Tại sao chị phải nhường em

- Nhiều lần đi làm về, chị bắt gặp con chơi rất vui vẻ với những đứa trẻ hàng xóm mà bảo chơi với em thì nhất định Tít không chịu. Bực quá nên chị đã mắng con và hỏi tại sao không chịu chơi với em. “Em là cục vàng của bố mẹ con không dám động”, chị sửng sốt trước câu trả lời của thằng bé.

Người Mỹ dạy con thành trẻ văn minh như thế nào?
Đại gia đình hiếm có nhất Việt Nam: Lấy chuyện bó đũa dạy con đoàn kết
Vợ chồng mải bắt trăn, bỏ quên 2 con giữa rừng thẳm

Cưới nhau được một năm thì vợ chồng anh chị Dũng - Hòa [Từ Liêm, HN] sinh cu Tít. Vì lúc ấy kinh tế vẫn còn đang chật vật nên mãi 6 năm sau khi mọi thứ đã ổn định anh chị mới “làm tiếp tập hai”.

Chị Hòa bảo “Kinh tế là một chuyện, vả lại cũng muốn sinh thưa như vậy để lúc ấy đứa lớn biết nhường nhịn đứa bé. Chứ không như một số nhà anh em bé bằng nhau cứ tranh giành mệt lắm”.

Sinh thêm đứa bé nhưng chị Hòa không hề xao nhãng chuyện chăm sóc đứa lớn. Vậy nên khi mẹ sinh em, lại là một thằng cu, Tít nhà chị vui lắm. Nó hớn hở chạy khắp ngõ để khoe “mẹ cháu sinh em để cháu có người đá bóng cùng đấy nhé”. Chưa khi nào nó tự ái vì bố mẹ mải chăm em còn cho nó ra rìa. Và mọi chuyện chỉ bắt đầu khi thằng cu bé nhà chị Hòa biết chơi biết nói.

Là anh thì phải nhường nhịn em

Lúc này trong tư tưởng của chị Hòa, cu Tít đã lớn rồi nên không cần phải chiều chuộng như trước. Mà chị luôn miệng dặn nó phải nhường nhịn em. Cứ mỗi lần hai anh em chơi trò gì cùng nhau mà cu Tít thắng, chị lại mắng nó “em bé anh phải nhường em thắng chứ”. Vậy là chơi trò gì Tít cũng luôn phải nhường em thắng nếu không sẽ bị mẹ mắng hoặc em khóc ầm lên ăn vạ.

Làm anh thật khó. Ảnh minh họa: eva.vn

Không chỉ trong trò chơi mà bất cứ việc gì chị Hòa cũng bắt Tít phải nhường em. Tít đang học bài mà em đòi ngồi vào bàn, đuổi anh ra chỗ khác, mẹ cũng bảo Tít phải nhường: “Con nhường em một lúc thôi cho em vui, em bé anh phải chiều em chứ”.

Mỗi lần như thế Tít ấm ức cũng chẳng còn hứng thú nào mà ngồi vào bàn học. Hậu quả là bị cô giáo góp ý với bố mẹ. Giận quá nên chị Hòa mắng con, thằng bé nghe mẹ mắng anh thì chạy lại bàn học xé toạc vở của anh và mắng theo mẹ “học thế thì cho nghỉ”.

Làm em thì luôn luôn đúng

Cái tư tưởng “anh phải nhường nhịn em” ấy của chị không sai nhưng chị áp dụng vào việc dạy hai đứa con lại sai hoàn toàn. Với chị thì không cần biết đứa lớn đã làm gì, nhưng cứ để em khóc là chị lại mắng đứa lớn bất kể sai đúng thế nào.

Nhiều lần đi làm về nghe thấy đứa bé khóc toáng lên chạy ra mách mẹ, chị chẳng hỏi rõ ngọn ngành đã quát ầm lên “Sao con cứ trêu em là thế nào hả?”. Thằng bé vừa định giải thích thì đã bị mẹ chặn ngang “Con im đi! Từ sau còn trêu em thì con chết với mẹ”. Và lại vẫn “bài ca muôn thuở” “Mình được chiều mãi rồi bây giờ em bé mình phải chiều em chứ”.

