Vụ nổ nhà máy hạt nhân ở Nhật Bản

Vùng Sendai, nơi bị cơn địa chấn gây thiệt hại nghiêm trọng nhất vào hôm qua có tổng cộng 11 trung tâm điện hạt nhân. Tất cả các lò phản ứng tối tân này đã ngưng vận hành một cách tự động. Tuy nhiên tình trạng của hai trung tâm gây lo ngại đặc biệt, nhất là sau khi có tiếng nổ tại một cơ sở.

Sáng nay 12/03/2011, đích thân thủ tướng Naoto Kan ra lệnh di tản 45 ngàn dân trong một đường bán kính 20 km chung quanh trung tâm điện hạt nhân Fukushima số 1. Là nạn nhân của cơn địa chấn kỷ lục 8,9 trên thang điểm Richter vào  hôm qua và các dư chấn liên tục, hệ thống giảm nhiệt của một trong các lò phản ứng của trung tâm Fukushima số 1 không hoạt động được. Nhiệt độ gia tăng từ chiều hôm qua buộc quân đội Hoa Kỳ phải cung cấp hóa chất làm lạnh suốt đêm .

Theo hãng thông tấn Kyodo, độ phóng xạ tại nơi đặt hệ thống kiểm soát vận hành tăng gấp 1000 lần mức bình thường. Điều đáng lo hơn nữa là theo thẩm định của Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản, rất có thể đang xảy ra hiện tượng nóng chảy trong lò phản ứng chỉ cách thủ đô Tokyo có 250 cây số.

Theo các chuyên gia hạt nhân, sự hiện diện của phóng xạ Cesium ở chung quanh trung tâm thường là dấu hiệu xác nhận lò phản ứng bị cháy. Cũng trong buổi sáng nay, tại lò phản ứng này có tiếng nổ làm sụp một phần kiến trúc bảo vệ lò phản ứng. Vụ nổ xảy ra vào lúc 15 giờ 36 phút giờ địa phương làm 4 nhân viên bị thương.

Nhưng không phải chỉ có một trung tâm hạt nhân gặp vấn đề. Nhiều lò phản ứng của trung tâm Fukushima số 2 cũng gặp trở ngại trong hệ thống hạ nhiệt. Công ty điện lực Tepco của Nhật, quản lý các trung tâm hạt nhân trong vùng, đã được chỉ thị phải mở «van » an toàn để làm giảm « áp suất » bên trong và do vậy đã thải hơi nước có phóng xạ ra không khí bên ngoài.

Từng là nạn nhân của hai quả bom nguyên tử, người dân Nhật rất nhạy cảm với vấn đề an toàn hạt nhân.

Theo Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản thì các biện pháp đối phó đã mang lại kết quả tương đối. Tình hình trung tâm hạt nhân Fukushima được mô tả là « gần giống với tai nạn hạt nhân ở Three Miles Island năm 1979 ở Hoa Kỳ, hơn là vụ nổ Tchernobyl tại Ukraina, năm 1986, thời Liên Xô cũ.

Tại Tchernobyl, kiến trúc bảo vệ bên ngoài không kiên cố nên bị nổ tung. Còn trong vụ tai nạn hạt nhân tại Hoa Kỳ năm 1979 thì nhờ kiến trúc bảo vệ kiên cố nên tránh được thảm họa hạt nhân. 

Giới chuyên gia trong Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản và của Cơ quan Quyền lực An toàn Hạt nhân Quốc tế đều thẩm định sự cố Fukushima số 1 là hoàn toàn khác với Tchernobyl. Lò phản ứng của Nhật bị nóng là do hệ thống bơm nước biển để làm giảm nhiệt bị hỏng do động đất, tức là do yếu tố bên ngoài.

Câu hỏi đặt ra là liệu những lời tuyên bố trên đây có trấn an được một dân tộc từng bị hai quả bom nguyên tử hay không ? Người dân Nhật và các quốc gia láng giềng khó có thể yên tâm vì 55 trung tâm điện hạt nhân của Nhật Bản nằm trong vùng động đất.

Vào thời điểm 2010, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, đã có hơn 60 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng trên thế giới. Trong bối cảnh nền kinh tế nối lại với tăng trưởng, và nhiều quốc gia cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính [đồng nghĩa với việc giảm sản xuất điện bằng năng lượng hóa thạch, như than đá, dầu mỏ], Cơ quan Năng lượng Quốc tế [AIE] dự báo điện hạt nhân sẽ phát triển mạnh. Ông Peter Fraser, phụ trách thị trường điện lực của AIE nhắc lại là, theo kịch bản chính của AIE, công suất điện hạt nhân sẽ là 502 gigawatt [GW] vào năm 2020 và tăng lên đến 602 GW vào năm 2030.

Tuy nhiên, viễn cảnh đầy lạc quan nói trên đã tiêu tan với thảm họa ngày 11/03/2011 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, thảm họa hạt nhân kinh hoàng nhất kể từ vụ Tchernobyl [Liên Xô cũ] năm 1986. Hiện tại, tổng công suất các lò phản ứng hạt nhân chỉ là 415 GW, tức tương tự với mức công suất cách nay 10 năm [nếu không tính đến phần công suất của các nhà máy hạt nhân hiện đang bị ngưng hoạt động tại Nhật Bản]. Tỉ trọng đóng góp của năng lượng hạt nhân vào tổng lượng điện toàn cầu là khoảng 10%. Cách nay 10 năm tỉ lệ này là 13%, và là 18% giữa những năm 1990.  

Thảm họa Fukushima có phải là nguyên nhân chính khiến năng lượng hạt nhân sụt giảm ?

Tác động của thảm họa Fukushima là rõ ràng. Bà Karine Herviou, phó tổng giám đốc Viện Phóng xạ và An toàn Hạt nhân Pháp [IRSN], giải thích : « tai nạn Fukushima cho thấy các giới hạn của khả năng dự báo của chúng ta, khiến nhiều quốc gia phải xem xét lại các dự án hạt nhân, thậm chí ngừng hẳn ». Ngay cả tại Pháp, nơi điện hạt nhân được coi là « vua », thảm họa tại Nhật Bản  cũng để lại nhiều hậu quả, đặc biệt với việc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân lâu năm nhất, nhà máy Fessenheim ở vùng Alsace vào tháng 6/2020. Tại Hoa Kỳ, quốc gia sản xuất nhiều điện hạt nhân nhất thế giới, tổng công suất điện hạt nhân cũng sụt giảm trong thập niên vừa qua, đặc biệt với việc không xây dựng các nhà máy mới, thay thế cho các nhà máy đến hạn phải đóng cửa.

Nhà báo Sharon Wajsbrot của Les Echos, tác giả bàn viết, lưu ý là thảm họa Fukushima không phải là nguyên nhân duy nhất, nhưng là biến cố đặc biệt quan trọng, đẩy nhanh tiến trình ra khỏi hạt nhân với một số cường quốc công nghiệp. Nước Đức có dự định từ bỏ năng lượng hạt nhân khá lâu trước thảm họa Nhật Bản, và Berlin ngay sau thảm họa đã quyết định hành động « rất nhanh chóng ». Thụy Sĩ cũng làm tương tự, và mới đây là Bỉ.

Tuy nhiên, thảm họa Fukushima không phải là nguyên nhân duy nhất. Nhà phân tích độc lập về năng lượng hạt nhân Mycle Schneider thừa nhận thảm họa Fukushima là tác nhân làm tăng tốc tiến trình, nhưng cũng nhấn mạnh là sự suy giảm của ngành công nghiệp hạt nhân đã bắt đầu từ khoảng 20 năm nay. Có hai lý do chính. Bên cạnh sự phản đối ngày càng đông đảo của dân chúng tại nhiều nơi, điện hạt nhân còn phải đối mặt với đối thủ đáng sợ khác. Đó là các năng lượng tái tạo với giá thành sản xuất giảm rất mạnh trong thập niên vừa qua. Theo tính toán của ngân hàng Lazard, so với năm 2009, giá điện gió năm 2020 giảm 70%, và điện mặt trời là 90%. Ngược lại, giá điện hạt nhân lại tăng 33%.

Phải chăng điện hạt nhân sẽ ngày càng bị mất đất ?

Nhìn chung, có thể nói tương lai của điện hạt nhân là đầy bất trắc. Nhưng nếu như thảm họa Fukushima đã để lại nhiều hậu quả lớn, thì cũng không thể nói là thảm họa này « đã đẩy điện hạt nhân ra khỏi cuộc chơi ».  Năm 2019, sản lượng điện hạt nhân thế giới đã trở lại với mức trước vụ Fukushima. Mức tăng trưởng này là kết quả của nhiều yếu tố. Tại Mỹ cũng như Pháp, chiến lược « kéo dài tuổi thọ » các nhà máy điện, sẵn có, được hưởng ứng rộng rãi trong xã hội. Tăng trưởng điện hạt nhân đặc biệt do Trung Quốc. Vẫn theo vị phụ trách thị trường điện lực của AIE, ông Peter Fraser, Trung Quốc có thể trở thành nhà sản xuất năng lượng hạt nhân số một thế giới trước năm 2030, nếu duy trì tốc độ phát triển năng lượng hạt nhân như hiện nay. Công suất điện hạt nhân ở Trung Quốc vào năm 2010 là 11 GW, đã tăng lên thành 51 GW vào năm 2020 [gần gấp 5 lần].

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng tiếp tục đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng của điện hạt nhân, xét về dài hạn. Theo một kịch bản được coi là khả thi, tỉ trọng điện hạt nhân có thể giữ nguyên ở mức 10% vào năm 2030, trong bối cảnh lượng tiêu thụ điện toàn cầu tiếp tục còn tăng cao, cùng lúc với xu thế chung giảm mạnh việc sử dụng các năng lượng hóa thạch tạo khí thải gây hiệu ứng nhà kính [trong việc sản xuất điện].

Một ví dụ là tại châu Âu, Ba Lan vừa đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng, phát triển 6 lò phản ứng điện hạt nhân từ đây đến 2040, nhằm thực hiện mục tiêu chia tay với than đá. Vẫn theo ông Peter Fraser, « để đạt được mức trung hòa về khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thì việc sử dụng hiệu quả năng lượng và thúc đẩy các năng lượng tái tạo đóng vai trò trung tâm, nhưng nỗ lực gia tăng phần đóng góp của năng lượng hạt nhân cũng là điều cần thiết ».

Tuy nhiên, Les Echos cũng nhấn mạnh là sự trỗi dậy trở lại của năng lượng hạt nhân vẫn còn là điều hoàn toàn không chắc chắn, ít nhất là tại châu Âu. Hiện tại, năng lượng nguyên tử không nằm trong danh sách loại hình năng lượng được coi là năng lượng bền vững, theo Quy định hiện hành của châu Âu. Vấn đề vị trí của điện hạt nhân trong chiến lược chuyển sang nền kinh tế trung hòa về khí thải của châu Âu vẫn đang được tiếp tục thẩm định và thảo luận [*]. Theo Les Echos, trong thời gian tới, có nhiều khả năng điện hạt nhân sẽ bị loại hoàn toàn ra khỏi danh sách các năng lượng bền vững. Trong trường hợp này, cán cân sẽ còn nghiêng hơn nữa về phía các năng lượng tái tạo.

--

[*] Năm 2020, Liên Hiệp Châu Âu đã đạt đồng thuận trong mục tiêu hướng đến trung hòa về khí thải vào năm 2050, và giảm 55% khí thải vào năm 2030. Ít nhất 1.000 tỉ euro sẽ được đầu tư cho việc chuyển sang nền kinh tế trung hòa về khí thải. Tháng 12/2020, Hội Đồng Châu Âu và Nghị Viện Châu Âu đạt được « thỏa thuận tạm thời » về Quỹ hỗ trợ cho tiến trình chuyển đổi công bằng [gọi tắt là FTJ], trong những năm tới, với ngân quỹ 17,5 tỉ euro [theo consilium.europa.eu, ngày 15/12/2020]. Điện hạt nhân không nằm trong danh sách được Quỹ FTJ hỗ trợ.  FTJ được coi là một trong các trụ cột của European Green Deal - Thỏa thuận chuyển sang nền kinh tế Xanh của Liên Hiệp Châu Âu. Tổng số tiền cho Quỹ FTJ có thể lên đến 100 tỉ euro.

Video liên quan

Chủ Đề