Vị trí vai trò của phương pháp đọc, kể diễn cảm

Văn học có vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ mầm non. Nghệ thuật đọc, kể diễn cảm tác phẩm văn học là phương tiện hữu hiệu trong việc đưa tác phẩm văn học đến với thế giới trẻ thơ. Đọc, kể diễn cảm là một quá trình lao động tổng hợp và sáng taọ trong các giờ dạy, học văn nói chung và văn học trẻ em nói riêng.

Bài viết trình bày các vấn đề lí luận chung về nghệ thuật đọc. Kể tác phẩm văn học, từ đó chỉ rõ một số yêu cầu và các bước rèn luyện kĩ năng đọc. Kể diễn cảm tác phẩm văn học cho đối tượng là sinh viên sư phạm ngành giáo dục mầm non.

Muốn rèn luyện kĩ năng đọc, kể diễn cảm cho sinh viên. Nhà sư phạm cần phải nắm vững phương pháp bộ môn, có năng lực cảm thụ văn học và một giọng đọc truyền cảm với những biện pháp cụ thể. Với sinh viên sư phạm mầm non, cần xác định rõ: đọc, kể diễn cảm là một kĩ năng không thể thiếu, cần rèn luyện để có thể đọc đúng, đọc rõ, đọc lưu loát và đọc diễn cảm tác phẩm văn học.

YÊU CẦU VÀ CÁC BƯỚC RÈN LUYỆN KĨ NĂNG ĐỌC, KỂ DIỄN CẢM CHO SINH VIÊN SƯ PHẠM NGÀNH GIÁO DỤC MẦM NON

1. Mở đầu

Văn học nghệ thuật, đặc biệt là các tác phẩm văn học [TPVH] có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ. Biêlinxki đã từng nói Một cuốn sách viết cho thiếu nhi là để giáo dục, mà giáodục là một sự nghiệp vĩ đại, vì nó quyết định số phận con người [Lê Thị Ánh Tuyết và Lã Thị Bắc Lý, 2008, tr 2]. Chúng ta tiếp nhận TPVH theo những cách khác nhau: khi đọc, ta tiếp nhận trực tiếp; khi nghe, ta tiếp nhận qua giọng của người đọc.

Do trẻ mầm non chưa biết đọc nên TPVH đến với các em qua giọng đọc, lời kể của người lớn. Trong chương trình giáo dục mầm non, phương pháp cho trẻ làm quen với TPVH chiếm một vị trí quan trọng. Việc cô giáo đọc, kể TPVH không đơn giản chỉ là việc kể chuyện, đọc thơ cho trẻ nghe theo cách thông thường mà người lớn vẫn thường làm với con trẻ. Để trẻ có thể hiểu và rung cảm được với cái đẹp của TPVH, nghệ thuật đọc, kể của giáo viên có vai trò đặc biệt quan trọng.

Trong chương trình đào tạo cử nhân ngành giáo dục mầm non của các trường sư phạm, nghệ thuật đọc, kể diễn cảm TPVH là không thể thiếu. Rèn luyện kĩ năng đọc, kể diễn cảm TPVH cho sinh viên [SV] Sư phạm mầm non là một quá trình lâu dài, liên tục và khoa học đòi hỏi các nhà sư phạm phải vững vàng về chuyên môn và có những biện pháp, phương pháp cụ thể, phù hợp với từng đối tượng. Bài báo trình bày các vấn đề lí luận chung về đọc, kể diễn cảm TPVH, từ đó chỉ rõ yêu cầu và các bước rèn luyện kĩ năng đọc, kể diễn cảm TPVH cho đối tượng là SV sư phạm ngành giáo dục mầm non.

2. Kết quả nghiên cứu

2.1. Một số vấn đề chung về đọc, kể diễn cảm tác phẩm văn học

2.1.1. Khái niệm đọc, kể diễn cảm

Đọc, kể diễn cảm là một quá trình lao động tổng hợp mang tính sáng tạo trong các giờ dạy học văn nói chung và văn học trẻ em nói riêng. Bản chất nghệ thuật của đọc, kể diễn cảm là nghệ thuật biến ngôn từ viết câm lặng thành ngôn ngữ sống động có hình ảnh, tức là ngôn ngữ có âm thanh chứa đầy tư tưởng và tình cảm.