Thằng em vẫn chưa hết tức nên xúi mẹ đánh anh, chị cũng giả vờ đánh cho nó vui. Thấy thế thằng em cũng xông vào còn thằng anh chỉ biết bo đầu chịu trận vì mẹ đã bảo “phải nhịn em”.

Có lần chị bóc hộp sữa tươi nhưng thằng em nhất định đòi uống loại khác. Vậy là đương nhiên cái hộp sữa mà thằng em “không thèm” ấy lại nhường cho thằng anh vì nó lớn rồi, không được mè nheo như em. Nói chung là em bỏ, em chán cái gì thì lúc ấy sẽ đến lượt anh. Lúc nào nó cho anh đồ chơi gì là như kiểu ban ơn, mẹ bắt cu Tít phải vui mừng ra mặt và tỏ thái độ biết ơn em.

"Dạy con không phải lối"

Trước đây cu Tít háo hức chơi với em bao nhiều thì nay nó e dè bấy nhiêu vì chỉ sợ không làm vừa ý em lại bị mẹ mắng. Nó trở nên lầm lì ít nói hơn, cũng không nói chuyện gì cùng mẹ vì nó nghĩ mẹ có bao giờ nghe nó nói đâu. Nó mặc kệ cho thằng em mình “làm mưa làm gió gì cứ làm”.

Hàng xóm có góp ý cách dạy con thì chị Hòa bảo “Nó còn bé nên chiều, ngày trước thằng Tít còn được chiều và hư hơn thế. Lớn khắc tự thay đổi”. Chị cứ nghĩ cu Tít ít nói và không tranh giành với em nữa là chị đã dạy con đúng. Chị không thể biết rằng từ lâu Tít cảm thấy ghét thằng em của mình. Thậm chí cứ thấy em lại gần là nó lại lảng tránh đi chỗ khác hoặc đuổi em đi.

Nhiều lần đi làm về bắt gặp con chơi rất vui vẻ với những đứa trẻ hàng xóm, mà bảo chơi với em thì nhất định Tít không chịu. Bực quá nên chị đã mắng con và hỏi tại sao không chịu chơi với em. “Em là cục vàng của bố mẹ con không dám động”, chị sửng sốt trước câu trả lời của thằng bé.

Đúng lúc ấy chồng chị cũng đón thằng em của Tít đi học về. Nó ngồi sau gào khóc rồi cào cấu vào người bố. Hỏi ra mới biết cu cậu chơi trò chơi với bạn trong lớp bị thua, mà lâu nay được anh nhường thắng quen rồi nên nó nghĩ ai cũng phải nhường nó thế.

Lúc ấy chị mới chợt ngộ ra, hóa ra bao lâu nay chị chiều con, dạy con không phải lối. Nhìn thằng lớn nước mắt lưng tròng, chị mới nhận ra bao nỗi ấm ức lâu nay con chị phải chịu. Còn thằng bé vẫn luôn miệng gào khóc đòi “bố mẹ đánh bạn thắng con”. Chị không biết sẽ dạy lại đứa con “lớn mà không thay đổi” như chị nghĩ thế nào.

M.T

1. Hãy luôn "ưu tiên" thời gian cho anh chị lớn khi có em

Nhiều bố mẹ thắc mắc rằng vì sao anh/chị trở nên bướng bỉnh và không muốn chia sẻ khi có em. Đó là vì khi có em anh/chị sẽ có cảm giác mình không được bố mẹ và ông bà quan tâm như trước, mình bị em tước mất sự quan tâm, mình bị bỏ rơi nên sự phản kháng với bố mẹ sẽ mạnh mẽ hơn. Thậm chí trẻ có những hành động khó bảo hơn, phá phách hơn ngày thường cũng là vì trẻ muốn thu hút sự chú ý của bố mẹ với mình.

Chưa kể rất nhiều người lớn ở Việt Nam vẫn vô tư nói đùa với trẻ “Mẹ có em là cháu sắp bị ra rìa rồi” càng khiến tâm hồn non nớt của đứa trẻ bị tổn thương. Chính vì thế muốn anh chị em yêu thương nhau thì bố mẹ hãy luôn ưu tiên anh chị trước để anh chị thấy mình được coi trọng, để không có cảm giác mình bị bố mẹ bỏ rơi khi có em.

