ vũ cho chiến lược mà mình muốn hướng đến, ví dụ như ECR [Efficient Consumer Response] – một tổ chức phi lợi nhuận cổ vũ cho chuỗi cung ứng hàng tạp hóa hiệu năng và đáp ứng khách hàng tốt, được thành lập tại Mỹ, phát triển mạnh tại Châu Âu, lan sang Châu Á, hay QR [Quick Respone] – là tập hợp nhóm các nhà sản xuất và bán lẻ trong lĩnh vực dệt may để cải thiện chuỗi cung ứng,…

Góp phần không nhỏ vào sự phức tạp ấy là các công ty tư vấn quản trị chuỗi cung ứng, mọc lên như nấm từ khi chuỗi cung ứng trở thành một khái niệm thời thượng. Có thể kể đến như Accenture, Kurt Salmon, IBM Consulting, PRTM, AMR, Aberdeen, McKinsey, Infosys,… Các công ty CNTT cũng theo đó cổ xúy cho quản trị chuỗi cung ứng để bán sản phẩm công nghệ của mình. Bạn sẽ nghe nhiều đến CPFR, VMI, Cross-docking, Hệ thống tối ưu hóa, Hệ thống hoạch định tiên tiến [APS], Thiết bị nhận dạng bằng sóng radio [RFID],…

Đứng trước một rừng các món ăn hấp dẫn đến thế, hẳn doanh nghiệp sẽ phải đau đầu chọn lựa, và tất nhiên, không dễ chút nào để chọn lựa đúng. Bài viết này là kết quả những nỗ lực nghiên cứu của bộ phận tư vấn công ty SCM cùng các cộng sự, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam chọn lựa đúng chiến lược chuỗi cung ứng và mô hình tương ứng với doanh nghiệp mình.

Nguyên tắc nghiên cứu của chúng tôi dựa trên quy luật “Nhìn cả rừng cây chứ không đếm từng cây”, và mục đích là cố gắng tìm ra sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiến lược chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng cần tìm ra quy luật đơn giản để xây dựng chuỗi cung ứng một cách đúng trọng tâm nhất. Nếu như chiến lược kinh doanh là bao gồm tổng hòa nghệ thuật và khoa học, thì chiến lược chuỗi cung ứng sẽ gần hơn với khoa học. Mà khoa học luôn thuộc về chân lý, với những quy luật bất biến. Tất cả phần còn lại là các công cụ, mà doanh nghiệp cần vận dụng linh hoạt để chiến lược của mình sắc bén hơn.

Dưới đây, chúng tôi xin đưa ra ba viên gạch chính yếu và rất đơn giản giúp doanh nghiệp xây dựng nền móng cho mô hình chiến lược chuỗi cung ứng.

Xây chiến lược chuỗi cung ứng: 3 bước chọn lựa đúng mô hình 

“Ông ấy [Napoleon] thường chuẩn bị ba bốn giải pháp cùng một lúc và tính đến mọi khả năng có thể xảy ra, ngay cả những điều tệ nhất. Việc suy nghĩ thấu đáo, nhìn trước mọi việc đã giúp ông sẵn sàng đối phó với mọi trở ngại, không có gì khiến ông phải bất ngờ… Như tôi đã nói, tầm nhìn của ông rất bao quát và sâu sắc.”

Maurice Hutt

Chọn Chuỗi cung ứng hướng đến khách hàng? Chuỗi cung ứng định hướng vào người tiêu dùng cuối cùng?  Chuỗi cung ứng nhanh nhạy? Hay Chuỗi cung ứng hiệu năng?…

Giống như khi bạn đi mua áo vậy, cả một rừng mẫu áo khác nhau khiến bạn choáng ngợp. Mua cái nào đây? Câu hỏi tưởng chừng như đơn giản, song lại đáng để chúng ta suy ngẫm, bởi vì điều đó tùy thuộc vào bạn có bao nhiêu tiền, bạn thích màu nào, bạn thích kiểu có cổ hay không cổ, và tiếp đến là vô vàn các tiêu chí khác nữa. Tương tự như vậy, chuỗi cung ứng kiểu hoành tráng [nhiều tiền, quy mô lớn] sẽ khác với chuỗi cung ứng đơn giản [ít tiền, quy mô nhỏ]. Ngay ngành kinh doanh của bạn cũng đóng vai trò quyết định trong việc lựa chọn mô hình và đối tượng phù hợp…

 

Bước 1: Hãy chỉ ra chiến lược kinh doanh của bạn, tôi sẽ nói chiến lược chuỗi cung ứng là gì. 

Hay chuyện của luật “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”

Điều quan trọng nhất, chiến lược chuỗi cung ứng phải bắt đầu từ chiến lược kinh doanh [hay còn gọi là tính tương thích chiến lược – Strategic Alignment/Fit]. Theo GS Larry Lapide, thì một chiến lược chuỗi cung ứng hoàn hảo phải đạt được đặc điểm đầu tiên là tính tương thích, theo đó “Mô hình hoạt động chuỗi cung ứng không chỉ hỗ trợ chiến lược kinh doanh mà còn là một phần quan trọng giúp tăng cường chiến lược.”