Tác giả Phan Trọng Luận và Nguyễn Thanh Hùng [1988] quan niệm đọc, kể diễn cảm là: Biết phối hợp lao động đọc của mình, biết phát huy ưu thế về chất giọng, biết khắc phục những nhược điểm về phát âm, độ cao thấp và sức vang ngân của ngôn ngữ và ngừng nghỉ trong ngắt nhịp để làm chủ giọng đọc và kĩ thuật đọc phù hợp với giọng điệu cảm xúc của nhà văn và nghĩa của văn bản

Bản thân người đọc phải thể hiện được mối quan hệ xúc cảm và sự hiểu biết của mình đối với tác phẩm. Đó chính là đọc sáng tạo. Với tác giả Hà Nguyễn Kim Giang [2007] thì: Đọc, kể diễn cảm là cách sử dụng giọng đọc có kèm theo cử chỉ, nét mặt để truyền đạt những ý nghĩ, tư tưởng, tình cảm của tác giả gửi gắm trong tác phẩm và cả ý nghĩ, tâm trạng, thái độ, cảm xúc của người đọc đến với người nghe.

Như vậy, có thể quan niệm đọc, kể diễn cảm TPVH là đọc, kể có nghệ thuật; là khi người đọc, kể sử dụng mọi sắc thái giọng đọc, kể của mình để trình bày văn bản nghệ thuật giúp người nghe có thể cảm nhận được những điều tác giả gửi gắm, khơi gợi những rung động, cảm xúc ở họ.

Thông qua việc đọc, kể diễn cảm, người đọc, kể bộc lộ năng lực cảm thụ văn học của mình; cũng như thông qua hoạt động này, giáo viên có thể đánh giá được năng lực cảm thụ văn học của người học. Như vậy, đọc, kể diễn cảm cũng chính là một phương tiện giáo dục đạo đức, thẩm mĩ, phát huy năng lực sáng tạo cho cả người dạy và người học trong quá trình dạy học văn.

Tuy nhiên, cần phân biệt giữa đọc và kể: đọc là truyền đạt nguyên văn văn bản được in trong sách; kể là truyền đạt văn bản một cách tự do hơn, không nhất thiết phải đúng từng từ, từng chữ. Khi kể, người kể chỉ cần nắm chắc nội dung cơ bản, thậm chí có thể đơn giản hóa câu chuyện, rút gọn các tình tiết, thay đổi từ ngữ cho phù hợp, hoặc vừa kể vừa kết hợp giải thích.

2.1.2. Nguyên tắc đọc, kể diễn cảm

Đọc, kể TPVH là một loại hình nghệ thuật có xa xưa, khi loài người còn chưa có chữ viết, những sáng tác dân gian sống được bằng con đường truyền miệng; trẻ em lớn lên mang những ấn tượng không bao giờ phai mờ qua những lời ru, chuyện kể của bà, của mẹ; nguồn sữa tinh thần ấy đã bắt đầu có màu sắc của đọc, kể diễn cảm.

Tuy nhiên, để có thể đạt được đến nghệ thuật hay còn gọi là đọc diễn cảm, đọc sáng tạo, yêu cầu người đọc, kể cần có một kĩ năng tổng hợp và đạt được những tiêu chí chung của nghệ thuật đọc, kể với những yêu cầu cụ thể. Năng lực đọc, kể nói chung được tạo nên bởi 4 kĩ năng bộ phận và là 4 yêu cầu về chất lượng của đọc, kể gồm: đọc, kể đúng; đọc, kể lưu loát; đọc, kể có ý thức; đọc, kể diễn cảm. Như vậy, đọc, kể TPVH là đọc, kể ở mức độ bình thường.

Đọc, kể diễn cảm TPVH là đọc, kể ở mức độ cao hơn [nghệ thuật] và bao hàm cả 4 kĩ năng, 4 yêu cầu của việc đọc, kể TPVH. Rèn luyện kĩ năng đọc, kể diễn cảm TPVH cho SV là không thể bỏ qua bất cứ một yêu cầu nào mà bắt buộc giảng viên [GV] phải thực hiện từng bước từ việc đọc, kể đúng; đến đọc, kể lưu loát; đọc kể có ý thức và đọc, kể diễn cảm. Đọc, kể diễn cảm thực chất là một hoạt động nghệ thuật, đòi hỏi người đọc phải nắm được các
nguyên tắc cơ bản.

Khi đọc, kể diễn cảm TPVH, người đọc, kể cần chú ý đến các nguyên tắc cơ bản sau: Hiểu rõ những vấn đề mình cần truyền đạt đến người nghe; Có sự đánh giá chính xác và sinh động đối với những vấn đề được nói đến trong TPVH; Đọc tác phẩm với ý thức truyền đạt nội dung, tư tưởng sao cho người nghe cũng hiểu và đánh giá chúng một cách đúng đắn;

Cần thấy mình là một nghệ sĩ sáng tạo một người trình bày nghệ thuật đọc. Như vậy, để có được năng lực đọc, kể diễn cảm, GV cần nắm vững các nguyên tắc cơ bản trên để đọc cho ra đọc, sau đó mới có thể có những biện pháp rèn luyện nghệ thuật đọc, kể diễn cảm cho các đối tượng SV của mình.

2.2. Một số yêu cầu và các bước rèn luyện kĩ năng đọc, kể diễn cảm tác phẩm văn học cho sinh viên Sư phạm mầm non

2.2.1. Một số yêu cầu chung

Ở tất cả các loại văn bản, kĩ năng đọc, kể diễn cảm phải đảm bảo được các yêu cầu: đọc ngắt, nghỉ đúng chỗ; đọc đúng kiểu câu; đọc đúng tốc độ; đọc đúng cường độ; đọc đúng cao độ. Thực tế, SV Sư phạm mầm non có thể đọc, kể diễn cảm một văn bản nghệ thuật không nhiều, hầu như các em mới chỉ đạt đến yêu cầu: đọc đúng tốc độ, phát âm tương đối chính xác, hiểu được nội dung bài; còn thực hiện đúng yêu cầu về kĩ năng đọc, kể diễn cảm vẫn rất hạn chế; thậm chí, nhiều SV còn phát âm sai chính tả tiếng Việt, dùng nhiều phương ngữ, ngắt, nghỉ, lên giọng, xuống giọng tuỳ tiện

Nhìn chung, SV Sư phạm mầm non còn gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ theo chuẩn quy tắc tiếng Việt. Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là do các em chưa thực sự coi việc đọc, kể diễn cảm là một kĩ năng, một nhiệm vụ quan trọng của giáo viên mầm non.

Bên cạnh đó, năng lực đọc, kể diễn cảm của một số GV còn hạn chế; khi thực hiện nhiệm vụ học phần còn mất nhiều thời gian trong việc trang bị những kiến thức lí luận hàn lâm, bối rối trong khâu thiết kế và tổ chức các hoạt động dạy học; thiếu những biện pháp, phương pháp cụ thể cho từng đối tượng hướng đến thực hiện Chuẩn đầu ra Để khắc phục những tồn tại trên, chúng tôi đề xuất một số yêu cầu cụ thể sau:

Đối với GV:

+ Chuẩn bị ngữ liệu:

GV nghiên cứu Chương trình giáo dục mầm non hiện hành nói chung và môn Phương pháp cho trẻ làm quen với TPVH nói riêng, chuẩn bị nguồn ngữ liệu phong phú, gắn với thực tế dạy học ở trường mầm non.

+ Phân loại SV:

GV tiến hành khảo sát và phân loại SV theo các nhóm: đọc diễn cảm tốt; đọc lưu loát, bước đầu có diễn cảm; đọc đúng, chưa diễn cảm; đọc chậm, sai, ngọng.

