Năm tuổi có nên xông đất

Người Việt Nam tin rằng nếu ngày mùng 1 Tết mọi chuyện suôn sẻ thì cả năm sẽ được an lành, may mắn. Chính vì vậy, người xông đất được coi là người đại diện mang tới cho chủ nhà sự tốt đẹp cho một năm.

Nguồn gốc tục xông đất đầu năm

Phong tục xông đất đầu năm xuất phát từ mong muốn của mọi người về năm mới nhiều may mắn và hạnh phúc, tránh xui xẻo.

Theo truyền thống, gia chủ sẽ chọn một người hợp tuổi với mình để bước vào nhà đầu tiên trong năm mới, vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng 1 Tết, mang theo chút quà nhỏ như bánh mứt, chè, thuốc và tiền lì xì cho trẻ nhỏ. Người xông đất sẽ chúc gia chủ một năm phát lộc, phát tài và gặp nhiều may mắn.

Gia chủ cũng niềm nở đón tiếp người xông đất và chúc tụng lại, mời những món ăn, bánh mứt ngon nhất và cùng nhau nâng ly. Việc ăn uống này cũng chỉ mang tính tượng trưng cho có lệ, có thể chỉ ăn vài miếng bánh, miếng mứt, uống một ly rượu hay chén trà. 

Về việc chọn người xông đất, người xưa quan niệm, ai xởi lởi hồn nhiên, vô tư, thật thà, mặt mũi sáng sủa, không có tang và con cái đủ cả trai lẫn gái là vía tốt. Đặc biệt, người xông đất phải có tuổi hợp với chủ nhà và con vật đại diện của năm đó, tránh tuổi “tứ hành xung”. Tuổi người xông đất nên có thiên can, địa chi, ngũ hành tương sinh với gia chủ và của năm đó. Được những người có tên hay, đẹp như Cát, Lộc, Kim, Ngân, Phúc, Thọ, An, Khang… xông đất cũng là một niềm vui với gia chủ.

Ý nghĩa tục xông đất ngày Tết

Trong quan niệm của người Việt, những người được lựa chọn xông đất đầu năm "hợp mệnh" sẽ đem đến những điều an lành cho gia chủ. Người đi xông đất có niềm vui vì đã làm được việc phước. Người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo sẽ tốt lành trong suốt năm tới.

Ở hầu hết các địa phương, phong tục xông đất tương tự nhau. Người đến xông đất thường đem theo những phong bao lì xì để mừng tuổi trẻ con, người già và chúc mừng năm mới đến toàn thể gia đình. Sau đó, người xông đất sẽ được gia chủ chúc Tết. Khách ngồi chơi nói chuyện chỉ khoảng 5 đến 10 phút rồi xin cáo từ chứ không nên ở lại lâu. Tục xông đất thể hiện tinh thần hướng đến những điều tốt lành, may mắn và cầu mong một năm mới mọi sự đều thuận lợi.

Người xông đất phải là người tốt vía, tính tình vui vẻ, khỏe mạnh, sự nghiệp thành công.

Theo thời gian, những phong tục tập quán xa xưa dần mất đi hoặc trở nên mờ nhạt dần giữa những thay đổi trong cuộc sống hiện đại. Tục xông đất bây giờ đã không còn đặt nặng về sự may mắn, hậu vận, cũng không còn nhiều quy tắc như trước. Người ta coi đây là một niềm vui nho nhỏ mỗi khi Tết đến, xuân về. Nhưng vẫn có điều không thay đổi, đó là chúng ta vẫn đi xông đất nhà bà con bạn bè với niềm vui và cầu một năm bình an may mắn.

Những kiêng kỵ khi đi xông đất đầu năm

Dân gian quan niệm người được chọn xông đất cần phải hợp với gia chủ ở ngũ hành, thiên can, địa chi. Đồng thời 3 yếu tố này của năm cũng phải tương sinh với người được chọn. Tránh chọn những người khắc tuổi với gia chủ, xung khắc với năm. Người có tiền án, công danh chậm tiến, đạo đức không tốt thì không nên tới xông đất. 

Người đến xông đất đầu năm không nên mặc đồ trắng hoặc đồ đen. Nam giới xông đất được cho là tốt hơn vì có nhiều dương khí hơn, năm mới cần có dương khí vào nhà. Trường hợp cả hai vợ chồng cùng đến xông nhà thì chồng nên bước vào trước.

Ngoài ra, người xông đất phải là người tốt vía, tính tình vui vẻ, khỏe mạnh, sự nghiệp thành công. Những người đang có tang nên tránh đến nhà người khác vào ngày đầu năm mới.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải cho rằng, nghiên cứu kỹ về phong thủy và thần sát cho rằng thay vì chọn tuổi, các gia chủ nên chọn người xông nhà tốt.

