Vì sao lại có hiệp sĩ

“Hiệp sĩ” đường phố là cụm từ, danh hiệu người dân và truyền thông dùng để chỉ những người dân có hành động nghĩa hiệp, tổ chức thành đội hoặc tự mình tuần tra trên đường phố, săn bắt cướp ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận. Họ đã tham gia tích cực vào việc phát hiện, kịp thời ngăn chặn nhiều vụ cướp giật, trộm cắp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Hoạt động của các “hiệp sĩ” đường phố một lần nữa lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi ngày 15-5, Đội “hiệp sĩ” Tân Bình tham gia truy bắt tội phạm và bị các đối tượng manh động chống trả làm hai "hiệp sĩ" tử vong là Nguyễn Hoàng Nam [29 tuổi, ngụ quận Gò Vấp] và Nguyễn Văn Thôi [42 tuổi, quê Bình Định]; ba "hiệp sĩ" bị thương gồm: Trần Văn Hoàng [Trưởng nhóm "hiệp sĩ", ngụ quận Tân Bình], Nguyễn Đức Huy [24 tuổi, ngụ quận Tân Phú] và Đinh Phú Quý [22 tuổi, ngụ huyện Củ Chi].

Hiện trường nhóm hiệp sĩ bắt cướp bị tấn công tại quận 3 TP.HCM.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, bên cạnh những ý kiến trân trọng, cảm phục hành động dũng cảm của các “hiệp sĩ”, cũng có những ý kiến cho rằng “hoạt động của các nhóm hiệp sỹ là không chính danh? Họ không được phép bắt người và pháp luật không bảo hộ; hành động như vậy là “lạm quyền”, tự phát, làm thay chức năng của lực lượng CAND”...

Một triết gia nổi tiếng từng nói “Pháp luật là đạo đức tối thiểu, đạo đức là pháp luật tối đa”. Hoạt động của các “hiệp sĩ” với mục đích tốt đẹp là ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần lập lại trật tự an toàn xã hội, mang lại bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Mặc dù pháp luật không quy định cụ thể họ phải làm, phải đối mặt với một trong những loại tội phạm nguy hiểm nhất, nhưng đó là hành động nghĩa hiệp, nghĩa cử cao đẹp phù hợp với chuẩn mực đạo đức vì lợi ích của người khác, cộng đồng, xã hội trong điều kiện tình trạng cướp, cướp giật phức tạp và cực kỳ manh động.

Hành động đó được nhiều người dân trân trọng vì các anh đã âm thầm ngày đêm hoạt động, thậm chí xả thân, quên mình ngã xuống mà không vì cái danh hay lợi ích vật chất, các anh tự nguyện hành động, tự nguyện cống hiến và hoạt động trong môi trường nguy hiểm. Đó là biểu hiện cao nhất của pháp luật, là đạo đức. Các anh ngã xuống trước sự hung hãn, chống trả quyết liệt hết sức nguy hiểm của bọn tội phạm để lại sự mất mát không thể bù đắp đối với vợ con và gia đình các anh. Các anh là những bông hoa đẹp cần được tôn vinh trong cuộc sống.

Sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng CAND là nòng cốt, nhân dân là nền tảng. Bác Hồ từng nói, đối với công tác, chiến đấu của CAND “khi nhân dân giúp ta nhiều thì thành công nhiều, giúp ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.

Trong bất luận hoàn cảnh nào, lực lượng nòng cốt là CAND với nghiệp vụ có tinh thông đến đâu, phương tiện có hiện đại đến mấy cũng không thể không cần đến vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT. Lực lượng CAND một lòng chiến đấu bảo vệ tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của nhân dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì hòa bình, tự do và hạnh phúc của nhân dân.

Trong sự nghiệp vô cùng cam go và quyết liệt, sự tham gia, phối hợp, giúp đỡ của quần chúng nhân dân trong đấu tranh, trấn áp, tố giác, phòng, chống tội phạm là đặc biệt cần thiết và không thể thiếu. Nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự là của Công an, song chỉ lực lượng Công an thôi thì chưa đủ mà cần sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân.

