Phong trào Ánh sáng văn hóa hè là tiên thân của chiến dịch nào

Phong trào thanh niên tình nguyện bùng lên như lửa, lan trong mọi giới, tới cả các nước bạn, nhưng chưa có được dấu ấn vật chất nổi bật, người gieo hạt “Mùa hè xanh” trăn trở.

TS. Nguyễn Phú Bình, người gieo hạt “Mùa hè xanh”.

Phong trào thanh niên tình nguyện với tên gọi chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè, rồi sau đó là Mùa hè xanh có sức sống mãnh liệt và trở thành thương hiệu lớn của Đoàn Thanh niên gần 2 thập kỷ qua.

Khởi phát từ TP.HCM, phong trào nhanh chóng lan tỏa khắp cả nước và vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam đến với nước bạn Lào, Campuchia, thu hút hàng triệu lượt thanh niên tham gia. Không chỉ trong thanh niên, ngọn lửa tình nguyện còn lan tỏa trong mọi giới, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hôm nay.

Dù vậy, đến nay vẫn không mấy ai biết về người gieo hạt mầm cho phong trào thanh niên tình nguyện đầy sức sống này. Đó là Tiến sỹ Nguyễn Phú Bình, hiện là Phó Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước - Ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Đoàn trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Đầu xuân, anh trò chuyện về phong trào thanh niên tình nguyện với cả niềm tự hào và sự trăn trở.

Một thời mãi xanh

Anh kể: Trong chương trình đào tạo của ĐH Sư phạm TP.HCM ngày trước có một chương trình ngoại khóa, gọi là thực hành chính trị - xã hội. Mỗi năm, sinh viên phải có 15 ngày tham gia chương trình này. Đến 1985, nhà trường giao chương trình này cho Đoàn Thanh niên chủ trì và từ đó trở thành hoạt động sinh viên tình nguyện.

Lúc ấy tôi là Chủ tịch Hội Sinh viên và anh Huỳnh Công Ba là Trưởng ban Công tác xã hội Đoàn trường [hiện anh Ba là Trưởng phòng Công tác chính trị ĐH Sư phạm], cứ hè đến, hai anh em lại cùng nhau dẫn đội hình sinh viên sư phạm đi công tác hè ở các nông trường cao su, có năm đến 500 sinh viên tham gia.

Năm 1987, tôi và Huỳnh Công Ba cùng tốt nghiệp ra trường và phong trào tình nguyện của sinh viên ĐH Sư phạm cũng gián đoạn từ đó.

Năm 1990, chúng tôi được giao nhiệm vụ trở lại Đoàn trường: tôi là Bí thư và Huỳnh Công Ba là Phó bí thư.

Việc đầu tiên và như duyên nợ, tôi và Huỳnh Công Ba nghĩ ngay đến việc khôi phục hoạt động tình nguyện hè của sinh viên ĐH Sư phạm như một phong trào mũi nhọn và ngay mùa hè năm đó, chúng tôi tổ chức đội hình nhỏ khoảng 40 sinh viên về Củ Chi làm công tác xóa mù chữ.

Các năm 1991, 1992, chúng tôi mở rộng đội hình ra toàn huyện Củ Chi và sang cả Tây Ninh. Hoạt động tình nguyện bấy giờ được xem như độc quyền của sinh viên sư phạm.

Giữa năm 1992 tôi được rút về Thành Đoàn, làm Phó ban Đại học - Chuyên nghiệp và ý tưởng tổ chức đội hình lớn sinh viên thành phố tham gia các hoạt động xã hội đeo đẳng tôi từ đó.

Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè 1994 là một kỷ niệm đã không thể nào quên. Dù đã gần 20 năm qua đi, nhưng nó vẫn như đốm lửa âm ỉ trong lòng tôi - đốm lửa của sự hy sinh, của sự ẩn nhẫn, nhưng lớn hơn hết là đốm lửa của lòng nhiệt thành giúp tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc đời.

