Cách đọc tỷ giá hối đoái

Tỷ giá hối đoái thuật ngữ thường bắt gặp trong các bản tin tài chính, trong các doanh nghiệp nước ngoài hoặc có đối tác là doanh nghiệp nước ngoài. Vậy tỷ giá hối đoái là gì và cần quan tâm những vấn đề nào xung quanh thuật ngữ tỷ giá hối đoái? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu và làm sáng tỏ vấn đề trên.

Tỷ giá hối đoái là gì?

Tỷ giá hối đoái hay còn được gọi là tỷ giá trao đổi ngoại tệ được hiểu là tỷ lệ trao đổi giữa hai đồng tiền của hai quốc gia hay tỷ giá trao đổi giữa đồng tiền này với một đồng tiền khác. Hiểu đơn giản tỷ giá hối đoái là số lượng đơn vị tiền tệ cần thiết để có thể mua được một đơn vị ngoại tệ.

Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam hiện hành 2010 quy định: Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là giá của một đơn vị tiền tệ nước ngoài tính bằng đơn vị tiền tệ của Việt Nam. [Khoản 5 Điều 6]. Cũng theo Luật định, tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành dựa trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Tỷ giá hối đoái được đặt dưới sự điều tiết của Nhà nước.

Ví dụ 1: Ngày 18/08/2021 tỷ giá bán ra đối với 1 JPY= 213,57 VND hay 1 JPY/VND= 213,57.

Trong ví dụ trên, 1 JPY có giá trị là 213,57 VND. Đây là giá trị của đồng JPY mà không phải là giá trị của hàng hoá. Theo quy ước, đồng tiền đứng trước được xác định là đồng tiền yết giá, đồng tiền đứng sau là đồng tiền định giá. Trong ví dụ trên, JPY là đồng tiền yết giá, VND là đồng tiền định giá.

Ví dụ 2: Để báo giá tiền tệ USD và EUR, nếu báo giá EUR sang USD và quy đổi thành giao dịch EUR/USD = 1,13 thì tức là 1EUR = 1,13 USD và tỷ giá hối đoái là 1,13.

Như vậy, tỷ giá hối đoái là một loại giá cả đặc biệt chỉ giá trị tiền tệ chứ không dùng cho hàng hoá.

Tỷ giá hối đoái tiếng anh là gì?

Trong tiếng Anh, thuật ngữ tỷ giá hối đoái là Exchange Rate hoặc Foreign exchange rate. Một số thuật ngữ liên quan như:

  • Official Exchange Rate: Tỷ giá hối đoái chính thức;
  • Exchange difference : Chênh lệch tỷ giá hối đoái;
  • Spot Exchange Rate: Tỷ giá hối đoái giao ngay;
  • Closing rate: Tỷ giá hối đoái cuối kỳ;
  • Forward Exchange Rate: Tỷ giá hối đoái kỳ hạn;
  • Spot exchange rate: Tỉ giá giao ngay;
  • Buying rate: Tỷ giá mua;
  • Selling rate: Tỷ giá bán;
  • Bilateral Exchange Rate: Tỷ giá hối đoái song phương;
  • Nominal Effective Exchange rate: Tỷ giá hối đoái hiệu dụng [NEER]

Phân loại tỷ giá hối đoái

Căn cứ vào định nghĩa thuật ngữ tỷ giá hối đoái và thực tế tồn tại, có nhiều cách xác định tỷ giá hối đoái. Và bản thân tỷ giá hối đoái cũng có nhiều loại khác nhau, căn cứ vào từng cách phân loại. Cụ thể:

Thứ nhất, dễ bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày, tỷ giá hối đoái được đọc tên và xác định dựa trên yếu tố thời điểm mua- bán. Dựa vào thời điểm thực hiện mua ngoại tệ hoặc bán ngoại tệ của các Tổ chức tín dụng có thể chia tỷ giá ngoại hối làm 2 loại: Tỷ giá mua và Tỷ giá bán

  • Tỷ giá mua là tỷ giá được xác định trên giá trị ngân hàng tiến hành mua vào ngoại hối;
  • Tỷ giá bán là tỷ giá được xác định dựa trên giá trị ngân hàng bán ra ngoại hối.

Lợi nhuận chênh lệch giữa hoạt động mua ngoại hối- bán ngoại hối chính là phần lợi nhuận kinh doanh ngoại hối của ngân hàng. Tỷ giá mua vào ngoại hối bao giờ cũng thấp hơn tỷ giá bán ra ngoại hối. Tức là ngân hàng mua ngoại hối từ khách hàng giá thấp hơn ngân hàng bán ngoại hối ra- giá cao hơn và hưởng chênh lệch.

Thứ hai, dựa vào đối tượng xác định tỷ giá hối đoái, có thể phân loại Tỷ giá chính thức và Tỷ giá thị trường.

  • Tỷ giá chính thức là tỷ giá do Ngân hàng nhà nước xác định [Ngân hàng trung ương]. Căn cứ vào mức tỷ giá chính thức, các ngân hàng và tổ chức tín dụng sẽ ấn định mức tỷ giá mua- tỷ giá bán ngoại tệ;
  • Tỷ giá thị trường là tỷ giá xây dựng dựa trên mối quan hệ cung-cầu của thị trường mua bán ngoại hối.

Thứ ba, căn cứ vào kỳ hạn thanh toán, phân loại thành Tỷ giá giao ngay và Tỷ giá giao dịch kỳ hạn.

  • Tỷ giá giao ngay là tỷ giá được niêm yết tại thời điểm tiến hành giao dịch. Tỷ giá giao ngay được quy định bởi tổ chức tín dụng hoặc do các bên thỏa thuận trong định mức mà Ngân hàng nhà nước cho phép. Sau khi quy định tỷ giá giao ngay thì các bên phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong vòng 2 ngày làm việc kể từ thời điểm cam kết mua hoặc cam kết bán;
  • Tỷ giá giao dịch kỳ hạn là tỷ giá giao dịch do tổ chức tín dụng thỏa thuận với nhau tại thời điểm Ký hợp đồng. Mức tỷ giá giao dịch kỳ hạn mặc dù được thỏa thuận và tự tính toán nhưng vấn phải trong định mức và biên độ cho phép.

Thứ tư, dựa vào cách thức chuyển ngoại hối, phân loại gồm Tỷ giá thư hối và Tỷ giá điện hối.

  • Tỷ giá điện hối là tỷ giá được niêm yết tại ngân hàng. Được xác định thông qua việc chuyển ngoại hối bằng điện.
  • Tỷ giá thư hối là tỷ giá chuyển đổi ngoại hối bằng thư. Tỷ giá thư hối thường thấp hơn tỷ giá điện hối.

Thứ năm, dựa vào giá trị của tỷ giá, phân loại gồm Tỷ giá hối đoái danh nghĩa và Tỷ giá hối đoái thực.

  • Tỷ giá hối đoái danh nghĩa là tỷ giá được biểu hiện theo giá hiện tại mà không tính đến lạm phát của đồng tiền;
  • Tỷ giá hối đoái thực là tỷ giá thực tế đã tính đến tác động lạm phát.

Ngoài các cách phân loại nói trên, còn có 2 loại tỷ giá hối đoái: Tỷ giá hối đoái song phương và tỷ giá hối đoái hiệu dụng.

Các loại chế độ tỷ giá hối đoái hiện nay

Chế độ tỷ giá hối đoái là cách mỗi quốc gia quản lý và kiểm soát đồng tiền quốc gia với đồng tiền nước ngoài. Vì là chế độ nên ở mỗi thời kỳ và ở mỗi quốc gia sẽ có chế độ, chính sách quản lý về tỷ giá hối đoái khác nhau. Song nhìn chung, các chế độ về tỷ giá hối đoái hiện nay có thể là:

Thứ nhất, tỷ giá hối đoái thả nổi

Còn được biết đến với tên gọi khác là chế độ tỷ giá linh hoạt. trong đó giá trị tiền tệ được phép dao động, thay đổi. Đồng tiền sử dụng chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi được gọi là đồng tiền thả nổi.

Tỷ giá thả nổi được xác định trên mối quan hệ cung- cầu giữa các đồng tiền có trên thị trường. Chế độ tỷ giá này thường chỉ phù hợp với một nền kinh tế phát triển mạnh.

Thứ hai, tỷ giá hối đoái cố định

Tỷ giá hối đoái cố định là một tỷ giá được thiết lập theo một loại tiền tệ khác [thông thường là USD hoặc EUR hoặc JPY..]

Còn được biết đến với tên gọi tỷ giá hối đoái neo- một chế độ mà tỷ giá hối đoái quy định giá trị đồng tiền của quốc gia này gắn với giá trị đồng tiền của quốc gia khác hoặc với một giá trị khác như vàng, kim cương Ngược lại hoàn toàn với chế độ tỷ giá thả nổi, trong chế độ tỷ giá cố định, đồng tiền có sự tăng giảm phụ thuộc vào giá trị tham khảo.

Thứ ba, tỷ giá thả nổi có điều tiết

Đây là chế độ hội tụ những đặc điểm của cả chế độ thả nổi và chế độ cố định. Chế độ tỷ giá thả nổi có cả ưu điểm của chế độ tỷ giá thả nổi và ưu điểm của chế độ tỷ giá cố định.

Phương pháp xác định tỷ giá hối đoái

Có hai phương pháp chính để xác định tỷ giá hối đoái:

Thứ nhất, xác định tỷ giá dựa trên cơ sở ngang giá vàng: Tức là so sánh hàm lượng vàng của hai đồng tiền quốc gia với nhau;

Ví dụ: Hàm lượng vàng của 1 USD là X gram ; hàm lượng vàng của 1 GBP là Y gram Tỷ giá hối đoái giữa GBP/USD=Y/X.

Thứ hai, xác định tỷ giá hối đoái dựa trên cơ sở ngang bằng sức mua: Tức là so sánh sức mua vào của hai đồng tiền, so sánh giá cả của hàng hoá, xây dựng phương án xuất nhập khẩu và nghiệp vụ hải quan.

Ví dụ: Giả thiết, để mua 1 đôi giày cần 10 USD hoặc 1000 JPY. Trên cơ sở sức mua đó, xác định tỷ giá hối đoái 1 USD = 100 JPY.

Công thức tính tỷ giá hối đoái

Cách tính tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền định giá:Tỷ giá chéo giữa hai đồng tiền định giá được xác định bằng tỷ giá đồng tiền định giá chia cho tỷ giá của đồng tiền yết giá. Khi mua-bán ngoại tệ, sử dụng công thức sau để tính tỷ giá mua- tỷ giá bán:

  • Tỷ giá mua của khách hàng = tỷ giá bán : tỷ giá mua [của ngân hàng];
  • Tỷ giá bán của khách hàng = tỷ giá mua :tỷ giá bán [của ngân hàng].

Cách tính tỷ giá giữa hai đồng tiền yết giá: Tỷ giá chéo giữa hai đồng yết giá được xác định qua tỷ giá của đồng yết giá chia cho tỷ giá của đồng tiền định giá.

  • Tỷ giá mua của khách hàng = Tỷ giá bán: tỷ giá mua : tỷ giá bán [của ngân hàng]

Cách tính tỷ giá giữa hai đồng tiền yết giá và định giá được xác định bằng tỷ giá của đồng yết giá nhân với tỷ giá của đồng tiền định giá. Tỷ giá chéo giữa 2 đồng tiền định giá và yết giá thì một đồng phải đóng vai trò yết giá, đồng còn lại ở vai trò định giá.

  • Tỷ giá chéo = tỷ giá đồng tiền yết giá * tỷ giá đồng tiền định giá.

Vai trò và ý nghĩa của tỷ giá hối đoái

Tỷ giá hối đoái có các vai trò sau:

Thứ nhất, so sánh sức mua của các đồng tiền: Tỷ giá hối đoái giúp tính toán hiệu quả các giao dịch ngoài nước, các hoạt động có sự xuất hiện của chủ thể nước ngoài;

Thứ hai, tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu: Khi tỷ giá ngoại hối tăng đồng nghĩa với đồng tiền nội tệ giảm. Sự tăng lên của tỷ giá có thể giúp nền kinh tế quốc gia thu được nhiều ngoại tệ từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Thứ ba, tác động tới lạm phát và tăng trưởng kinh tế quốc gia: Nếu tỷ giá giảm tức là giá trị đồng nội tệ tăng lên, khi đó giá trị nhập khẩu sẽ rẻ hơn, có thể kiềm chế lạm phát nhưng cũng dẫn tới thu hẹp sản xuất và kinh tế tăng trưởng thấp; Ngược lại, tỷ giá hối đoái tăng giá trị đồng nội tệ giảm giá sản phẩm nhập khẩu cao hơn lại dễ gây ra lạm phát.

Tỷ giá hối đoái có ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng kinh tế trong nước và quan hệ kinh tế đối ngoại. Do đó cần hiểu rõ cơ chế hoạt động và ý thức được vai trò của nó sẽ giúp đưa ra các biện pháp phát triển kinh tế phù hợp.

Trên đây là nội dung bài viết về chủ đề Tỷ giá hối đoái. Nếu cần tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn: 1900.6518 của Luật Hùng Sơn để được hỗ trợ kịp thời.

5/5 - [1 bình chọn]

Bài này đã được sửa đổi lần cuối vào 30/08/2021 14:04

Chia sẻ
Ls. Luyện Ngọc Hùng

Ông Hùng đã làm việc cho Hùng Sơn Law từ những ngày đầu thành lập và có hơn 6 năm kinh nghiệm trong việc tư vấn và hành nghề luật sư tại Việt Nam liên quan đến các Dự án Đầu tư Nước ngoài và Trong nước; Sáp nhập và Mua lại; Luật Doanh nghiệp; Sở hữu trí tuệ. Với những kinh nghiệm có được luật sư Hùng chắc chắn sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề pháp lý đòi hỏi chuyên môn cao

Sau [Mới nhất] Mẫu thông báo chuyển địa điểm công ty năm 2021 »
Trước « [GIẢI ĐÁP] Mẫu quyết định cử đi công tác cập nhật mới nhất
Để lại một bình luận

Video liên quan

Chủ Đề