Ví dụ khi mẹ đang làm cái gì đó với em, mẹ dành thời gian chăm em và anh chạy đến đòi mẹ bế, mẹ ôm, đòi mẹ chơi cùng. Những lúc ấy bố mẹ hãy cố gắng dành ánh mắt hồi đáp lại anh chị, hãy nói con chờ mẹ 1 phút, để mẹ làm ABC cho em xong rồi mẹ ra với con, hoặc nếu không phải chuyện gấp thì hãy đặt em xuống và quay ra trò chuyện với anh chị. Hoặc những lúc thấy tâm trạng con không vui có thể nhờ ông bà hay bố trong giúp em để dành thời gian cho anh chị. Nhiều bố mẹ sai lầm vì đã luôn ưu tiên em còn nhỏ, dẫn đến những mâu thuẫn giữa hai anh chị em như anh chị hay đánh em, giằng đồ chơi của em, không chia sẻ với em.

2. Hãy coi trọng anh chị trước mặt em

Một trong những bí quyết rất quan trọng để anh chị yêu thương và chia sẻ với em đó là bố mẹ hãy nâng cao vai trò của anh chị trước mặt em bằng những lời khen ngợi và động viên. Nếu muốn anh trông em và bày trò cho em chơi cùng bố mẹ có thể nói những câu như “Em rất thích chơi với anh đấy. Em ngưỡng mộ anh lắm đấy. Con xem anh ghép lego co giỏi không kìa. Chị vẽ đẹp chưa này”. Có thể khích lệ anh bằng cách khen anh trước mặt em “Em nhìn xem anh tự thay quần áo được rồi này”.

3. Phân xử công bằng khi có mâu thuẫn

Không ít cha mẹ khi chứng kiến mâu thuẫn của hai anh chị em sẽ vội vàng quy chụp bằng giọng giận dữ chỉ trích “Tại sao em đang chơi mà con lại giằng lấy đồ chơi của em, làm em nó khóc”, “Sao con lại đánh em, sao toàn trêu em để em khóc” và quay sang bênh em “Con có làm sao không?”, “Để ông bà đánh chừa anh nhé”.

Cách ứng xử ấy sẽ khiến anh chị nghĩ rằng “Ngày xưa khi chưa có em mình cũng được nghe giọng nói nhẹ nhàng yêu thương như thế. Từ ngày có em mình luôn bị so sánh, bị ghét bỏ, bị bắt phải nhường. Thế thì mình không nhường. Mình cố tình lấy đồ chơi của nó cho bõ tức”. Trẻ sẽ “thách thức” lại người lớn bằng cách cố tình giằng lấy đồ chơi của em hoặc “lầm lì im lặng”, hoặc tìm cách phản kháng theo cách riêng. Ngược lại chính thái độ bênh vực như vậy sẽ khiến em trở nên ích kỉ và yếu đuối . Có thể anh chưa làm gì nhưng em đã hét toáng lên khóc ăn vạ vì biết sẽ luôn có người bênh mình.

Chính vì thế khi thấy anh/chị có những hành vi chọc em, trêu em cho em khóc, giành đồ của em thì cha mẹ đừng mắng anh/chị ngay lúc ấy. Hãy quan sát thêm một chút và xem mong muốn thực sự của anh chị là gì.

Dẫu nhìn thấy anh chị giành của em nhưng hãy dùng cách nói thiện chí “À con không cố tình giành của em đâu đúng không. Mẹ biết con rất yêu em mà”, hoặc giải thích cho anh chị hiểu “Vì sao con lại lấy đồ của em. Em cũng rất muốn chơi đồ chơi này đấy. Em rất vui nếu anh có thể cho em mượn”...sẽ giúp anh chị cảm thấy bố mẹ vẫn lắng nghe mình.

4. Hãy nhìn hành vi của trẻ một cách thiện chí

Có rất nhiều tình huống những gì người lớn nhìn thấy trẻ làm chưa chắc đã là những điều trẻ nghĩ. Vì thế nếu bố mẹ luôn ở trong tâm thế nhìn trẻ bằng cái nhìn thiện chí thì sẽ giải quyết được rất nhiều mâu thuẫn trong quá trình ứng xử với con.