Chia sẻ quan điểm ấy, hai chuyên gia hàng đầu về chiến lược chuỗi cung ứng của tập đoàn PRTM – Shoshanah Cohen và Joseph Roussel – cũng cho rằng “Chiến lược chuỗi cung ứng phải trực tiếp hỗ trợ và hướng tới chiến lược kinh doanh. Chúng tôi tin rằng chiến lược kinh doanh hiệu quả phải tạo ra được phạm vi hoạt động [chuỗi cung ứng] của doanh nghiệp, nghĩa là phải trả lời được các câu hỏi: bạn là ai, bạn sẽ làm gì, bạn không làm gì và sẽ không làm gì?”.

Nói đơn giản, nếu chiến lược kinh doanh của bạn một đằng mà chiến lược chuỗi cung ứng một nẻo thì chắc chắn bạn sẽ thất bại. Ví dụ, đối với các công ty dược phẩm thì chiến lược kinh doanh của họ là luôn tung ra được sản phẩm với khả năng cứu chữa cao nhất, và đặc biệt là không được phép hết hàng. Nếu chiến lược chuỗi cung ứng chỉ chăm chăm vào giảm tồn kho, thì nguy cơ thất bại rất lớn. Vì sẽ có lúc công ty không đủ hàng để bán, tất nhiên khách hàng [bệnh nhân] không thể chờ đến khi bạn bổ sung hàng nữa, họ buộc phải chọn đối thủ cạnh tranh.

Còn nếu bạn là nhà bán lẻ, mà mục tiêu của bạn là giảm chi phí tối đa để đem lại giá trị cao nhất cho người tiêu dùng, thì lẽ dĩ nhiên duy trì cao mức tồn kho là điều không chấp nhận được. Ngược lại, với nhà cung cấp công nghệ đề cao sự sáng tạo như Apple hay Mircosoft Xbox, thì chiến lược kinh doanh của họ sẽ tập trung cao độ vào tung sản phẩm mới và sáng tạo liên tục, buộc chuỗi cung ứng phải tập trung vào tính sẵn sàng của sản phẩm hơn là chỉ tập trung vào chi phí.

Vậy đâu là chiến lược chuỗi cung ứng phù hợp và tương thích với chiến lược kinh doanh? Tất nhiên điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự sáng tạo của doanh nghiệp. Song, sẽ vẫn có những mẫu số chung mà bạn cần tham khảo. Mời bạn cùng chúng tôi đi sâu vào tìm hiểu một vài ví dụ. Sau đó hãy tự nhìn lại. Chắc chắn một số bạn sẽ giật mình vì các chiến lược của mình đang đồng thanh nhưng không tương ứng, đồng khí mà chẳng tương cầu.

Nếu chiến lược của bạn là đổi mới liên tục, dĩ nhiên bạn không thể chọn mô hình chuỗi cung ứng quá hiệu năng, vì nó sẽ giết chết khả năng tung sản phẩm ra thị trường của bạn. Điều này giống như bạn ngồi đợi cho đầy container hàng [để giảm chi phí vận chuyển] trong khi khách hàng đang “kêu gào” đòi mua sản phẩm mà bạn quảng cáo đầy hấp dẫn. Hãy xem trường hợp tập đoàn dệt may Zara của Tây Ban Nha khi quyết định chọn mô hình chiến lược hướng tới sự đổi mới sáng tạo liên tục.

Thay vì “hùa” theo làn sóng thuê ngoài tận vùng Viễn Đông, Zara đã khôn khéo chọn chiến lược chuỗi cung ứng “lai”, tức là khoảng 50% hàng may mặc phải được sản xuất tại công ty để kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường. Quả là một sự khác thường hiếm thấy trong ngành này. Với Zara, thì mức chi phí cao hơn 15-20% so với đối thủ là chấp nhận được, vì điều ấy đã giúp công ty tạo sự khác biệt trong việc sẵn sàng cung ứng đủ hàng cho khách hàng ngay lập tức. Một chiến lược chuỗi cung ứng có thời gian tung sản phẩm và thời gian cung ứng nhanh nhất là phù hợp cho mô hình kinh doanh này.

Ngược lại, nếu chiến lược kinh doanh hướng đến lợi thế chi phí, lẽ dĩ nhiên chiến lược chuỗi cung ứng phải thực sự hiệu năng, thậm chí là siêu hiệu năng, như trường hợp Wal-Mart. Chiến lược kinh doanh của Wal-Mart là trở thành nhà bán lẻ giá rẻ hơn mỗi ngày, hướng tới đối tượng người tiêu dùng quan tâm đến giá cả. Để làm được điều đó, Wal-Mart đã chuyển đổi mô hình hoạt động của mình sang phân phối hàng hóa tới các kệ hàng với chi phí thấp nhất, bảo đảm được giá liên tục thấp hơn đối thủ trong vùng. Một phần trong mô hình hoạt động của Wal-Mart liên quan đến xây dựng các đại cửa hàng.

