Cấp bù lãi suất là gì

Ảnh minh họa. [Ảnh: Vietnam+]

Dịch bệnh leo thang, nền kinh tế đình trệ, doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn. Cứu doanh nghiệp bằng cách cấp “oxy tín dụng” là biện pháp đang được cân nhắc hàng đầu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng với gói hỗ trợ lãi suất, quan trọng nhất là vốn phải đúng và trúng.

Sẽ có gói tín dụng dư nợ 100.000 tỷ đồng

Mới đây, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng Mười các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế [Ngân hàng Nhà nước], Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gợi ý ngân sách nhà nước có thể hỗ trợ lãi suất 2.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ 60.000-65.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch COVID-19. Sau khi bàn bạc với Bộ Tài chính, dự kiến gói này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng, tức quy mô dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.

[Hậu COVID-19: Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn phục hồi sau dịch]

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng so với dư nợ tín dụng hiện nay của nền kinh tế khoảng gần 10 triệu tỷ đồng, con số trên chỉ chiếm khoảng 1%, chưa thấm gì so với khó khăn của doanh nghiệp sau 4 đợt dịch. Các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đề nghị cần xem xét tăng quy mô gói hỗ trợ này, tất nhiên đi kèm với các giải pháp kiểm soát lạm phát để giữ được ổn định vĩ mô.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam [Vietravel], cho rằng tỷ lệ nợ công trên GDP năm 2021 là 56%, thặng dư ngân sách nhà nước 83.000 tỷ đồng, lạm phát khoảng 3,1%, dự trữ ngoại hối trên 3 con số. Điều này cho thấy Chính phủ có nguồn lực để có thể tung ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, theo ông Kỳ, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, dòng tiền như ôxy đối với doanh nghiệp nên gói hỗ trợ cũng cần phải mở rộng quy mô và ban hành sớm.

Ông Kỳ dẫn chứng Vietravel có 1.700 nhân viên, song có những thời điểm tại công ty chỉ có từ 15-20 người làm việc để duy trì các hoạt động hành chính thông thường, bảo vệ cơ sở vật chất. Doanh thu của Vietravel khi trước dịch khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng/năm, đến giờ này sau 3 tháng hoạt động doanh thu chỉ đạt được chưa đến 10%. Vietravel trở lại 13-14 năm trước. Tương tự như Vietravel, tất cả các công ty du lịch, lữ hành đều bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Trong khi đó, theo tính toán của các doanh nghiệp hàng không, trung bình chi phí bình quân ngày trong 6 tháng đầu năm nay của Vietnam Airlines đã giảm còn bằng 1/4, Vietjet giảm còn bằng 1/5 lần so với chi phí bình quân năm 2019, nhưng số nợ và tình trạng thiếu hụt dòng tiền của các hãng đã lên tới con số "khổng lồ." Cụ thể, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo hiện đã lên tới trên 50.000 tỷ đồng. Dòng tiền hoạt động của các hãng bị thiếu hụt hàng chục ngàn tỷ đồng.   

Tiến sỹ Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ ngành hàng không một khoản đầu tư để nuôi dưỡng nguồn thu trung và dài hạn, hỗ trợ ngành hàng không phục hồi, bảo toàn được nguồn vốn và hỗ trợ việc thanh khoản. Về chính sách nguồn vốn, nên xem xét cho các hãng hàng không khác được hưởng lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines. Mục đích là nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh, giúp các hãng hàng không giải quyết thanh khoản tốt hơn.

Giao dịch tại ngân hàng. [Ảnh: Vietnam+]

Đối với việc gỡ vốn cho các hãng hàng không, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết nếu không có gì thay đổi, dự kiến ngày 28/9 sẽ có buổi làm việc bàn về "Gói tín dụng cho ngành hàng không" giữa Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp hàng không.

Đừng như muối bỏ biển

Từ bài học của gói cấp bù lãi suất 4%/năm trong 2009, các chuyên gia kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phải tính toán cẩn trọng hợp lý.