+ Xây dựng kế hoạch dạy học:

Trên cơ sở nắm vững chương trình tổng thể và mục tiêu, nội dung, phương pháp của bộ môn Phương pháp cho trẻ làm quen với TPVH, GV xây dựng kế hoạch dạy học với mục tiêu rõ ràng, nội dung vừa sức, phương pháp, hình thức phù hợp, chuẩn bị học liệu phong phú.

Vì vậy, GV cần tuân thủ những yêu cầu cơ bản: chuẩn bị bài chu đáo trước khi hướng dẫn SV đọc, kể diễn cảm; thiết kế bài giảng khoa học, thẩm mĩ cùng nguồn tư liệu phong phú, đa dạng, gắn với thực tế dạy học ở trường mầm non; chú trọng khâu tìm hiểu bài và luyện tập, phát hiện và sửa lỗi cho SV.

+ Bồi dưỡng tri thức, kĩ năng sống và năng lực cảm thụ văn học cho SV:

Thông qua những giờ học, GV cần bồi dưỡng tình yêu văn học, mở rộng tri thức cho SV bằng cách khuyến khích SV đọc sách, tham gia Câu lạc bộ văn học, các diễn đàn, sân chơi, tăng cường các hoạt động ngoại khoá, các dạ hội văn học với hình thức khác nhau để SV được sống trong bầu không khí của văn học nghệ thuật, hoá thân vào các nhân vật để sống và cảm nhận được vẻ đẹp của thế giới nghệ thuật cũng như tư tưởng mà tác giả gửi gắm thông qua hình tượng nghệ thuật.

Muốn rèn luyện cho SV kĩ năng đọc, kể diễn cảm, GV cần phải có một giọng đọc tốt và đạt chuẩn về phát âm, chính tả tiếng Việt; có sức khoẻ và những trải nghiệm nghề nghiệp; có tình yêu văn học và năng lực cảm thụ văn học để có thể truyền cảm hứng và tạo động lực cho các thế hệ SV của mình.

Đối với SV:

+ Lựa chọn tác phẩm:

Trẻ ở độ tuổi mầm non có sự chuyển biến mạnh mẽ, phong phú và sâu sắc về mặt thể chất cũng như tinh thần, quan hệ của trẻ với những người xung quanh được mở rộng và phát triển ở nhiều phía. Trẻ khát khao sự trìu mến, thương yêu và biết quan tâm nhiều hơn đến những người thân xung quanh. Những tình cảm này có thể dễ dàng được trẻ gửi gắm vào vào những nhân vật trong các TPVH. Nghệ thuật đọc, kể diễn cảm sẽ được bắt đầu ngay từ việc lựa chọn tác phẩm.

Tác phẩm chính là nhân vật trung tâm quyết định sự thành công hay thất bại trong việc thu hút trẻ vào hoạt động đọc, kể diễn cảm để cho trẻ bước đầu làm quen với tác phẩm. Trẻ mầm non có đặc điểm tâm lí rất riêng nên những tác phẩm thơ, truyện được chọn cũng cần có những tiêu chí riêng, như: nội dung đơn giản, ngắn gọn; ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, nhiều màu sắc, âm thanh gần với thế giới trẻ thơ.

+ Tìm hiểu tác phẩm:

Đọc, kể diễn cảm một tác phẩm phải được chuẩn bị kĩ. Việc chuẩn bị trước khi tổ chức một hoạt động dạy học không chỉ là thể hiện cái tâm, cái tài của người giáo viên mà còn là một công việc mang tính sáng tạo. Khi chuẩn bị đọc, kể diễn cảm, SV cần phải nghiên cứu kĩ tác phẩm để có được những thông tin cơ bản như: tác giả, tác phẩm, bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh ra đời, cảm hứng, chủ đề, nội dung, nghệ thuật, tính cách nhân vật, phong cách ngôn ngữ, đặc biệt là thể loại văn học Đây chính là những cơ sở khoa học để SV có thể lựa chọn và điều chỉnh giọng đọc của mình cho phù hợp giọng điệu của tác phẩm.