Các đại cửa hàng này được cung ứng bởi các trung tâm phân phối lớn, tận dụng được lợi thế quy mô và tận dụng tài sản một cách hiệu năng, dẫn đến chi phí hoạt động thấp hơn. Wal-Mart có khuynh hướng tách mình ra khỏi những sản phẩm mang tính thời thượng, thay vào đó chọn lựa những sản phẩm rủi ro thấp, tiêu dùng nhanh, nghĩa là ổn định hơn. Điều này giúp đại gia bán lẻ tránh được chi phí quảng cáo và khuyến mãi.

Một trường hợp khác, nhà hàng Ngon tại Việt Nam. Tại sao nhà hàng này luôn đông khách, có lẽ xin nhường quyền giải thích cho các chiến lược gia marketing. Song nếu để ý kỹ, thì một trong những điểm khác biệt của Ngon là quy trình sản xuất được trưng bày cho khách hàng thấy.

Khách hàng không an tâm về chất lượng ư? Khách hàng muốn biết món ăn của mình sẽ được chế biến ra sao? Tại Ngon, họ sẽ được tận mắt thấy quy trình thực hiện món ăn ngay bên cạnh bàn ăn của mình trước khi thưởng thức. Đưa sản xuất lên một mức độ minh bạch tuyệt đối, nhà hàng đã thực sự tạo ra niềm tin và ấn tượng với khách hàng.

 

Vậy còn chiến lược kinh doanh và quản trị chuỗi cung ứng của bạn là gì?

Theo thống kê thì có hàng ngàn loại chiến lược khác nhau, nhưng thông thường chiến lược doanh nghiệp được chia thành 4 nhóm chính như bảng 1 dưới đây.

Nguồn: tổng hợp   

Tuy nhiên, theo chúng tôi, như thế khá rối để bạn chọn lựa đúng chiến lược chuỗi cung ứng cho mình, bởi vì còn có sự chồng chéo chiến lược chuỗi cung ứng này với chuỗi cung ứng kia. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc triển khai chiến lược hiệu quả nhất trong điều kiện hạn chế về nguồn lực. Lấy ví dụ, nếu chiến lược kinh doanh của bạn tập trung vào chất lượng, thì đồng nghĩa với chuỗi cung ứng phải xuất sắc trong kiểm soát chất lượng. Nhưng đó có phải là mục tiêu cuối cùng hay không? Bởi lẽ, về nguyên tắc, các sản phẩm sản xuất ra phải đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Đây là yêu cầu cần thiết cho tất cả các chuỗi cung ứng, chứ không chỉ riêng chuỗi cung ứng tập trung vào chất lượng.

Đến đây, chúng ta cần quan tâm một chút về quan điểm chiến lược doanh nghiệp của Jack Welch trong cuốn sách bán chạy “Winning”. Có thể quan điểm của ông hơi khác với Michael Porter, nhưng chúng tôi cho rằng đây là một hướng phân chia chiến lược phù hợp nhất hiện nay, tuy rất đơn giản nhưng phản ánh đúng xu hướng phát triển của thị trường, và chúng tôi sẽ sử dụng nó làm nền tảng cho các phân tích tiếp theo đây. Theo Jack Welch, chỉ có hai loại doanh nghiệp: doanh nghiệp bán hàng hóa phổ thông [tức là sự cạnh tranh chỉ dựa trên chi phí], và doanh nghiệp bán hàng hóa dịch vụ có sự đổi mới sáng tạo cao.

Loại thứ hai là sáng tạo, công nghệ, các quy trình nội bộ, không ngừng gia tăng dịch vụ để làm công ty trở lên khác biệt. Về cơ bản, điều ấy đồng nghĩa với việc chiến lược chuỗi cung ứng cũng sẽ được chia thành hai nhóm chính: chuỗi cung ứng hiệu năng và chuỗi cung ứng có khả năng đáp ứng nhanh [xem Bảng 2]. Xin lưu ý, doanh nghiệp không nhất thiết chỉ có một chiến lược kinh doanh, nhất là những doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh. Nghĩa là bạn có thể xây dựng chiến lược riêng cho từng phân khúc sản phẩm. Để hiểu rõ hơn, xin mời bạn hãy cùng chúng tôi chuyển sang bước 2: Xây dựng chiến lược chuỗi cung ứng cho từng loại sản phẩm.

Nguồn: tổng hợp của tác giả

 

Bước 2: Sản phẩm nào thì chuỗi cung ứng ấy. Hay chuyện “nồi nào vung ấy”

Mỗi doanh nghiệp đều có nhiều sản phẩm khác nhau, thậm chí danh mục sản phẩm còn trăm hoa đua nở trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Việt Nam [VN] không nằm ngoài xu thế ấy. Một nền kinh tế đang phát triển, tiềm năng tăng trưởng càng dồi dào thì sức hút đối với các doanh nghiệp càng lớn. Nếu như trước đây chỉ có một loại xà bông “cục gạch” được phân phối theo chỉ tiêu, thì bây giờ bạn có thể mua vô số loại xà bông khác nhau phục vụ mọi nhu cầu chăm sóc con người. Hay các sản phẩm đồ uống cũng là một ma trận nếu bạn không tỉnh táo khi đi siêu thị. Lẽ dĩ nhiên, chu kỳ sống hay vòng đời của sản phẩm cũng ngày càng ngắn hơn, tiêu chuẩn thị trường cũng khác đi, nhu cầu cũng thay đổi. Đấy là những yếu tố tiên quyết giúp bạn lựa chọn chiến lược chuỗi cung ứng cho phù hợp với từng loại sản phẩm.

Có quá nhiều yếu tố quan trọng như thế, thì liệu bạn có thể “đãi cát tìm vàng” để có một chuỗi cung ứng phù hợp và đơn giản nhất hay không? Tin vui cho bạn, câu trả lời là có.

Sau hơn 10 năm nghiên cứu chuỗi cung ứng, GS Marshall Fisher đã tìm ra câu trả lời cho vấn đề nêu trên trong bài báo rất nổi tiếng “What is the right supply chain for you?” [Đâu là chuỗi cung ứng đúng cho bạn?]. Ông cho rằng, chuỗi cung ứng tự thân nó luôn định hướng theo nhu cầu, nghĩa là nếu bạn chia sản phẩm theo phân loại nhu cầu một cách hợp lý, thì bạn sẽ chọn ra được chuỗi cung ứng đúng. Theo ông, bất chấp các yếu tố chu kỳ sản phẩm, tiêu chuẩn thị trường và dịch vụ, hay sự đa dạng sản phẩm đến chóng mặt, thì sản phẩm có thể chia thành hai nhóm: nhóm sản phẩm chức năng [primarily functional products] và nhóm sản phẩm đổi mới [primarily innovative products].

Vậy sản phẩm của bạn thuần chức năng hay thuần về đổi mới?

Sản phẩm chức năng là những hàng hóa đã được phổ thông hóa mà bạn có thể mua để thỏa mãn các nhu cầu cơ bản tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa hoặc ngoài chợ. Chúng có nhu cầu ổn định và dễ dự đoán, có chu kỳ sống dài, cộng với xu thế cạnh tranh bằng giá, nên tỷ suất lợi nhuận của chúng thường thấp dần.

Để tránh tình trạng ấy, các công ty đã đưa những đổi mới vào trong sản phẩm, và giúp khách hàng có nhiều lựa chọn hơn. Ví dụ như ngành may mặc và máy tính cá nhân, chức năng của sản phẩm đã rõ, song vẫn có rất nhiều sự đổi mới. Điều hấp dẫn ở đây chính là tỷ suất lợi nhuận cao hơn, và khả năng giành được thị phần từ đối thủ để duy trì vị thế cạnh tranh. Nhưng đổi lại, chu kỳ sản phẩm ngày càng ngắn hơn, nhu cầu cũng ngày càng khó dự báo hơn.

Điều đó đã đặt ra một thách thức chẳng dễ chịu chút nào cho chuỗi cung ứng. Ví dụ kinh điển là trường hợp máy tính IBM Thinkpad, một mẫu máy tính mà khi ra đời đã được coi là sự đột phá, nhưng lại là đề tài tranh cãi của nhiều nhà quản trị tại IBM, bởi tính năng mới của sản phẩm không được nhóm khách hàng mẫu đề cao qua thử nghiệm [focus group testing]. Kết quả là công ty đã đánh giá thấp nhu cầu – và máy tính Thinkpad bị thiếu hàng để bán tới hơn một năm.

Như vậy, giả định rằng bạn đang có sản phầm chức năng hoặc đổi mới, hay thậm chí là cả hai. Vấn đề là bạn có phân biệt được chúng một cách rõ ràng không? GS Fisher đưa ra mô hình phân biệt các loại sản phẩm này như bảng dưới đây:

Vậy thì chiến lược chuỗi cung ứng nào phù hợp cho từng mô hình sản phẩm ở trên? Có hai loại chiến lược phù hợp chủ yếu: chiến lược chuỗi cung ứng hiệu năng dành cho sản phẩm chức năng; và chiến lược chuỗi cung ứng có khả năng đáp ứng nhanh cho sản phẩm đổi mới.

Bảng 4 dưới đây trình bày khá rõ sự khác nhau giữa hai loại hình chiến lược nêu trên:

Giờ thì đã đến lúc bạn cần khớp chiến lược chuỗi cung ứng với chiến lược sản phẩm. Xin lưu ý rằng nếu khớp không đúng, như trò chơi rubic, bạn sẽ không bao giờ giải được bài toán tại sao tồn kho cao thế mà hàng vẫn thiếu, hoặc tại sao đã thuê một nhà quản trị cao cấp về logistics của công ty đối thủ mà vẫn không thể thay đổi được tình hình.

Đơn giản là bạn đã đưa cho họ một mô hình chuỗi cung ứng sai với chiến lược sản phẩm của bạn. Bảng dưới đây là mô hình tương thích giữa chiến lược chuỗi cung ứng và chiến lược sản phẩm.

Dưới đây là một vài ví dụ thực tế của việc không tương thích giữa chiến lược sản phẩm với chiến lược chuỗi cung ứng.

