Bài học kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Một số kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tỉnh Đắk Lắk

Ngày đăng: 26/09/2018 03:10
Mặc định Cỡ chữ
Bài học kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Bài học kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Đắk Lắk là tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, hiện có 47 dân tộc anh em, dân số hơn 1,896 triệu người, dân tộc thiểu số chiếm 31,69% dân số toàn tỉnh (trong đó dân tộc thiểu số tại chỗ là 20,4%). Toàn tỉnh hiện có 15 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Buôn Ma Thuột là tỉnh lỵ - đô thị loại 1, 01 thị xã,13 huyện); 184 đơn vị hành chính cấp xã (152 xã, 20 phường, 12 thị trấn)1. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của tỉnh trong những năm qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị đặt ra. Bài viết nêu lên một số kinh nghiệm về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ rút ra từ thực tiễn tỉnh Đắk Lắk.

Bài học kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Ảnh minh họa. Nguồn:http://gddt.daklak.gov.vn

1. Thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Đắk Lắk

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có vai trò đặc biệt quan trọng trong các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội. Đội ngũ này phải bao gồm những người thật sự tiêu biểu, có lập trường và bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực công tác tốt. Để đạt được điều đó, phải thực hiện tốt tất cả các khâu của công tác cán bộ, trong đó đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyên môn là một trong những nội dung rất quan trọng.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Đắk Lắk tính đến hết năm 2016 có 48.304 người, trong đó: cán bộ, công chức khối Đảng 923 người, khối đoàn thể 617 người, khối hành chính 4.956 người; viên chức 41.808 người. Trình độ chuyên môn: tiến sĩ: 54 người (0,11%); thạc sĩ: 1.281 người (2,65%); đại học: 25.596 người (52,98%); cao đẳng: 9.430 người (19,52%); trung cấp: 11.943 người (24,72%). Trình độ lý luận chính trị (LLCT) cao cấp, cử nhân: 1.812 người (3,75%); trung cấp: 3.902 người (8,08%)(2).

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ trong tình hình mới. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, chú trọng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị các cấp, cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số cấp xã(3) trên cơ sở làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng năm và 05 năm để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dự nguồn và đào tạo cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh; quan tâm đào tạo cán bộ, công chức trẻ, cán bộ, công chức nữ, cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số; phát hiện, tuyển chọn, đào tạo cán bộ có tài năng, phẩm chất đạo đức tốt nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý của tỉnh trong giai đoạn 2010-2020 đủ số lượng, chất lượng, đáp ứng thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chủ động hội nhập quốc tế.

Quá trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp luôn coi trọng việc nhận xét, đánh giá đúng kết quả học tập, ý thức rèn luyện, khả năng tư duy sáng tạo để vận dụng hiệu quả vào thực tiễn; coi đó là tiêu chuẩn để xem xét đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển phù hợp nhằm hình thành đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trình độ cao, có khả năng dự báo, xử lý tốt những vấn đề, tình huống phát sinh phức tạp; việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức còn phải phù hợp với khả năng ngân sách của tỉnh. Đồng thời, tỉnh đã chú trọng nâng cao dân trí và đào tạo tay nghề cho người lao động, nhất là gắn với việc chủ động trong công tác bố trí giải quyết việc làm đối với những sinh viên cao đẳng, đại học tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ phục vụ tại địa phương.

Chương trình, nội dung đào tạo được đề cao trong các trường đại học chính trị chuyên ngành; cao cấp LLCT, trung cấp LLCT - hành chính nhằm trang bị về trình độ chuyên môn và trình độ LLCT theo tiêu chuẩn quy định cho các chức danh cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, theo vị trí việc làm và ngạch công chức.

Chương trình bồi dưỡng thường xuyên cập nhật, nâng cao trình độ và kỹ năng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, tổ chức phổ biến các văn kiện, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng và công tác của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị.

Các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng: kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng quản lý nhà nước theo chương trình quy định cho công chức các ngạch và theo chức vụ lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý chuyên ngành và vị trí việc làm theo chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm. Kiến thức về tin học, ngoại ngữ chuyên ngành, tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp của tỉnh. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài theo Đề án 165 với các lĩnh vực đào tạo chủ yếu: quản lý hành chính tài chính công; quản lý công, quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội; quản lý nguồn nhân lực; quản lý tài nguyên... được hết sức chú trọng. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2010 - 2015 đạt kết quả như sau:

- Đào tạo chuyên môn: 1.562 người, trong đó:

+ Đào tạo ở nước ngoài: thạc sĩ và tương đương là 06 người.

