Tình ca của nhạc sĩ hoàng việt là ai?

Phóng to
Nhạc sĩ Hoàng Việt và vợ khi tạm chia tay năm 1954

Duy chỉ có một điều mà gần như không ai biết, đó là Hoàng Việt còn có một bản Tình ca 2.

Vào cuối tháng 12-2006, tại buổi giỗ nhạc sĩ Hoàng Việt do huyện Cái Bè tổ chức, một số bạn bè của ông bàn luận với nhau về chuyện ông còn vài tác phẩm chưa công bố nay vừa mới đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng. Lúc ấy bà Lâm Thị Ngọc Hạnh, vợ của Hoàng Việt, mới sực nhớ bà còn giữ một số bài nhạc của ông, trong đó có bài Tình ca 2... Nghe đạo diễn trẻ Lâm Lê Dũng, con trai út của Hoàng Việt, thuật lại chuyện này, chúng tôi chạy ngay đến nhà gặp bác Bảy [theo cách gọi bình thường lâu nay với vợ nhạc sĩ Hoàng Việt]. Vừa nghe hỏi bà nói ngay: “Có chớ! Ổng gởi về lâu rồi nhưng để đâu thì tui không nhớ nữa. Để tìm lại đã”.

Phải đến nửa tháng sau bác Bảy mới tìm ra bài ca Hoàng Việt sáng tác cách nay gần nửa thế kỷ. Ca khúc Tình ca 2 [còn có tên là Vẳng từ quê mẹ] mang thủ bút của Hoàng Việt được chụp ảnh gửi từ Bulgaria về cho vợ. Bác Bảy cho biết: “Gia đình tôi từ hồi nào tới giờ vẫn ở gần chùa Tam Tông Miếu đường Cao Thắng. Ông nhà tôi tập kết [1954-NV] rồi đi học ở Bulgaria vẫn liên lạc thường xuyên qua bác sĩ Danh và vợ là Phượng.

Bác sĩ Danh gia đình ở Tân Định, quen biết chúng tôi từ trước khi sang Pháp định cư. Vì vậy, ông nhà tôi vẫn thườnggửi thư từ, hình ảnh qua Pháp để nhờ bác sĩ Danh chuyển về nhà. Ổng cũng có thói quen chụp ảnh tất cả các tác phẩm đã viết và gửi về nhà”.

Khoảng năm 1958-1959, Hoàng Việt gửi một loạt ảnh về nhà thông qua bác sĩ Danh. Trong số này có ca khúc mới viết của ông là Tình ca 2. Cũng như bài Tình ca mà chúng ta đã biết, Tình ca 2 mang đậm trái tim tha thiết gửi vợ và quê hương. “Đây còn đây sông núi xưa vẫn đẹp như tình em chung thủy đợi tháng năm chưa hề nhạt phai. Quê hương dù bóng đêm còn che mờ nửa trời. Nhưng trái tim yêu đời. Sáng như ánh dương ngời ngời. Cho dù sao dời vật đổi. Cho dù núi lấp sông ngăn. Nguyên niềm tin tưởng lòng mang. Khói lửa đấu tranh cháy bùng. Mơ ngày cùng chung nhau chắp cánh chim đại bằng. Nối liền tình ta trên Tổ quốc mênh mang”. Bài ca có hai lời viết ở nhịp 4/4 chậm rãi, tha thiết.

Kể từ khi tập kết, đi học nước ngoài, mãi đến năm 1967 khi vào chiến trường miền Nam Hoàng Việt mới gặp lại vợ. Và ngay sau lần gặp gỡ đầy hạnh phúc ấy, ông vĩnh viễn ra đi để lại trong bà một bào thai hiện là đạo diễn Lâm Lê Dũng. Từ đó đến nay bà vẫn lưu giữ tất cả những gì ông gửi về một cách cẩn thận theo kiểu của người xưa: cất giữ và không cho ai đụng đến. Chính vì vậy mà bốn đứa con, ba trai một gái, đều không hề biết trong tủ của mẹ còn có nhiều tác phẩm của ba chưa hề công bố.

Gần 50 năm nằm trong album, bài ca vẫn tươi mới như tấm lòng của Hoàng Việt, nồng nàn yêu nước và yêu gia đình. Hi vọng bài Tình ca 2 từ nay sẽ bước ra khỏi album để bước vào đời sống thật của một ca khúc.

Mời bạn đọc thưởng thức ca khúc Tình ca 2 của Hoàng Việt trình bày bởi hai giọng ca trẻ: Trần Hồng Kiệt và Tóc Tiên trên Tuổi Trẻ Online [www.tuoitre.com.vn] từ ngày 28-1

* Hoàng Việt tên thật là Lê Chí Trực. Ông là một trong những nhạc sĩ đi đầu trong việc phát triển nhạc giao hưởng của Việt Nam với bản giao hưởng số 1: Quê hương. Bản giao hưởng được sáng tác trong thập niên 1960 sau khi nhạc sĩ đi học ở Bulgaria. Ông còn bút danh khác là Lê Trực, nổi tiếng với bài Tiếng còi trong sương đêm.

