Vô thỉ kiếp là gì

Bài số 3: Sám hối từ vô thỉ

1. Thưa các vị đồng tu, mỗi ngày chúng ta thực tập sám hối về những tội lỗi chúng ta đã tạo trong kiếp hiện tại, kiếp quá khứ và từ vô thỉ. Mang thân người là phước báu lớn nhưng điều này cũng có nghĩa chúng ta vẫn phải chịu ảnh hưởng của nghiệp, trong đó có những nghiệp bất thiện đã được tạo ra từ hằng hà sa số kiếp trước, mà chúng ta đã trả hoặc chưa trả xong. Sám hối giúp chúng ta nhận ra những lỗi lầm đã phạm, tự nhắc nhở bản thân không bao giờ phạm lỗi lầm đó nữa, đồng thời quyết tâm xây dựng hòa bình tự thân và cho muôn loài. 

2. Sám hối là một bài thực tập hòa bình, do chúng ta đã từng tạo xung đột bằng suy nghĩ, bằng lời và bằng hành động. Sám hối về suy nghĩ không thiện lành, hứa với lòng từ rày về sau, chúng ta không để tình trạng phóng tâm xảy ra quá lâu, không có kiểm soát. Sám hối về lời nói không thiện lành, hứa với lòng từ rày về sau, chúng ta không để tình trạng lời nói bừa bãi, gây chia rẽ, gây xung đột kéo dài, không có kiểm soát. Sám hối về hành động không thiện lành, hứa với lòng từ rày về sau, chúng ta không để tình trạng hành xử bất an, gây khổ đau dai dẳng, không có kiểm soát. Vì thế, sám hối là biết tự tha thứ, cho phép quay đầu là bờ, thực tập chấm dứt tạo nhân, mở ra con đường đạo rộng thênh thang. 

3. Sám hối là một bài thực tập hòa bình, do chúng ta đã phát khởi những tâm bất thiện quá nhiều, nhất là sáu tâm cực độc, bao gồm tham, sân, si, mạn, nghi, kiến. Sám hối về tham, biết rằng chúng ta đã tham quá nhiều về tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, thức ăn, ngủ nghỉ, nên thực tập buông bỏ và cho đi. Sám hối về sân, biết rằng chúng ta đã nóng giận, gây thù hận với bản thân và những người khác, nên thực tập buông xả, chấp nhận, tha thứ và bao dung. Sám hối về si, biết rằng chúng ta đã mê lầm, không nhận rõ đâu là sự thật và đâu là sự giả dối, nên thực tập thiền quán, phát triển trí tuệ. Sám hối về mạn, biết rằng chúng ta đã tự cao tự đại, sập bẫy tăng thượng mạn, nên thực tập khiêm nhường, hạ mình xuống, học hỏi những điều hay lẽ phải từ người khác. Sám hối về nghi, biết rằng chúng ta nghi ngờ đủ thứ, trong đó có nghi ngờ về Tam bảo, về con đường giải thoát, nên thực tập chánh tín, đời đời kiếp kiếp tin sâu nhân quả, phát triển niềm tin bằng sự hành trì chân chính. Sám hối về kiến, biết rằng chúng ta thường rơi vào những ý niệm, gây tranh cãi và xa rời sự thật, nên thực tập phát khởi chánh kiến, tái lập hòa bình từ trong tâm. 

4. Sám hối là một bài thực tập hòa bình, do chúng ta không thu thúc sáu căn, không làm cho thanh tịnh sáu căn. Sám hối về mắt, do mắt chạy theo sắc đẹp, đam mê những hào nhoáng bên ngoài, nên thường xuyên nhắc nhở thu thúc mắt. Sám hối về tai, do tai chạy theo âm thanh quyến rũ, nên thường xuyên nhắc nhở thu thúc tai. Sám hối về mũi, do mũi chạy theo mùi hương thơm tho, nên thường xuyên nhắc nhở thu thúc mũi. Sám hối về lưỡi, do lưỡi chạy theo mùi vị ham thích, nên thường xuyên nhắc nhở thu thúc lưỡi. Sám hối về thân, do thân chạy theo sự xúc chạm êm dịu, nên thường xuyên nhắc nhở thu thúc thân. Sám hối về ý, do ý chạy theo các đối tượng của sự phóng tâm, nên thường xuyên nhắc nhở thu thúc ý. Một khi sáu căn được thu thúc, thì sáu căn sẽ thanh tịnh và thanh tịnh chính là pháp của hòa bình. 

5. Thưa các vị đồng tu, chúng ta có thể thực tập sám hối cho mình, cho người thương, cho người xung quanh và cho muôn loài. Chúng ta thực tập sám hối từ vô thỉ cho bản thân về những nghiệp bất thiện từ thân, miệng, ý, đồng thời hứa với lòng từ rày về sau sẽ không bao giờ tái phạm. Chúng ta thực tập sám hối từ vô thỉ cho người thương, cho ông bà, cho ba mẹ, cho tổ tiên về những nghiệp bất thiện từ thân, miệng, ý, đồng thời thay cho người thương mà nhắc nhở từ rày về sau không bao giờ tái phạm. Chúng ta thực tập sám hối từ vô thỉ cho những người xung quanh, cho bạn đồng tu, cho bạn bè, cho đồng nghiệp, cho sếp, cho tất cả về những nghiệp bất thiện từ thân, miệng, ý, đồng thời thay cho tất cả mà nhắc nhở từ rày về sau không bao giờ tái phạm. Chúng ta thực tập sám hối từ vô thỉ cho muôn loài, dù là hữu tình hay vô tình, trong mười phương, về những nghiệp bất thiện từ thân, miệng, ý, đồng thời thay cho muôn loài mà nhắc nhở từ rày về sau không bao giờ tái phạm. Chúng ta hãy giúp nhau mà thực tập sám hối như vậy.

