Bút danh của các nhà văn quê ở hà nội

Đến nay, người ta chỉ nhớ Tản Đà, chứ không nhớ tên cha mẹ đặt cho ông. Có nhiều người lấy tên đất, tên làng, thắng cảnh quê hương làm bút danh, tên gọi. Trường hợp Vũ Quần Phương là một trong số đó. Quần Phương là tên một làng ở Hải Trung, huyện Hải Hậu [Nam Định]; còn Vũ Ngọc Chúc là tên khai sinh của nhà thơ. Hay như nhà thơ Thu Bồn [tên Hà Đức Trọng, quê Điện Bàn, Quảng Nam] lấy tên sông Thu Bồn quê mình làm bút danh. Ký giả, soạn giả cải lương, nhà thơ Kiên Giang-Hà Huy Hà nổi tiếng [tên thật Trương Khương Ninh] lấy tên quê hương [huyện An Biên, Kiên Giang] làm nghệ danh. Nhà văn Tô Hoài cũng vậy. Ông sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, có sông Tô Lịch chảy qua, trước đây thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Từ đó, bút danh Tô Hoài của nhà văn có tên khai sinh là Nguyễn Sen ra đời. Ai cũng biết “vua vọng cổ” là Viễn Châu, nhưng sao có nghệ danh này của ông Huỳnh Trí Bá [xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, Trà Vinh] thì không nhiều người được biết. Theo “vua vọng cổ”, đương kim tứ trụ danh cầm Bảy Bá một thời [Văn Vỹ, Năm Cơ, Bảy Bá, Văn Giỏi] nói có nghệ danh Viễn Châu là hàm nghĩa “người viễn xứ nhớ về quê hương bản quán”.

Văn Cao

Rất nhiều bút danh tác phẩm nổi tiếng đến nay vẫn chưa được “giải mã”. Tiêu biểu là 4 bài thơ [Hai sắc hoa ti-gôn, Bài thơ thứ nhất, Đan áo cho chồng và Bài thơ cuối cùng] đăng trên báo Tiểu thuyết thứ bảy năm 1937 và 1938 với bút danh T.T.Kh, kể lại mối tình tan vỡ của đôi trai gái yêu nhau, hẹn hò dưới giàn hoa ti-gôn. Bài thơ đầu tiên với tên Trần Thị Khánh [sau đó từ chối] để lại nghi án văn chương trên 80 năm, tốn nhiều trang sách vẫn là nghi án. Nhà thơ Quang Dũng với nguồn cảm hứng của chàng trai lãng tử, giàu tình cảm cho đời nhiều bài thơ tình mộng mơ, hào hoa vào loại độc nhất vô nhị. Tên ông là Bùi Đình Diệm nhưng sao thi sĩ sử dụng bút danh Quang Dũng, đến nay chưa ai “lý giải” được. Nhà thơ Hoàng Cầm với tác phẩm “Lá diêu bông” nổi tiếng… cho đời một thứ lá huyền thoại, không ai tìm thấy ở thế gian. Tên ông là Bùi Tằng Việt, rút gọn từ địa danh quê nhà [xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, Bắc Ninh]; còn Hoàng Cầm [tên một vị rất đắng của thuốc nam]. Nhà thơ Hàn Mạc Tử nằm xuống ở Quy Nhơn, an táng ở dốc Mộng Cầm để thi sĩ trông ra biển lộng gió, cảnh núi non hùng vĩ. Hàn Mạc Tử là bút danh, tên nhà thơ là Nguyễn Trọng Trí. Theo các nhà nghiên cứu, Hàn Mạc Tử được chiết tự, ghép nghĩa của từ Hán Việt nghĩa là “người duyên nợ với văn chương”.

Không ít văn nghệ sĩ chọn cách “làm gọn” bút danh, như: Văn Cao [Nguyễn Văn Cao], Xuân Diệu [Ngô Xuân Diệu], Huy Cận [Cù Huy Cận], Xuân Quỳnh [Nguyễn Thị Xuân Quỳnh]… Với bút danh theo cách đánh vần, nói lái, đảo chữ tên thật khá phổ biến. Nhà thơ Thế Lữ [Nguyễn Thứ lễ], Nghệ sĩ nhân dân Phạm Văn Điều lấy nghệ danh Điêu Huyền; soạn giả tài danh với trên 60 vở cải lương Nguyễn Phú Quý chọn nghệ danh Quy Sắc…

Cho đến nay, hầu hết độc giả đều đã biết Ma Văn Kháng không phải là nhà văn dân tộc ít người, cho dù cái tên Ma Văn Kháng có âm hưởng dân tộc - miền núi, cho dù những tác phẩm của nhà văn ở giai đoạn đầu hầu hết đều viết về miền núi, cho dù nhà văn có một thời gian dài [22 năm] sống và làm việc ở miền núi…

Theo lời cố giáo sư Đinh Trọng Lạc [giảng viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội, anh ruột nhà văn Ma Văn Kháng] thì trong bút danh Ma Văn Kháng, Kháng có nghĩa là kháng chiến chống Pháp, Văn là đọc chệch tiếng Ven [tức Paven Coócsaghin, nhân vật chính trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của N. Oxtrốpxki], Ma là hình thức nói tắt của Mariétxép [anh hùng phi công cụt chân trong tác phẩm “Một người chân chính” của B. Pôlêvôi]. Như vậy, chàng trai trẻ Đinh Trọng Đoàn đã lấy tên của một bậc anh hùng nghĩa hiệp, những hình tượng văn học chói sáng cùng với hào khí của cuộc kháng chiến chống Pháp oai hùng thời ấy để đặt bút danh cho mình, nhằm gửi gắm vào đó ý chí, ước mơ, hoài bão sục sôi của một thời tuổi trẻ ham hành động.

