Khu lăng mộ An Sinh Quảng Ninh được xây cắt ở đầu

An Sinh là vùng đất được coi là quê gốc của nhà Trần. Sách Đông Triều huyện phong thổ ký ghi: “Tổ tiên nhà Trần cư ngụ ở xã An Sinh, nhiều người làm nghề chài lưới, sau này mới chuyển xuống ở xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, cho nên các vị đế vương của triều Trần đều đưa về an táng ở xã An Sinh.

Nay ngôi miếu cổ ở xã An Sinh tổng Mễ Sơn thờ 8 vị hoàng đế của triều Trần, lăng tẩm trong núi đều nằm ở xã này”. Qua hơn 600 năm, phần lăng mộ ở đây chỉ còn là phế tích và quá trình nghiên cứu đã cho thấy giá trị của hệ thống di tích thông qua những dấu vết còn sót lại là những di vật, những đường gia cố, bó vỉa...của các công trình.

Lan can đá trạm hình con sấu tại di tích lăng vua Trần Anh Tông, thôn Trại Lốc, xã An Sinh.
                                                    Ảnh: TM

Hệ thống di vật khu lăng mộ phong phú cả về loại hình, lẫn chủng loại. Trong đó hầu hết  là gạch, ngói và tảng kê chân cột nằm rải rác ở các khu vực.Về loại hình ngói, tập trung nhiều, phong phú về chủng loại và còn tương đối nguyện vẹn ở am Ngoạ Vân và Lăng vua Trần Anh Tông. Tại am Ngoạ Vân, nhiều hơn cả là ngói cánh sen và ngói mũi lá. Ngói cánh sen  trang trí gồm 2 kiểu: một loại trang trí hoa văn ở mặt trước mũi sen và mặt trên của đầu ngói một loại trang trí ở mặt trước mũi ngói hình bông hoa 4 cánh. Ngói cánh sen không trang trí có kích thước lớn, độ rộng trung bình 17-18cm, một số viên trên mặt có in nổi hai chữ Hán “Vân Phong” [tên gọi khác của núi này]. ở khu vực lăng của vua Trần Anh Tông có loại ngói lợp diềm mái có gắn lá đề, bên trong trang trí đôi chim phượng, các loại ngói úp nóc trang trí hình rồng trong lá đề lệch. Về loại hình gạch ở lăng của vua Trần Hiến Tông có loại gạch hình chữ nhật bên sườn có ghi chữ “Vĩnh Ninh trường” có kích thước 20x40cm. Tại khu vực lăng Tư Phúc có loại gạch Hán có hoạ tiết hoa văn trám lồng. Tại khu vực Đền Thái tập trung chủ yếu là gạch vuông và gạch hình chữ nhật có màu đỏ.

Đặc biệt tại khu vực các lăng mộ còn có tượng quan hầu bằng đá xanh mất phần đầu [lăng vua Trần Hiến Tông và đền An Sinh] và tượng các linh thú bằng đá như rùa, voi, ngựa... [am Ngoạ Vân]. Trong đó tại khu vực lăng vua Trần Hiến Tông còn có hai con rùa bằng đá trong đó 1 con còn nguyên vẹn; một con mất đầu, thân gẫy đôi. Ngoài ra, tại các lăng còn có các bia đá ghi chú năm trùng tu và chú thích tên lăng mộ vào thời Nguyễn; tại lăng vua Trần Nghệ Tông chỉ còn mảnh vỡ thân bia và chân bia; tại lăng vua Trần Hiến Tông, đền Thái và Đền An Sinh còn tương đối nguyên vẹn. Đồ men, sành Trần và số lượng nhỏ men ngọc Trung Quốc tập trung ở khu vực lăng vua Trần Anh Tông. Các cấu kiện trang trí như  mảnh vỡ tháp bằng đất nung [am Ngoạ Vân, đền An Sinh]; thành lan can rồng đá [Phụ Sơn lăng], chi tiết trang trí của đầu rồng bằng đất nung [lăng Tư Phúc]. Tại khu vực am Ngoạ Vân còn có một khối đá hình chữ nhật có kích thước 60x40cm khắc nổi 3 chữ Hán “Phụng Phật tháp”. 

Thông qua các di vật tại khu vực đền An Sinh và lăng mộ các vua Trần, chúng ta hiểu hơn về thời kỳ tồn tại và phát triển của các di tích này ở các triều đại Trần, Lê, Nguyễn. Tuy nhiên, các yếu tố trên chưa đủ để chúng ta có một cách nhìn tổng thể về qui mô của từng công trình và xây dựng phương án quy hoạch bảo vệ di tích. Do đó rất cần các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương sớm có giải pháp để nghiên cứu một cách tổng quát, khoa học các di tích trên thông qua các quy trình như: khảo cứu, sưu tầm tư liệu, khai quật khảo cổ học… Từ đó có hướng đi đúng đắn trong việc trùng tu, xây dựng, bảo tồn di tích nhằm góp phần bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc.

Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần thuộc phủ Long Hưng xưa, là vùng đất có vị thế địa - kinh tế - chính trị - văn hóa đặc biệt quan trọng, gắn với nhiều sự kiện lịch sử thời Trần và lịch sử dân tộc, là hậu phương, nền tảng vững chắc, để của nhà Trần thay thế vai trò chính trị của nhà Lý.

Di tích gồm ba phân khu chính: Khu lăng mộ, khu đền thờ và khu di tích khảo cổ học:

1. Khu lăng mộ

Vùng đất Long Hưng vốn là nơi dựng nghiệp của nhà Trần, vì thế đã được triều Trần đặc biệt chú trọng, phân phong cho các thân vương. Nơi đặt mộ tổ của họ Trần tại hương Tinh Cương [nay thuộc thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình] tiếp tục được lựa chọn làm nơi an nghỉ của các vị vua đầu triều và hoàng tộc nhà Trần: Thái tổ Trần Thừa táng tại Thọ Lăng; Thái Tông táng tại Chiêu Lăng, Thánh Tông táng tại Dụ Lăng, Nhân Tông táng tại Đức Lăng. Sau khi Thái Tổ Trần Thừa mất, hương Tinh Cương chính thức được đổi tên thành Thái Đường [khu lăng tẩm của vua và hoàng tộc].

Từ năm 1320 trở đi, các vua và hoàng hậu nhà Trần sau khi mất đều được đưa về an táng tại khu vực An Sinh [thuộc Đông Triều, Quảng Ninh ngày nay]. Năm 1381, Trần Phế Đế đã rước thần tượng của các vua Trần về thờ ở An Sinh. Tuy nhiên, khu lăng mộ và đền thờ nhà Trần ở Thái Đường vẫn được nhà Trần và cộng đồng sở tại đặc biệt quan tâm, tiếp tục duy tu, xây dựng mở rộng thêm. Lê Quý Đôn khẳng định trong Kiến văn tiểu lục: “Xã Thái Đường, huyện Ngự Thiên có 4 cái lăng của Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông nhà Trần lại có lăng của 4 hoàng hậu...”. Sách Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí lược [thời Nguyễn] cũng đề cập tới khu lăng mộ: “Miếu thờ các vua Trần ở xã Thái Đường, hướng Nam, trước miếu có ba gò ấn kiếm, sau miếu có bảy gò thất tinh”.

Trước năm 1945, trên địa bàn Tam Đường vẫn còn đền thờ các vua Trần. Phía trước đền [phía Nam] có 3 ngôi mộ lớn là: Phần Trung, Phần Bụt, Phần Đa, chếch về phía Tây - ở vị trí cách đê sông Hồng gần 500m có một ngôi mộ cổ, nhân dân quen gọi là Phần Cựu. Phía Đông Bắc đền thờ có Mả Tít, Vườn Màn, Bến Ngự và chùa Bến. Phía sau đền thờ [phía Bắc] có 7 ngôi mộ đối diện với Phần Trung, Phần Bụt, Phần Đa, tạo thành thế “ tiền tam thai hậu thất tinh”.

Khu thất tinh gồm phần Ốc, Quang, Ổi, Lợn, Mao, Gà và phần Bà Già. Tương truyền, phần Ốc là nơi đặt mộ cụ Trần Hấp, phần Quang là lăng mộ của Nguyên tổ Trần Lý, các phần còn lại trong khu “thất tinh” là nơi chôn cất các hoàng hậu công chúa đầu triều Trần. Sau năm 1945, phần Cựu và các phần trong khu “thất tinh” đều bị lấy đất cấp cho dân sinh sống, canh tác.

Khu lăng mộ các vua Trần hiện nay có tổng diện tích 38.221m2, được nhân dân gọi là Phần Đa, Phần Trung, phần Bụt, tương ứng với Chiêu lăng, Dụ Lăng, Đức Lăng - nơi yên nghỉ của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và 01 ngôi đền thờ Thượng hoàng Trần Thừa, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Cả ba lăng mộ đều đã được tôn tạo vào năm 2004, có tường kè bằng gạch bao quanh, theo hình đường tròn đồng tâm, có đường kính 65m, cao 1,2m mét so với sân tế.  Riêng phần mộ ở giữa có đường kính là 55m, chiều cao từ sân tế đến đỉnh mộ là 7m, giữa mộ đặt chữ Trần [陳] trong một khung sắt hình chữ nhật.