Cha ông ta hàng nghìn năm qua đã chọn người xông đất theo nguyên tắc này, còn ngày nay chúng ta đã làm khác và hình như đã sai lầm, xa nguyên bản. Về nguyên lý, mỗi một người có một vận khí riêng tùy theo từng niên vận. Người có vận khí tốt là tiêu chí quan trọng nhất để chọn tuổi xông nhà.

Thế nào là người có vận khí tốt?

Tiêu chí có tính chất quyết định để chọn tuổi xông đất là những người gia đình phúc đức, con cháu đuề huề, vợ chồng hoà thuận, ăn nên làm ra. Bản thân người đó nhân hậu, đạo cao đức trọng, chính trực, có uy tín trong gia đình và xã hội.

Thứ hai, người xông đất không xung, hình, phá, tọa [hài hòa] với vận khí của vị thần quản niên [Thái tuế].

Phong thủy, thần học và lịch pháp nói chung thống nhất cho rằng năm con giáp nào thì Thái tuế ở con giáp đó. Năm 2022 [Nhâm Dần], Thái tuế đóng tại cung Dần [hướng Đông Bắc], vận hạn của tuổi Dần gọi là "hạn Thái tuế" hoặc "Tuế tọa".

Theo đó, vận khí của Thái tuế năm 2022 không hợp với các tuổi: Thân, Dậu, Tuất; vì thế không nên chọn những tuổi này xông nhà. Tuổi Tỵ phạm "hình Thái tuế", tuổi Hợi phạm "phá Thái tuế" cũng không ưu tiên chọn xông đất.

"Cần hiểu rằng vận khí của những người tuổi Thân, Dậu, Tuất, Hợi không hợp với Thái tuế năm 2022 chứ không phải bản thân họ [hoặc niên mệnh ngũ hành của họ] không hợp với gia chủ", ông Hải lưu ý.

Theo ông Hải, có thể chọn tuổi xông đất trên cơ sở kết hợp hai tiêu chí nêu trên và vận dụng nguyên lý "tam hợp cục" [tức là khí hợp]. Theo đó, năm 2022 có thể chọn người xông đất là người phúc đức tốt trong các nhóm sau:

Nhóm các tuổi Thân, Tí, Thìn [Chủ nhà tuổi Thân chọn tuổi Tí, tuổi Thìn. Chủ nhà tuổi Tý, tuổi Thìn chọn tuổi Tý và tuổi Thìn, không chọn tuổi Thân trong năm nay]. Ba nhóm còn lại gồm Tị-Dậu-Sửu; Hợi-Mão-Mùi và Dần-Ngọ-Tuất cũng chọn tương tự.

Tục xuất hành đầu năm

Xuất hành thường dùng để chỉ những chuyến đi có mục đích như nhậm chức hoặc nhận nhiệm vụ mới ở địa phương khác, đi làm ăn xa quê; sau còn có nghĩa là đi du lịch; trường hợp đi từ địa điểm này đến địa điểm khác để thực hiện một công việc nào đó gọi là "khởi hành" hoặc "xuất phát".

Xuất hành đầu năm sau thời khắc giao thừa thực chất là "xuất phát" đi hái lộc, không phải là "xuất hành" theo nghĩa gốc của từ này. Theo nhà nghiên cứu phong thủy Phan Vũ Mạnh Đức [Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người Việt Nam], không nhất thiết phải chọn ngày giờ tốt để "khởi hành, xuất phát", vì hoạt động này có tính thời điểm, phụ thuộc vào yêu cầu, tính chất của công việc, những quy định hành chính và tình hình cụ thể.

Đầu năm đi hái lộc không gọi là "xuất hành". Tuy nhiên, để tránh tâm lý lo lắng, ám ảnh cả năm khi không chọn được giờ đẹp để xuất hành, mọi người có thể "xuất hành" hái lộc ngay sau giao thừa.

Về hướng xuất hành, năm nay hướng Nam và hướng Bắc tập trung vượng khí, là hai hướng đại lợi. Mỗi năm vượng khí tập trung ở 4 hướng. Xuất hành [xuất phát] đi hái lộc nên chọn 1 trong 4 hướng đó.

Năm nay hướng Bắc lợi về vận may, tình duyên; hướng Nam lợi về sự hài hòa, tình yêu thương. Tục ngữ nói "hòa khí sinh tài" nên năm nào người ta cũng ưu tiên chọn hướng "đại lợi" để xuất hành. Hai hướng tốt còn lại là Đông Nam [lợi về quan lộc] và Tây Bắc [lợi về kinh doanh, phát tài] cũng có thể chọn.

Những em nhỏ Hà Nội được gia đình đưa đi du xuân tại một đường hoa ở huyện Hoài Đức năm 2021. Ảnh: Hải My

Ông Đức nhấn mạnh: "Chọn hướng tốt để xuất hành đầu năm chỉ là một trong những điều kiện cần, là sự chuẩn bị về mặt tâm lý, không phải là điều kiện đủ. Ví dụ, muốn thăng quan tiến chức thì phải có sức khỏe, trí tuệ, sự tu dưỡng rèn luyện, quyết tâm phấn đấu và nhiều yếu tố khác. Không phải cứ xuất hành hướng Đông Nam là thăng quan tiến chức, xuất hành hướng Tây Bắc là trở thành cự phú".

