Phát biểu cảm nghĩ về một bài thơ hoặc tác phẩm văn học mà anh chị yêu thích

  1. Trang chủ
  2. Lớp 10
  3. Văn mẫu lớp 10
  4. BÀI VIẾT SỐ 1 LỚP 10 ĐỀ 5: Phát biểu cảm nghĩ về 1 bài thơ hoặc tác phẩm văn học mà anh chị yêu thích lớp 10

Phát biểu cảm nghĩ về 1 bài thơ hoặc tác phẩm văn học mà anh chị yêu thích lớp 10 - BÀI VIẾT SỐ 1 LỚP 10 ĐỀ 5

Chia sẻ

Hướng dẫn làm bài viết số 1 lớp 10 đề 5: Phát biểu cảm nghĩ về 1 bài thơ hoặc tác phẩm văn học mà anh chị yêu thích ngắn gọn và hay nhất

Các bài viết về chủ đề bài viết số 1 lớp 10 được quan tâm trên Wikihoc:

  • BÀI VIẾT SỐ 1 LỚP 10 ĐỀ 2: Cảm nghĩ thiên nhiên và đời sống của con người trong thời khắc chuyển mùa lớp 10
  • BÀI VIẾT SỐ 1 LỚP 10 ĐỀ 3: Cảm nghĩ về một người thân yêu nhất của anh chị lớp 10
  • BÀI VIẾT SỐ 1 LỚP 10 ĐỀ 2: Nêu cảm nghĩ sâu sắc nhất về câu chuyện "Chiếc lược ngà" lớp 10
  • BÀI VIẾT SỐ 1 LỚP 10 ĐỀ 2: Nêu cảm nghĩ sâu sắc nhất về "Chuyện người con gái nam xương"
  • BÀI VIẾT SỐ 1 LỚP 10 ĐỀ 1: Cảm nghĩ những ngày đầu tiên bước vào trường trung học phổ thông lớp 10
  • BÀI VIẾT SỐ 1 LỚP 10 ĐỀ 4: Nêu cảm nghĩ sâu sắc nhất về một câu chuyện anh chị đã học

Mỗi tác phẩm văn học đều là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ, là kết quả của một quá trình “tiêu tốn ngàn cân quặng chữ mới thu về được một chữ mà thôi”. Vì thế tác phẩm văn học không chỉ mang chức năng thẩm mỹ mà nó còn có chức năng giáo dục, hướng con người hướng đến những giá trị chân-thiện-mĩ trong cuộc sống. Với mỗi tác phẩm, chắc hẳn đều ít nhiều in dấu trong lòng độc giả. Có người yêu thích chất triết lý trữ tình trong thơ Tố Hữu, có người như tìm về tuổi thơ qua các tác phẩm truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Bài viết dưới đây là bài viết số 1 lớp 10 đề 5: Phát biểu cảm nghĩ về 1 bài thơ hoặc tác phẩm văn học mà anh chị yêu thích. Tùy vào sở thích mỗi người mà chọn cho mình một tác phẩm tâm đắc nhất. Một tác phẩm bao gồm nhiều vấn đề, ý nghĩa mà tác giả gửi gắm, do đó khi cảm nhận có thể chọn một vấn đề để nêu cảm nghĩ của mình một cách sâu sắc nhất. Hy vọng bài văn mẫu mà chúng tôi đưa ra sẽ phần nào giúp các bạn hoàn thành bài tập thật tốt.

