Viên bao tan trong ruột là gì

Những dạng thuốc viên không được nhai, nghiền, bẻ nhỏ [Do-not-crush]
Ngày đăng: 01/06/2021 - Lượt xem: 3380

Với kỹ thuật bào chế ngày càng hiện đại, nhiều dạng thuốc được bán trên thị trường với công thức bào chế phức tạp nhằm cải thiện hiệu quả của thuốc. Việc có nhiều sản phẩm có tên tương tự nhau với đặc tính khác nhau dẫn đến nguy cơ đáng kể về tác dụng phụ của thuốc. Có rất ít thông tin về tác dụng phụ do sử dụng không đúng các dạng bào chế nhất định. Trong một nghiên cứu của Lesar về sai sót kê đơn liên quan đến các dạng bào chế thuốc ở bệnh nhân nội trú, 70% là không kê đơn dạng giải phóng kéo dài khi cần thiết [ví dụ kê đơn nifedipin 60mg uống một lần mỗi ngày thay vì nifedipin XL 60mg]. Một lỗi phổ biến khác [chiếm 12%] là kê đơn các công thức giải phóng kéo dài để sử dụng qua ống cho ăn.

Công thức bào chế thuốc là một phương pháp quan trọng để nâng cao công dụng của các dược chất. Có 6 dạng thuốc thường không được nhai, nghiền hay bẻ nhỏ khi dùng:

1. Thuốc giải phóng dược chất có kiểm soát

Dạng bào chế này thường được dùng để kéo dài tác dụng của thuốc bằng cách giải phóng dược chất từ từ trong một thời gian kéo dài nhất định, do đó có thể giảm số lần sử dụng thuốc. Thông thường, dược chất được giải phóng trong suốt 12 đến 24 giờ. Dấu hiệu nhận biết là trên tên thuốc thường có các chữ viết tắt như trong bảng 1:

Đối với các thuốc được bào chế dạng giải phóng có kiểm soát, thì việc nhai, nghiền hay bẻ nhỏ thuốc có thể dẫn đến việc giải phóng và hấp thu nhanh chóng với liều lượng có thể gây nguy hiểm, tiếp theo đó là giai đoạn không có thuốc.

2.Thuốc bao tan trong ruột

Đây là dạng bào chế đặc biệt, giúp cho dược chất không bị phá hủy trong acid dịch vị. Khi đến ruột non, màng bao sẽ bị tan ra giải phóng hoạt chất và hoạt chất được hấp thu tại ruột non, đảm bảo sinh khả dụng khi uống. Ví dụ như các thuốc không bền dưới tác dụng của acid dịch vị như amoxicillin/clavulanic, các thuốc ức chế bơm proton

Đây cũng là dạng bào chế được sử dụng đối với các dược chất có tính kích ứng mạnh, có thể gây loét đường tiêu hóa nếu được nhai, nghiền hoặc ngậm trong miệng. Ví dụ như các thuốc điều trị loãng xương nhóm biphosphonat, các thuốc chứa hoạt chất kali clorid

Những thuốc này thường kết thúc bằng ký tự EN/EC [enteric coated].

3.Thuốc ngậm dưới lưỡi

Thuốc được bào chế nhằm mục đích giải phóng dược chất trong khoang miệng, hấp thu trực tiếp vào vòng tuần hoàn chung qua hệ thống mao mạch dưới luỡi. Đối với các thuốc ngậm dưới lưỡi, việc nhai hoặc nuốt sẽ làm phá vỡ cấu trúc nguyên vẹn của thuốc, làm hỏng dạng thuốc và làm giảm sinh khả dụng của thuốc.

4.Thuốc chứa dược chất có nguy cơ gây hại cho người tiếp xúc

Đối với các hóa chất gây độc tế bào, thuốc ức chế miễn dịch được dùng để điều trị ung thư, việc nhai hoặc nghiền nhỏ có thể gây ra nguy cơ phơi nhiễm và không an toàn cho người thực hiện. Ngoài ra một số thuốc có thể gây kích ứng da và niêm mạc khi tiếp xúc, thậm chí ảnh hưởng đến thai nhi khi bột thuốc phân tán và xâm nhập vào cơ thể phụ nữ có thai.

5.Thuốc viên sủi

Đây là dạng thuốc cần phải hòa tan hoàn toàn trong nước trước khi đưa vào cơ thể. Các vitamin và thuốc giảm đau hạ sốt hay được bào chế dưới dạng này.

6.Thuốc chứa dược chất rất đắng, có mùi vị khó chịu

Những dược chất có mùi vị khó chịu thường được bào chế dạng bao phim, bao đường để che lấp mùi vị giúp giảm khó chịu cho bệnh nhân khi uống

Ở bệnh viện, nhiều bệnh nhân gặp khó khăn khi uống các thuốc dạng rắn [bao gồm viên nén, viên nang] qua đường miệng. Đó có thể là người bị rối loạn nuốt hoặc phải đặt ống thông dạ dày hoặc đối tượng trẻ nhỏ. Đối với một số thuốc, công thức dạng lỏng là sẵn có và là lựa chọn phù hợp trừ trường hợp bệnh nhân mắc chứng khó nuốt đối với dạng lỏng. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, không có sẵn dạng lỏng và việc mở viên nang hoặc nghiền viên thuốc để trộn với thức ăn hoặc sử dụng qua ống cho ăn là cần thiết. Mặc dù đây là lựa chọn hợp lý cho nhiều loại viên nang và viên nén không có bao, nhưng có một số công thứcthuốc không được nghiền vì có thể làm thay đổi tác dụng dự kiến của thuốc và trong một số trường hợp, có thể gây ra tác dụng phụ. Vì vậy, chúng tôi tạo ra danh sách các thuốc không được nghiền nát trong danh mục thuốc hàng năm để giảm nguy cơ xảy ra tác dụng phụ liên quan đến việc sử dụng không đúng các công thức bào chế khác nhau.

Tài liệu tham khảo:

1. Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc [đã phê duyệt].

2. Danh mục thuốc không nên nhai nghiền của bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Vinmec.

3. //www.ismp.org/recommendations/do-not-crush.

Video liên quan

Chủ Đề