Khi tập kết ra Bắc, ông học ở Trường Âm nhạc Việt Nam khóa đầu tiên. Ông viết Tình ca từ những dòng tâm huyết gửi lại cho vợ ngày chia tay ở Cà Mau.

Tuy nhiên bài hát còn có số phận khá long đong. Khi ca sĩ Quốc Hương trình diễn Tình ca lần đầu tiên ở Hà Nội năm 1957, một số nhạc sĩ và lãnh đạo cho rằng bài hát bi lụy, yếu đuối. Tình ca vì vậy bị xếp lại, đến sau 1967 mới dần dần được hát. Từ đó ông ngừng sáng tác một thời gian dài.

Sau đó nhạc sĩ Hoàng Việt đi học Bulgaria và sáng tác giao hưởng Quê hương. Trở về chiến trường miền Nam, ông hi sinh cuối năm 1967.

TRẦN NHẬT VY

Đến với âm nhạc hoàn toàn do tự học, cậu thiếu niên có tên khai sinh Lê Chí Trực đã thử sức trong sáng tác tình ca từ tuổi 16 và có những bài đã được in và phát thanh trên Đài Sài Gòn. Khi đầu quân vào tổ Quân nhạc khu Tám [Đồng Tháp Mười], như muốn "đoạn tuyệt" với chất thị thành và tình cảm ủy mị ưu tư tuổi mới lớn, nhạc sĩ trẻ tuyên bố từ bỏ những tác phẩm trước đây cùng bút danh Lê Trực và tên gọi Hoàng Việt bắt đầu xuất hiện kể từ bài hát binh vận Về đi anh

Cuộc sống chiến khu gian nan, thiếu ăn thiếu ngủ, thiếu đủ thứ nhưng đầy ắp niềm tin và ấm áp tình người. Những trận chiến ác liệt với kẻ thù và với bệnh tật, những chuyển đi nối tiếp chuyến đi phục vụ đồng bào và các đơn vị bộ đội... tất cả hợp lại thành nguồn cảm xúc mới mẻ để rồi mau chóng biến thành lời ca câu hát.

Anh lính văn nghệ hăm hở ghi lại những sự kiện nóng hổi của thực tế chiến đấu bằng ca khúc. Từ những bài ca “thời sự” dung dị mãi mãi còn lấp lánh Lá xanh với anh trai làng trẻ trung phơi phới đi chiến dịch mùa xuân, còn chan chứa Lên ngàn với người vợ lính chèo thuyền ngược dòng Vàm Cỏ Đông lên rẫy cắt lúa thay chồng nuôi con, còn xao xuyến Nhạc rừng với anh chiến sĩ "cười một mình rồi cất tiếng hát vang" giữa khu rừng vắng của “miền Đông gian lao mà anh Dũng”. Cùng với điệu hò sông nước đằm thắm nỗi nhớ chồng thương con của người phụ nữ thời chiến còn nghe đây đó rộn rã tiếng hò lao động trong Mùa lúa chín, những câu đối đáp hòa thêm tiếng cười xả láng tự nhiên đặc chất Nam bộ "A ha ha ý thiệt là hay, ý thiệt là hay!".

Năm 1954, chia tay người vợ trẻ đang mang thai đứa con thứ ba, Hoàng Việt lên tàu từ đất mũi Cà Mau tập kết ra Bắc. Bắt đầu những năm tháng học chính quy tại khóa sáng tác đầu tiên khi Trường âm nhạc Việt Nam thành lập năm 1956. Mê mải đèn sách, say sưa khám phá thế giới âm nhạc bao la, nhưng chẳng gì làm nguôi ngoại được nỗi nhớ trong lòng người xa quê. Hoàng Việt vẫn dành trọn những sáng tác thời kì này cho miền Nam, đó là các ca khúc Tìm em ở đâu, Lá thư từ miền Nam nước Việt, Quê mẹ... và tiểu phẩm nhạc đàn Nhớ quê hương cho violoncelle và piano.

Hai miền chia cắt, gia đình phân li, bao nhiêu người bao nhiêu nhà chỉ biết mong ngóng tin tức người thân qua những lá thiếp hoặc lá thư hiếm hoi sau khi bay vòng vèo qua nửa vòng trái đất. Lần ấy nhận được thư vợ gửi từ Sài Gòn sang Paris rồi trở ngược lại Hà Nội, nhạc sĩ bần thần và thao thức trong niềm thương nhớ khôn nguôi. Tất cả tâm hồn hướng về Nam, nơi ấy là quê nhà, là bãi mía, nương dâu, bến nước Cửu Long, nơi ấy có người vợ thủy chung và ba đứa con bé bỏng. Vô vàn lời yêu thương muốn nói mà không thể nói qua ngàn trùng cách trở... chẳng còn cách nào khác là gửi cả vào lời ca: Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta/Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba/Em ơi nghe chăng lởl trái tim vọng ra...

