Nếu không có biển động thiên nhiên nước ta sẽ như thế nào

02/12/2017 03:37:00 AM

[Canhsatbien.vn] - 

Biển Đông là một trong những vùng biển chiến lược quan trọng nhất trên thế giới với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, trữ lượng dầu mỏ, khí đốt dồi dào, tập trung nhiều tuyến giao thông hàng hải quốc tế quan trọng, được mệnh danh là “con đường tơ lụa trên biển” nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hiện nay ngày càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, tác động lớn đến môi trường hòa bình ổn định của khu vực, chủ quyền và lợi ích của nhiều nước. Vì vậy, Biển Đông có một vai trò hết sức to lớn không chỉ đối với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền, các quốc gia ven biển mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới.1. Vai trò của Biển Đông đối với các nước có tuyên bố chủ quyền Thứ nhất: Đối với Trung Quốc, Biển Đông có vai trò rất quan trọng bởi những lý do sau:Một là: Xét về yếu tố địa chính trị, Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng để Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng trở thành cường quốc biển và cường quốc thế giới. Muốn vậy, Trung Quốc cần phải mở rộng không gian sinh tồn. Tuy nhiên, nếu mở rộng lên phía Bắc, Trung Quốc phải đối mặt với vùng khí hậu khắc nghiệt, đối mặt với Nga, một siêu cường về quân sự; phát triển sang phía Tây và Tây Nam, là vùng rừng núi hiểm trở, không thuận tiện cho việc giao thương; hướng sang phía Đông là Nhật Bản, Đài Loan, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không thuận tiện cho quá trình lưu thông thương mại đối với khu vực và thế giới. Trong khi đó, ở phía Nam là các quốc gia nhỏ, không có mối quan hệ bền chặt với các siêu cường trên thế giới nhưng lại có một vùng biển “màu mỡ”, đầy tiềm năng, do đó chỉ có phát triển xuống phía Nam, giành quyền kiểm soát Biển Đông, sẽ mở rộng được “không gian sinh tồn”, vì vậy Trung Quốc đã tập trung phát triển lực lượng Hải quân hùng mạnh.

Hai là: Giành quyền kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc sẽ giành được nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, đa dạng và dồi dào, đặc biệt là dầu khí. Đối với Trung Quốc, đây là một thứ tài sản vô cùng quý giá để đáp ứng “cơn khát” năng lượng của mình. Gần 4 thập niên cải cách mở cửa để phát triển về kinh tế, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc ngày càng trở lên cấp bách, cụ thể như: Năm 2000, Trung Quốc tiêu thụ năng lượng bằng một nửa Mỹ, nhưng đến năm 2009, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nước tiêu thụ và nhập khẩu năng lượng nhiều nhất thế giới. “Cơn khát” năng lượng thực sự khiến Trung Quốc tích cực tìm kiếm nguồn năng lượng ở khắp các châu lục trên thế giới, đặc biệt là Trung Đông và Bắc Phi. Tuy nhiên, phần lớn các nguồn năng lượng nhập khẩu của Trung Quốc ở khu vực này đều đi qua Biển Đông, chi phí vận chuyển lớn, vấn đề an ninh, an toàn hàng hải phức tạp... Trong khi đó, Biển Đông được đánh giá là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới, với trữ lượng dầu mỏ ước tính lên đến hàng trăm tỉ thùng. Do đó, nếu kiểm soát được Biển Đông, Trung Quốc sẽ làm chủ được nguồn tài nguyên quý giá đó, đáp ứng “cơn khát” năng lượng hiện tại và tương lai của Trung Quốc.

Biển Việt Nam.