Ví dụ như khi thấy anh đến xem em ngủ rồi làm em thức giấc thì bố mẹ hãy nói “À con đến xem em ngủ đúng không. Con yêu em lắm này. Nhưng mình vô tình làm em thức dậy rồi. Mình nói nhỏ thôi, nhẹ nhàng thôi nhé không em sẽ thức dậy đó”.

Hoặc nếu anh muốn chơi bóng, hay làm ồn đến em thì thay vì cấm anh chơi, hãy rủ anh ra một chỗ khác “Con muốn chơi bóng đúng không. Thế mình ra ngoài này chơi nhé không em sẽ thức dậy”.

Nếu bố mẹ luôn nhìn con với cái nhìn thiện chí, dẫu có thể con đang trêu em, phá em đi nữa thì hãy luôn nói với con những điều tích cực để những điều đó đi vào tiềm thức của con, và giúp con thay đổi thái độ.

5. Đừng nói những câu sát thương lòng tự tin của trẻ và chia rẽ anh chị em

Trước mặt người khác bố mẹ và ông bà đừng bao giờ nói về những khuyết điểm của anh chị, càng không nên so sánh trẻ với em. Đừng nói những câu sát thương lòng tự trọng con trẻ như “Em thì ngoan thế mà sao con lại vậy”, “Thằng em ngoan bao nhiêu thì thằng anh khó bảo bấy nhiêu đấy bác ạ...”. “Em nó học giỏi như vậy nhưng anh thì lười lắm”. Những câu nói ấy đã vô tình làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, và sự so sánh sẽ chia rẽ anh chị em. Trẻ sẽ thấy trước mặt người khác bố mẹ không hề giữ thể diện cho mình, chứng tỏ bố mẹ không hề yêu thương mình, mà chỉ yêu thương em mà thôi.

Đằng sau mỗi lời nói tưởng chừng như vô tư của cha mẹ hay ông bà sẽ là những trải nghiệm tổn thương của con trẻ.

6. Muốn anh chị em hoà thuận bố mẹ đừng bắt anh chị phải nhường

Điều mà ông bà hay cha mẹ thường làm nhất là ép anh/chị phải nhường nhịn em một cách vô lý “Là anh thì con phải nhường em chứ”. Nó là nguyên nhân gián tiếp khiến anh chị em không hoà thuận với nhau.

Tình huống : Anh đang chơi nhưng em chạy ra đòi đồ chơi của anh, hoặc em phá đồ chơi của anh, rồi anh không đưa, anh đẩy em hoặc em không có đồ chơi nên em chạy ra khóc ăn vạ. Khi ấy bố mẹ hãy là người ở giữa phân xử

Đặt câu hỏi với anh chị “Vì sao em khóc thế con?”

- Nếu anh chị trả lời “Vì em đòi đồ chơi của con”.

Thì bố mẹ hãy nói với em rằng “Em muốn mượn đồ chơi của anh thì em hãy hỏi mượn “Cho em mượn với đi nào”. Đồng thời mẹ sẽ quay sang anh “Em rất thích chơi đồ chơi này của con. Con cho em mượn được không. em đã hỏi mượn rồi đó”. Nếu anh không đồng ý thì hãy tôn trọng anh, và để em chấp nhận việc chờ đến khi anh đồng ý.

- Nếu anh chị trả lời “Vì em phá con đang chơi, con đang ghép mà em làm hỏng”.

Thì bố mẹ hãy đồng cảm với anh chị “À con mất công làm thế này mà. Ừ mẹ biết rồi. Nhưng mà em còn nhỏ nên chưa biết thôi chứ không cố tình phá của con đâu [rồi nhìn em để hỏi dò]. Thực ra em rất thích chơi với con, rất thích đồ chơi của anh đó thôi. Em chưa biết cách chơi nên con có thể dạy em được không”.

Nếu anh trả lời em có biết gì đâu, con không thích thì có thể bảo em “Thế hai mẹ con mình đi ra chỗ kia một xíu, đợi một lát anh sẽ chơi cùng con”...

- Còn nếu đó là đồ chơi chung “Chúng ta đếm đến 10 để đổi lượt chơi nhé”. Nếu hai anh em không thoả hiệp được thì đồ chơi đó nên được thu lại đợi đến khi cùng hoà thuận lại thì mới chơi tiếp.

Những cách ứng xử trên sẽ giúp anh chị em đều cảm thấy công bằng, và học được những quy tắc ứng xử “Muốn chơi đồ chơi của ai thì cần phải hỏi mượn, dù là anh em đi nữa”. Nếu đồ của ai thì người đó có quyền quyết định. Nhưng việc nói ra cảm xúc của đối phương “Em rất thích đồ chơi này, em rất muốn chơi với anh. Em rất ngưỡng mộ anh...” để khiến anh thấy mình được tôn trọng. Và dần dần anh sẽ chia sẻ với em. Khi ấy hãy thể hiện niềm vui trước những thay đổi của anh.

Yêu thương và chia sẻ là bản năng vốn có của trẻ nếu như chúng ta biết cách khơi gợi như những cách trên. Chỉ cần bố mẹ thấu hiểu, đồng cảm và lắng nghe cảm xúc của con, ứng xử công bằng, không so sánh thì chắc chắn trái tim sẽ chạm đến trái tim.

7. Hai anh em gần tuổi tranh giành nhau đồ chơi thì nên làm gì?

Bí quyết là phải để hai anh em thực sự cần nhau để chơi, để trẻ là đồng minh của nhau trong trò chơi đó. Vậy nên đừng để quá nhiều đồ chơi, mà hãy chọn 1-2 đồ chơi có sự sáng tạo, cần sự hợp tác cùng nhau. Bố/mẹ hãy cùng với con chơi những trò chơi cần đến sự hợp tác để trẻ có trải nghiệm là hợp tác với nhau như này thật là vui, từ đó trẻ sẽ muốn chơi cùng nhau hơn.

Ví dụ như đồ chơi ở nhà tôi thường dùng là các bộ gỗ, ô tô, chai nhựa, hộp giấy... tích lại để hai bố mẹ cùng con chơi xếp mô hình thành phố, đường tàu, mô hình giao thông, sở thú....

Việc có quá nhiều đồ chơi sẽ khiến trẻ nảy sinh nhìn thấy đứa em/anh chơi đồ chơi kia mình lại nổi cơn thèm nên chạy ra giằng lấy. Nếu mỗi đứa chơi một món đồ chơi thì sẽ không có tác dụng giáo dục trẻ những bài học thông qua đồ chơi: tinh thần hợp tác, sự chia sẻ, thấu cảm cho nhau.

- Nếu hai anh em cùng tranh giành đồ chơi thì đưa ra nguyên tắc là sẽ không được chơi đồ chơi này nữa, và phải tự chơi với nhau. Để trẻ cảm thấy cần nhau, quý trọng nhau hơn. Và bạn biết đấy chỉ cần 2 đứa trẻ với nhau tự chúng cũng biến thành đồ chơi của nhau rồi mà không cần thêm nhiều đồ chơi khác. Bạn sẽ giúp trẻ sáng tạo hơn, yêu thương nhau hơn.

8. Khi cả hai anh em gần tuổi cùng đòi giành mẹ

Nếu hai anh em gần tuổi nhau thì thông thường khi xảy ra xung đột hai anh em đều muốn giành lấy sự quan tâm của mẹ. Nếu mẹ quan tâm đến anh thì em sẽ khóc ăn vạ, nếu mẹ quan tâm đến em thì anh sẽ dỗi. Những lúc như vậy mẹ hãy trở thành người bạn của cả hai anh chị em, rủ hai anh cùng nhau chơi một trò gì đó, ví dụ như mẹ sẽ cùng đọc sách cho hai anh em nghe, cùng chơi trò chơi tập thể như chuyền bóng, đá bóng, cùng nhau xây nhà, vẽ tranh...để tạo ra cơ hội cho hai anh em làm hoà trở lại với nhau.

Tác giả bài viết và hình ảnh: Dr Nguyễn Thị Thu [Aki Nguyễn]

Cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu - Aki Nguyễn về nội dung bài viết rất hay và thiết thực. Chị cũng chính là tác giả cuốn sách "Kỷ luật mềm của trái tim" và dịch giả của cuốn "Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn" mà Mầm Nhỏ đã từng giới thiệu đấy.

Video liên quan

Chủ Đề