Nét mới trong giáo dục thời Nguyễn là gì

Nền giáo dục khoa cử Nho học ở Việt Nam hình thành từ thời nhà Lý với khoa thi đầu tiên tổ chức vào năm 1075 và chấm dứt với khoa thi Hội cuối cùng dưới thời vua Khải Định nhà Nguyễn vào năm 1919.

Khởi đầu ở thời Lý, đến thời Trần, nền giáo dục khoa cử từng bước hoàn thiện. Đến thời Hậu Lê ở thế kỷ XV, giáo dục khoa cử đã được xây dựng vững chắc và phát triển đến đỉnh cao của nền giáo dục Nho giáo phong kiến. Thời Nguyễn ở thế kỷ XV tiếp tục kế thừa và phát triển nền giáo dục khoa cử Nho học thời Lê. Sau khi đặt ách thống trị hoàn toàn lên đất nước ta, thực dân Pháp từng bước xóa bỏ nền giáo dục Nho học, thay thế dần bằng nền giáo dục phương Tây, vì vậy các khoa thi lần lượt bị bãi bỏ: Các khoa thi Hương cuối cùng đã diễn ra ở Nam Kỳ năm 1864, Bắc Kỳ năm 1915, Trung Kỳ năm 1918; đồng thời khoa thi Hội cuối cùng ở kinh đô Huế vào năm 1919 cũng đã kết thúc nền giáo dục khoa cử Nho học ở nước ta.

Khoa cử thời phong kiến gồm có hai cấp thi: thi Hương và thi Hội. Thi Hương là khoa thi ở cấp địa phương tức một khu vực gồm nhiều tỉnh, để tuyển chọn Hương cống và Sinh đồ [thời Nguyễn ở thế kỷ XIX đổi gọi là Cử nhân và Tú tài]; thi Hội là khoa thi cấp quốc gia để tuyển chọn Tiến sĩ. Những người đã thi Hương đậu Cử nhân mới được phép dự thi Hội; trừ vài trường hợp đặc biệt, Tú tài cũng được đặc cách dự thi.

I. Quy định về trúng cách trong kỳ thi Hội

Thi Hội được chia làm bốn kỳ, thí sinh nào đậu được cả bốn kỳ thì được tham dự kỳ thi Đình [còn gọi là thi Điện vì thi trong sân cung điện của nhà vua] để sắp xếp thứ bậc tiến sĩ. Tiến sĩ được chia làm ba hạng [giáp] như sau:

1. Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ

Tiến sĩ hạng nhất,gồm có ba thứ bậc: đệ nhất danh, đệ nhị danh, đệ tam danh, thường gọi là Tam khôi [ba thứ vị đỗ đầu]. Trong dân gian thường gọi ba vị tiến sĩ của hạng nhất này là Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa. Gọi như thế vì những người thi đỗ tiến sĩ trong kỳ thi Đình được yết họ tên trên bảng màu vàng có vẽ hình con rồng, trong tiến sĩ hạng nhất thì người đứng thứ nhất được ghi tên trên trán con rồng [trùm đầu = trạng nguyên], người thứ nhì tên ghi trên mắt rồng [mắt bảng = bảng nhãn], người thứ ba tên ghi trên chòm râu con rồng [thăm hoa = thám hoa].

Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa là tên gọi phổ biến trong dân gian, chứ trên bằng cấp hoặc văn bản chính thức của nhà nước phong kiến đều ghi đầy đủ học vị của tiến sĩ hạng nhất là:

Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh [Tiến sĩ hạng nhất, tên đứng thứ nhất].

Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh [Tiến sĩ hạng nhất, tên đứng thứ hai].

Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh [Tiến sĩ hạng nhất, tên đứng thứ ba].

2. Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân

Tiến sĩ hạng hai, trong hạng tiến sĩ này đúng ra chỉ người nào đứng đầu gọi là hoàng giáp [hạng vàng], nhưng do số lượng người đỗ hạng này cũng rất ít ỏi nên về sau đều gọi chung là hoàng giáp.

3. Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân

Tiến sĩ hạng ba, hạng cuối cùng này chiếm số lượng đông nhất trong bảng tiến sĩ.