Cách đây 5 năm, một công ty đồ uống của VN đã tung ra sản phẩm rất mới: bia tươi đóng chai. Sản phẩm lạ kèm theo một chiến lược quảng cáo rầm rộ đã làm người tiêu dùng háo hức chờ đợi. Theo các pro kinh điển về marketing thì công ty này không sai chút nào, thậm chí còn khá hoàn hảo vì đã khơi dậy được sự tò mò của người tiêu dùng. Nhưng chỉ một năm sau thì loại bia đó không còn xuất hiện nhiều nữa. Kèm theo đó là vụ kiện tụng ầm ĩ chỉ vì kênh phân phối đã bị đối thủ ”khóa” chặt từ trước rồi. Đối thủ là một đại gia nước ngoài, tất nhiên họ thừa hiểu đầu ra của chuỗi cung ứng là vô cùng quan trọng trong chiến lược kinh doanh của mình. Kết cục là doanh nghiệp VN đó phải ngậm ngùi chịu thua.

Bài học quá rõ, bạn có một chiến lược sản phẩm và một kế hoạch marketing hoàn hảo, nhưng bạn sẽ thất bại nếu không đem được sản phẩm đến tay khách hàng, nếu chiến lược chuỗi cung ứng không hợp lý và tương thích với chiến lược sản phẩm. Có nghĩa là doanh nghiệp cần hoạch định chiến lược chuỗi cung ứng toàn diện, bao gồm cả một kênh phân phối phù hợp với chiến lược sản phẩm của mình.

Một trường hợp khác, mới đây thôi, một doanh nghiệp đồ uống VN cũng gặp thất bại tương tự, chỉ có điều hơi khác là ở đầu vào của chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp này đang có một sản phẩm  rất đắt hàng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đang say sưa với chiến thắng của mình, bỗng một ngày kia, nhà cung cấp tuyên bố ngừng hợp đồng cung cấp nguyên vật liệu. Kết cục là quá rõ, cho dù người tiêu dùng có háo hức cỡ nào đi nữa thì doanh nghiệp cũng không thể sản xuất khi không có đủ nguyên vật liệu. Dẫn tới tình trạng hàng không có để bán. Thêm một bài học về chiến lược chuỗi cung ứng không tương thích [đáp ứng nhanh với thị trường] trong một chiến lược sản phẩm mang tính sáng tạo. 

 

Bước 3: Hau Lee vẫn đúng

Có những công ty muốn thoát ra khỏi cái vỏ của sản phẩm chức năng, mà theo Jack Welch, là kẻ thù của chiến lược kinh doanh. Ví dụ như một số công ty trong ngành ô tô đã cố gắng thoát khỏi cái vỏ bọc của một ngành bị phổ thông hóa, bằng cách đầu tư vào đổi mới, sáng tạo với công nghệ và mẫu mã cực kỳ đa dạng và liên tục thay đổi. Thế nhưng, họ lại áp dụng mô hình chuỗi cung ứng hiệu năng để rồi chẳng kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Hay với kem đánh răng chẳng hạn, có đến hàng trăm loại kem đánh răng khác nhau và khách hàng liên tục được chào mời những loại kem mới. Nhưng cơ bản nó vẫn không thoát khỏi cái bóng của sản phẩm chức năng, cho dù ban đầu nó là sản phẩm đổi mới đi chăng nữa. Doanh nghiệp cần chuẩn bị tình huống chuỗi cung ứng quay theo chiều ngược lại, từ đáp ứng nhanh thị trường sang hiệu năng hơn. Nghĩa là trong quá trình thay đổi chiến lược, doanh nghiệp cũng cần thay đổi chuỗi cung ứng cho thích nghi với tình hình mới. Có một chuỗi cung ứng hiệu năng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Bài học ở đây là gì? Không được quên ba thuộc tính của chuỗi cung ứng [xem thêm tạp chí Viet Nam Supply Chain Insight, số 1]. Điều quan trọng nhất, theo GS Hau Lee, là phải có khả năng thích nghi tốt. Hơn thế nữa, chuỗi cung ứng cũng phải có khả năng tương thích và nhanh nhẹn trong các tình huống phát sinh.

Lấy trường hợp Dell. Cách đây 7 năm tại bờ Tây nước Mỹ, nơi tập trung những cảng container bận rộn nhất thế giới đã xảy ra một cuộc đình công của hơn 10 ngàn công nhân tại 29 cảng. Cuộc đình công này đã đóng sầm mọi ngả đường của hàng hóa vào Mỹ. Chuỗi cung ứng toàn cầu mà Mỹ là đầu tàu bị tê liệt hoàn toàn. Một thách thức nghiêm trọng đối với mô hình tinh giản [Lean và JIT] với một chuỗi cung ứng siêu hiệu năng vốn đang được ca ngợi như của Dell. Không có bo mạch, ổ cứng và linh kiện tại kho hàng của mình tại Mỹ, Dell sẽ trở thành nạn nhân đầu tiên của mô hình chiến lược siêu hiệu năng chăng?