Nhưng phải đến năm 1994, sau khi Ủy ban trù bị Hội Sinh viên Thành phố được thành lập [11/1993], với cương vị Phó chủ tịch thường trực, tôi mới chính thức đề xuất khởi xướng Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè 1994, đưa 700 sinh viên 10 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp về 10 xã thuộc huyện Bình Chánh [TP.HCM] làm công tác xóa mù chữ.

Năm 1997, Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè được Thành đoàn đổi tên thành Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh. Từ năm 2000, Trung ương Đoàn tổ chức chiến dịch thanh niên, sinh viên học sinh hè tình nguyện hằng năm và từ đó trở thành một phong trào rộng khắp trong cả nước.

- Theo anh, điều gì làm nên sức sống mãnh liệt của phong trào thanh niên tình nguyện?

- Tôi cho rằng, có 4 yếu tố để làm nên sức sống của phong trào thanh niên tình nguyện. Thứ nhất, phong trào đã khai thác đúng tính cách điển hình của tuổi trẻ là dấn thân - tình nguyện, một yếu tố làm nên sức sống của phong trào và có sức hút lớn đối với tuổi trẻ.

Không có chất lửa, chất cống hiến, chất lý tưởng, dấn thân tình nguyện thì không thể có một phong trào thanh niên đích thực. Chính ý tưởng về một phong trào tuổi trẻ dấn thân - tình nguyện đã thôi thúc quyết tâm của những người khởi xướng chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè 1994.

Thanh niên tình nguyện làm đường tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ hai, phong trào thanh niên tình nguyện có tính kế thừa, lan tỏa và tính xã hội hóa rất lớn. Ban đầu là Ánh sáng văn hóa hè, rồi chuyển thành Mùa hè xanh; trong chiến dịch lớn lại có từng chiến dịch nhỏ thích hợp với từng đối tượng như Hoa phượng đỏ, Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh... Lúc đầu chỉ là xóa mù chữ, dần mở rộng tham gia trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa... Từ 700 chiến sĩ đến giờ đã có hơn 4 triệu thanh niên - sinh viên cả nước tham gia phong trào.

Không chỉ ở TP.HCM, dấu chân tình nguyện đã in trên mọi vùng miền đất nước: từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến các vùng cao, biên giới, hải đảo… và cả trên các nước bạn Lào, Campuchia.

Không chỉ ở cơ sở Đoàn, phong trào tình nguyện còn lan vào các cơ quan, doanh nghiệp; chất tình nguyện không chỉ ở tuổi trẻ mà lan ra cả phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi… Mùa hè xanh bây giờ đã trở thành một phần của cuộc sống trong suốt 20 năm qua.

Thứ ba, Thanh niên tình nguyện không chỉ đơn thuần là một phong trào quần chúng mà còn là một phương thức giáo dục, rèn luyện thanh niên hữu hiệu.

Các trường học xem đó là môi trường thực hành chính trị - xã hội của sinh viên - học sinh. Tổ chức Đoàn, Hội xem đây là trường học thực tiễn rèn luyện, đào tạo cán bộ, thủ lĩnh thanh niên, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú cho Đảng.

Thứ tư, phong trào được nuôi dưỡng bởi chất lãng mạn của tuổi trẻ. Thanh niên tình nguyện đi đến các công trình lao động không phải chỉ với mục tiêu công việc cụ thể như người công nhân bình thường, mà còn có cả lòng nhiệt huyết và tâm hồn lãng mạn của tuổi trẻ; ở đó còn có tình bạn, tình yêu, tình dân tộc, nghĩa đồng bào và biết bao ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ.

Để “Mùa hè xanh” chín

- Theo anh, làm thế nào để “Mùa hè xanh” chuyển biến về chất mà không chỉ là một phong trào thuần túy đến hẹn lại lên?

- Tôi nghĩ, những đội hình thanh niên tình nguyện đi đến đâu phải chuyển được lửa, được chất tình nguyện đến đó. Không chỉ đội hình tình nguyện làm mà các bạn trẻ ở đó cùng làm, cả cộng đồng cùng làm; tức ngọn lửa tình nguyện phải được thổi vào và lan ra trong cuộc sống để sau khi đội hình tình nguyện rút đi sẽ có một lớp thanh niên tình nguyện tại chỗ được hình thành.