Thời Lý chưa có tên gọi hoàn chỉnh cho học vị của những người đỗ đạt. Từ thời Trần về sau tên gọi học vị dần dần hoàn chỉnh, ban đầu dùng từ Thái học sinh để chỉ những người đỗ thi Hội, thi Đình rồi sau này đổi gọi là tiến sĩ. Thời Lê chia tiến sĩ làm ba hạng như vừa trình bày ở trên. Kể từ khi có danh xưng trạng nguyên ở thời nhà Trần khoảng thế kỷ XIV, cho đến cuối thế kỷ XVIII thuộc thời Lê Trịnh, trải qua hàng trăm khoa thi, có tất cả 47 người đỗ trạng nguyên, trong đó một số người có những đóng góp quan trọng cho chính trị, văn hóa nước nhà, tên tuổi được lưu danh hậu thế như Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm

II. Thử giải thích việc triều Nguyễn không có trạng nguyên

Thời Nguyễn ở thế kỷ XIX không có người nào thi đỗ trạng nguyên. Từ khoa thi Hội đầu tiên tổ chức vào năm 1822 dưới thời Minh Mạng cho đến khoa thi Hội cuối cùng năm 1919 dưới triều Khải Định, gồm 39 khoa thi, lấy đỗ tất cả được 558 người. Tiến sĩ đệ nhất giáp [hạng nhất] không có trạng nguyên, chỉ có 2 bảng nhãn và 9 thám hoa; tiến sĩ nhị giáp [hạng hai] có 54 người; tiến sĩ tam giáp [hạng ba] có 227 người. Như vậy trong loại tiến sĩ đỗ chính thức gồm ba hạng có tất cả 292 người; ngoài ra từ năm 1829 về sau triều đình cho lấy đỗ thêm những thí sinh có số điểm thi gần sát hạng tam giáp tiến sĩ, nhưng cho yết tên trên một bảng riêng [bảng phụ = phó bảng]; và hạng phó bảng [tiến sĩ lấy thêm] có 166 người.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng thời nhà Nguyễn ở thế kỷ XIX không có trạng nguyên. Từ trước đến nay trên một số sách báo, kể cả một số tác phẩm nghiên cứu sử học, phổ biến một giả thuyết là triều Nguyễn đặt ra lệ Tứ bất [bốn không]1, trong đó có thi Đình không lấy trạng nguyên và nhiều tác giả lý giải rằng nhà Nguyễn là một nhà nước quân chủ độc tài chuyên chế, dùng nhiều biện pháp để ngăn ngừa sự đe dọa quyền lực, trong đó có tầng lớp nho sĩ khoa bảng. Đỉnh cao thi cử của người nho sĩ là học vị trạng nguyên; triều đình sợ kẻ sĩ đỗ cao quá sẽ dễ sinh lòng phản nghịch nên tìm cách loại bỏ học vị cao nhất thời đó.

Nếu xét về mặt thực tế thi cử thời nhà Nguyễn thì sự lý giải trên không sai vì tổng cộng 39 khoa thi Hội, thi Đình không có ai đỗ được trạng nguyên, nhưng xét về mặt lý thuyết thì sự lý giải đó không chính xác, vì triều đình chưa bao giờ ban hành bất kỳ văn bản nào có nội dung đề cập đến chủ trương thi cử không chọn trạng nguyên. Và quan trọng hơn là hai bằng chứng khẳng định nhà Nguyễn vẫn chủ trương lấy trạng nguyên: một là thang điểm sắp xếp thứ bậc tiến sĩ trong kỳ thi Đình, hai là các loại mũ áo triều đình ban cấp cho các bậc tiến sĩ sau khi có kết quả thi Đình.

Thi Hội không chấm điểm kiểu thi Hương là ưu, bình, thứ, liệt mà chấm theo thang điểm từ không đến mười gọi là phân. Thí sinh nào qua 4 kỳ Hội tổng cộng được từ 10 phân điểm trở lên mà không có kỳ nào bị bất cập phân [điểm không, tức điểm liệt] thì gọi là trúng cách và được vào thi Đình. Thời vua Thành Thái cho giảm xuống còn 8 phân điểm trở lên thì được đỗ trúng cách.