Nhưng thực tế thì câu trả lời là không. Dell vẫn khỏe mạnh, vẫn có đủ hàng để đáp ứng. Điều bí ẩn nằm sau tính nhanh nhẹn [agility] và linh hoạt [flexibitlity]. Dell đã sớm biết rằng mô hình siêu hiệu năng của mình rất dễ bị đổ vỡ trước những sự kiện bất thường. “Khi gặp các vấn đề về đình công, hay một trận động đất hoặc đại dịch SARS xảy ra, chúng tôi có thể phản ứng nhanh hơn so với bất kỳ công ty nào”, Dick Hunter, tổng tư lệnh về chuỗi cung ứng của Dell đã phát biểu. “Không có sự lựa chọn nào khác. Chúng tôi hiểu những biến cố này sẽ xảy ra, chúng tôi phải luôn nhanh chóng xử lý nó. Chúng tôi không bao giờ cho phép bất kỳ sự chậm trễ nào”.

Dell đã xây dựng sự liên lạc liên tục và trực tiếp với nhà cung cấp 24/24 giờ và cộng tác chặt chẽ với các nhà vận chuyển để hoạch định và dự báo trước những đình trệ có thể xảy ra đối với vận chuyển trước 6 tháng.

Khi xảy ra vụ đình công tại các cảng bờ Tây nước Mỹ, nhóm “đặc nhiệm” của Dell gồm các chuyên gia logistics phối hợp với nhà vận chuyển, nhà cung cấp áp dụng ngay lập tức phương án dự phòng. Đó là thuê 18 chiếc Boeing 747 của hãng UPS, Northwest Airlines, China Airlines để có thể vận chuyển được linh kiện đủ lắp ráp 10 ngàn máy tính. Không chỉ có thế, nếu thuê tại thời điểm ấy thì mức giá có thể lên đến 1,1 triệu USD mỗi chuyến bay, nhưng Dell đã ký hợp đồng từ trước đó với mức giá chỉ 500 ngàn USD. Nội việc đó thôi, Dell đã thực sự thành công vượt bậc so với đối thủ khác tuy cũng rất hiệu năng lại đang mòn mỏi chờ lấy hàng tắc ứ tại cảng.

Ngành bán lẻ VN là sự thể hiện rõ nhất sự phát triển của nền kinh tế. Nếu bạn nhìn vào nhận định của AT Kearny trong bảng thì ngành bán lẻ vẫn đang ở giai đoạn trưởng thành, nghĩa là đang bùng nổ nhu cầu. Điều này cũng phù hợp với đặc điểm một nền kinh tế đang phát triển như VN. Ý nghĩa đằng sau đó là gì? Đối với doanh nghiệp thì nó ám chỉ cần thay đổi cho phù hợp chiến lược kinh doanh cũng như chiến lược chuỗi cung ứng. Nhưng trên thực tế, rất ít doanh nghiệp [trừ những doanh nghiệp nước ngoài] có thể định hình chiến lược chuỗi cung ứng phù hợp với chiến lược kinh doanh. 

Những trường hợp mà chúng tôi hay gặp là, trong khi chiến lược kinh doanh của công ty hướng tới mở rộng thị trường, tung ra những sản phẩm mới để hút khách hàng, phát triển kênh phân phối, thì ngược lại, bộ phận logistics lại tập trung vào cắt giảm chi phí, tối đa hóa năng suất vận chuyển. Cách làm này sẽ tạo ra phản ứng ngược đối với chiến lược kinh doanh và ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả. Cụ thể là tình trạng thiếu hụt hàng do việc quá chú trọng vào tối ưu hóa hoạt động logistics hay sản xuất.

Đứng trên góc độ người tiêu dùng, chúng ta đang chứng kiến hai trạng thái: một là nhóm sản phẩm đang bão hòa chuyển sang dạng hàng hóa phổ thông như nhóm hàng bột giặt, xà bông, kem đánh răng,… hai là các nhóm khác lại đang cố gắng khai thác theo chiều hướng đổi mới liên tục như nhóm hàng thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, khử mùi,… Rõ ràng tùy theo một trong hai tình huống mà chiến lược chuỗi cung ứng sẽ khác nhau.

Lấy ví dụ, cuộc chiến của hai đại gia hàng tiêu dùng nhanh ở VN mà ta tạm gọi là công ty A và B. Trong hơn 20 năm thâm nhập thị trường VN, cuộc chiến quyết liệt giữa hai đại gia này chưa bao giờ ngưng, nó hiện diện ở từng khách hàng, từng nhà phân phối đến từng loại sản phẩm. Tuy nhiên, chiến lược chuỗi cung ứng mỗi công ty này mỗi khác. Công ty A, thành công hơn đã rất khôn ngoan trong chiến lược chuỗi cung ứng của mình với mục tiêu chiếm lĩnh thị phần, song cũng sớm nhận ra rằng nhóm sản phẩm của mình sẽ nhanh chóng bị phổ thông hóa. 