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 PHÁT BIỂU CẢM NGHĨ VỀ MỘT BÀI THƠ HOẶC MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC MÀ ANH CHỊ YÊU THÍCH

Chúng ta hẳn còn nhớ về hai nhân vật trung tâm trong tuyệt tác “Cánh buồm đỏ thắm” của A.Grin: Grey và Assol. Từ nhỏ, Grey tỏ ra là một cậu bé tò mò, nghịch ngợm, hiếu động và không kém phần hồn nhiên. Dù bị giam cầm trong tòa lâu đài, cậu bé vẫn luôn tự tìm cho mình một món đồ chơi nào đó. Trái ngược với Grey, cô bé Assol luôn được tự do. Nhưng cô bị giam cầm bởi những định kiến mà xã hội “dán nhãn” cho cô. Grey và Assol có từ bỏ cá tính của mình hay không? Không, họ không từ bỏ nó.

Với Grey, bị giam cầm trong lâu đài không có nghĩa là bị cầm tù. Cậu ta không để yên cho tòa lâu đài đó. Lục lọi, khám phá, vẽ lên bức tranh và làm hỏng nó, trò chuyện với những người trong lâu đài như với bạn…Những chi tiết đó không cho thấy cậu bé thích phá phách mà tô đậm lên tính cách hồn nhiên, trong sáng của cậu bé. Còn Assol, “nó ngồi lên gối cha”, “bận bịu khám phá chiếc áo gile”, “cất tiếng hát một cách ngộ nghĩnh”, “giống như một chú gấu thắt những dải nơ xanh đang nhảy múa”…Những nét dễ thương ấy đủ để khắc họa tâm hồn trong sáng của cô bé. Những lời chê bai, định kiến kia càng làm cô vững tin về một ngày tốt đẹp, một ngày được thấy “cánh buồm đỏ thắm” mà cô đang mong chờ. Dù cha cô có bị khinh miệt, cô vẫn thân thiết và chuyện trò với cha như ngày nào. Cô không lo ngại không có ai lắng nghe và nói chuyện với cô, mà cô coi cỏ cây, tất cả, tất cả đều lắng nghe và dõi theo bước chân mình. Chính điều đó tạo cho cô một vẻ đẹp khác biệt so với những đứa trẻ khác.

Grey và Assol đều là những đứa trẻ mang trong mình tâm hồn trong sáng, thánh thiện và hồn nhiên đến lạ. Những ý nghĩ lạc quan, yêu đời ấy có sức mạnh thật là kỳ diệu. Nó có thể xua đi nỗi buồn, xua tan màn đêm, đem lại niềm tin, hy vọng đến cho bao người. Khác với những đứa trẻ xung quanh, Grey và Assol không bao giờ mặc cảm về mình hay để ý đến những điều mà mọi người nói với mình. Khi người ta gọi cha của Assol là kẻ giết người, gọi cô bé là kẻ mất trí, chỉ vì cô có ý nghĩ về cánh buồm đỏ thắm và chàng hoàng tử trong lời tiên tri, cô bé có đánh mất niềm tin không? Và Grey, có gì có thể giam cầm cậu không?

Không! Không có gì có thể cướp đi niềm tin, hy vọng và tâm hồn trong vắt của họ. Bởi sự hồn nhiên và những ý nghĩ lạc quan của họ không cho phép, nói chính xác hơn, chúng trở thành những bức tường kiên cố ngăn thế giới tuổi thơ với cái thế giới đầy rẫy những định kiến bất công kia.

BÀI LÀM VĂN MẪU SỐ 2PHÁT BIỂU CẢM NGHĨ VỀ MỘT TÁC PHẨM THƠ HOẶC VĂN HỌC MÀ ANH CHỊ YÊU THÍCH.

Bác Hồ - Vị lãnh tụ vĩ đại, Người cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.Dù Người đã đi xa mãi mãi nhưng công lao to lớn, tấm lòng bác ái và tình yêu thương bao la mà Bác để lại cho chúng ta vẫn sẽ sống mãi trong trái tim và tâm hồn của những người con đất Việt. Đã có rất nhiều áng thơ, áng văn, những bản nhạc bày tỏ sự kính yêu, lòng biết ơn và nỗi nhớ thiết tha của những người con Việt Nam gửi đến Bác.Một trong số những tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc cùng sự xúc động mãnh mẽ trong tâm trí tôi đó là bài “ Viếng lăng Bác’’ của nhà thơ Viễn Phương.