+ Nắm vững nội dung và nghệ thuật của tác phẩm:

Khi đọc, kể diễn cảm, SV phải nhớ từng từ, từng chi tiết trong văn bản, nghĩa là phải thuộc văn bản. Nếu lúc kể, đọc vẫn còn cố phải nhớ nội dung tác phẩm thì sự truyền cảm sẽ không thể có được, các thông điệp muốn gửi gắm đến người nghe sẽ mờ nhạt, lộn xộn. Người nghe sẽ khó lĩnh hội thông tin cơ bản chứ chưa nói đến việc cảm nhận hay rung động.

Những tác phẩm viết cho trẻ em thường dễ nhớ nên sẽ không khó khăn nếu GV lưu ý SV chú trọng nhiệm vụ này. Khi người đọc, kể diễn cảm nắm vững nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, việc truyền đạt đúng từng chi tiết sẽ giữ được phong cách và tính trọn vẹn của toàn văn bản. Hoạt động này rất quan trọng, qua đó, SV xác định đúng được những phương tiện diễn cảm phù hợp, tương ứng để trình bày có nghệ thuật TPVH.

+ Các phương tiện hỗ trợ cho việc đọc, kể diễn cảm:

băng đài, video, tranh ảnh động sẽ là những phương tiện hỗ trợ tốt cho SV khi thực hiện đọc, kể diễn cảm.

2.2.2. Một số thủ thuật đọc, kể diễn cảm tác phẩm văn học cần lưu ý trong quá trình dạy học sinh viên Sư phạm mầm non

Đọc, kể diễn cảm chỉ thành công khi người đọc hiểu, đồng cảm và rung động với những gì văn bản nghệ thuật đề cập. Để có thể thực hiện tốt hoạt động nghệ thuật này, người đọc, kể diễn cảm phải tập luyện nhiều để có được kĩ năng, kĩ xảo, biết được những thủ thuật cơ bản của việc đọc, kể diễn cảm. Các thủ thuật đọc, kể diễn cảm gồm: xác định giọng điệu cơ bản, xác định ngữ điệu; nhịp điệu và cường độ; tư thế, nét mặt, cử chỉ

Xác định giọng điệu cơ bản:

Giọng điệu là cách biểu thị tình cảm, thái độ, thông qua ngôn ngữ, là lối nói biểu thị một thái độ nhất định [Hoàng Phê và cộng sự, 2008, tr 503]. Để xác định được giọng điệu cơ bản của TPVH, SV cần căn cứ vào các yếu tố như: thể loại, nội dung tư tưởng và phong cách ngôn ngữ của văn bản nghệ thuật.

Mỗi thể loại văn học sẽ có những giọng điệu cơ bản khác nhau. Ví dụ, với truyện ngụ ngôn cần có giọng điệu triết lí nhẹ nhàng, hóm hỉnh

[Chú Thỏ tinh khôn]; truyện cười thì dí dỏm, hài hước

[Mèo lại hoàn mèo]; truyện cổ tích có giọng điệu tâm tình, thủ thỉ

[Quả bầu tiên] Thơ Trần Đăng Khoa cần giọng điệu trang trọng, thiết tha, tự hào

[Hạt gạo làng ta]; Thơ Phạm Hổ phải vui tươi, trìu mến

[Đàn gà con]. Với những truyện nhiều nhân vật, nhiều tình tiết khác nhau thì giọng điệu của người đọc, kể cũng mang nhiều sắc thái khác nhau

[Cáo, Thỏ, Gà trống]. Cùng với việc xác định giọng điệu cơ bản, người kể, người đọc cần sử dụng các sắc thái khác nhau của giọng để thể hiện nội dung của văn bản nghệ thuật cho hiệu quả. Sắc thái khác nhau của giọng phụ thuộc vào ngữ điệu, nhịp diệu và cường độ của giọng.