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cho biết năm 2009 đã sử dụng 1 tỷ USD, tương đương 17.000 tỷ đồng thời điểm đó để cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp. Nguồn lấy từ quỹ dự trữ ngoại hối, tuy nhiên đến nay ngân hàng vẫn chưa được quyết toán hết.

Cũng theo ông Hùng, mặc dù chính sách đó cũng có tác dụng nhất định, nhưng hậu quả để lại không hề nhỏ khi mà sau gói kích cầu trên, thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp vấn đề lớn và nợ xấu liên tục tăng cao. Do đó, Chính phủ phải thành lập công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng để giải quyết hệ quả. Vì vậy theo ông, gói hỗ trợ lãi suất lần này cần phải tính toán cẩn trọng trên mọi phương diện.  

Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh thì quy mô gói hỗ trợ như dự kiến là quá nhỏ để tạo ra sức bật cho nền kinh tế phục hồi rõ rệt. Vì thế, ông cho rằng cần phải tăng quy mô gói hỗ trợ lớn hơn.

Tuy nhiên, để bớt nặng nề cho ngân sách, ông Nghĩa gợi ý, cần biện pháp mang tính chất vĩ mô từ hai phía, đó là ngân hàng trung ương cộng với các biện pháp hỗ trợ từ ngân sách.

Cụ thể, theo ông Nghĩa, có thể dùng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương tạo hiệu ứng giảm mặt bằng lãi suất chung. "Chẳng hạn, ngân hàng giảm lãi suất 1%/năm, cộng với gói kích thích lãi suất này, khoảng 2%-3%/năm, tạo nên một hiệu ứng giảm lãi suất tương đối rõ rệt cho các doanh nghiệp, có thể lên đến 4%. Còn Bộ Tài chính có thể phát hành trái phiếu hoặc vay ngân hàng trung ương," ông Nghĩa nói.

Cũng theo ông Nghĩa, hiện Chính phủ và Quốc hội đã áp dụng nhiều chính sách cứu trợ doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp vẫn kêu không đủ, mặc dù có nhiều ngân hàng đã điều chình giảm đến ba lần lãi suất từ năm ngoái đến nay. Vì vậy, gói "cấp cứu" bằng bù lãi suất phải tạo ra một dấu ấn riêng.

"Hiện nay, dự trữ ngoại tệ của Chính phủ tại ngân hàng trung ương là rất lớn, gấp 4 lần năm 2009, tương ứng với 12 tuần nhập khẩu hiện nay. Diễn biến dịch COVID-19 có thể kéo dài hết năm 2022, chưa lường trước những nguy hiểm của các biến thể mới nên cần gói hỗ trợ lớn, tạo sức bật cho các doanh nghiệp phục hồi nhanh. Nên tôi cho rằng Chính phủ cần thiết kế một gói hỗ trợ lớn để nó thực sự tạo ra khác biệt, chứ đừng như muối bỏ biển," ông Nghĩa nhấn mạnh.

Từ phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay rút kinh nghiệm lần trước, tới đây khi xây dựng cơ chế chính sách, Ngân hàng Nhà nước phải tính toán tới 2 mục tiêu quan trọng là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Vì vậy, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành để xây dựng những kịch bản, chương trình để triển khai gói hỗ trợ này./.

Thúy Hà [Vietnam+]

Khó... vay mới

Gói cấp bù lãi suất trị giá 3000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, thông qua các ngân hàng nhằm giảm lãi suất cho vay được xem là một trong những hỗ trợ có ý nghĩa lớn với các doanh nghiệp hiện nay.

Theo phân tích của ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính, Giám đốc Hãng tư vấn AFA Research & Education,trong quá khứ, Việt Nam đã có kinh nghiệm về việc thực hiện cấp bù lãi suất, đó là gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Vào cuối năm 2009, trong điều kiện kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng trì trệ, giảm phát, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước [NHNN] đã đưa ra gói cấp bù lại suất 4%, với các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực thiết yếu như: sản xuất, nông nghiệp, dịch vụ,...