Tình ca đã ra đời như thế trong một đêm thức trắng ngập tràn nỗi nhớ và hi vọng vào ngày mai. Cảm xúc chân thành và mãnh liệt, sự hòa hợp giữa bút pháp gần với hình thức ca khúc chuyên nghiệp [romance] của phương Tây và âm điệu rất Việt Nam đã tạo nên sức cuốn hút và giá trị nghệ thuật trong tác phẩm. Tha thiết, kịch tính và lạc quan, Tình ca trong mấy thập niên qua vẫn được coi là một trong những bài hát hay nhất về tình yêu.

Năm 1958, Hoàng Vệt được cử đi học tiếp tại Nhạc viện Quốc gia Sofia [Bulgaria]. Tiếp cận thế giới âm nhạc muôn màu muôn vẻ nỗi khao khát học hỏi để trở thành nhà soạn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong ông. Trong những dịp nghỉ hè, Hoàng Việt còn sang mấy nước Đông Âu thăm những người bạn cũ từ thuở "chíp năm" cũng đang mài dùi kinh sử cho một ngày trở về phục vụ quê nhà.

Cùng chung một nỗi nhớ, cùng một niềm ước ao, họ tìm thấy ở nhau sự chồng cảm chẳng cần bày tỏ bằng ngôn từ. Một lần họ đang cùng nhau lang thang trên cánh đồng lúa mì, nghệ sĩ Quốc Hương giữa chốn mênh mông như không bến bờ ấy chợt nổi hứng dang tay cất cao hết cỡ giọng hát vốn rất vang của mình: “Giữ lấy đức tin bền vững em ơi! Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời". Những người nông dân Hungary ngừng tay lắng nghe, rồi kéo đến vây quanh mấy anh chàng ngoại quốc kì quặc. Không hiểu lời ca, nhưng cảm xúc mạnh mẽ của tình ca qua giọng hát truyền cảm của Quốc Hương đúng là âm nhạc đi thẳng "từ trái tim đến trái tim" chẳng cần đến sự lí giải nào nữa, những "khán giả" đã nồng nhiệt vỗ tay, nồng nhiệt thể hiện tình bằng hữu không biên giới bằng một "tiệc rượu” dân dã cấp tốc bày ra giữa đồng.

Chương trình học tập ở nước ngoài kết thúc xuất sắc bằng giao hưởng Quê hương với lời đề tặng "Kính dâng Nam Bộ trong cuộc chiến đấu anh dũng chống ngoại xâm”. Hầu hết các chủ đề của giao hưởng được xây dựng trên giai điệu ca khúc nổi tiếng, trong đó có cả những bài hát của chính ông. Nhờ những nét nhạc một thời ai ai cũng thuộc mà giao hưởng bốn chương này lưu giữ được những khoảnh khắc thời sự đáng nhớ và trở nên dễ nghe dễ hiểu đổi với công chúng Việt Nam thập niên 60.

Những tháng năm ở Trường Sơn, dưới bút danh Lê Quỳnh, Hoàng Việt không ngừng viết "ký sự chiến trường" bằng ca khúc và đã hoàn thành nhạc kịch một màn Bông sen. Trước khi lên đường đi Mỹ Tho tìm cảm hứng cho giao hưởng số 2, Hoàng Việt gửi nhà thơ Bảo Định Giang một bức thư: tôi viết cho anh xong là trưa nay đi Mỹ Tho, Cao Lãnh, dài theo đường số 4 và bờ sông Cửu Long... Tính sổ 1967, thì tôi viết đều tay chứ không tắt: vở Bông sen 120 trang piano và 12 bài hát...".

Lá thư "tính sổ" ấy ai ngờ lại là bút tích cuối cùng của Hoàng Việt ông không bao giờ trở về sau trận càn dữ dội của địch tại ấp Mỹ Long vào ngày cuối cùng của năm 1967. Ông còn chưa kịp qua lộ 4 để về quê mẹ. Và ông cũng chẳng kịp thấy mặt đứa con út sắp ra đời - đứa con của kỷ niệm vợ chồng gặp lại sau 13 năm xa cách.

Tên tuổi nhạc sĩ Hoàng Việt đã làm nên cột mốc đáng nhớ của lịch sử nhạc mới Việt Nam: tác giả của liên khúc giao hư­ởng đầu tiên. Ông cũng là một trong số những tài danh âm nhạc đầu tiên đ­ược Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ở cõi vĩnh hằng, chắc hẳn nhạc sĩ cũng thỏa lòng khi giao hưởng Quê hương được trình diễn lần đầu tiên tại Mỹ Tho - đất mẹ Tiền Giang của ông nhân dịp ông được truy tặng Giải thưởng cao quý Hồ Chí Minh năm 1996.

Nhạc sĩ MINH CHÂU

Video liên quan

Chủ Đề