Bài thơ mở đầu bằng niềm cảm xúc da diết và nỗi nhớ nghẹn ngào của nhà thơ :

  • “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
  • Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát’’

Câu thơ giống như một lời tự sự nghẹn ngào của tác giả,của đứa con đi xa lâu ngày được trở về thăm Bác kính yêu, dường như nỗi nhớ ấy đã được dồn nén chỉ chờ đến ngày nhà thơ được gặp Bác mà không kìm được đã bật ra nức nở và nhớ thương.Ấy cũng là nỗi niềm,là tình cảm chung của đồng bào chiến sĩ miền Nam gửi gắm đến vị lãnh tụ vĩ đại tôn kính của dân tộc.Hình ảnh đầu tiên xuất hiện trước mắt nhà thơ khi về thăm Bác đó là hình ảnh của hàng tre xanh bát ngát – biểu tượng mộc mạc gắn liền với làng quê Việt Nam,bình dị và gần gũi như Bác lúc sinh thời.Không chỉ vậy hàng tre xanh đặc biệt còn tượng trưng cho tinh thần bất khuất kiên cường của người dân Việt Nam không bao giờ lùi bước trước kẻ thù,dù mộc mạc mà thanh cao,nghị lực

  • “Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
  • Bão táp mưa sa,đứng thẳng hàng.’’

Bây giờ hàng tre ấy lại ở đây ngày đêm chở che cho giấc ngủ bình yên của Bác,giống như dù Bác đã đi xa nhưng tâm hồn và trái tim của Người thì vẫn luôn gắn bó thiết tha với quê hương,đất nước.

Bác nằm đó bình yên giữa muôn vàn nỗi nhớ thương và lòng kính yêu vô hạn :

  • “ Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
  • Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
  • Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
  • Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.’’

Ở khổ thơ thứ hai này nhà thơ đã tạo nên hai cặp câu, mỗi cặp câu đều có sự sóng đôi của hình ảnh ẩn dụ và tả thực. Hai câu thơ đầu có hình ảnh của “ mặt trời” , “ mặt trời” ở câu thơ thứ nhất là mặt trời của tự nhiên, vũ trụ ngày ngày soi sáng cho nhân loại. “Mặt trời” ở câu thơ thứ hai chính là Bác Hồ, việc ví Bác với hình ảnh mặt trời nhà thơ vừa ca ngợi sự vĩ đại, vừa nhấn mạnh tư tưởng nhân cách ngời sáng của Người đồng thời thể hiện lòng tôn kính biết ơn của nhân dân, của tác giả đối với Bác. Người là vầng mặt trời rực rỡ, tỏa ánh hào quang soi sáng con đường giải phóng, đưa dân dộc ta từ cuộc sống đói khổ lầm than, xiềng xích đến với cuộc đời tự do, hạnh phúc.Hai câu thơ tiếp theo nhà thơ miêu tả hình ảnh dòng người lần lượt nối nhau vào viếng lăng Bác. Điệp từ “ngày ngày” diễn tả vòng thời gian tuần hoàn liên tục, những hàng người như thể vô tận cứlần lượt xếp hàng vào thăm Bác với lòng thành kính và nỗi nhớ thương vô tận. Những người con từ khắp mọi miền tổ quốc đều đã về đây kết thành tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân- tượng trưng cho bảy mươi chín năm cuộc đời Bác dành trọn cống hiến cho dân tộc, cho non sông gấm vóc Việt Nam.