2. Khu đền thờ

Trước kia, đền có tên là “Trần đế miếu”, nằm ở vị trí đền Mẫu ngày nay. Kiến trúc đền gồm hai tòa, mặt bằng hình chữ nhị, với 07 gian tiền tế, 05 gian hậu cung, bộ khung kiến trúc làm bằng gỗ, chạm trổ cầu kỳ. Trong đền thờ các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, phối thờ Thượng hoàng Trần Thừa và các vị hoàng hậu đầu triều Trần.

Trải qua nhiều biến cố của thời gian và lịch sử, khu đền thờ bị hủy hoại, đổ nát. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, cùng nhân dân địa phương, đền đã được phục dựng lại trên nền cũ. Hiện nay, khu đền gồm các hạng mục: đền Vua [ở giữa], đền Thánh [ở phía Đông, bên tả đền Vua] và đền Mẫu [ở phía Tây, bên hữu đền Vua]. Ba kiến trúc này đều quay hướng Nam, hướng về khu vực lăng mộ, được bố trí dàn hàng ngang, có chung sân lễ hội, đường nghi lễ, cửa chính [Ngọ môn].

Đền Vua: được xây dựng với diện tích 6.498m2, nơi thờ ba vua đầu triều Trần [Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông], phối thờ Thượng hoàng Trần Thừa và các vị cao tổ, tằng tổ nhà Trần là Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Lý, cùng hai người có công mở nghiệp nhà Trần là Trần Thị Dung, Trần Thủ Độ. Đền quay hướng Nam, gồm các hạng mục: cổng, sân tế, giếng ngọc, cổng sang đền Thánh, đền Mẫu, cổng vào phía sau đền, tiền tế, trung tế, hậu cung và hai tòa giải vũ.

Đền Thánh: được xây dựng theo dạng thức truyền thống, diện tích 6.011m2, gồm các hạng mục: cổng, sân tế, lầu chiêng, lầu trống, tiền tế, phương đình, trung tế, hậu cung và giải vũ… Đền là nơi thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, phu nhân Nguyên Từ Quốc mẫu và hai con gái là Quyên Thanh Quận chúa, Đại Hoàng Công chúa.

Đền Mẫu: thờ các vị quốc mẫu và công chúa đầu triều Trần, tổng diện tích 6.228 m2, với các hạng mục: giếng ngọc, bình phong, sân tế, giải vũ, tiền tế, trung tế và hậu cung…

3. Khu di tích khảo cổ học nhà Trần

Khu di chỉ khảo cổ học Tam Đường [thời Trần], xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đã được khai quật khảo cổ nhiều lần, phát hiện được dấu vết kiến trúc và nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, với niên đại từ thời Lý đến Nguyễn, đặc biệt là nhóm hiện vật thời Trần,… minh chứng cho giá trị và sự tồn tại của di tích qua các thời kỳ lịch sử. Vào khoảng những năm 1979 - 1990, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật 4 lần ở Tam Đường, kết quả khai quật cho thấy: Tam Đường là vùng đất đặt tôn miếu, lăng mộ các vua và hoàng hậu đầu triều Trần [như chính sử đã ghi]; Tam Đường là nơi đặt hành cung Long Hưng để các vua Trần ngự trong những lần về làm lễ bái yết tổ tiên.

Giá trị lịch sử - văn hóa của di tích còn được biểu hiện qua lễ hội truyền thống, được tổ chức thường niên tại khu vực đền thờ các vua Trần từ ngày 13 đến ngày 16 tháng Giêng. Ngoài nghi thức rước nước và tế tự, trong hội còn có nhiều tục, lệ, trò diễn dân gian, như thi cỗ cá, vật cầu, đấu gậy, thả diều, chọi gà, nấu cơm cần..., đặc biệt là những sinh hoạt văn hoá gắn với tục kết chạ giữa hai làng Tam Đường và Vân Đài. Đây là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Thái Bình và khu vực, có sức hấp dẫn đặc biệt đối cộng đồng và du khách. Trong suốt chiều dài lịch sử, di tích luôn đóng vai trò là một trung tâm sinh hoạt văn hóa đặc biệt quan trọng của nhân dân sở tại và vùng phụ cận. Việc bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị di sản văn hóa nơi đây sẽ góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, cố kết cộng đồng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt, di tích lịch sử Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần [huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình] đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 Thủ tướng Chính phủ.

Nguyễn Khắc Đoài [theo Hồ sơ di tích Cục Di sản văn hóa]

Video liên quan

Chủ Đề