+ Đào tạo trong nước: nghiên cứu sinh 24 người; thạc sĩ và tương đương 484 người; đại học, cao đẳng 1.054 người.

- Kết quả đào tạo LLCT: 3.256 người, trong đó:

+ Đại học chính trị chuyên ngành: 04 người; cao cấp LLCT: 794 người; trung cấp LLCT: 2.458 người.

- Bồi dưỡng học tập kinh nghiệm ở nước ngoài có 63 người; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ 16.097 lượt; bồi dưỡng chức danh cấp sở và tương đương 69 người; bồi dưỡng chức danh cấp phòng và tương đương 166 người; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND xã, phường, thị trấn 210 lượt người; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn 381 lượt người; bồi dưỡng quốc phòng, an ninh cho 2.426 người(4).

Trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu của địa phương, đơn vị; đồng thời, tạo điều kiện và hỗ trợ về kinh phí đối với các cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học. Hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến huyện được củng cố, phát triển. Đã tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống các cơ sở đào tạo, đảm bảo nhu cầu dạy và học; trong đó, chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện dạy học hiện đại. Sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo và các cơ quan, địa phương, đơn vị quản lý cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được chú trọng trong quá trình tuyển sinh, mở lớp, tổ chức đào tạo và sử dụng sau đào tạo. Nhìn chung, sự phối hợp tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng với cơ sở đào tạo trong thời gian qua là khá tốt; nội dung và các chuyên ngành giảng dạy được chọn lọc phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đối với từng đối tượng người học; từng bước nâng cao về số lượng, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh ngang tầm với nhiệm vụ được giao.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy quán triệt đến cấp ủy các cấp việc chọn cử người đi học phải đúng đối tượng, tiêu chuẩn, tiêu chí chọn cử rõ ràng và công khai, minh bạch, tránh phân bổ chỉ tiêu bình quân, hình thức. Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng phải xác định rõ mục tiêu, động cơ học tập; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác học tập. Khắc phục tình trạng chạy theo bằng cấp, tuyệt đối hóa bằng cấp của cả người dạy, người học, của cơ quan làm công tác cán bộ và cơ quan sử dụng cán bộ. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo cán bộ, công chức, viên chức được các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, các cơ sở đào tạo quan tâm thực hiện và có nhiều tiến bộ, đảm bảo chặt chẽ, chính xác, khách quan; các chế độ, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh được bổ sung và hoàn thiện. Ngày 22/02/2016 UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 06/2016/QĐ-UBND về việc Quy định chi tiết thực hiện Nghị quyết số 143/2014/NQ-HĐND, ngày 23/12/2014 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học; điều động, luân chuyển đối với cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Đồng thời, tỉnh đã dành một phần kinh phí hỗ trợ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở trong và ngoài nước.

Các chế độ, chính sách đối với học viên các lớp cao cấp LLCT, trung cấp LLCT - hành chính, hệ tập trung: đối với cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có quyết định của Ban Tổ chức Tỉnh ủy cử đi học do ngân sách tỉnh chi trả. Những học viên thuộc khối doanh nghiệp, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, cơ quan thuộc ngành dọc do cá nhân hoặc đơn vị chi trả. Những học viên là cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có quyết định của Ban Tổ chức Tỉnh ủy cử đi học trung cấp LLCT - hành chính, hệ tập trung tại trường chính trị tỉnh và có trụ sở cơ quan làm việc ở cách xa Trường chính trị tỉnh trên 15km trở lên được ngân sách tỉnh chi hỗ trợ tiền ăn là 25.000 đồng/người/ngày; chế độ, chính sách đối với các lớp bồi dưỡng được hỗ trợ tiền ăn 50.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, một số chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ cấp cơ sở chưa phù hợp, chưa thu hút được đội ngũ cán bộ có trình độ, có tâm huyết với công việc, đặc biệt đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh sau khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng cơ bản đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ về LLCT, phát huy tốt năng lực trong thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua đã tạo được những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, góp phần bước đầu nâng cao năng lực thực hiện và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tại các cấp.

