Vai trò của trường trung học cơ sở trong kiểm định chất lượng giáo dục.

Với quan điểm chất lượng giáo dục là một quá trình, UNESCO [2000] đã đưa ra mô hình CIPO về các thành tố cơ bản tạo nên chất lượng giáo dục của một nhà trường.

Đầu vào bao gồm:

+ Học sinh: Khuynh hướng; sự kiên trì; kiến thức đã có từ trước; sự sẵn sàng học tập; những rào cản đối với việc học tập;…

+ Nhà giáo: đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông ;

+ Chương trình giáo dục:

Mục tiêu chương trình giáo dục cấp trung học cơ sở

Chương trình giáo dục trung học cơ sở giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học, tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kĩ năng nền tảng, có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động .

Yêu cầu cần đạt về phẩm chất: [1] Yêu nước: với lứa tuổi học sinh THCS yêu cầu cụ thể về phẩm chất này là cần tích cực, chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên, có ý thức tìm hiểu truyền thống của gia đình, dòng họ, quê hương; Tích cực học tập, rèn luyện để phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ, quê hương; Có ý thức bảo vệ các di sản văn hoá, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hoá. [2] Nhân ái: Yêu quý mọi người; Tôn trọng sự khác biệt giữa mọi người [3] Chăm chỉ: chăm học và chăm làm [4] Trung thực và [6] Trách nhiệm: có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, nhà trường, xã hội và môi trường sống.

Yêu cầu cần đạt về năng lực: [1] Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; [2] Những năng lực đặc thù bao gồm năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất. Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực cốt lõi, chương trình giáo dục phổ thông còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu của học sinh.

Nội dung chương trình giáo dục cấp trung học cơ sở

Chương trình bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình và xã hội. Đặc trưng nhất của chương trình giáo dục cấp trung học cơ sở là quy định về các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc; trong đó nội dung môn Vật lý, Hóa học, Sinh học được tích hợp lại trong môn Khoa học tự nhiên, môn lịch sử và địa lý tích hợp trong môn Lịch sử Địa lý. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được thiết kế thành các chủ đề. Nội dung giáo dục cấp trung học cơ sở bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật [Âm nhạc, Mĩ thuật]; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Chương trình mới của các lớp trung học cơ sở đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 6 và 7 có 16 môn học, lớp 8 và 9 có 17 môn học.

Chương trình giáo dục cấp trung học cơ sở đã thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp, thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lí số môn học; đồng thời thiết kế một số môn học [Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp] theo các chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân.

Kế hoạch giáo dục nhà trường

Chương trình giáo dục cấp trung học cơ sở có những điểm mới cần lưu ý trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học, giáo dục, liên quan đến vấn đề quản trị chất lượng giáo dục nhà trường. Chương trình chỉ quy định tổng số tiết học của mỗi môn học, hoạt động giáo dục; không quy định cụ thể số tiết học cho từng chủ đề/bài học. Việc quy định số tiết cụ thể cho từng chủ đề/bài học do nhà trường quy định trong kế hoạch giáo dục nhà trường và kế hoạch này do giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường xây dựng.

Về thời lượng giáo dục: thời gian thực học trong một năm học tương đương 35 tuần. Các trường trung học cơ sở có thể tổ chức dạy học 1 buổi/ngày hoặc 2 buổi/ngày. Mỗi buổi học không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút. Khuyến khích các trường trung học cơ sở đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phương pháp giáo dục ở trường trung học cơ sở

Các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng nhiều phương pháp tích cực hoá hoạt động của học sinh. Trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích luỹ được để phát triển; Các hoạt động học tập của học sinh bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành [ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống], được thực hiện với sự hỗ trợ của thiết bị dạy học, đặc biệt là công cụ tin học và các hệ thống tự động hoá của kĩ thuật số. Tuỳ theo mục tiêu, tính chất của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp nhưng phải bảo đảm mỗi học sinh được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.

Đánh giá kết quả giáo dục

Mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.

Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

Phạm vi đánh giá bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học và chuyên đề học tập lựa chọn và môn học tự chọn.

Đối tượng đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.

Phương thức đánh giá bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không gây áp lực lên học sinh, hạn chế tốn kém cho ngân sách nhà nước, gia đình học sinh và xã hội.

+ Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học:

Đáp ứng quy định về địa điểm, diện tích, quy mô nhà trường; khối phòng học tập; khối phòng hỗ trợ học tập; thư viện; khối phòng hành chính quản trị; khu sân chơi, thể dục thể thao; khối phụ trợ; khối phục vụ sinh hoạt; hạ tầng kĩ thuật và thiết bị dạy học,… theo hướng phân hóa, tích hợp, trải nghiệm gắn với thực tiễn, ứng dụng công nghệ mới trong dạy học, giáo dục và giáo dục STEM…; tổ chức bán trú, bảo đảm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo .

+ Tài chính:

Đảm bảo nguồn lực tài chính để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục; phát huy tính năng động, sáng tạo và các tiềm năng của nhà trường; tăng nguồn thu; nâng cao thu nhập cho đội ngũ giáo viên;…

Quá trình là sự biến đổi các nguồn lực đầu vào thành sản phẩm đầu ra, thông qua quá trình thực hiện các hoạt động cơ bản trong nhà trường trung học cơ sở: hoạt động quản lý; hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh; hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả học tập; xây dựng môi trường giáo dục,… đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.

+ Hoạt động quản lý:

Tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường: lập kế hoạch, hướng dẫn thực hiện và giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch phát triển nhà trường; chỉ đạo tổ chuyên môn và giáo viên, nhân viên xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo quy định;

Quản lý hoạt động dạy học, giáo dục học sinh: chỉ đạo xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục của nhà trường, tổ chức thực hiện dạy học và giáo dục học sinh; đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục học sinh; đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh của chương trình giáo dục phổ thông;

Quản lý nhân sự trong nhà trường: chỉ đạo xây dựng đề án vị trí việc làm; chủ động đề xuất tuyển dụng nhân sự theo quy định; sử dụng giáo viên, nhân viên đúng chuyên môn, nghiệp vụ; chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, nhân viên;

Quản lý tổ chức, hành chính nhà trường: chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định cụ thể về tổ chức, hành chính trong nhà trường; thực hiện phân công, phối hợp giữa các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các bộ phận khác thực hiện nhiệm vụ theo quy định;

Quản lý tài chính trong nhà trường: chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, lập dự toán, thực hiện thu chi, báo cáo tài chính, kiểm tra tài chính, công khai tài chính của nhà trường theo quy định;

Quản lý cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục học sinh của nhà trường: chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện quy định của nhà trường về quản trị cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục học sinh của nhà trường; tổ chức lập và thực hiện kế hoạch mua sắm, kiểm kê, bảo quản, sửa chữa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo quy định;

+ Hoạt động dạy học:

Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh: chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học và giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương;

Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh: chủ động cập nhật, vận dụng linh hoạt và hiệu quả các phương pháp dạy học và giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với điều kiện thực tế;

+ Hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả học tập:

Kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; chủ động cập nhật, vận dụng sáng tạo các hình thức, phương pháp, công cụ kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;

+ Xây dựng môi trường giáo dục:

Xây dựng văn hóa nhà trường: chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy, quy tắc văn hóa ứng xử của nhà trường theo quy định;

Thực hiện dân chủ cơ sở trong nhà trường: chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở trường học theo quy định;

Xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường: chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện quy định của nhà trường về trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường.

– Đầu ra bao gồm:

+ Sự phát triển của học sinh: phát triển thể chất, tinh thần và xã hội;…

+ Sự phát triển của giáo viên: phẩm chất nhà giáo; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ;…

+ Lợi ích kinh tế – xã hội: sự thỏa mãn của cha mẹ học sinh, cộng đồng; phát triển của cộng đồng;…

– Tác động của bối cảnh:

Bối cảnh kinh tế, xã hội; sự tiến bộ của khoa học và công nghệ; hội nhập quốc tế,… đang đặt ra những yêu cầu đối với chất lượng giáo dục trường trung học cơ sở:

+ Chất lượng giáo dục phải trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của các trường trung học cơ sở;

+ Chất lượng giáo dục trường trung học cơ sở phải đặt trọng tâm vào yêu cầu phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của học sinh;

+ Chất lượng giáo dục trường trung học cơ sở phải hướng đến mục tiêu phát triển bền vững giáo dục và đào tạo;

+ Xu hướng tăng cường phân cấp, tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục; trong đó có phân cấp, tự chủ và trách nhiệm giải trình về chất lượng giáo dục;

+ Đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục theo Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề