Chiến lược công nghiệp văn hóa tp.hcm năm 2024

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa hiện nay, việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa đang trở thành một yêu cầu cấp thiết. Nhiều quốc gia phát triển công nghiệp văn hóa ở mức chuyên nghiệp, nhất là ở các nước phát triển - đã áp dụng mô hình văn hóa mở đường cho các hoạt động kinh tế. Các ngành công nghiệp văn hóa là một lĩnh vực phát triển nhanh chóng và là trọng tâm được nhiều nước quan tâm, coi đó là lĩnh vực đột phá trong chiến lược phát triển quốc gia.

Theo UBND TPHCM, việc xây dựng Đề án là rất cấp thiết, nhằm khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp văn hóa đang thực hiện và lợi thế của TPHCM, từ đó nhận diện đầy đủ những tiềm năng, thế mạnh có thể phát triển các ngành CNVH của Thành phố và những hạn chế, thách thức cần phải đối mặt, khắc phục.

Thành phố đặt ra mục tiêu việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế sản xuất, dịch vụ và kinh tế sáng tạo quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân Thành phố và xuất khẩu.

Góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh, con người TPHCM; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Thành phố.

Tập trung phát triển 8 ngành công nghiệp văn hóa

Để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, TPHCM tập trung thực hiện chỉ tiêu chủ yếu của 8 ngành: Ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang.

Trong đó, giai đoạn 2021-2025, phấn đấu phát triển, đưa TPHCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực. Đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn [GRDP] của thành phố, gồm quảng cáo, thời trang, triển lãm, điện ảnh, du lịch văn hóa.

Định hướng và từng bước phát triển các ngành nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh và triển lãm trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố.

Giai đoạn 2026-2030, TPHCM sẽ phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành CNVH trên địa bàn thành phố một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của thành phố sẽ có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa của khu vực và thế giới. Xây dựng TPHCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, tạo động lực cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển

Để phát triển công nghiệp văn hóa trở thành động lực nội sinh góp phần phát triển kinh tế - xã hội, làm cầu nối phát triển liên kết vùng, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh văn hóa, con người TPHCM ra khu vực và thế giới, từ nay đến năm 2030, TPHCM xác định một số giải pháp ưu tiên phát triển ngành công nghiệp văn hóa là nghiên cứu đề xuất bổ sung vào quy hoạch của Thành phố sắp tới những vị trí để phát triển ngành công nghiệp văn hóa; gắn kết và đẩy mạnh liên kết vùng để tạo động lực cho công nghiệp văn hóa phát triển.

Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, tạo động lực cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, hợp tác và giao lưu về văn hóa; hình thành trung tâm mua sắm, thương mại, giải trí.

Thành phố sẽ kêu gọi đầu tư, khuyến khích các mô hình đầu tư và kinh doanh về công nghiệp văn hóa, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; nghiên cứu thành lập Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa, trung tâm sáng tạo; củng cố nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị một số trường nghệ thuật tại TPHCM.

Hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử mang tính đặc trưng

Thành phố sẽ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa – lịch sử mang tính đặc trưng; hình thành các sự kiện lớn mang tính chất thường niên và đặc trưng, đặc sắc của Thành phố về các ngành công nghiệp văn hóa.

Tạo ra một số sản phẩm, thương hiệu đặc sắc, đặc trưng mang tầm quốc gia trên lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Mặt khác thực hiện các quy định về quyền sở hữu trí tuệ; phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức hội nghề nghiệp; nâng hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội.

TPHCM sẽ sớm có cơ chế tiếp nhận đề xuất từ doanh nghiệp và đặt hàng sản phẩm phát triển công nghiệp văn hóa cho doanh nghiệp để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các doanh nghiệp, tạo sự yên tâm, tin tưởng để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư ổn định và lâu dài.

Chủ Đề