Ba là: Giành quyền kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc sẽ kiểm soát được nhiều tuyến giao thông hàng hải quốc tế quan trọng nhất thế giới, kiểm soát được tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á, kiểm soát được con đường vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nếu kiểm soát được Biển Đông, làm chủ được các tuyến đường thương mại trên Biển Đông, Trung Quốc vừa có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đoàn vận chuyển dầu của mình từ Trung Đông, Bắc Phi về, mà còn áp đặt được ý chí chính trị của mình đối với các nước trong và ngoài khu vực có các hoạt động giao thương, vận chuyển liên quan đến các tuyến hàng hải trên Biển Đông, khống chế được Nhật Bản, Hàn Quốc, làm thất bại chiến lược “xoay trục” châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, đồng thời tăng cường và mở rộng tầm ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực đối với các nước ASEAN..Bốn là: Khống chế, làm chủ được Biển Đông là một trong những yếu tố hết sức quan trọng để Trung Quốc thực hiện được tham vọng nước lớn, hiện thực hóa giấc mơ Đại Trung Hoa. Ngược lại, nếu mất quyền kiểm soát Biển Đông, bị phong tỏa các tuyến giao thông huyết mạch qua Biển Đông, nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc bị gián đoạn, nền kinh tế, xã hội của Trung Quốc sẽ bị tác động nghiêm trọng. Chính vì vậy, trong nhiều năm gần đây, Trung Quốc đã, đang nỗ lực thúc đẩy nhiều hoạt động nhằm kiểm soát toàn bộ Biển Đông bằng nhiều biện pháp. Trên biển, Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp cứng rắn nhằm hiện thực hóa tham vọng chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự đặt ra. Trên phương diện ngoại giao, Trung Quốc luôn kêu gọi các nước có liên quan giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế, thực thi DOC và các cam kết quốc tế. Trên phương diện thông tin, truyền thông quốc tế, thực tế Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp quảng bá chủ quyền phi lý của mình trên Biển Đông... Trung Quốc đã không ngừng hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là Hải quân. Với học thuyết “phòng thủ tích cực từ ngoài khơi”, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, tăng cường huấn luyện, rèn luyện để lực lượng Hải quân có khả vươn ra biển lớn, đáp ứng những đòi hỏi phát triển “cường quốc biển” của Trung Quốc. Theo đó, năm 1995, Trung Quốc trang bị tàu khu trục thế hệ mới cho Hải quân. Đến năm 2010, lực lượng Hải quân Trung Quốc đã ở vị thế áp đảo so với các nước và vùng lãnh thổ khác xung quanh Biển Đông với quân số lên tới 255.000 quân, hơn 60 tàu ngầm, 55 tàu đổ bộ, 70 tàu tuần tra có trang bị tên lửa, radar hiện đại. Chủng loại, số lượng và chất lượng các phương tiện của Hải quân Trung Quốc không ngừng tăng mạnh và trở thành một trong những quốc gia có lực lượng Hải quân hùng mạnh nhất thế giới hiện nay và bước đầu đã “vươn ra biển lớn”. Đặc biệt lực lượng Hải quân của Trung Quốc ở Biển Đông còn có chiến lược phát triển riêng để thực hiện mục tiêu giành quyền chủ động quản lý kiểm soát vùng biển đầy tiềm năng này. Thứ hai: Đối với Việt Nam, Biển Đông có vai trò vô cùng quan trọng cả về kinh tế, chính trị - xã hội, quốc phòng an ninh, là cửa ngõ chính để kết nối Việt Nam với khu vực và thế giới, cụ thể là: Biển Đông được ví như cửa ngõ quốc gia, là nơi có các tuyến giao thông hàng hải, hàng không huyết mạch, thông thương giữa Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, giữa châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy, phát triển kinh tế, thương mại đối với các nước trên thế giới. Với bờ biển dài khoảng 3.260 km trải từ Bắc xuống Nam, các vùng biển ven bờ, trong thềm lục địa của Việt Nam đã sớm hình thành một mạng lưới giao thông đường biển dày đặc, kết nối các cảng