Hoạt động của các nhóm “hiệp sĩ” là một trong những mô hình tự giác có tổ chức và hiệu quả thiết thực thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” theo hướng hỗ trợ cơ quan chức năng, lực lượng Công an làm tốt nhiệm vụ đảm bảo ANTT. Hoạt động ấy xuất phát và đáp ứng phần nào yêu cầu thực tiễn đặt ra; các anh đã tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ không những cho mình mà còn cho người khác và cộng đồng xã hội.

Mặt khác hoạt động của các anh là phối hợp, hỗ trợ với lực lượng trong điều kiện các đối tượng là tội phạm quả tang, cần phải hành động ngay để ngăn chặn, sau đó bàn giao cho lực lượng chức năng giải quyết.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động đối mặt với các đối tượng tội phạm nguy hiểm, thân thể, tính mạng các anh có thể bị xâm hại. Để đảm bảo hoạt động có hiệu quả hơn cần có sự quản lý, phối hợp, hướng dẫn. Trong đó cần trang bị kiến thức pháp luật để hoạt động chặt chẽ, hiệu quả.

Quá trình tham gia ngăn chặn, truy bắt có cơ sở, chứng cứ rõ ràng, chắc chắn, cẩn trọng, an toàn, đảm bảo phát huy hiệu quả của phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và mục tiêu bảo vệ ANTT. Từ thực tiễn, đặt ra yêu cầu các cơ quan hữu quan quan tâm nghiên cứu cơ sở pháp lý để xác lập mô hình, quy chế hoạt động, đồng thời có sự phối hợp, quản lý, hướng dẫn hoạt động đối với các nhóm “hiệp sĩ” mà trực tiếp là lực lượng CAND nơi sở tại, nhằm tạo thuận lợi cho mô hình này phát huy hiệu quả cao trong công tác phòng, chống tội phạm.

Một mặt vừa đảm bảo hoạt động an toàn hơn, được trang bị kỹ năng nghiệp vụ và phương tiện, công cụ hỗ trợ giảm thiểu được hậu quả đáng tiếc xảy ra. Mặt khác, không để phần tử xấu lợi dụng, đội lốt, mang danh các đội “hiệp sĩ đường phố” để hoạt động vì động cơ, mục đích không chính đángthậm chí vi phạm pháp luật. Cần có tập huấn, hướng dẫn một cách cơ bản đối với các đội “hiệp sĩ” khi có tình huống xảy ra, với vai trò là nhân chứng ra sao, thông báo để có sự phối với lực lượng chức năng sở tại thế nào?

Khi ngăn chặn bị đối tượng chống trả quyết liệt, manh động, cần làm gì, hành động như nào để đảm bảo an toàn, đảm bảo chứng cứ, hiện trường, bàn giao đối tượng cho lực lượng chức năng… Tất cả những nội dung đó cần được trang bị, tập huấn cho các “hiệp sĩ”.

Sự quên mình vì nhân dân luôn được nhân dân trân trọng, ghi nhận, tôn vinh. Đặc biệt sự xả thân quên mình ấy vì sự bình yên cuộc sống của nhân dân cần được tôn vinh kịp thời như đề xuất xem xét công nhận liệt sỹ cho các “hiệp sĩ” đã hy sinh của các cơ quan chức năng là phù hợp với nguyện vọng của phần đông nhân dân.

Lê Thế Cương

"Ai từng bị trộm cướp mới biết đau khổ chừng nào. Tiền mồ hôi nước mắt mình làm lụng bỏ ra mua xe, bị trộm cướp lấy mất xót lắm", anh Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.

Người dân khóc, động viên hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải tiếp tục bắt cướp Nghe tin hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải rời câu lạc bộ phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, một người phụ nữ chạy đến bật khóc, động viên "Lục Vân Tiên" của lòng mình tiếp tục bắt cướp.