Giáo sư Đinh Trọng Lạc còn kể: Vào khoảng sau những năm 1950, ông đang ở bộ đội, có lần nhận được thư của Đinh Trọng Đoàn. Trong thư, Đoàn khoe đại ý: em đã đặt cho mình bút danh Ma Văn Kháng. Trong thư đáp lại, ông đã khuyên Đoàn: lúc này cần nghĩ tới việc học hành, việc rèn luyện tu dưỡng bản thân, chứ không phải là lúc đi tìm cho mình một cái tên đẹp, theo lối tiểu tư sản. Chỉ có vậy thôi mà Đoàn giận tới một năm trời. Có lần anh em gặp nhau, Đoàn nói: “Anh không thuộc thế hệ em, anh làm sao hiểu được”.

Bởi cứ đinh ninh như thế nên người viết bài này đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy trên báo Văn nghệ Trẻ số 18 [ra ngày 25/7/1996], chính nhà văn Ma Văn Kháng lại viết về bút danh của mình với xuất xứ khác với câu chuyện của người anh trai. Để tìm hiểu thực hư, tôi đã liên hệ với nhà văn và may mắn được ông cung cấp một trích đoạn hồi ký nói về việc này, như sau:

“Năm 1948, khi tham gia đoàn truyền bá vệ sinh Cục Quân y, tôi lấy tên là Nguyễn Kháng. Kháng là kháng chiến chống Pháp. Cái tên mang âm hưởng hào hùng lãng mạn của một thời”. … “Khi đi làm công tác thuế nông nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc [vào khoảng năm 1955 - 1956], tôi quen anh Ma Văn Nho. Anh Nho là Phó chủ tịch kiêm Phó bí thư Huyện ủy Bảo Thắng. Tôi nhận ra con người này có sức thu hút hết sức mạnh mẽ với mọi người… “Pú Nho! Pú Nho!”. Đó là tiếng đồng bào gọi anh. Anh có khả năng trò chuyện rất thân mật, giản dị với bà con. Trong các cuộc họp, anh thao thao về chủ trương chính sách, mà toàn là những lời ăn tiếng nói thông thường, chứ không phải câu chữ trong văn bản hành chính. Vậy mà, công việc vẫn đâu vào đấy. Bà con bảo: “Pú Nho nói nghe rất dễ hiểu. Hơn là cán bộ Kháng nói còn khó hiểu”.

Thế là tôi tìm thấy thần tượng sống động của tôi rồi. Một cán bộ xông pha trong phong trào, một con người khiêm nhường nhưng tiềm ẩn bên trong cái khí lực của cả khối quần chúng công nông, cái hơi thở mạnh mẽ, sâu bền của đời sống cần lao.

Làm thuế nông nghiệp ở Tùng Tung ít lâu thì căn bệnh sốt rét tôi mắc từ thời ở Việt Bắc, những tưởng đã tiệt nọc sau mấy năm ở Trung Quốc, nay tái phát. Sốt rét trong hoàn cảnh ở thôn xóm đồng bào dân tộc làm gì có thuốc thang. Thấy tôi nằm liệt mấy ngày, anh Ma Văn Nho liền tức tốc đi vào Cam Đường, tìm gặp ông Sơn, một y tá từ thời Pháp. Ông Sơn tiêm cho tôi hai ống quinofort de la croix. Bệnh dứt hẳn. Anh Ma Văn Nho đã là thần tượng của tôi, nay còn là ân nhân của tôi. Tôi kết nghĩa anh em với anh và đổi sang họ Ma - Ma Văn Kháng. Cái tên Ma Văn Kháng có xuất xứ là thế, chứ không phải là bút danh đặt ra cho nó có màu sắc miền núi khi bắt đầu sáng tác văn học. Anh Ma Văn Nho người Kinh, quê ở ấm Thượng, Yên Bái. Vùng ấy có một dòng họ Ma là người Kinh…

Cái tên Ma Văn Kháng sau này trở thành bút danh đem lại mấy mẩu chuyện vui vui. Nhiều bạn đọc thắc mắc, nhiều người nghĩ tôi là người dân tộc thiểu số! Một hôm, gặp Chế Lan Viên, tôi hỏi: “Vì sao anh lấy họ Chế?”. Nhà thơ trả lời: “Thì cũng như cậu”. Năm nhà văn Y Ban thi vào học Khóa 4, Trường Viết văn Nguyễn Du, khi vấn đáp tôi hỏi: “Vì sao lấy tên Y Ban?”. Cô trả lời: “Em cũng giống thầy”. Còn mấy ông thầy bói thì tán: Đinh Trọng Đoàn, toàn vần O, tức cuộc sống rất khổ sở. Ma Văn Kháng, từ nào cũng có chữ A, kim tự tháp vững vàng [?]. Mang tên Ma Văn Kháng ở đất Hà Nội nhiều khi có lợi. Một lần đi xe máy phạm luật giao thông, nhẹ thôi, anh cảnh sát xem giấy tờ của tôi, nói: “Thôi, chiếu cố bác ở miền núi về, lần này tôi không phạt!”…

Bút danh Ma Văn Kháng phần nào nói lên sự gắn bó và tình yêu của nhà văn đối với mảnh đất ông đã từng sống và làm việc trên 20 năm, nơi ông coi như quê hương thứ hai của đời mình

Chủ Đề