Thi Đình chỉ có một kỳ diễn ra trong một ngày, nên thí sinh chỉ làm một văn bài duy nhất gọi là văn sách, chủ yếu là bàn luận về vấn đề chính trị xã hội cổ xưa hoặc đương đại. Cách tính điểm để sắp xếp thứ bậc tiến sĩ trong kỳ thi Đình qua các đời vua tuy có sửa đổi khác nhau đôi chút về hình thức, nhưng cơ bản giống nhau. Thời Minh Mạng, trong khoa thi Hội đầu tiên của triều Nguyễn năm Nhâm Ngọ [1822], đã ban hành quy định về kỳ thi Đình:

Đến ngày thi Điện, vua ra đề văn sách, hoặc cổ văn 10 đoạn, hoặc kim văn 5, 6 đoạn. Cống sĩ mang mũ áo, làm bài ở bàn thi nơi tả hữu vu, lấy chiều hôm làm hạn. Quan đọc quyển hội duyệt rồi dâng vua xem để định đoạt giáp đệ thứ tự như: đệ nhất giáp đệ nhất danh, đệ nhị danh, đệ tam danh đều cho Tiến sĩ cập đệ; đệ nhị giáp có bao nhiêu tên, đều cho Tiến sĩ xuất thân; đệ tam giáp bao nhiêu tên đều cho đồng Tiến sĩ xuất thân, ban cấp mũ áo2. Và đến khoa thi Hội năm 1829, lại có quy định: Tháng Sáu năm Kỷ Sửu [1829] định lại phép thi Điện, Bộ Lễ tâu rằng: Khoa trước duyệt quyển, chia làm ưu, bình thứ, xin theo như phép thi Hội mới định, đổi làm phân số, duy văn đình đối sự lý quan trọng hơn, nên cho phân số nghiệt hơn một bậc [như văn lý thi Hội được 2 phân, thì thi Điện chỉ được 1 phân]. Phàm văn lý được 10 phân thì xin cho đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh [Trạng nguyên]; 9 phân thì đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh [Bảng nhãn]; 8 phân thì Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh [Thám hoa]; 7 phân, 6 phân thì Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân [Hoàng giáp]; 5 phân trở xuống thì Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân [Tiến sĩ]3.

Thiệu Trị, Tự Đức vẫn theo quy định về thang điểm thi Đình thời Minh Mạng. Đến năm Giáp Thân [1884], thời Kiến Phúc nguyên niên, có sự thay đổi, quy định lại thang điểm thi Đình:

Về thi Điện năm Minh Mạng thứ 10 lệ định ai thi Đình, văn lý được 10 phân thì cho đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh, ai được 9 phân thì cho đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh, ai được 8 phân thì cho đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh Đến nay chuẩn định người 10 phân cho đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh, người 8-9 phân cho đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh, người 6-7 phân cho đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh4.

Thời vua Duy Tân, cách tính không theo thang điểm 10 nữa mà là 20, nên trong khoa thi Hội năm Canh Tuất [1910] đã quy định về thi Đình:

Ngoài ra cứ tính thông cả các kỳ Hội và kỳ Điện
thí, cộng lại rồi chia 6 thành. Người nào mỗi thành được 20 điểm, thì cho trúng đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh[ Trạng nguyên]; người nào mỗi thành được 18, 19 điểm thì cho trúng đệ nhất giáp tiến sĩ đệ nhị danh[ Bảng nhãn]; người nào mỗi thành được 16, 17 điểm thì cho trúng đệ nhất giáp tiến sĩ đệ tam danh [Thám hoa]5.

