Thuyết minh về một danh nhân văn hóa nguyễn du năm 2024

Đại thi hào Nguyễn Du, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, sinh năm 1765 tại phường Bích Câu, Thăng Long, trong một dòng họ khoa bảng nổi tiếng thời bấy giờ ở xứ Nghệ...

Đại thi hào Nguyễn Du, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, sinh năm 1765 tại phường Bích Câu, Thăng Long, trong một dòng họ khoa bảng nổi tiếng thời bấy giờ ở xứ Nghệ. Bố ông là Nguyễn Nghiễm từng giữ chức Tể tướng đầu triều; mẹ là bà Trần Thị Tần, cũng sinh trưởng trong một dòng họ có truyền thống hiếu học ở Kinh Bắc. Nguyễn Du lớn lên giữa thời loạn lạc, chứng kiến biết bao cuộc đổi thay. Ông phải lưu lạc nhiều nơi, một thời gian dài ở quê vợ Thái Bình, rồi phải trở về quê tìm kế mưu sinh. Sau khi Gia Long lên ngôi, Nguyễn Du trở lại chốn quan trường, 18 năm làm quan cho triều Nguyễn nhưng cũng hơn 3 lần ông xin cáo quan về quê, khi thì lấy cớ dưỡng bệnh, lúc lại bận việc nhà... Và ông bị nhiễm bệnh trong một đợt dịch tả rồi mất ngày 16/9/1820, tại kinh thành Huế ở tuổi 55. Với sự nghiệp văn học đồ sộ của mình, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du [1765 -1965], UNESCO đã công nhận ông là Danh nhân văn hóa thế giới. Ngày 25/10/2013, Đại Hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết 37C/15 phê chuẩn Quyết định số 191EX/32 và 192EX/32, vinh danh 108 Danh nhân văn hóa thế giới trong đó có Nguyễn Du - một nhà thơ, một danh nhân có tinh thần tự hào dân tộc và tình yêu mãnh liệt với tiếng mẹ đẻ, người đã dũng cảm sử dụng chữ Việt [chữ Nôm] để sáng tác văn chương, với đỉnh cao là kiệt tác Truyện Kiều - niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Tượng đài thi hào Nguyễn Du tại khu lưu niệm Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Ảnh: MINH ĐẠO

Nguyễn Du sống ở một thời điểm lịch sử mà trong xã hội đã diễn ra biết bao nghịch cảnh. Ở đó, đồng tiền đã trở thành thế lực vạn năng; có biết bao lớp người cùng cực bị đối xử tồi tệ, người phụ nữ trở thành nạn nhân, thành hàng hóa mua bán... Vốn được sinh ra trong một gia đình quyền quí thuộc tầng lớp trên của xã hội phong kiến; được giáo dục bằng những gia phong, khuôn phép và đào tạo thành bậc quan lại có chức sắc, nhưng ông đã vượt qua quan niệm trung hiếu của một nhà nho quý tộc để có cái nhìn táo bạo vào cuộc sống thực tại bằng tư tưởng nhân văn mới mẻ và tiến bộ. Với truyền thống của dòng họ, quê hương, sự giao thoa của các vùng văn hóa, phong ba bão táp của thời đại cùng với tư chất thông minh và cái tâm thấm đậm bản chất nhân văn “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” đã góp phần tạo nên một thi hào Nguyễn Du với lòng thương người sâu sắc. Từ đó, giúp ông hòa vào được mọi kiếp người, đi đến tận cùng của những xung đột, những bi kịch, những nỗi bất hạnh của con người để hiểu, đồng cảm và cưu mang, an ủi họ... Đó cũng chính là mạch nguồn để ông tạo nên một sự nghiệp văn học đồ sộ, với các tác phẩm kiệt xuất cả về chữ Hán và chữ Nôm như: 3 tập thơ chữ Hán có giá trị [Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục]; các tác phẩm thơ Nôm [Văn tế thập loại chúng sinh, Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ, Thác lời trai phường nón và đặc biệt là Truyện Kiều]. Truyện Kiều [Đoạn trường tân thanh] gồm 3.254 câu lục bát, kể về cuộc đời 15 năm lưu lạc, chìm nổi của Thúy Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng vì gia biến phải bán mình chuộc cha, rơi vào cảnh “Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần”; tác phẩm đã trở thành đỉnh cao của văn học cổ điển Việt Nam, nổi tiếng khắp thế giới.

Đánh giá chung cho thấy, các tác phẩm của Nguyễn Du vừa có giá trị nội dung [hiện thực, nhân đạo] vừa có giá trị nghệ thuật sâu sắc. Về giá trị nội dung, các tác phẩm của Nguyễn Du đặc biệt là Truyện Kiều đã phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX; đồng thời đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lý và ngợi ca vẻ đẹp của con người, thể hiện ước mơ đẹp đẽ về một tình yêu tự do, trong sáng, thủy chung trong xã hội mà quan niệm về tình yêu, hôn nhân còn hết sức khắc nghiệt. Mối tình Kim - Kiều là bài ca tuyệt đẹp về tình yêu lứa đôi trong văn học dân tộc; còn nhân vật Từ Hải là biểu hiện khát vọng tự do công lý, dân chủ giữa một xã hội bất công, tù túng. Truyện Kiều còn là bài ca ca ngợi vẻ đẹp của con người, đó là: tài, sắc, tình, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung, chí khí anh hùng... và Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải là hiện thân cho những vẻ đẹp đó.

