So sánh từ bảo đảm và đảm bảo năm 2024

Ngày 19 tháng 3 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ [“Nghị định 21”]. Nghị định 21 có hiệu lực từ ngày 15 tháng 5 năm 2021 sẽ thay thế Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định về giao dịch bảo đảm [“Nghị định 163”] và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 163 [“Nghị định 11”]. Khi so sánh với Nghị định 163 và Nghị định 11, Nghị định 21 có nhiều điểm mới tương thích với Bộ luật Dân sự 2015 [“BLDS”]. Do đó, Nghị định này được kỳ vọng là sẽ tạo nên nhiều điều kiện thuận lợi hơn, tối đa hóa giá trị kinh tế của tài sản cũng như giảm thiểu rủi ro pháp lý và chi phí cho các cá nhân, tổ chức đối với nghĩa vụ được bảo đảm.

Sự mở rộng các định nghĩa

Nghị định 21 mở rộng thêm các loại tài sản bảo đảm theo sự mở rộng của các biện pháp bảo đảm được quy định trong BLDS, với những biện pháp mới như “bảo lưu quyền sở hữu” và “cầm giữ tài sản”. Cách tiếp cận này cho phép bên bảo đảm sử dụng tối đa tài sản của mình để nhận được khoản vay. Nghị định 163 trước đây quy định rằng, tài sản bảo đảm bao gồm tài sản hiện tại và tài sản hình thành trong tương lai được phép giao dịch. Nghị định 21 hiện tại liệt kê các tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đó bao gồm cả tài sản bán trong hợp đồng mua bán có bảo lưu quyền sở hữu, tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ bị vi phạm trong hợp đồng song vụ đối với quyền cầm giữ tài sản, và tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Ngoài ra, còn có những quy định chi tiết liên quan đến tài sản vô hình, tức quyền tài sản. Ví dụ như, tài sản hình thành từ quyền hưởng dụng và quyền bề mặt, tài sản hình thành do góp vốn, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hay quyền sở hữu trí tuệ đều được xác định là đối tượng của biện pháp bảo đảm. Hiện tại, số dư tiền gửi trong tài khoản ngân hàng và dự án đầu tư cũng có thể là tài sản bảo đảm. Ngoài ra, Nghị định 21 cũng quy định về một số khái niệm cần có sự thống nhất trong cách hiểu, chẳng hạn như các khái niệm về hợp đồng bảo đảm, giấy chứng nhận, thời hạn hợp lý, quyền truy đòi tài sản bảo đảm và mô tả về tài sản bảo đảm.

Hiệu lực của các thỏa thuận bảo đảm

Nghị định 21 đã quy định rõ ràng để phân biệt thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo đảm với thời điểm có hiệu lực đối kháng đối với các bên thứ ba [hiệu lực với bên thứ ba]. Theo đó, một biện pháp bảo đảm chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi hợp đồng bảo đảm có hiệu lực pháp lý. Hiệu lực đối với bên thứ ba có thể phát sinh kể cả khi đăng ký hoặc không đăng ký. Thủ tục đăng ký chỉ được áp dụng trong những trường hợp theo quy định của BLDS, các luật liên quan, dựa trên sự thỏa thuận của các bên hoặc theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm. Nếu không thuộc các trường hợp này, hiệu lực đối với bên thứ ba sẽ bắt đầu kể từ thời điểm nắm giữ tài sản bảo đảm, hoặc nếu là tài sản ký quỹ, thì có hiệu lực kể từ thời điểm số tiền ký quỹ được chuyển vào tài khoản phong tỏa tại tổ chức tín dụng nơi ký quỹ.

Quy định về hợp đồng bảo đảm vô hiệu

Nghị định 21 quy định rằng một hợp đồng bảo đảm có thể bị vô hiệu từng phần. Quy định này bao gồm một số trường hợp cụ thể, chẳng hạn như: tài sản bảo đảm là tài sản thuộc sở hữu chung của một chủ sở hữu không tham gia vào hợp đồng bảo đảm; một phần nội dung của hợp đồng bảo đảm vi phạm điều cấm hoặc hạn chế việc thực hiện các quyền hợp pháp của một bên. Khi một phần của các nội dung trên vô hiệu thì có thể dẫn đến việc hợp đồng bảo đảm bị tuyên bố vô hiệu đối với phần đó. Nhìn chung, hệ quả là phần nghĩa vụ được bảo đảm bị vô hiệu sẽ trở thành nghĩa vụ không có bảo đảm.

Thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm

Thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm gửi cho bên bảo đảm [thường là bên vay] bằng văn bản phải được thực hiện theo hợp đồng bảo đảm và bất kỳ thỏa thuận nào có liên quan. Nếu không có thỏa thuận thì việc thông báo này phải được thực hiện trong một thời hạn hợp lý, nhưng ít nhất là 10 ngày đối với động sản, hoặc 15 ngày đối với bất động sản, trước ngày xử lý tài sản. So với Nghị định 163, nghĩa vụ thông báo được mở rộng đối với tất cả các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm chứ không còn được giới hạn trong các trường hợp có nhiều bên nhận bảo đảm [thường là bên cho vay]. Đồng thời, thời hạn thông báo trước về việc xử lý đối với động sản đã tăng từ 07 ngày lên 10 ngày. Ngoài ra, theo Nghị định 21, văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm có thể được gửi trực tiếp đến địa chỉ của bên bảo đảm thông qua dịch vụ bưu chính, phương thức điện tử hoặc theo quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm. Có một ngoại lệ được đề cập đến, đó là tài sản có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến suy giảm hoặc mất toàn bộ giá trị. Trong trường hợp này, việc xử lý tài sản có thể được tiến hành ngay lập tức và kèm theo thông báo cho bên bảo đảm và các bên nhận bảo đảm khác.

Lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý

Vì Nghị định 21 có quy định về việc một nghĩa vụ được bảo đảm bằng nhiều tài sản và nhiều biện pháp bảo đảm khác nhau nên việc lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý sẽ theo thỏa thuận của các bên. Khi không có thỏa thuận về nội dung này và pháp luật liên quan cũng không có quy định thì bên nhận bảo đảm có thể quyết định xử lý một hoặc một số tài sản cụ thể.

Đầu tư vào tài sản bảo đảm

Khi tài sản bảo đảm trong biện pháp thế chấp được đưa vào đầu tư, phần tài sản tăng thêm do hoạt động đầu tư cũng phải được xác định là tài sản thế chấp. Ngoài ra, việc xem xét này còn phải căn cứ vào thỏa thuận của các bên để xác định phần tài sản phát sinh thêm do hoạt động đầu tư có trở thành tài sản bảo đảm hay không. Việc xử lý tài sản bảo đảm được đưa vào đầu tư được chia thành từng trường hợp cụ thể với những cách xử lý khác nhau.

[a] Nếu phần tài sản tăng thêm do hoạt động đầu tư có thể tách rời, phần đó sẽ được loại trừ khỏi phần tài sản bảo đảm bị xử lý và được trả lại cho bên đầu tư. Ngược lại, nếu phần tài sản tăng thêm không thể tách rời hoặc việc tách rời sẽ làm giá trị bị suy giảm hoặc mất đi, khi đó phần tăng thêm này sẽ được xử lý cùng với tài sản bảo đảm và phần giá trị tương ứng sẽ được thanh toán lại cho bên đầu tư.

[b] Nếu phần tăng thêm do hoạt động đầu tư được bảo đảm cho các nghĩa vụ khác thì sẽ tuân theo các quy định tương ứng để xử lý. Đó là các quy định điều chỉnh về các vấn đề: [i] nghĩa vụ thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm và [ii] thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm.

Kết luận

Thoạt nhìn qua, Nghị định 21 giúp cho việc thực hiện các biện pháp bảo đảm và giao dịch bảo đảm được phù hợp với quy định của BLDS. Mặc dù không có bước đột phá lớn nào đem đến các tác động pháp lý đáng kể, tuy nhiên xét từ góc độ kinh doanh, việc mở rộng sự tôn trọng dành cho những thỏa thuận và ý chí thống nhất chung của các bên đã là một dấu hiệu tích cực và tiến bộ.

Chủ Đề