Sau khi có kết quả kỳ thi Đình, triều đình sẽ ban phẩm phục [áo, mũ] cho các tân khoa tiến sĩ. Phẩm phục của tiến sĩ từng thứ bậc có sự khác nhau đôi chút về hình thức, được quy định khi nhà Nguyễn mở khoa thi Hội đầu tiên vào năm 1822, trong đó áo mũ của trạng nguyên được quy định như sau:

Riêng Đệ nhất giáp tiến sĩ đệ nhất danh [Trạng nguyên] mũ làm bằng sa đen, đằng trước một cái hoa bằng vàng, đằng sau hoa bằng bạc, một cái bái sơn bằng bạc, hai cái cánh chuồn hai bên bọc bạc, áo bào màu lục bằng đoạn hoa to 8 tơ, bổ tử nền đỏ thêu con nhạn và mây, quần màu đỏ sa hoa rắc, đai bằng tre hoa bọc đoạn vũ màu đỏ, chung quanh có 10 mảnh hình vuông, trên mặt khảm sừng có hoa, trong 10 cái miếng vuông thì 5 cái bịt bạc, 5 cái bịt đồng và võng, khăn, giày, tất , hốt gỗ6.

Năm 1838, Minh Mạng lại ban hành quy định về phẩm phục cho các bậc tiến sĩ, trong đó có trạng nguyên:

Mậu Tuất [1838] định lại mũ áo tiến sĩ: đệ nhất giáp đệ nhất danh[Trạng nguyên] theo lệ cũ cấp cho mũ áo lục phẩm7.

Thời vua Thiệu Trị, năm 1841, ban quy định về mũ áo các tiến sĩ:

Mũ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh bằng sa đen, đằng trước một cái hoa bằng toàn vàng, một cái hoa đằng sau và lá sơn làm bằng bạc, hai bên cánh mũ bọc bạc; áo bào may bằng đoạn tám tơ hoa to màu lục, đai bằng tre hoa, bọc đoạn vũ đỏ có trang sức 10 miếng hình vuông có màu giáng [một miếng đằng trước mạ vàng, hai miếng bọc bạc đều bằng vảy đồi mồi, còn bảy miếng bằng sừng đen bọc đồng] quần dùng lương sa đoạn hoa rắc bảng sắc màu lam, bổ tử nền đỏ thêu con nhạn trắng và võng khăn giày, tất, hốt gỗ đủ bộ8.

Đến năm 1847, Thiệu Trị lại ban hành quy định về việc cấp mũ áo cho các loại tiến sĩ, trong đó trạng nguyên được quy định như sau:

Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh mũ bằng sa đen đằng trước một cái hoa bằng vàng, đằng sau một cái hoa bằng bạc và một cái bái sơn bằng bạc, hai bên cánh chuồn bịt bạc, áo bào may bằng đoạn tám tơ hoa to màu lục, bổ tử nền đỏ, thêu mây và con nhạn; quần bằng sa màu hồng hoa rắc, đai bằng tre bọc đoạn màu đỏ; chung quanh có 10 miếng hình vuông đều mặt khảm sừng hoa, trong đó có 5 miếng bọc bạc, 5 miếng bọc đồng và võng, khăn, giày, tất, hốt gỗ9.

Qua những dẫn chứng ở trên về quy định thang điểm, phẩm phục cho tiến sĩ, chúng ta có thể nhận thấy rất rõ rằng triều Nguyễn vẫn chủ trương lấy đỗ trạng nguyên trong các kỳ thi Đình, chứ không hề chủ trương không lấy đỗ trạng nguyên như nhận định của nhiều nhà nghiên cứu từ trước đến nay. Như vậy tại sao suốt gần một trăm năm khoa cử [1821 1919], không có một nho sĩ nào đủ sức vươn lên giật được mảnh bằng cấp cao nhất nước vào thời đó? Có thể nhận thấy vấn đề này do những yếu tố như sau:

Thứ nhất, là sự đòi hỏi kiến thức sách vở quá rộng, quan trường có thể hỏi bất kỳ chuyện cổ kim đông tây, tất nhiên là của Trung Quốc, từ chuyện chính trị, lịch sử, quân sự, văn chương, thiên văn, địa lý trong khi đó nho sinh lúc đi học ở trường thì chỉ biết tháng ngày cặm cụi học thuộc hai bộ Tứ thư, Ngũ kinh dày cộp hàng mấy nghìn trang, là sách giáo trình lý thuyết của Nho gia được xem là bộ sách chính thống để học tập, thi cử, nên không có thời gian để đọc rộng các sách khác. Hơn nữa, ngày đó sách vở rất hiếm hoi, vì những khó khăn về kỹ thuật khắc in nên triều đình phong kiến không chủ trương in ấn sách vở và phát hành rộng rãi cho người đi học; vì vậy, cho dù có thời gian thì cũng không có sách vở mà đọc thêm. Sử cũ ghi rằng có kỳ thi quan trường ra đề thi, trong đó có một câu hỏi là Phó Nê Trường Lệ là gì? nhưng không thí sinh nào trả lời được câu đó, vì Phó Nê Trường Lệ là tên một ngôi sao xuất xứ ở tác phẩm Sự vật dị danh của người Trung Quốc, sĩ tử Việt Nam hiếm người có điều kiện để đọc được những sự vật xa lắc, xa lơ như vậy. Vua Minh Mạng cũng có phần thấu hiểu được sự khó khăn, hạn chế sách vở của người đi học lúc bấy giờ, nên có nói với quần thần rằng: Ra đầu bài dễ, làm bài văn khó. Vì quan trường ra bài thi có sách để tra cứu, mà học trò làm văn chỉ nhờ ký ức mà thôi vì sách vở ở nước ta có ít, tuy người có tài học rộng, cũng không lấy đâu mà đọc được. Từ nay về sau, hễ có phái người đi sang nhà Thanh nên
mua nhiều sách ban bố cho các người đi học, để họ mắt thấy tai nghe rộng ra mới được10.

Thứ hai, là thí sinh phải là người ở trong quan trường hàng chục năm, giữ nhiều trọng trách quan trọng của triều đình thì mới có đủ sự trải nghiệm và hiểu biết để trình bày một cách cụ thể, sâu sát thực tế về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước trong văn bài của mình. Nhưng ở đây hầu hết thí sinh là những anh bạch diện thư sinh, chỉ biết ôn luyện văn bài ở chốn cửa Khổng, sân Trình, chưa bao giờ kinh qua chốn quan trường, nên chỉ có mớ lý thuyết suông trong sách vở, chứ không thể có kinh nghiệm thực tế. Có một số ít cử nhân vì gia cảnh khó khăn, nên phải ra làm quan một thời gian ngắn để kiếm sống trước khi đi thi Hội, nhưng cũng chỉ được triều đình cho giữ chức giáo quan tức quan dạy học ở cấp thấp phủ, huyện như huấn đạo, giáo thụ; vì vậy cũng chưa thể tích lũy được kinh nghiệm quan trường một cách dày dặn.

Như vậy, có thể thấy rằng để đạt được một văn bài thuộc hạng xuất chúng, lỗi lạc ở kỳ thi Đình nhằm giật mảnh bằng trạng nguyên, đòi hỏi thí sinh ngoài tư chất bẩm sinh đặc biệt thông minh, tài văn chương xuất sắc, còn phải có tầm vóc một học giả uyên bác kim cổ đông tây trên nhiều lĩnh vực, đồng thời có sự trải nghiệm thực tiễn, hiểu biết sâu sắc chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước như một vị quan đại thần từng kinh qua hàng chục năm giữ chức tể tướng, thượng thư

Vì đòi hỏi tiêu chuẩn quá cao về nhiều mặt như vậy, nên suốt gần một trăm năm khoa cử triều Nguyễn, không có một người nào đủ tài học để đỗ trạng nguyên là một chuyện tất nhiên vậy.

Chú thích:

1. Tứ bất [bốn không]: Không lập hoàng hậu, không phong tước vương cho người khác họ, không đặt chức tể tướng, không chọn trạng nguyên.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb Giáo Dục, 2002, tr.287.

3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb Giáo Dục, 2002, tr.863.

4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 9, Nxb Giáo Dục, 2007, tr.67.

5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, Nxb Văn Hóa-Văn Nghệ, 2011, tr.592.

6. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa, 1993, tr.354.

7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 5, Nxb Giáo Dục, 2007, tr.328.

8. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa, 1993, tr.356.

9. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa, 1993, tr.357.

10. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 4, Nxb Giáo Dục, 2007, tr.675.

CAO VĂN THỨC

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo Số 348

Video liên quan

Chủ Đề