Sông mekong chảy qua bao nhiêu quốc gia năm 2024

Tác phẩm “Cảm ơn Người, sông MeKong” đánh dấu cột mốc mới trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Lê Tuấn Lộc - cây bút có niềm cảm hứng vô tận với cuộc sống, thiên nhiên, con người. Cuốn trường ca về dòng sông MeKong được Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành cuối tháng 12.2022.

Sách "Cảm ơn Người, sông MeKong" được trưng bày tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Huyền Chi

Tình yêu trên nền dòng chảy vĩ đại

Nhà thơ Lê Tuấn Lộc gắn bó với nghiệp viết suốt 4 thập kỉ. Ông từng xuất bản nhiều tập sách, thơ, trong đó tiêu biểu là các tác phẩm “Hát lúc trăng lên” [NXB Thanh Hoá - 1990], “Đường xa” [NXB Văn hoá Dân tộc - 1995], “Dưới bóng đa Tân Trào” [NXB Văn học - 1998], “Thợ mỏ gặp nhau” [NXB Văn hoá Dân tộc - 2000], “Thơ và Thợ” [năm 2019].

Đến “Cảm ơn Người, sông MeKong”, Lê Tuấn Lộc một lần nữa chuyển mình, đột phá và thực hiện một tập trường ca đồ sộ. Cuốn sách dày hơn 600 trang, dung lượng hơn 80.000 chữ. Xuyên suốt chuyến đi dọc MeKong, tác giả đan xen câu chuyện tình yêu của đôi trai gái Măng Trúc - Kiều Mai. Họ cùng nhau đi qua những vùng đất mới, khám phá những nền văn hóa kì vĩ, từ Trung Quốc [Tây Tạng] đến Myanmar, Lào, Campuchia, ngang qua Thái Lan rồi trở về Việt Nam.

Đối với Việt Nam, sông MeKong có một vai trò đặc biệt, nuôi dưỡng hai vùng kinh tế trọng điểm là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Về địa lí, sông MeKong dài khoảng 4.800 km, chảy qua 6 nước là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Về tinh thần, MeKong là dòng sông chứa đựng những giá trị văn hóa không thể tách rời trong đời sống của cư dân vùng sông nước. Về tôn giáo, dòng chảy vĩ đại này nối liền hệ thống tín ngưỡng tâm linh của các quốc gia, trong đó Phật giáo chiếm ưu thế. Về kinh tế, nguồn lợi về thủy sản, thủy điện và giao thông đường thủy đến từ MeKong đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của hàng triệu người dân sinh sống quanh khu vực lưu vực sông.

Tất cả những giá trị đó được nhà thơ Lê Tuấn Lộc thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật một cách nhuần nhuyễn, kết hợp với hai nhân vật trữ tình được xây dựng tỉ mỉ. Tác giả khéo léo sắp đặt một cuộc gặp tình cờ giữa nhà thơ Măng Trúc với người đẹp lai Việt - Thái, tên Kiều Mai. Trên một chuyến bay đi Nha Trang, 2 nhân vật gặp gỡ, phải lòng nhau và thổi bùng lên ngọn lửa tình dữ dội, cuộn trào. Sự dồn nén ấy khơi nguồn thơ cho cây bút trẻ Măng Trúc, đồng thời nuôi dưỡng tâm hồn của một nhà thơ mới - Kiều Mai.

Chính nhà thơ Lê Tuấn Lộc cũng chia sẻ, ông dùng câu chuyện của Trúc và Mai để phản ánh ước mơ, khát vọng của con người về cuộc du ngoạn, khám phá những điều kì bí của thiên nhiên. “Mối tình Măng Trúc và Kiều Mai chỉ là cái cớ, là lí do để tôi khai thác vấn đề môi trường trên sông MeKong, vấn đề sự giống nhau và khác nhau của văn hóa tâm linh, văn hóa Phật giáo ở các nước mà sông MeKong đi qua”, tác giả tiết lộ.

Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân

Chia sẻ với Lao Động, nhà thơ Lê Tuấn Lộc cho biết ông trăn trở về việc tôn vinh dòng sông MeKong bằng chất liệu thơ ca. Ý tưởng này xuất hiện một cách ngẫu hứng nhưng lại thôi thúc ông xách balo và bắt đầu hành trình khám phá vùng văn hóa rộng lớn. “Trước đó, đã có nhiều tác phẩm đồ sộ về đề tài tương tự. Sau khi xem các kí sự về sông MeKong, tôi tự nhủ rằng mình phải viết. Bởi lẽ, khác với truyền hình hay phim ảnh, thơ ca có những đặc thù riêng. Càng viết, tôi càng có niềm tin rằng mình không thể bỏ lỡ.

Tôi đã khai thác vấn đề du lịch, văn hóa tâm linh, văn hóa Phật giáo và liên văn hóa giữa các quốc gia ven dòng sông MeKong. Tôi đã có một hành trình đầy khó khăn. Theo dự kiến, tôi sẽ đi một tour dọc sông MeKong. Nhưng sau một thời gian chờ nguồn tài trợ mà không có kết quả, tôi quyết định không đợi nữa” - Lê Tuấn Lộc cho hay.

Bên cạnh giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, Lê Tuấn Lộc còn khắc họa bi kịch của con người sau nhiều năm khai thác, tàn phá thiên nhiên. Cuối trường ca, sau 5 năm đồng hành và gắn bó, Trúc và Mai quyết định kết hôn. Tuy nhiên, đúng ngày làm đám cưới, Mai bị nước cuốn trôi do thủy điện sông Hậu xả nước bất ngờ. Nhà thơ Hải Đường, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét: “Con người đang tự giết mình bằng việc ngăn sông, đắp đập, làm thủy điện, “ăn rừng”, tàn phá môi trường. Sông MeKong, dòng sông Phật giáo cũng không là ngoại lệ. Giết môi trường đã là vô tình giết người. Nhưng còn có điều đáng sợ hơn, cần phải cảnh báo mạnh mẽ hơn, đó là văn hóa, đạo đức, lẽ sống cũng đang chết dần chết mòn”, nhà thơ Lê Tuấn Lộc nói.

Sau khi xuất bản trường ca “Cảm ơn Người, sông MeKong”, Lê Tuấn Lộc đề xuất tổ chức cuộc thi “Khuyến khích văn hóa đọc” để thúc đẩy văn hóa đọc và tạo sân chơi cho các tác giả chia sẻ, bình luận về tác phẩm. “Trình độ văn hóa của người đọc quyết định đến cách phát hiện vấn đề của người đọc, nhất là đọc thơ. Những quan điểm khác biệt của người đọc giúp phát hiện ra cái mới lạ, cái khác biệt của một cuốn sách.

Kết quả cuộc thi và việc tổ chức thực hiện cuộc thi đã phản ánh trung thực tình hình văn hóa đọc hiện nay: Đọc phân tán với các thể loại khác từ văn hóa đa phương tiện. Văn hóa đọc văn học, nhất là thơ đã giảm sút và rất cần sự khuyến khích, kích hoạt từ nhà nước hàng năm thông qua các cuộc thi đọc sách các dạng khác nhau”, nhà thơ Lê Tuấn Lộc chia sẻ về cuộc thi.

Trước đó, khi trường ca dày hơn 600 trang được công bố, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: “Cảm ơn Người, sông MeKong" mang tinh thần Phật giáo và chiều sâu suy tưởng về từng vùng văn hoá. Thiên nhiên mang những vẻ đẹp chứa đựng tinh thần tôn giáo. Nó có tính cảnh báo và kêu gọi con người, cần bảo vệ thiên nhiên và những dòng sông”.

Chủ Đề