Các chiến dịch tình nguyện, đội hình tình nguyện chỉ thật sự thành công khi chuyển lửa được cho các bạn trẻ ở các địa phương. Cần đa dạng các loại hình tình nguyện: bên cạnh các đội hình tình nguyện, chiến dịch tình nguyện, các chương trình dự án tình nguyện…

Dù chia tay công tác Đoàn đã lâu, nhưng những năm qua, tôi vẫn luôn dõi theo từng bước đi của phong trào thanh niên tình nguyện và nhận thấy mặc dù có rất nhiều thành công, sức quảng bá rất lớn, nhưng dường như phong trào của chúng ta vẫn thiếu một dấu ấn vật chất nổi bật.

Nói đến phong trào thanh niên XHCN thời kỳ thập niên 70-80 của thế kỷ trước, người ta nhớ đến công trình Thủy điện Sông Đà, nhưng phong trào thanh niên tình nguyện thời kỳ đổi mới 20 năm qua vẫn chưa lưu lại được một dấu ấn vật chất xứng tầm như thế.

Tôi nghĩ, các chiến dịch tình nguyện phải đồng thời đạt được 2 mục đích: rèn luyện và cống hiến; vừa thông qua hành động thực tiễn để giáo dục rèn luyện bản lĩnh, ý thức cộng đồng cho tuổi trẻ, vừa góp phần thiết thực vào các vấn đề kinh tế - xã hội.

Theo Tiền phong

Phóng to

Anh Nguyễn Thành Phong [bìa phải] trao đổi với các SV Mỹ tham gia Mùa hè xanh tại Bến Tre khi còn là bí thư thường trực T.Ư Đoàn - Ảnh: Quốc Linh

TT - "Khi còn là bí thư Thành đoàn, chuẩn bị cho Mùa hè xanh mỗi năm, tôi luôn nói anh em phải tìm cho được cái mới, cả nội dung lẫn hình thức, chứ không phong trào sẽ đi vào lối mòn và chựng lại" - nguyên bí thư Thành đoàn TP.HCM Nguyễn Thành Phong [nay là bí thư Quận ủy quận 2] chia sẻ.

Cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Thành Phong vào một trưa hè tháng tám, khi những ngày hè tình nguyện đang bước vào giai đoạn kết thúc, với người "khai sinh" chiến dịch Mùa hè xanh năm nào vẫn còn đó những trăn trở...

* Chiến dịch Mùa hè xanh ra đời phải chăng vì "Ánh sáng văn hóa hè” lúc ấy đã hoàn thành nhiệm vụ hay bắt đầu có những dấu hiệu đi xuống, thưa anh?

- Chiến dịch "Ánh sáng văn hóa hè”, mà khởi nguồn từ ĐH Sư phạm, ban đầu chỉ tập trung vào việc xóa mù chữ tại các huyện ngoại thành TP, và được thực hiện bằng nguồn quỹ dành cho việc xóa mù chữ của Sở Giáo dục - đào tạo. Khi tôi chuyển từ Trường ĐH Kinh tế TP.HCM về làm chủ tịch Hội SV TP, chiến dịch này cũng hết nhiệm vụ do TP đã hoàn thành việc xóa mù chữ.

Nhưng tình nguyện đã trở thành nhu cầu của một bộ phận SV lúc ấy. Mặt khác, tôi thấy nếu đi suốt một tháng mà chỉ có việc ôn tập, dạy chữ thôi cũng phí, trong khi thực tế nhiều bạn sau giờ lên lớp còn cùng người dân làm được nhiều việc khác. Được giao phụ trách hè, tôi ngồi lại với anh em để tìm ra phương thức hoạt động mới, với mong muốn các bạn không chỉ tham gia bằng sự tự nguyện mà còn áp dụng được kiến thức chuyên ngành được đào tạo vào thực tế.