Sau một thời gian tập trung vào đổi mới sản phẩm [thực ra là đem những sản phẩm từ nước ngoài vào VN và Việt hóa chúng. Nhưng đối với người tiêu dùng Việt Nam thì đây vẫn là một sản phẩm hoàn toàn mới lạ], công ty này đã nhanh chóng tái cấu trúc chuỗi cung ứng cho gọn nhẹ hơn, hiệu năng hơn bằng cách thuê ngoài nhiều hạng mục, trong đó có hoạt động logistics, tiếp đến tinh giản hệ thống nhà phân phối, hướng tới chiến lược chuỗi cung ứng hiệu năng. Điều này đã giúp công ty giảm rất nhiều chi phí, tăng rõ rệt tỷ suất lợi nhuận để phục vụ tái đầu tư. Không chỉ dừng ở đó, công ty tiếp tục với việc tái lập lại hệ thống hoạt động tại VN. 

Theo đó, sẽ chỉ giữ lại bộ phận thực thi chiến lược, triển khai hoạt động [execution], còn bộ phận marketing, mua hàng, hoạch định chiến lược được tập trung về vùng để giảm chi phí, tăng cường hiệu quả quy mô. Công ty B thì mải mê với chiến lược tăng trưởng không ngừng, liên tục mở rộng thị phần, song dường như đã để chuỗi cung ứng theo một chiến lược đáp ứng nhanh quá xa trong khi đáng lẽ nó phải chuyển sang hiệu năng từ lâu rồi. 

Thế rồi công ty phải vật lộn với việc tái cấu trúc một hệ thống đã quá phức tạp, nhiều khó khăn hơn so với doanh nghiệp đi trước kia. Tất nhiên định nghĩa về thành công mỗi doanh nghiệp có khác nhau, và nó còn tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh và tăng trưởng của doanh nghiệp trong mỗi giai đoạn, song tựu chung ở mỗi giai đoạn phát triển công ty nào nhanh chóng phân biệt được chiến lược chuỗi cung ứng một cách phù hợp sẽ gặt hái được kết quả về mặt tài chính tốt hơn, còn hoạt động thì hiệu năng hơn.

Khi hỏi bất kỳ doanh nghiệp VN về chiến lược marketing, chiến lược bán hàng [nằm trong kế hoạch kinh doanh] thì hầu hết các nhà quản lý công ty đều rất rõ. Còn về chiến lược chuỗi cung ứng [supply chain] thì…có vẽ ít được quan tâm. 

Trên thực tế, chuỗi cung ứng, trong bối cảnh của từng công ty, thường được hiểu là kho, giao nhận, vận chuyển …Chính quan điểm này đã làm giảm đi cái nhìn một cách tổng thể, xuyên suốt việc vận hành của doanh nghiệp từ đầu đến cuối. Hay nói cách khác, vận hành của doanh nghiệp là thông qua các mắt xích [chain] khác nhau và một doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hay không là nằm ở sự ăn khớp của các mắt xích này. 

Đã có không ít trường hợp các nhà máy xây dựng xong [như mía đường chẳng hạn] phải đóng cửa vì không đủ nguyên liệu sản xuất [yếu tố đầu vào] hoặc xa thị trường tiêu thụ chính [làm cho chi phí phân phối quá cao]…Đó là hậu quả của thiếu một chiến lược chuỗi cung ứng tổng thể.

Tuy nhiên, có một số ngoại lệ mà bạn cần lưu ý để tránh tình trạng quá cứng nhắc về chiến lược mà chúng tôi liệt kê dưới đây.

Lưu ý 1: Trong suy thoái, hãy luôn linh hoạt nhất có thể

Suy thoái kinh tế toàn cầu đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, nó quét mạnh qua tất các các chuỗi cung ứng. Cơn bão suy thoái ấy đã tàn phá cách mà chúng ta vẫn thường hoạch định chuỗi cung ứng truyền thống: các quy trình quyết định mức sản xuất, mức nguyên vật liệu, năng lực vận tải, và các nhân tố quan trọng khác bằng cách dự báo trên mô thức nhu cầu trong quá khứ. Cách làm này đã không còn đúng nữa. Cho dù sản phẩm của bạn thuộc nhóm hàng hóa phổ thông, cho dù chuỗi cung ứng bạn đang hướng tới chiến lược hiệu năng, nhưng giờ đây nền móng của nhu cầu ổn định đã thay đổi. Thay vào đó là một hình mẫu nhu cầu hoàn toàn khác biệt, vô cùng bất ổn. Một nhà điều hành chuỗi cung ứng tại VN đã chia sẻ với chúng tôi rằng “Trước suy thoái, chúng tôi có thể đưa ra kế hoạch cho cả năm, thậm chí là hai năm tới, nhưng bây giờ chúng tôi chỉ dám rón rén đến mức độ vài tuần bán hàng bởi lẽ nhu cầu quá bất ổn.”

Hẳn bạn còn nhớ hiệu ứng Bullwhip ở số 1 tạp chí chúng tôi đã giới thiệu. Theo tạp chí McKinsey Quarterly, thì thời điểm hiện nay là lúc cho Bullwhip phát huy tác dụng. Giá nguyên vật liệu tăng mạnh trước suy thoái đã dẫn tới việc dự trữ quá nhiều hàng tồn kho. Giờ đây giá giảm mạnh lại buộc khách hàng phải trì hoãn đơn hàng và đợi giá giảm hơn nữa. Trong khi ấy, suy thoái quét sạch nguồn tiền mặt và tín dụng, làm tăng thêm sự khó khăn, và tăng bội phần áp lực giảm tồn kho, hủy đơn hàng, thu hồi tiền mặt nhanh hơn.