Xác định ngữ điệu:

Ngữ điệu là diễn biến của cao độ, cường độ, tốc độ âm thanh của một ngữ đoạn lời nói, biểu thị một số ý nghĩa tình thái bổ sung [Hoàng Phê và cộng sự, 2008, tr 861]. Xác định đúng ngữ điệu, người đọc, kể diễn cảm có thể diễn tả lại được tính cách, tâm trạng của các nhân vật cũng như gửi gắm được tình cảm, thái độ của mình với các nhân vật trong tác phẩm.

Ngữ điệu của văn bản nghệ thuật được quy định bởi hai yếu tố: đọc chính âm và ngắt, nghỉ giọng. Đọc chính âm là cách phát âm được coi là chuẩn [Hoàng Phê và cộng sự, 2008, tr 212]. Với SV sư phạm mầm non, việc luyện đọc chính âm là khâu rất quan trọng. Các em cần phát âm đúng, phân biệt được chuẩn và lệch chuẩn để sau này làm mẫu cho trẻ. Ngắt, nghỉ giọng là một kĩ thuật quan trọng trong đọc, kể diễn cảm và tín hiệu nhận biết để ngắt giọng thường là các dấu câu.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc ngừng giọng, tùy theo tâm trạng của nhân vật, hoặc ý nghĩa của tác phẩm, ví dụ: Nước đang nằm/nhìn mây,/Nghe bò/cười nhoẻn miệng./Bóng bò chợt tan biến,/Bò tưởng bạn đi đâu/ [Chú Bò tìm bạn Phạm Hổ]. Cách ngắt giọng như thế sẽ lột tả tâm trạng của nước khiến dòng nước trở nên sống động như con người.

Nhịp điệu và cường độ:

Nhịp điệu là sự lặp lại một cách tuần hoàn các âm mạnh và nhẹ theo những trật tự, cách thức nhất định; Cường độ của giọng là độ vang, độ mạnh [Hoàng Phê và cộng sự, 2008, tr 892 và 301]. Tốc độ của giọng đọc và độ vang của giọng phụ thuộc vào nội dung, diễn biến tâm trạng của nhân vật trong tác phẩm.

Ví dụ: Bài thơ Òóo [Trần Đăng Khoa] được đọc với tốc độ nhanh [nhịp điệu nhanh], với giọng vang, khỏe, thể hiện niềm vui náo nức của sự sinh sôi nảy nở, của bình minh đón chào một ngày mới, hứa hẹn nhiều niềm vui mới. Bài thơ Em yêu nhà em [Đoàn Thị Lam Luyến] cần đọc với tốc độ chậm rãi, nhẹ nhàng thể hiện tình cảm đằm thắm, sâu nặng với gia đình. Với truyện Cáo, Thỏ và Gà trống, phần đầu kể với nhịp điệu, cường độ bình thường. Nhưng khi Thỏ khóc và trả lời Chó, Gấu, Gà thì nhịp điệu, cường độ chậm lại thể hiện sự buồn bã, yếu đuối

Sử dụng các yếu tố phi ngôn ngữ:

Tư thế, cử chỉ, điệu bộ của người đọc, kể diễn cảm là những yếu tố quan trọng quyết định thành công của việc đọc, kể diễn cảm. Nếu biết lựa chọn và sử dụng các yếu tố phi ngôn ngữ phù hợp, người đọc, kể diễn cảm sẽ chiếm được cảm tình và thu hút được người nghe. Đặc biệt với trẻ mầm non, độ tuổi luôn cần sự quan tâm, ân cần, yêu quý và an toàn ở người lớn. Nét mặt tươi cười, thân thiện của cô sẽ tạo cho trẻ niềm tin và sự yêu thích môn học; ngoài ra nét mặt, cử chỉ, điệu bộ của cô còn góp phần bộc lộ giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản nghệ thuật.