Thời gian và không gian dường như ngưng đọng lại trong khung cảnh bình yên khi nhà thơ nhìn thấy Bác, chỉ có cảm xúc nghẹn ngào là dường như được đẩy cao hơn

  • “ Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
  • Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”

Nghệ thuật nói giảm nói tránh “ giấc ngủ bình yên” dường như đã làm dịu đi nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn của dân tộc Việt Nam khi Bác đã ra đi. Người thực chất chỉ đang ngủ thôi, một giấc ngủ ngàn thu bình yên, nhẹ nhàng và thanh thản biết bao. Hình ảnh ẩn dụ “ vầng trăng sáng dịu hiền ” là một hình ảnh vô cùng đẹp, giàu chất thơ, nó tượng trưng cho tâm hồn cao đẹp, tươi sáng như ánh trăng của Người. Hình ảnh mặt trời ở khổ thơ trên kết hợp với “ vầng trăng sáng” ở khổ thơ thứ ba đã hoàn thiện bức chân dung vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta : chói lòa, rực rỡ, thanh cao, hiền lương và tràn đầy gần gũi, thương mến. Vầng trăng ấy cũng là người bạn tri kỉ xuất hiện trong những vần thơ của Bác, giờ đây lại âm thầm tỏa ánh sáng dịu hiền trông coi cho giấc ngủ của Người cha già kính yêu. Tâm trạng nghẹn ngào dường như được lắng xuống thay vào đó là nỗi xót xa, đau đớn tiếc nuối của nhà thơ :

  • “ Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
  • Mà sao nghe nhói ở trong tim.”

Hình ảnh “ trời xanh mãi mãi “ tượng trưng cho hình ảnh Bác sẽ luôn còn sống mãi trong trái tim trí óc của nhân dân Việt Nam cũng như sự nghiệp và tư tưởng của Người sẽ trường tồn với năm tháng như bầu trời xanh thẳm của tự nhiên. Dẫu biết là như vậy nhưng nỗi mất mát quá lớn đã khiến nhà thơ không điều khiển được cảm xúc mà bật ra sự xót thương nghẹn ngào, từ “nhói” làm cho ta cảm nhận được dường như đã có những giọt nước mắt tuôn rơi trên mặt và cả trong trái tim nhà thơ.

Nếu như những khổ thơ trên vẫn là sự kìm nén gắng gượng cảm xúc của nhà thơ thì đến khổ thơ cuối nghĩ đến lúc sắp phải trở về ông đã không thể nén lòng mình được nữa mà bật ra những tiếng nức nở đầy xúc động :

  • “ Mai về miền Nam thương trào nước mắt
  • Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
  • Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
  • Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”

Biết bao lưu luyến, buồn thương, nhớ nhung đến “ trào nước mắt”, khổ thơ với cách sử dụng điệp từ, điệp ngữ “ muốn làm” lặp đi lặp lại ba lần khiến nhịp thơ trở nên dồn dập, mãnh liệt diễn tả niềm khát khao ước nguyện chân thành của Viễn Phương. Ông mong muốn được trở thành những hình ảnh rất đẹp : làm con chim cất cao tiếng hót ru giấc ngủ bình yên của Bác, làm bông hoa tỏa hương khoe sắc cho nơi Bác nằm. Đặc biệt là hình ảnh “ cây tre trung hiếu” trong câu kết của bài thơ khiến chúng ta liên tưởng đến hàng tre ở những câu thơ đầu tiên trong bài, tượng trưng cho lòng thành kính trung hạn của nhà thơ đối với Bác. Hay cũng là ước nguyện chung của tất cả người dân Việt Nam đời đời biết ơn, thủy chung đi theo con đường cách mạng lý tưởng mà Bác đã gây dựng.

Bài thơ “ Viếng lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương đã để lại trong lòng tôi niềm xúc động nghẹn ngào và nỗi nhớ thương vô hạn dành cho vị Cha già kính yêu của dân tộc. Dù Bác đã đi xa mãi mãi nhưng nhân cách sáng ngời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác sẽ còn sống mãi trong tim con người Việt Nam, trong những áng thơ áng văn dạt dào.

Video liên quan

Chủ Đề