biển với các vùng ven biển và các vùng trong nội địa tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc phát triển thương mại, thông thương giữa các vùng miền trong cả nước, giúp hàng hóa thương mại được vận chuyển tới mọi miền của đất nước được nhanh chóng và thuận tiện. Bên cạnh đó, Biển Đông còn mang lại một nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, đa dạng và có giá trị kinh tế cao, nhất là nguồn tài nguyên sinh vật, thực vật và khoáng sản. Vùng biển Việt Nam là một trong những vùng biển có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn, nhất là dầu và khí đốt. Tại vùng biển Việt Nam đã xác định được nhiều bể trầm tích dầu khí với trữ lượng dự báo khoảng 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trong đó trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn, đặc biệt là khí thiên nhiên có tiềm năng rất lớn với lượng khí dự báo khoảng 1.000 tỷ mét khối. Hiện nay, Việt Nam đã phát hiện hàng chục mỏ dầu khí có trữ lượng khai thác công nghiệp, trong đó đã đưa vào khai thác gần chục mỏ, hàng năm cung cấp hàng triệu tấn dầu và hàng tỉ mét khối khí góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế và phục vụ dân sinh. Vùng biển Việt Nam có một nguồn tài nguyên sinh vật biển hết sức phong phú, đa dạng và có giá trị kinh tế cao, nhất là các loại hải sản như: tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển.... Riêng cá biển đã phát hiện hơn 2.000 loài, trong đó có trên 100 loài có giá trị kinh tế cao. Theo số liệu của Bộ Thủy sản năm 2003, trữ lượng hải sản của vùng biển Việt Nam vào khoảng 3 - 4 triệu tấn, cho phép khai thác từ 1,6 - 1,7 triệu tấn/năm, trong đó cá đáy chiếm 856.000 tấn, cá nổi 694.000 tấn và cá nổi đại dương khoảng 120.000 tấn... Bên cạnh đó, vùng biển Việt Nam còn có khoảng 2.500 loài động vật thân mềm, 1.647 loài giáp xác, 700 loài giun biển, 350 loài động vật da gai, 150 loài hải miên, 300 loài san hô... với nhiều loài động vật quý hiếm như bò biển [Dugon], cá voi sừng hàm, cá voi có răng.... Ngoài ra, với bờ biển dài trên 3.260 km trải từ Bắc xuống Nam với nhiêu eo, vịnh, đầm phá còn giúp Việt Nam thuận tiện trong nuôi trồng các loại hải sản có giá trị xuất khẩu cao như: ngọc trai, tôm, cua, cá song, cá mú... và nhiều khu vực có khả năng xây dựng thành các cảng biển, trong đó có một số khu vực có thể xây dựng cảng nước sâu như: Cái Lân, Hạ Long, Cửa Lò, Hòn La, Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Vân Phong, Cam Ranh, Thị Vải... góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa các vùng miền trong nước, với nước ngoài, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.Do đặc điểm lãnh thổ Việt Nam hình chữ S, trải dài từ Bắc vào Nam, chiều ngang hẹp [nơi rộng nhất khoảng 600 km, nơi hẹp nhất khoảng 50 km], nên chiều sâu phòng thủ hướng biển của Việt Nam bị hạn chế. Do đó, Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược an ninh, quốc phòng của đất nước, là “phên dậu” vững chắc bảo vệ Tổ quốc trước sự xâm lược của kẻ thù bằng đường biển, là “chiến lũy” tầng tầng, lớp lớp hình thành thế phòng thủ liên hoàn, góp phần to lớn vào lịch sử oai hùng của dân tộc trong hàng ngàn năm qua, gắn liền với nhiều chiến thắng bất tử cùng thời gian như: Bạch Đằng, Như Nguyệt, Rạch Gầm-Xoài Mút... hay những chiến công vang dội của quân và dân cả nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay, Biển Đông ngày càng có vai trò quan trọng, kế thừa truyền thống dựng nước và giữ nước của cha anh, chúng ta đã thực sự phát huy được vai trò to lớn của Biển Đông, khéo léo tận dụng đặc điểm địa hình, vị trí địa lý thuận lợi, xây dựng hệ thống phòng thủ chặt chẽ, gắn kết giữa các căn cứ trên đất liền với các đảo xa bờ, kéo dài chiều sâu phòng ngự, tạo thành các “chiến lũy” tầng tầng, lớp lớp bảo vệ đất nước trước các cuộc xâm lược của các thế lực thù địch từ bên ngoài.Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt coi trọng phát triển về hướng biển, tăng cường tiềm lực Hải quân, phát triển lực lượng thực thi pháp luật trên biển, đầu tư hỗ trợ ngư dân ven biển phát triển ngư nghiệp, thúc đẩy các ngành kinh tế ven biển phát triển. Trong đó, vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.Thứ ba: Đối với các nước có tranh chấp chủ quyền khác trên Biển Đông [Philippines, Brunei, Malaysia]: Biển Đông không những mang lại cho họ những lợi ích to lớn về mặt kinh tế, thương mại mà còn có vai trò to lớn về mặt quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, chủ quyền, lợi ích của các quốc gia này không giống nhau. Với Philipines, một quốc gia quần đảo, toàn bộ phần phía Tây của Philippines là Biển Đông. Biển Đông cũng chính là “phên dậu” bảo vệ phần phía Tây của họ trước các mối xâm lăng từ ngoại bang. Với Malaysia cũng vậy, toàn bộ phần phía Bắc và Tây Bắc của họ được Biển Đông che trở. Do vậy, vai trò của Biển Đông đối với Philippines và Malaysia là hết sức to lớn không chỉ về mặt kinh tế thương mại mà còn bảo vệ họ trước các cuộc xâm lăng từ ngoại bang. Còn đối với Brunei, một quốc gia ven Biển Đông có diện tích nhỏ nhất trong khu vực Đông Nam Á nhưng có lượng dầu mỏ xuất khẩu lớn thứ 3 khu vực, với doanh thu dầu khí đóng góp trên 70% GDP, chiếm 90% chi tiêu của chính phủ thì giá trị to lớn mà Biển Đông đem đến là không thể tính toán được. Ngoài ra, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông sẽ tác động lớn đến chủ quyền, an ninh chính trị và ổn định xã hội đối với tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền ở cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Nếu tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, căng thẳng sẽ tác động tiêu cực đến tình hình an ninh chính trị và ổn định xã hội ở các nước có tuyên bố chủ quyền. Nếu tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông lắng dịu, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nước có tranh chấp chủ quyền thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao vị thế, vai trò trên trường quốc tế.2. Vai trò của Biển Đông đối với khu vực và thế giới* Đối với các nước Đông Nam Á, Biển Đông ở vị trí trung tâm của khu vực. Hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á đều có lợi ích hoặc được hưởng lợi ích do vị trí địa chính trị đặc biệt của Biển Đông mang lại. Trong số 11 quốc gia khu vực Đông Nam Á, có đến 8 nước là các quốc gia ven Biển Đông bao gồm: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Campuchia. Ba quốc gia còn lại là Myanmar, Lào và Đông Timor, mặc dù không phải là quốc gia ven Biển Đông, nhưng được hưởng nhiều lợi ích từ vị trí địa chính trị quan trọng của Biển Đông. Theo ước tính sơ bộ, Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của khoảng 300 triệu dân ở các nước xung quanh....Tuy nhiên, sau Chiến tranh lạnh, việc xuất hiện “khoảng trống quyền lực”, sự công khai đòi hỏi chủ quyền của nhiều nước ở Biển Đông, cộng với sự hiện đại hóa lực lượng Hải quân của Trung Quốc đã khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông có thể tác động tiêu cực đến môi trường hòa bình ổn định phát triển ở khu vực.Trong những năm gần đây, vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, đặc biệt là vấn đề tranh chấp chủ quyền vẫn diễn biến căng thẳng, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột, thực sự là một trong những thách thức lớn đối với tất cả các nước trong khu vực. Nếu vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, hoặc nổ ra xung đột sẽ tác động lớn đến môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như lợi ích của tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy, vấn đề Biển Đông luôn là một trong những nội dung quan trọng trong các chương trình nghị sự của ASEAN và của ASEAN với các đối tác. Các nước ASEAN đều mong muốn thông qua quan hệ song phương và đa phương với các nước lớn để cân bằng quyền lực với Trung Quốc, giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông bằng con đường hòa bình, tạo dựng môi trường hòa bình ổn định và phát triển ở khu vực.