Khi đó, doanh nghiệp đang phải vay vốn với lãi suất 14-16% một năm, sẽ chỉ phải trả ngân hàng 12%, còn lãi suất cấp bù sẽ trả phần còn lại cho ngân hàng. Nhưng Chính phủ Việt Nam và NHNN đã có một bài học rất lớn khi cấp bù lãi suất chệch mục tiêu, không đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, mà quay trở lại ngân hàng đảo nợ, dòng tiền đi vào thị trường bất động sản, chứng khoán, gây ra lạm phát hai con số vào năm 2011 lên đến 18,6%. Ảnh hưởng lớn nhất là thị trường bất động sản đóng băng, ngân hàng chịu nợ xấu và thị trường chứng khoản sụt giảm nghiêm trọng.


Ông Phan Lê Thành Long

Quay trở lại bài toán gói lãi suất hỗ trợ 3-4 % lần này, với con số 3.000 tỷ đồng cũng là Chính phủ dùng ngân sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Hiện nay, mức lãi suất mà các doanh nghiệp vay ngắn hạn đâu đó khoảng 6-6,8% và nếu cho vay khoảng 3-4% thì ngân sách sẽ cấp bù 3% lãi suất, suy ra số tiền gói vay khoảng 100.000 tỷ đồng", ông Long phân tích.

Cũng theo đánh giá của vị chuyên gia, phần lớn trong 100.000 tỷ vốn vay này sẽ là khoản vay hiện hữu trong hạn mức doanh nghiệp có sẵn và doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi từ ngân sách, còn ngân hàng vẫn nhận đủ lãi suất từ 6-6,8%. Vì hiện nay, điều kiện cho vay của các ngân hàng áp cho doanh nghiệp không thay đổi, với các tiêu chí như tài sản đảm bảo, hệ số tài chính,... vẫn giữ nguyên. Tác động từ đại dịch COVID-19 khiến các ngân hàng thương mại phải băn khoăn về câu chuyện nợ xấu phát sinh trong tương lai, nên họ càng có xu hướng thắt chặt các chính sách của mình.

Chính vì vậy, đây cũng là một rào cản của các doanh nghiệp, khi cho vay chủ yếu dựa trên tài sản bảo đảm và tài sản này cũng đã dựa trên những hạn mức có sẵn, còn vay mới cũng không dễ. Mặt khác, các doanh nghiệp liệu có vay mới không, có mạnh dạn tăng trưởng để hưởng được phần ưu đãi này hay không, cũng là một vấn đề đáng bàn.

Đưa ra quan điểm của mình, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc AFA Capital nhận xét, việc “bơm tiền” thuộc về chính sách tiền tệ, còn các gói hỗ trợ thuộc về chính sách tài khóa. Trong trường hợp này, chúng ta cần làm rõ đây là hỗ trợ lãi suất bằng phương án kết hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá.

Cụ thể, chính sách tài khoá cung cấp một gói ngân sách 3.000 tỷ đồng, còn chính sách tiền tệ thông qua NHNN và các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp 3.000 tỷ đồng tính trên dư nợ 100.000 nghìn tỷ đồng, sẽ tương ứng giảm 3% trong vòng 1 năm [nếu 4% thì dư nợ hỗ trợ sẽ giảm tương ứng].

“Như vậy, sẽ không có câu chuyện bơm thanh khoản thêm, mà là một biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp vốn đang rất yếu ớt sau đợt dịch lần thứ 4 bùng phát. Đây là một chính sách rất đúng và trúng, cần tiếp tục giảm thêm vì ai làm doanh nghiệp cũng sẽ thấy rõ ràng vấn đề của dòng tiền đang thực sự kiệt quệ sau đại dịch.

Lo ngại lớn nhất của thị trường đó chính là "mũi tiêm" này không trúng đích, không đi vào sản xuất, kinh doanh và gây sốt đó là lạm phát. Tuy nhiên, về phía ngân hàng, theo số liệu đến 21/9, tổng dư nợ mới tăng trưởng 7% so với đầu năm, dư địa cho tăng trưởng tín dụng 4 tháng cuối năm còn hơn 5%, việc tiếp tục hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp cũng là một phương thức để phòng ngừa nợ xấu có thể phát sinh trên hệ thống”, ông Tuấn nêu.