Sự giao cảm giữa người đọc, kể diễn cảm với người nghe chính là ở nét mặt, ở ánh mắt, điệu bộ, cử chỉ. Vẻ mặt, cử chỉ cần bộc lộ tự nhiên khi bản thân người đọc, kể đã thâm nhập, đã hiểu sâu sắc tác phẩm chứ không phải là diễn xuất giả tạo. Với những GV mầm non trong tương lai, việc chú ý rèn luyện các yếu tố phi ngôn ngữ trong đọc, kể diễn cảm không chỉ là một thủ thuật mà còn là kĩ năng rất quan trọng. Khi đọc, kể diễn cảm, từ nét mặt, đến cử chỉ, điệu bộ cần phải phù hợp với nội dung, tính cách, tâm trạng của nhân vật trong TPVH.

Tóm lại, đọc, kể diễn cảm là quá trình rèn luyện lâu dài, không ngừng tích lũy kiến thức và rèn luyện kĩ năng. Trong bất kì trường hợp nào, không thể tách rời hoạt động đọc, kể với tìm hiểu văn bản. Đọc, kể diễn cảm là hoạt động mang tính nghệ thuật cao nên SV bắt buộc phải biết diễn xuất. Diễn xuất trong đọc, kể diễn cảm gồm: giọng điệu người kể; ngữ điệu, nhịp điệu và cường độ trong giọng của người kể.

Tất cả được thể hiện qua nét mặt, điệu bộ, cử chỉ của người đọc, kể. Khi đọc, kể diễn cảm văn bản nghệ thuật, SV cần lưu ý, phải trung thực với cảm xúc của chính mình, không nên quá cường điệu và lạm dụng các thủ thuật mà là sai lệch tinh thần của tác phẩm.

2.2.3. Các bước rèn luyện kĩ năng đọc, kể diễn cảm tác phẩm văn học

Bước 1. Đọc mẫu:

Trước khi hướng dẫn SV đọc, kể diễn cảm, GV cần đọc mẫu. Việc GV thể hiện đúng giọng điệu cơ bản cũng như ngữ điệu, nhịp điệu và cường độ trong giọng đọc cùng sự kết hợp hài hoà, hợp lí các yếu tố phi ngôn ngữ sẽ giúp SV có những cảm nhận ban đầu và dần thâm nhập vào tác phẩm. GV cũng có thể sử dụng một số phương tiện hỗ trợ để tăng hiệu quả của hoạt động này, đây cũng là việc làm mẫu cho SV khi các em đọc, kể diễn cảm cho trẻ ở trường mầm non sau này.

Bước 2. Thảo luận:

GV hướng dẫn SV thảo luận xoay quanh các vấn đề: những thông tin cơ bản về đặc trưng thể loại, tác giả, tác phẩm, nội dung, nghệ thuật và giọng điệu cơ bản của tác phẩm cùng chủ định của tác giả; tìm, phát hiện những từ khó, đoạn khó dễ mắc lỗi khi đọc; đọc, kể thử để GV giải thích, uốn nắn và hướng dẫn cách đọc, kể đúng. Hoạt động này sẽ hỗ trợ đắc lực cho SV trong việc tìm được hướng đi đúng, hạn chế lỗi hoặc biết luyện, chữa lỗi khi đọc, kể diễn cảm TPVH.

Bước 3. Luyện tập:

Sau khi thống nhất quy trình, định hướng kĩ năng, kĩ xảo, thủ thuật, GV hướng dẫn SV luyện tập theo nhóm; sau đó, SV có thể luyện tập cá nhân hoặc theo cặp. Phương pháp có thể sử dụng là: đóng vai, sân khấu hoá, tạo hình, vẽ tranh GV hướng dẫn SV luyện tập theo các bước: đọc tác phẩm, học thuộc tác phẩm, hiểu được giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm, luyện tập đọc, kể diễn cảm tác phẩm theo hình thức và phương pháp đã lựa chọn cho thành thạo. Ở bước này, GV phải quan sát từng SV, từng nhóm để phát hiện, chỉ ra các lỗi phát âm và đọc diễn cảm để rèn và chữa lỗi cho SV.