* Đối với thế giới: Biển Đông là một trong những khu vực có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trên thế giới, là một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng, an ninh biển của nhiều nước, nhất là các cường quốc hải dương, các quốc gia có tiềm lực kinh tế, quốc phòng phụ thuộc vào biển. Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là về kinh tế và thương mại. Biển Đông là vùng biển giàu có về nguồn lợi thủy sản, là một trong những ngư trường lớn nhất thế giới với lượng hải sản đánh bắt, chiếm khoảng 10% của thế giới, là nơi dự trữ lượng dầu mỏ ước tính bằng 80% lượng dầu mỏ và khí đốt của Ả Rập Saudi, là con đường vận tải ngắn nhất nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, là nơi có 5/10 tuyến giao thông hàng hải lớn nhất thế giới, cùng eo biển Malacca nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới với gần 50% lượng hàng hóa thương mại vận chuyển bằng đường biển phải đi qua khu vực này và 55% hàng hóa xuất nhập khẩu của các nước Đông Nam Á, 45% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Nhật Bản và 26% hàng hóa xuất nhập khẩu của các nước công nghiệp mới được vận chuyển qua Biển Đông. Biển Đông được coi là “nút thắt” sống còn của châu Á, nơi có các tuyến đường huyết mạch của thế giới. Kiểm soát được Biển Đông sẽ giúp các cường quốc giành ưu thế Hải quân tại Tây Thái Bình Dương. Kiểm soát được Biển Đông sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thiết lập vai trò quốc gia đối với cả một khu vực rộng lớn ở Đông Á và Đông Nam Á. Theo các nhà nghiên cứu quân sự, trên Biển Đông có hai khu vực trọng yếu là eo Malacca và khu vực quần đảo Trường Sa. Hầu hết các tuyến đường không, đường biển qua Biển Đông đều phải đi qua hai khu vực này. Nếu giành quyền kiểm soát được một trong hai khu vực này sẽ trực tiếp khống chế được toàn bộ khu vực từ eo biển Malacca đến Nhật Bản, khống chế được nhiều tuyến giao thông đường không, đường biển từ Singapore sang Hồng Công, từ Quảng Đông đến Malila, thậm chí từ châu Phi sang châu Á, từ Đông Á sang Nam Á. Do vậy, đối với các nước lớn, giành quyền kiểm soát Biển Đông sẽ giúp họ thực hiện tham vọng cường quốc hải dương, cường quốc thế giới. Và đó cũng chính là một trong những lý do gần đây Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động tôn tạo, mở rộng các đảo ở Trường Sa bất chấp phản ứng của cộng đồng quốc tế và tìm cách hợp tác với Thái Lan xây dựng kênh đào Kra để “đề phòng” Mỹ và đồng minh phong tỏa các tuyến hàng hải từ Ấn Độ Dương về Trung Quốc qua eo Malacca...Biển Đông cũng có vai trò hết sức quan trọng đối với các nước lớnĐối với Mỹ, Biển Đông có vai trò quan trọng về kinh tế - chính trị và quân sự. Nhiều lần các quan chức lãnh đạo Mỹ đã khẳng định, Mỹ có lợi ích ở Biển Đông, nhất là vấn đề về an ninh hàng hải. An toàn hàng hải và tự do giao thông là quyền lợi chiến lược trọng yếu của Mỹ. Năm 2011, Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton phát biểu “Với tư cách là một nước thuộc khu vực Thái Bình Dương và là một cường quốc khu vực, chúng tôi có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, tự do tiếp cận tuyến đường biển chủ chốt của châu Á, duy trì hòa bình, ổn định và tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông”. Biển Đông được coi là một mắt xích hết sức quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, Mỹ ngày càng mạnh dạn, thẳng thắn, công khai tuyên bố