Nhiều ý kiến cho rằng chiến dịch phải toát lên được ý là SV đóng góp làm cho đời xanh hơn vì SV vốn bay bổng, lãng mạn. Mùa hè xanh chính thức ra đời và ra quân lần đầu năm 1997. Sau những năm đầu diễn ra tại TP.HCM, năm 2000 lãnh đạo TP cho phép mở rộng đến hai tỉnh Bến Tre, Trà Vinh; rồi 2001 đi lên mặt trận Tây nguyên, sau đó là các tỉnh miền Trung. Đến nay thì sang cả hai nước bạn Lào và Campuchia.

* Đâu là điều anh cảm nhận rõ nhất trong suốt nhiều năm gắn bó với phong trào tình nguyện?

- Tôi thích nhất khi đi thăm chiến sĩ, nghe chính các bạn tự tin khẳng định mình đã trưởng thành hơn khi đi chiến dịch. Càng đi vào những nơi xa xôi, các bạn càng cảm nhận được rõ hơn sự khó khăn của đất nước mình, nhiều người dân còn sống một cuộc sống nghèo khổ để ý thức phấn đấu vươn lên hơn nữa. Có thể ngay tại thời điểm ấy, các bạn chưa hình dung hay tự đặt ra cho mình nhiệm vụ lớn lao gì đối với sự phát triển của đất nước, nhưng chỉ cần mỗi bạn tự ý thức hơn trong việc học, rèn luyện nhân cách của mình đã là thành công rồi.

Có thể nói chúng ta đã là người thiết kế, góp phần tạo ra một lớp SV trưởng thành về nhân cách, suy nghĩ. Vì hơn ai hết, mỗi chiến sĩ không chỉ tham gia phong trào để được rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, mà còn là đồng tác giả tạo ra những cái mới và hưởng thụ cái mới ấy.

* Từ năm 2005, Mùa hè xanh tìm được phương thức mới là đội hình chuyên. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhận định cho rằng Mùa hè xanh bắt đầu trở nên "già” và dường như đang đứng lại...

- TP.HCM luôn tự hào là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào lớn cả nước, trong đó có phong trào tình nguyện. Có một quy luật tất yếu là khi không tìm ra cái mới chắc chắn một lúc nào đó phong trào sẽ đi vào lối mòn và chựng lại. Tôi thấy đâu đó dường như còn xuất hiện những hoạt động kiểu "đến hẹn lại lên". Là người nhiều năm gắn với phong trào, theo dõi từng bước đi của phong trào, tôi thấy có hai điều muốn nói:

Thứ nhất, nên có đánh giá lại những kết quả trong thời gian qua, đồng thời thu nhận thêm ý kiến của các thủ lĩnh thanh niên để tìm bước đi thích hợp cho phong trào. Chẳng hạn mình nên xuất phát ở suy nghĩ mình là người gầy dựng phong trào, ươm mầm cho phong trào tình nguyện ở nơi đến chứ không chỉ đi làm thay họ. Do đó, chiến dịch có thể thu hẹp địa bàn lại để tăng tính chủ động cho địa phương chứ không phải bỏ hẳn.

Thứ hai, phải tăng "hàm lượng chất xám" khi thiết kế phong trào. Một số hoạt động còn nặng về tính cộng đồng mà chưa dương cao ngọn cờ trong việc chiếm lĩnh tri thức. Thanh niên lên rừng xuống biển là đúng rồi, nhưng cũng phải là lực lượng tiên phong trong việc chiếm lĩnh tri thức, những đỉnh cao khoa học công nghệ. Ví dụ các chiến dịch tình nguyện có thể đi vào vấn đề môi trường của TP hiện nay. Không chỉ là chuyện tổng vệ sinh, quét rác, mà là tham gia các dự án góp phần cùng TP giải quyết vấn đề môi trường ngày càng ô nhiễm chẳng hạn.

QUỐC LINH thực hiện

Video liên quan

Chủ Đề