Về giá trị nghệ thuật, Nguyễn Du với Truyện Kiều đã kết hợp tài tình tinh hoa ngôn ngữ bác học với tinh hoa ngôn ngữ bình dân; có nghệ thuật biểu hiện nội dung, đặc biệt là nghệ thuật vận dụng tiếng Việt và thể thơ lục bát của dân tộc đạt tới đỉnh cao rực rỡ của nghệ thuật thi ca; là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại, nhất là nghệ thuật tự sự, nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách nhân vật và miêu tả tâm lý con người. Chính Nguyễn Du là nhà thơ tiên phong, mẫu mực trong việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc đạt đến mức lung linh, vừa khuôn mẫu, vừa đậm chất dân dã.

Với sự nghiệp đồ sộ của mình, nhất là kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Du không chỉ khẳng định được vị trí số một trong nền văn học Việt Nam mà còn được thế giới khâm phục; đóng vai trò quan trọng và có ảnh hưởng rất lớn không chỉ với văn học mà cả đối với đời sống của con người Việt Nam, trên một số mặt chủ yếu như: [1] Nhiều nhân vật trong Truyện Kiều trở thành điển hình cho những mẫu người trong xã hội cũ, mang những tính cách tiêu biểu như Sở Khanh, Hoạn Thư, Từ Hải... và được đi vào thành ngữ Việt Nam; khả năng khái quát của nhiều tình cảnh, ngôn ngữ thể hiện trong tác phẩm khiến cho quần chúng tìm đến Truyện Kiều như tìm một điều dự báo. [2] Các tác phẩm của Nguyễn Du, nhất là Truyện Kiều có ảnh hưởng từ văn học dân gian và đến lượt mình văn học dân gian lại tiếp nhận cách thể hiện của Nguyễn Du vào đời sống của mình [Ca nhạc dân gian có dạng Lẩy Kiều, Sân khấu dân gian có trò Kiều, Hội họa có tranh Kiều, giai thoại xung quanh Kiều cũng rất phong phú...]. [3] Truyện Kiều đã trở thành đề tài sáng tạo của văn xuôi, thơ, sân khấu, âm nhạc, kiến trúc, hội họa, nhiếp ảnh; là đề tài cho nhiều công trình nghiên cứu, bình luận và những cuộc bút chiến... [4] Truyện Kiều đã đi vào đời sống xã hội như một lẽ thường tình như: Trò Kiều, một hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo, Bói Kiều một nét văn hóa tâm linh lâu đời, phổ biến của người Việt. [5] Đặc biệt, Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du là một quần thể công trình kiến trúc thờ tự, tưởng niệm Nguyễn Du cùng những bậc tài danh kiệt xuất của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền; những di sản văn hóa còn được bảo tồn ở đây có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học..., là nguồn tư liệu đáng tin cậy để tìm hiểu về tín ngưỡng, phong tục tập quán, đời sống văn hóa tinh thần của làng quê, văn hóa làng xã Việt Nam trong sự phát triển của lịch sử dân tộc; đã trở thành địa chỉ văn hóa thu hút du khách thập phương.

Hơn 2 thế kỷ đã trôi qua nhưng đến nay Truyện Kiều của Nguyễn Du vẫn còn mới mẻ và đã trở thành biểu tượng văn hóa Việt Nam. Truyện Kiều đã được dịch ra hơn hai mươi thứ tiếng trên thế giới, những người dân bình thường cho tới những chính khách lớn của thế giới đều cảm nhận được và bị cảm hóa không chỉ bởi vẻ đẹp nhân văn của tác phẩm, cũng như con người của Nguyễn Du. Vì lẽ đó mà điều Nguyễn Du từng băn khoăn, tự hỏi: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”, chỉ 200 năm sau đã được Hội đồng Hòa bình thế giới đưa vào danh sách 9 danh nhân văn hóa trên thế giới [1765-1965] và gần đây, ngày 25/10/2013, Đại Hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết nhất trí vinh danh 108 Danh nhân văn hóa thế giới trong đó có Nguyễn Du. Và từ đây về sau, không chỉ dân tộc Việt Nam mà cả nhân loại tiến bộ còn hướng về ông để ngưỡng mộ một nhân cách chói lọi trong nền thơ ca mà ít người vươn tới được; để gợi mở bao vấn đề lớn đang đặt ra cho sự nghiệp giải phóng nhân loại, giải phóng con người nhằm xây dựng một cuộc sống thật sự dân chủ, bình đẳng, tự do, ấm no và hạnh phúc cho nhân dân.

Chủ Đề