Tác động mạnh đến DNNVV

Một vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay nữa, là lý do nào khiến các doanh nghiệp khó khăn và Chính phủ sẽ đưa ra khỏi hỗ trợ như thế này thì có những thông số cụ thể ra sao?

Ông Nguyễn Minh Tuấn

Vị CEO AFA Capital cho rằng, Việt Nam hiện có 760.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa [DNNVV]. Tuy quy mô nhỏ, nhưng mang lại hiệu suất khá lớn trong nền kinh tế, bằng chứng là các doanh nghiệp này đóng góp 45% GDP, 35% ngân sách nhà nước và chiếm 30% doanh số xuất khẩu. Đây đều là những con số ấn tượng, đặc biệt trong lĩnh vực tuyển dụng người lao động, thì lực lượng lao động làm trong các DNNVV, có trình độ vừa phải rất lớn. Vì thế, kế hoạch cấp bù lãi suất này hoàn toàn được ủng hộ khi nó có tác động đến các DNNVV. Còn những doanh nghiệp FDI, hay doanh nghiệp lớn, thì bản chất họ đã có tiềm lực lớn hơn và có khả năng vượt qua đại dịch.

Qua khảo sát, khó khăn trọng yếu của DNNVV hiện nay bao gồm: thị trường sụt giảm, khó khăn về lao động, khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, khó khăn về nguồn tiền và khó khăn trong thu mua nguyên vật liệu.

Ông Phan Lê Thành Long đánh giá, nguồn tiền được coi là huyết mạch giúp doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp này quản lý tài chính cũng không thực sự xuất sắc. Vấn đề cần hiện nay là họ phải có sự lưu thông về nguồn tiền, để chi trả phí vận hành, thanh toán các khoản nợ đến hạn, mua máy móc thiết bị tiếp tục sản xuất kinh doanh và với những hoạt động kinh doanh đang trong giai đoạn phát triển, thì còn cần phải mở rộng quy mô sản xuất. Xét ở nhiều góc độ, việc bổ sung vốn lưu động cho DNNVV là điều cực kỳ cấp thiết.

“Với gói hỗ trợ này, NHNN và Chính phủ đã có sự tính toán rất thận trọng, đây sẽ là một lợi thế lớn để tập trung vào ổn định kinh tế, nhưng như vậy, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 sẽ phải chờ thêm.

Nhìn tổng thể sẽ thấy, con số 100.000 tỷ đồng chỉ là con số nội suy từ 3.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất mà ra. Mặt khác, số tiền này không hẳn là cho vay mới, mà phần lớn là hạn mức hiện có nhưng cũng góp phần tạo ra chất kích thích khá là tốt cho nền kinh tế. Đồng thời, các doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền sẽ có cơ hội tốt hơn, tiết kiệm được chi phí lãi vay, khuyến khích họ làm được nhiều hơn. Vì vậy, doanh nghiệp vẫn cần phải tự thân vận động, cơ cấu lại tài chính để đảm bảo dòng tiền, sau đó mới tính đến việc tận dụng các gói hỗ trợ như trên”, ông Long phân tích.

Đáng chú ý, cả hai vị chuyên gia đều cùng khuyến nghị rằng, với các thông tin đã đưa ra về gói hỗ trợ khiến nhiều người nhầm tưởng đây là hoạt động “bơm tiền”, bơm thêm thanh khoản ra thị trường, có thể dễ khiến thị trường chứng khoán tăng nóng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, phải nhìn thực chất vào vấn đề để có đánh giá thấu đáo hơn, còn việc thị trường có bị kích thích bởi thông tin này hay không thì nó chỉ có hiệu ứng hết sức ngắn hạn và không đáng kể.

Chọn đối tượng để lan tỏa hiệu ứng gói cấp bù lãi suất

Video liên quan

Chủ Đề