2. Hạn chế, nguyên nhân

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Đắk Lắk thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập như:

Đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở trình độ còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng và triển khai thực hiện trong thực tế. Một bộ phận cán bộ đi học để lấy bằng cấp, để được quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ cao hơn nên ít quan tâm đến chất lượng học tập, dẫn đến động cơ, ý thức tự học tập, rèn luyện chưa cao. Lực lượng giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có nơi chưa đảm bảo yêu cầu; kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế, nhất là chế độ đãi ngộ cho giảng viên và học viên là cán bộ ở cơ sở phải học các chương trình tập trung dài ngày. Việc thay thế những cán bộ, công chức không đủ tiêu chuẩn trình độ, nghiệp vụ bằng lực lượng trẻ đã qua đào tạo, bồi dưỡng gặp không ít khó khăn. Các chính sách khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức tích cực học tập nâng cao trình độ và thu hút nhân tài phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển toàn diện còn chưa thỏa đáng.

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do việc ban hành các chủ trương, chế độ đối với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng từ trung ương đến cơ sở còn chưa đồng bộ, chưa gắn với nhu cầu và kế hoạch sử dụng của cơ quan, đơn vị, địa phương; nhiều trường hợp đi học để đối phó với yêu cầu tiêu chuẩn hoá cán bộ, công chức; ở một số địa phương vẫn còn tình trạng người không trong diện quy hoạch lại được cử đi đào tạo, bồi dưỡng hoặc cán bộ, công chức đi học xong không bố trí được công việc phù hợp. Nội dung và phương pháp giảng dạy còn chưa sát với tình hình thực tế hiện nay, có sự chồng chéo về đối tượng, chưa chú trọng việc kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. Lượng kiến thức sử dụng để đào tạo, bồi dưỡng còn nặng về lý luận, chưa đi sâu vào thực tiễn, lĩnh vực cụ thể cho từng đối tượng; chưa phát huy được tác dụng hoặc các kiến thức khó vận dụng trong thực tiễn. Việc sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng chưa hợp lý; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý với cơ sở đào tạo có lúc, có nơi chưa chặt chẽ và hiệu quả chưa cao.

3. Một số bài học kinh nghiệm

Quá trình thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của tỉnh Đắk Lắk thời gian qua có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cần quan tâm, đó là:

Thứ nhất, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về nhận xét, đánh giá cán bộ; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy trình về công tác cán bộ; tiêu chuẩn hoá chức danh cán bộ; tiếp tục thực hiện tốt việc điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ và xây dựng chính sách hợp lý để thu hút cán bộ trẻ, cán bộ có trình độ cao về địa phương công tác.

Thứ hai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo việc tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt chuẩn theo quy định hoặc những trường hợp không có vị trí công tác khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại được để chuẩn hóa về chuyên môn.

Thứ ba, tỉnh đã chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý ở các đơn vị, ngành, địa phương. Hàng năm, nhiều cán bộ, công chức quản lý được tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực công tác và hoàn thiện các tiêu chuẩn của ngạch, bậc, công chức của từng vị trí, chức danh mà họ đang đảm nhiệm. Tuy nhiên, một trong những vấn đề còn tồn tại hiện nay của công tác đào tạo, bồi dưỡng là chưa tập trung phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực tiễn của cán bộ, công chức.

Thứ tư, tiếp tục rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về phẩm chất, năng lực, trình độ làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trong giai đoạn 2016-2020; chủ động cụ thể hoá tiêu chuẩn các chức danh cán bộ, công chức ở địa phương và chuẩn bị đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở là người dân tộc thiểu số để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý, điều hành ở cơ sở.

Thứ năm, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy chế đào tạo, phân cấp đào tạo, bồi dưỡng, gắn việc đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ.

ThS.Nguyễn Thị Vân Lam -Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk

-----------------------------

Ghi chú:

(1) Tỉnh ủy Đắk Lắk, Báo cáo số 181/BC-TU ngày 10/4/2017 về thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

(2) Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, Báo cáo tổng kết (2016), có 559/2.130 cán bộ xã là người dân tộc thiểu số (chiếm 26%).

(3),(4) Tỉnh ủy Đắk Lắk, Báo cáo số 69 BC-TU ngày 27/6/2016 tổng kết 05 năm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (2011-2015) và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 2016-2020.

tcnn.vn

Về trang trước
Gửi email In trang