Trong điều kiện trên đe dưới búa như thế, chiến lược nào là phù hợp nhất? Rõ ràng, bạn cần linh hoạt hơn, đừng cứng nhắc với kế hoạch mà bạn đặt ra cách đây vài tháng. Kinh doanh lúc này không còn là “chuyện thường ngày ở huyện” nữa, nó đang thay đổi mỗi ngày, bạn cần liên tục cập nhật thông tin tin cậy nhất giúp hoạch định chính xác nhất.

Lưu ý 2: Nếu chỉ đơn thuần là nhà nhập khẩu, bạn cần quan tâm đến điều gì? 

Nếu bạn là nhà nhập khẩu hàng hóa để phân phối tại VN, chuỗi cung ứng của bạn sẽ rủi ro hơn và lệ thuộc cao hơn vào nguồn cung. Điều ấy buộc bạn phải tính toán cả yếu tố biến động nguồn cung trong việc xây dựng chiến lược chuỗi cung ứng. Chẳng hạn như đầu năm 2008, với việc giá hàng hóa và nguyên vật liệu tăng đột biến, nguồn cung khan hiếm, nhiều doanh nghiệp đã đau đầu để giải bài toán tìm đầu vào. Nhưng những công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những công ty không tính toán một chiến lược nguồn cung phù hợp cho doanh nghiệp mình.

Họ đã quá mải mê với cuộc chiến giành thị phần, xây hệ thống phân phối, mà quên mất rằng để có hàng bán thì đầu vào là vô cùng quan trọng. Vậy thì doanh nghiệp sẽ xây dựng chiến lược chuỗi cung ứng của mình trong trường hợp này thế nào? Nếu nguồn cung quá biến động đến mức khó dự báo, trong khi nhu cầu khá ổn định, thì bạn cần xây dựng một chiến lược chuỗi cung ứng hướng tới phòng ngừa rủi ro, trong khi vẫn không đánh mất nhiệm vụ tăng hiệu năng. Cụ thể là bạn cần xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và thường xuyên cộng tác với nhà cung cấp, lên phương án dự phòng, lập kế hoạch mua trước.

Lưu ý 3: Đa phân khúc sản phẩm có đồng nghĩa với nhiều chiến lược chuỗi cung ứng?

Trên thực tế, nhiều công ty có nhiều phân khúc sản phẩm khác nhau, nhưng chung quy sẽ thuộc về hai nhóm đổi mới và phổ thông. Vì thế, trong trường hợp này, chiến lược chuỗi cung ứng cũng sẽ chỉ có hai loại: chuỗi cung ứng đáp ứng nhanh với thị trường cho nhóm hàng đổi mới và chuỗi cung ứng hiệu năng cho nhóm phổ thông. Câu hỏi đặt ra là liệu có thể dùng chung tài sản, quy trình, hệ thống CNTT, hệ thống nhà cung cấp, nhà phân phối hay không? Theo hai chuyên gia Shoshanah Cohen và Joseph Roussel thì hoàn toàn có thể.

Tuy nhiên, trong trường hợp sự khác biệt giữa hai nhóm sản phẩm không quá lớn về mục tiêu [như chỉ số thiếu hụt hàng, mức đóng góp về lợi nhuận, mức độ khác biệt về sản phẩm như đã thể hiện ở bảng 3], chúng ta cần áp dụng chiến lược “lai” giữa hai loại hình hiệu năng và đáp ứng nhanh [hybrid], hay còn gọi là chiến lược chuỗi cung ứng đáp ứng nhanh một cách hiệu năng [efficient response supply chain]. Điếu ấy sẽ chỉ tốt khi đối thủ bạn còn yếu. Xin đừng nhầm lẫn rằng việc có hai kênh phân phối [kênh truyền thống và kênh siêu thị] đồng nghĩa với có hai chiến lược chuỗi cung ứng. Tất cả chỉ là một chiến lược chung, song cách thực hiện và chiến thuật [tactics] khác nhau mà thôi.

Kết luận

Chọn lựa đúng chiến lược chuỗi cung ứng là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Nó là nền tảng giúp doanh nghiệp duy trì vị thế cạnh tranh. Trong đại dương đầy sự cạnh tranh mãnh liệt và quá nhiều thông tin ấy, chỉ những doanh nghiệp sáng suốt lựa chọn đúng con đường và chiến lược [cạnh tranh và chuỗi cung ứng] mới có thể vượt trội và về đích sớm. Tuy nhiên, sau khi đã lựa chọn chiến lược phù hợp, doanh nghiệp cần có những bước đi tiếp theo để triển khai chiến lược ấy. Suy cho cùng, chiến lược mãi chỉ là chiến lược nếu nó không được thực thi một cách hiệu quả.

Kurt Bình

Video liên quan

Chủ Đề