Cách làm tre thẳng

Thăng trầm nghề làm thang tre

16:22, 01/04/2016
  • Tweet

Ngày nay, nghe đến hai tiếng thang tre có lẽ nhiều người sẽ làm lạ vì vật dụng ấy chỉ còn thấp thoáng hiện hữu ở một số làng quê Việt Nam. Thế nhưng, nằm ven thành Vinh, có một ngôi làng nổi tiếng với những chiếc thang tre mộc mạc, chắc chắn, rất được người dân ưa chuộng. Thang tre Nghi Liên đã từng là một vật dụng không thể thiếu trong các gia đình xứ Nghệ...

Những "nốt thăng" còn sót lại.

Đi theo đường quốc lộ, khi hỏi đến làng thang tre, người dân Nghi Liên ai cũng biết đường và chỉ vào xóm 6. Ngày xưa ở nơi đây, cả làng làm thang tre. Thang tre dân Nghi Liên làm vừa bền, vừa chắc, làm xong có người vào chở đi ngay khắp phố phường đất Nghệ An.

Thế nhưng, thời đại công nghiệp hóa, những chiếc thang nhôm, sắt với kiểu cách, mẫu mã đa dạng hơn đã chiếm lĩnh hầu hết thị trường. Trong cuộc sống đô thị, nhiều nhà đã sử dụng những chiếc thang nhôm hai chân chắc chắn thay vì những chiếc thang tre giản dị. Với nhiều nhà, những chiếc thang tre mộc mạc ngày xưa chỉ còn trong ký ức.

Chú Nguyễn Văn Định là một trong ít hộ còn lại của làng vẫn níu giữ nét nghề của cha ông. Nhà chú đã ba, bốn đời làm thang tre, từ nhỏ chú đã theo cha chọn tre, làm thang. Ngày xưa, tre chủ yếu lấy ở làng Nghi Liên. Nhưng vài năm nay, muôn loại cây cảnh từ khắp các miền đất nước đổ về đã thay thế những bụi tre kiên cường đất quê. Những hộ làm thang tre chủ yếu nhập tre về từ chợ.

Người thợ làm thang có con mắt nhìn tre riêng, chỉ cần nhìn vào gốc tre là biết cây nào tốt, có thể đem về làm thang được. Thang được làm bằng thân tre già, đủ chắc, ruột đặc và càng nhiều mắt càng tốt.

Những chiếc thang tre vừa hoàn thiện

Với cách làm truyền thống, sau khi lựa chọn kỹ càng, cân đối nhau, cây tre sẽ được phơi nắng rồi đem dựng thành thang. Gặp cây cong, người thợ sẽ đem hơ qua lửa để uốn, rồi đặt vào chốt nắn cho cây thẳng hơn. Tất nhiên, việc này đòi hỏi những người phải có kinh nghiệm, vì nếu thời gian hơ lửa quá ngắn, cây chưa đủ độ dẻo sẽ khó uốn. Nếu hơ lửa quá lâu chúng rất dễ bị giòn tre, gây nguy hiểm cho người dùng thang. Sau khi đo đủ chiều dài phần thân, thợ tre cưa ngọn tre thành từng đoạn chừng 20 - 30cm để làm nấc thang. Phải đục lỗ ngay trên mắt tre để hạn chế thang bị nứt, dẫn đến bị toạc dài. Thang tre có nhiều kích thước dài ngắn khác nhau, có loại chỉ 2 -3m dùng trong nhà, nhưng phổ biến nhất là 4 - 6m dùng trong ngành xây dựng.

Tre được phơi trong một góc vườn.

Và "nốt trầm" của nỗi nhớ...

Ngày ấy, tại làng Nghi Liên, hàng ngày, hai bên đường làng, người uốn tre, người làm chân thang, người đục đẽo... Đàn ông chặt tre, đốt, uốn, phụ nữ đục tre, làm các bậc thang, rộn rã một góc quê.

Bây giờ, tuy nghề thang không còn được như xưa, nhưng những người còn gắn bó với nghề thang cũng có niềm vui riêng. Chú Định tâm sự: Ngày xưa vui lắm, cả làng làm thang, thang tre của làng Nghi Liên nổi tiếng cả dân Nghệ An ai cũng biết. Hầu như cơ quan, đơn vị hay nhà dân nào cũng cần có cây thang. Nhưng mấy năm trở lại đây, thời buổi có thang sắt, thang nhôm, vừa bền vừa tiện nên dân họ chuộng hơn. Giờ thang tre khó bán lắm, làm ra thì phải đi bán rong mới có đôi ba người mua. Một ngày nhà tôi làm được khoảng 5 chiếc thang tre, trừ tiền nguyên liệu đi, lãi tiền công được 40.000 đồng. Đi dạo khắp cả đất này thì ngày nhiều lắm bán được mười chiếc, một chiếc thang tre giá khoảng 100.000 đến 200.000 đồng.

Ngày nay, hầu hết người dân trong làng đã chuyển nghề trồng cây cảnh, còn người trẻ thì học tập, đi nơi khác xây dựng, chỉ còn đôi ba hộ có người già vẫn còn bám trụ với nghề truyền thống của làng. Những người làm thang cũng đầu tư thêm máy móc, khoan để làm tăng năng suất hơn. Ông Định cho biết, tiền đầu tư máy móc thì không nhiều, chỉ khoảng vài triệu. Nhưng nếu chỉ làm thang tre thôi thì cũng không đủ tiền bù vào. Để tăng thêm đầu ra, ngoài làm thang tre, những hộ này còn làm thêm cả chõng tre và bàn ghế tre đi bán nhưng lượng mua cũng không nhiều.

Bây giờ đồ gỗ, đồ nhôm, đồ sắt nhiều, mẫu mã đa dạng nên ít người để ý đến đồ tre nữa. Giờ chỉ có đại gia mới có thú vui ngồi bàn ghế tre, vì nó khá đắt nhưng không bền bằng các loại kia. Chỉ cần độ ẩm và nhiệt độ cao một chút thì đồ tre vẫn dễ bị cong vênh, người dùng bạn chỉ có thể dùng nó ở dạng thang chữ I và chiều cao cố định, không thể gấp lại hay thay đổi chiều dài thang theo ý muốn như các loại thang nhôm khác. Chỉ mùa tầm tháng 3 đến tháng 8 là đông khách hơn, vì đó là mùa xây dựng. Còn bình thường nhà tôi vẫn phải làm ruộng thêm, chứ làm mỗi thang tre thì không đủ nuôi cả gia đình. Chú Định cho biết.

Cô Thuận đang tước nan để hoàn thành chõng tre kịp giao cho khách.

Cô Hoàng Thị Thuận, người phụ nữ duy nhất trong làng tự mình làm ra những chiếc thang, chõng tre cho biết: Ngày chồng mất, tôi tiếp tục nghiệp chồng làm thang, chõng tre để nuôi ba đứa con. Dù bây giờ thì sản phẩm mất công làm mà lại khó bán ra hơn, nhưng tôi vẫn bám trụ tiếp với nghề, vừa để giữ nghề gia truyền, vừa để nuôi con. Sản phẩm tôi làm ra thường vẫn có thương lái ở chợ Vinh đến lấy luôn, họ thương mẹ con mồ côi nên cũng lấy sản phẩm của mình nhiều năm rồi. Một mình tôi làm cả ngày cả đêm mỗi ngày làm được khoảng 3 chiếc chõng tre để bán. Mỗi chiếc từ 150.000 đến 300.000 đồng tùy kích thước. Thế mà một mình mẹ vẫn nuôi được ba đứa con ăn học đấy, hai chị lớn đi đại học rồi, còn một em trai nữa đang học cấp hai. Thường ngày, nó vẫn phụ giúp tôi làm việc.

Với cụ Phương, đã 75 tuổi, làm thang không phải chỉ vì miếng cơm, manh áo như xưa, mà ông yêu cái nghề ông cha mình một thời gắn bó. Lúc rảnh rỗi, vợ chồng, ông, cháu quây quần làm thang, khi nào mệt thì nghỉ, không bị bó buộc thời gian. Cứ mấy ngày lại có người buôn thang đến lấy. Nghề làm thang có cái hay, hôm nay bán không hết, hôm sau bán tiếp, không sợ ế.

Ông Phương vẫn cặm cụi với nghề gia truyền.
Người cháu đang học cấp hai cũng phụ giúp ông lúc rảnh rỗi.

Đến giữa trưa, những người thợ tre vẫn cặm cụi bên sản phẩm của mình, với nỗi trăn trở, băn khoăn về tương lai, với những câu hỏi làm sao để níu giữ nghề truyền thống của cha ông trong thời buổi này...

[Minh Quý]

Video liên quan

Chủ Đề