6. Chúng ta có thể thực tập chín cái lạy để sám hối, mỗi ngày một lần, sáu lần, nhiều lần hay cả ngày. Lạy thứ nhất, chúng ta xin sám hối với Phật bảo, nguyện hành trì các hạnh của Phật, là trì giới, thiền tuệ, tri kiến giải thoát. Lạy thứ hai, chúng ta xin sám hối với Pháp bảo, nguyện hành trì con đường chánh pháp mà chư Phật đã chỉ bày. Lạy thứ ba, chúng ta xin sám hối với Tăng bảo, nguyện thực tập giải thoát ngay trong phút giây hiện tại. Lạy thứ tư, chúng ta xin sám hối sáu căn, nguyện thu thúc sáu căn, làm cho sáu căn thanh tịnh. Lạy thứ năm, chúng ta xin sám hối sáu tâm cực độc và những tâm bất thiện khác, nguyện nuôi dưỡng tâm thiện lành và tâm tĩnh lặng. Lạy thứ sáu, chúng ta xin sám hối ba nghiệp thân, miệng, ý, nguyện làm cho ba nghiệp thanh tịnh, chấm dứt tạo nhân. Lạy thứ bảy, chúng ta xin sám hối với chư Phật, nguyện học theo hạnh của Tam Thế Chư Phật từ vô thỉ đến nay. Lạy thứ tám, chúng ta xin sám hối với chư vị A La Hán, nguyện học theo hạnh của chư vị A La Hán từ vô thỉ đến nay. Lạy thứ chín, chúng ta xin sám hối với chư vị Bồ tát, nguyện học theo hạnh của chư vị Bồ tát từ vô thỉ đến nay. 

7. Thưa các vị đồng tu, sám hối chân thật là biết thừa nhận lỗi lầm đã phạm và không để cho những điều kiện góp phần cho việc phạm giới xảy ra. Có câu, Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả. Chúng ta chấm dứt tạo nhân bất thiện là cách sám hối hữu hiệu nhất. Cũng có câu, Tác ý là nghiệp. Chúng ta thực tập không phát khởi hay không tác ý những điều bất thiện, nhằm chấm dứt tạo nhân bất thiện ngay từ trong tâm. Chánh niệm về tâm là cách nhận biết tác ý phát khởi, tác ý đang diễn ra và tác ý không còn nữa. 

8. Sám hối là bài thực tập hòa bình nên khi trở thành thói quen, hòa bình sẽ được duy trì. Thế giới mười phương loạn lạc cả mười phương, đơn giản vì ai tự cho mình là đúng, không thoát khỏi tự ngã của mình, nên không chịu sám hối. Muốn hòa bình hiện hữu, chúng ta hãy thường xuyên thực tập hòa bình, làm cho loạn lạc không còn nữa, mười phương trở nên thái bình, không còn chấp vào tự ngã. Chiến tranh hay xung đột đều là do sự điên cuồng của tự ngã. 

9. Sám hối về việc chạy theo cảm thọ, dù là cảm thọ dễ chịu, cảm thọ không dễ chịu, cảm thọ không dễ chịu cũng không không dễ chịu. Đa phần chúng ta chạy theo cảm thọ dễ chịu, trong rừng tiện nghi vật chất và biển tiện nghi tinh thần, nên chưa bao giờ thực sự nghỉ ngơi. Do được giáo dục là phải chạy đến thành công, phải leo lên nấc thang danh vọng, phải ôm đồm đủ thứ, nên sự buông bỏ chưa bao giờ được thực tập. Giờ phút này đây, chúng ta ngồi xuống, cho cảm thọ được nghỉ ngơi, cho mọi lấp đầy được bung ra, thời khắc biết sám hối là thời khắc của sự buông bỏ đã đến. 

10. Sám hối nhắc nhở chúng ta lúc nào cũng phải hoàn thiện và sửa chữa những khiếm khuyết. Như một ngôi nhà bị dột, ngói hay mái tôn đã cũ kỹ, mưa rơi xuống và ánh nắng lọt qua, người ở trong nhà đó muốn sinh sống thì phải lợp lại ngói, thay mái tôn hay gia cố những chỗ đã mục nát. Người biết sám hối như người đang ở biển khơi bỗng vớ được một cái phao và cứ thế mà bơi vào bờ. Hạnh phúc là cho đi và khổ đau là chuyển hóa, thì sám hối là nhắc nhở bản thân xây dựng hạnh phúc đích thực và chấm dứt những khổ đau trong đời. 

NAM MÔ BỒ TÁT CẦU SÁM HỐI
NAM MÔ BỒ TÁT CẦU SÁM HỐI TỪ VÔ THỈ
NAM MÔ HÒA BÌNH TAM THẾ DI LẠC PHẬT [21 lần] 

Chủ Đề