Gắn bó với CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa [Bình Dương] ngót nghét 20 năm, giúp công an tóm gọn 3.600 tội phạm, thế nhưng hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải vẫn viết đơn xin rời CLB.

Quyết định của anh không phải để bỏ nghề làm "Lục Vân Tiên" mà để được thoải mái hành hiệp trượng nghĩa, không phải theo bất kỳ quy chế nào.

Điều gì khiến những "hiệp sĩ đường phố" như Nguyễn Thanh Hải đam mê công việc này đến vậy?

"Ghét tội phạm"

Vốn là người kinh doanh vật liệu xây dựng ở đường Đại lộ Bình Dương, vào năm 1997, anh Hải thấy một công nhân bị cướp ngay trước cửa hàng nên lấy xe đuổi theo, hô hoán người dân phụ bắt.

Một lần khác, chính chiếc xe của anh đang đậu bị kẻ gian lấy mất, anh mượn xe của người đến giao vật liệu để truy đuổi rồi may mắn cũng tìm lại được. Vài lần bắt được thủ phạm, người đàn ông này tự nhiên thấy đam mê.

"Ai là người từng bị trộm cướp mới biết đau khổ chừng nào. Tiền mồ hôi nước mắt mình làm lụng bỏ ra mua xe, bị trộm cướp lấy mất thì xót lắm. Tôi ghét tội phạm vì vậy", hiệp sĩ này nói.

Anh Hải cũng không giải thích được "đam mê" này dù anh mô tả làm hiệp sĩ là "tự mang họa vào thân". Nhưng anh chỉ biết bản thân mình tự nguyện chọn nó và công việc này đã ăn sâu vào máu rồi.

Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Reuters.

24 tuổi, Nguyễn Hoàng Nam cũng đã có hơn 1 năm theo anh Hải làm hiệp sĩ. Cậu trai với vẻ ngoài đen nhẻm luôn miệng khẳng định công việc đang làm là đam mê.

Nam kể trước khi xin anh Hải vào đội, cậu đi làm công nhân ở công ty nhưng cũng có đôi lần lấy xe máy phụ người dân truy đuổi cướp. Sau đó, Nam lên mạng coi những clip của anh Hải cùng anh em hiệp sĩ bắt tội phạm, thấy thích nên ngỏ ý xin theo.

Thời gian đầu, mẹ cậu ra sức phản đối khi con trai chọn công việc nguy hiểm. Thế nhưng, sau đó thấy con thật sự yêu thích công việc, bà dần chấp nhận.

"Nhiều khi thấy bà con đi đường bị tụi cướp nó giật cho té xe, em thấy tội lắm. Em làm công việc này chỉ vì muốn giúp người dân để đừng có bị cướp mất tài sản nữa. Em thích giúp người", Nam nói và khẳng định sẽ làm hiệp sĩ cho đến khi nào "hết sức lực" thì thôi.

Anh Lê Chí Trung [42 tuổi] cũng là một hiệp sĩ ở Bình Dương. Anh kể lên mạng xem anh Nguyễn Thanh Hải giúp dân nhiều nên mến mộ, cộng với tình hình an ninh trộm cắp nhiều quá nên muốn góp chút sức, chung tay với anh Hải giúp đỡ bà con.

Mới đầu anh cũng bị vợ con ngăn cản, phản đối vì theo việc nguy hiểm, bỏ bê công chuyện nhà nhưng theo lời anh thì "mưa dầm thấm lâu", gia đình không còn cản nữa.

Nhóm có mười mấy người, những anh em không phải đi làm thì mỗi ngày đều tập trung từ sáng sớm, nhận báo án từ người dân, đến khoảng 9-10h sáng thì bắt đầu lên xe tuần tra, tìm kiếm manh mối. Có khi giữa đêm đang ngủ nhận được cuộc gọi báo mất tài sản gấp cũng dậy phóng xe đi.