Trường hợp xuất hành đi nhậm chức, nhận nhiệm vụ mới, đi làm ăn xa quê, đi du lịch hoặc khai trương, mở hàng... có thể tham khảo, lựa chọn một số ngày, giờ phù hợp dưới đây:

Ngày xuất hành năm 2022

- Ngày 1/1: Từ 23h-1h; 3h-5h; 11h-15h

- Ngày 2/1: 15h-19h

- Ngày 7/1: 3h-7h

- Ngày 8/1: 9h-11h; 15-19h

- Ngày 9/1: 7h-9h

- Ngày 11/1: 5h-7h; 11h-13h; 15h-17h

Ngày mở hàng năm 2022

- Ngày 7/1: 5h-7h; 11h-15h

- Ngày 11/1: 5h-7h

- Ngày 17/11: 9h-11h

- Ngày 19/1: 5h-7h

Tập quán khai bút đầu năm

Khai bút vốn là một trong những nghi thức đối với những trẻ em lần đầu tiên đến trường nhập học, tục gọi là "phá mông" [bỏ sự mông muội, hết tuổi thơ ấu, bắt đầu tuổi học trò].

Người thầy đầu tiên [người thầy khởi mông] dùng bút lông thấm mực son [chu sa] điểm một chấm son ở vị trí giữa hai đầu ông mày của học trò, gọi là khai thiên nhãn, ngụ ý chúc các em sáng mắt sáng dạ, chăm chỉ học tập và học giỏi. Sau đó cầm tay hướng dẫn các em viết chữ nhân [người] và giảng giải về đạo đức, lễ nghĩa.

Điểm chu sa gọi là khai trí; nổi trống trường làm thức tỉnh, sáng mắt tinh tai, gọi là minh trí. Hướng dẫn các em viết chữ nhân gọi là "miêu hồng" ngụ ý trong giai đoạn mở đầu [như cấp một ngày nay] trọng tâm là dạy đạo đức, lễ nghĩa làm người.

Nhiều gia đình ở Hà Nội vẫn giữ truyền thống đến Văn Miếu- Quốc Tử Giám xin chữ những ngày đầu năm. Ảnh: Giang Huy

Ngoài ra, còn có các hoạt động như hiệu trưởng phát biểu chào mừng, nói với các em bài học đầu tiên là học làm người; đồng thời động viên các em nói lên mong ước của mình; tổ chức cho những học trò đã biết viết chữ viết một vài chữ hoặc một câu với ý nghĩa may mắn, tốt lành trên một băng giấy rồi treo lên thân cây trong trường như câu đối... làm cho không khí, quang cảnh buổi khai trường như một ngày hội.

Có lẽ xuất phát từ nghi thức nhập học nói trên, lâu dần hình thành tập quán khai bút đầu năm, chủ yếu trong giới trí thức Nho giáo, quan lại và nhân sỹ văn hóa - nghệ thuật, tập trung ở các trung tâm văn hóa, đô thị và một số địa phương phát triển, gia tộc có người thi cử đỗ đạt.

Từ sau giao thừa đến Rằm tháng Giêng [15/1 âm lịch] hàng năm là thời gian tổ chức lễ khai bút. Người khai bút trang phục chỉnh tề, chuẩn bị đầy đủ "văn phòng tứ bảo" [bút, nghiên, giấy, mực] và triện [con dấu tên hoặc bút danh, nghệ danh, tên hiệu... thay cho chữ ký]... Chọn giờ tốt, viết những chữ đầu tiên trong năm mới, có thể là một chữ, một câu, bài thơ, câu đối... thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình hoặc ca ngợi non sông, đất nước, mùa xuân, chúc phúc cha mẹ, anh em, bạn bè, con cháu. Thông thường người ta viết trên giấy đỏ, giấy màu nâu vàng hoặc những loại giấy tốt để lưu giữ, biếu tặng.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải cho biết: "Khai bút đầu năm có thể tiến hành trong không gian riêng tư, gia đình hoặc cộng đồng. Người viết gửi gắm tình cảm, khát vọng may mắn, thành công trong học tập và sự nghiệp qua từng nét bút, từng câu từng chữ". Đây là một hoạt động văn hóa thể hiện truyền thống hiếu học, tinh thần tôn sư trọng đạo của dân tộc, có tính giáo dục đạo lý và tinh thần nhân văn sâu sắc. Lễ khai bút thường được tổ chức gắn với tập quán cho chữ, chơi chữ, nghệ thuật thư họa... trong các lễ hội đầu xuân.

Hải Hiền

Chủ Đề