có lợi ích ở Biển Đông và không chấp nhận sự áp đặt của bất kỳ quốc gia nào đối với vấn đề an ninh, an toàn, tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với các hoạt động gia tăng căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông. Gần đây, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục khẳng định “Về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Mỹ không đặc biệt đứng về phía một quốc gia nào. Chúng tôi ủng hộ giải quyết tranh chấp một cách công bằng và hòa bình, vì tự do hàng hải. Ngày nay, những nguyên tắc này đang bị thách thức bởi hoạt động của Trung Quốc”.Đối với Nhật Bản, Biển Đông là cánh cửa của con đường vận chuyển dầu lửa quan trọng từ Trung Đông về Nhật Bản. Việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải cho tuyến đường vận tải trên biển qua Biển Đông là một trong những vấn đề hết sức quan trọng đối với Nhật Bản. Việc độc quyền kiểm soát Biển Đông của bất kỳ một quốc gia nào đều là mối lo ngại đối với Nhật Bản. Việc Nhật Bản thông qua Hiệp ước về an ninh với Mỹ là nhằm dựa vào Mỹ để bảo vệ con đường vận tải chiến lược của họ trên Biển Đông. Đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, Nhật Bản đã công bố đường lối chỉ đạo chiến lược đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng, trong đó có những nội dung cơ bản liên quan đến tình hình tranh chấp ở khu vực Biển Đông. Năm 2010, Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada đã khẳng định “Nhật Bản không thể không quan tâm đến vấn đề Biển Đông”. Những năm gần đây, Nhật Bản ngày càng quan tâm đến vấn đề an ninh an toàn hàng hải tại khu vực này, thậm chí còn cung cấp trang thiết bị quân sự, công nghệ quốc phòng, tàu tuần tra cho một số nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc và cân nhắc khả năng tham gia các cuộc tuần tra trên không với Mỹ ở Biển Đông để đối phó với những hành động ngày càng gia tăng căng thẳng của Trung Quốc.Đối với Nga, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng luôn có một vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia. Mặc dù tình hình kinh tế, chính trị của Nga trong những năm gần đây vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng chiến lược của Nga đối với khu vực này vẫn được xác định nhất quán. Từ các nhà lãnh đạo chính trị đến các nhà khoa học đều thừa nhận rằng, Biển Đông ngày càng có vị trí quan trọng và triển vọng lớn, nước Nga cần tăng cường hợp tác và xác lập vị trí của mình. Chủ trương của Nga là duy trì và mở rộng quan hệ về kinh tế, quân sự, ngoại giao đối với tất cả các nước trong khu vực Biển Đông và phối hợp với các nước khác để góp phần giải quyết tranh chấp ở khu vực này, nâng cao ảnh hưởng và vị thế của Nga ở khu vực, thậm chí năm 2016 còn tuyên bố sẵn sàng tập trận ở Biển Đông với các nước đối tác của Nga ở châu Á – Thái Bình Dương.

Tóm lại: Với vị trí địa chính trị- kinh tế đặc biệt quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, đa dạng, Biển Đông có vai trò hết sức to lớn không chỉ đối với các quốc gia ven biển, các quốc gia có tuyên bố chủ quyền mà còn đặc biệt quan trọng đối với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đối với nước ta, Biển Đông không chỉ là một khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, có vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng mà còn là cửa ngõ chính để kết nối với khu vực và thế giới, là nơi có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa yêu dấu, như một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp đã tác động lớn và đe dọa trực tiếp đến an ninh, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta và trở thành tâm điểm chú ý của khu vực và thế giới./.

PGS, TS. Nguyễn Thị Quế - Viện Quan hệ quốc tế/Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Video liên quan

Chủ Đề