Trước khi anh Hải viết đơn xin rời CLB thì mười mấy anh em theo anh, không có ai có tên trong CLB Phòng chống tội phạm, toàn bộ đều hoạt động tự do. Anh Trung thừa nhận việc không được ghi nhận một cách chính thức, không được cung cấp công cụ hỗ trợ nhưng "cứ giúp được dân cái gì thì mừng cái đó".

"Chọn công việc này thì xác định nguy hiểm rồi, giờ ngồi đây chớ lát lỡ mà truy đuổi cướp bị gì thì mình cũng tự chịu thôi, xe hư cũng tự sửa. Nhưng mà cũng chỉ biết ráng làm sao kiếm lại tài sản cho bà con", anh Trung bày tỏ. 

"Không có tiền bạc gì hết"

Trong các cuộc gọi đến cho anh Hải được bật loa ngoài, có người đề nghị được hỗ trợ chi phí cho anh cùng anh em hiệp sĩ, câu trả lời của anh Hải là: "Hiệp sĩ giúp thôi chớ không có tiền bạc gì hết".

Trao đổi với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Kim Thúy [Chủ tịch UBND phường Phú Hòa, Chủ nhiệm CLB Phòng chống tội phạm] cho biết mỗi tháng, CLB hỗ trợ xăng xe cho các anh em trong CLB để đi tuần tra. Mỗi khi các anh em hiệp sĩ hoàn thành tốt công việc, bắt được nhiều vụ thì nhận được khen thưởng.

Anh Hải kể thêm là được cho 60 lít xăng/tháng, nhưng riêng anh chạy xe một ngày đã tốn 5 lít, chưa kể còn mười mấy anh em khác.

"Làm cái này là tôi bỏ tiền túi ra", anh Hải nói.

Anh Hải cùng các anh em hiệp sĩ truy đuổi và tóm gọn tội phạm. 

Thấy phóng viên nhiều lần tỏ vẻ hoài nghi về việc các hiệp sĩ không nhận báo đáp từ các nạn nhân, cũng không nhận hay xin tài trợ từ tổ chức, cá nhân nào ngoại trừ nước suối để uống, anh Hải cười: "Không tin phải không? Tôi đâu có xin tiền ai. Vậy mà anh em cũng tự nguyện theo".

Theo lời anh, gia đình có cửa hàng vật liệu xây dựng, cộng thêm việc anh có mặt bằng để cho các cửa hàng lớn thuê nên mang lại thu nhập, đủ để trang trải hoạt động cùng anh em. Đơn cử như một người nghe, nhận điện thoại báo án cũng được anh trả công 6 triệu đồng/tháng.

"Anh Hải lo hết, từ xăng, dầu đến ăn uống cho mười mấy người", anh Trung nói như để khẳng định cho việc các anh em hiệp sĩ trong nhóm anh Hải đều tự thân vận động.

Cũng như anh Hải hay anh Trung, Nam cũng thừa nhận công việc này "không mang lại thu nhập cho em và mẹ".

"Nhiều khi cũng có người nói hiệp sĩ nhận tiền hay gì đó, nhưng quả thật tụi em làm không công. Mới đầu nghe điều tiếng thì cũng buồn, nhưng nghe riết cũng quen. Mình cứ bỏ ngoài tai để giúp xã hội chứ không có vì lời đó mà bỏ công việc đang làm được", cậu hiệp sĩ 24 tuổi trải lòng.

Hãng tin Reuters từng viết về "hiệp sĩ đường phố" ở TP.HCM và Bình Dương: "'Hiệp sĩ đường phố' không phải là những chiến binh thời trung cổ điển hình mà mọi người biết đến. Họ không cưỡi ngựa mà lái xe máy. Họ mang dép tông, không phải những đôi bốt cao cổ. 'Áo giáp' của họ chỉ là một chiếc áo gió".

Những người như anh Hải, Trung, Nam, có lẽ họ sẽ vẫn sẽ đi xe máy, mang dép tông và có khi còn không khoác áo gió để theo đuổi công việc mà như anh Hải mượn thơ của Nguyễn Du là "đã mang lấy nghiệp vào thân".

Video liên quan

Chủ Đề