Bước 4. Tổ chức đọc, kể diễn cảm:

GV phổ biến hình thức, phương pháp, tiêu chí đánh giá trước khi SV đọc, kể diễn cảm. GV cần yêu cầu các nhóm, các cặp, các cá nhân cùng lắng nghe; căn cứ vào thang điểm, đánh giá chéo và chỉ ra những lỗi sai cơ bản và cùng nhau sửa chữa. GV sẽ là người ghi nhận kết quả rèn luyện của SV và đưa ra kết luận sau cùng.

Bước 5. Đánh giá đọc, kể diễn cảm:

Việc GV đánh giá khách quan, công bằng với những tiêu chuẩn cụ thể sẽ khích lệ niềm say mê và khả năng sáng tạo của SV. Tác giả Vũ Nho trong cuốn Nghệ thuật đọc diễn cảm [2013] đã tóm tắt các tiêu chuẩn đánh giá của các nhà phương pháp người Nga như sau: Tự nhiên, giản dị, chân thành; truyền đạt đúng nội dung, tư tưởng nghệ thuật, đặc trưng thể loại, phong cách tác phẩm [vừa sức với độ tuổi]; phát âm chuẩn mực, rõ ràng; biết điều chỉnh giọng đọc của mình cho phù hợp với giọng điệu của tác phẩm; biết tương tác với đối tượng giao tiếp.

Từ đó, GV có thể xây dựng thang điểm theo những tiêu chí cụ thể sau [thang điểm 10]: Đọc, kể chưa đúng [4]; Đọc, kể đúng nhưng chưa diễn cảm [6]; Đọc, kể khá, có diễn cảm nhưng chưa thành thạo [8]; Đọc, kể đúng và diễn cảm tốt [10]. Với những hoạt động ngoại khoá, giáo viên có thể xây dựng bộ tiêu chí với những yêu cầu cao hơn về khả năng diễn xuất, và các kĩ năng mềm khác

3. Kết luận

Việc rèn luyện kĩ năng đọc, kể diễn cảm cho SV sư phạm ngành giáo dục mầm non là việc làm rất cần thiết, góp phần không nhỏ vào việc phát triển năng lực và nhân cách của người giáo viên mầm non tương lai, tạo tiền đề tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục trẻ em tại trường mầm non sau này. Đây có thể coi là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực của giáo viên mầm non trong xu thế đổi mới.

Muốn thực hiện nhiệm vụ rèn luyện kĩ năng đọc, kể diễn cảm và phát triển năng lực đọc, kể diễn cảm cho SV, nhà sư phạm cần: nắm vững phương pháp bộ môn; có ý thức tự rèn luyện giọng đọc và không ngừng bồi dưỡng, phát triển năng lực cảm thụ văn học; có khả năng truyền cảm và thu hút SV trong mỗi giờ lên lớp cũng như sinh hoạt ngoại khoá.

Với SV sư phạm mầm non, cần xác định rõ đọc, kể diễn cảm là một kĩ năng không thể thiếu, cần thường xuyên rèn luyện, tự sửa các lỗi về phát âm để đọc đúng, đọc to, đọc lưu loát và đọc diễn cảm. Ngày nay, có nhiều phần mềm đã hỗ trợ đắc lực cho việc dạy học và đem lại hiệu quả không thể phủ nhận trong giáo dục, nhưng trí tuệ nhân tạo không bao giờ thay thế được giọng đọc diễn cảm của con người. Giọng đọc, kể truyền cảm, ánh mắt trìu mến, ấm áp của thầy, của cô mãi mãi là chiếc cầu kì diệu để đưa tác phẩm đến với trẻ, giúp cho việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ một cách toàn diện.

[ Nhấn Tải RÈN LUYỆN KĨ NĂNG ĐỌC, KỂ DIỄN CẢM để lấy tập tin chi tiết ]



Xem trước
Bấm Vào Đây



Tải File word
Bấm Vào Đây

Từ khóa: tác phẩm văn học, kĩ năng đọc, kể diễn cảm, sư phạm mầm non, sinh viên

Video liên quan

Chủ Đề