Khó khăn trong công tác giám định, định giá tài sản

Làm việc với Đoàn có đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Xây dựng.

Thời gian qua, Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng đã chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quy định pháp luật về giám định tư pháp; đã chỉ đạo rà soát, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá để hoàn thiện hành lang pháp lý, hành lang kỹ thuật phục vụ công tác giám định tư pháp xây dựng và định giá tài sản.

Đối với các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo được trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản trong thời gian qua, Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo, phân công, đôn đốc các đơn vị trực thuộc tích cực thực hiện công tác giám định, định giá tài sản và bàn giao kết luận bảo đảm chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu xử lý các vụ án, vụ việc; đồng thời đã chỉ đạo các tổ chức, cá nhân trực thuộc tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, làm rõ các nội dung giám định, cung cấp bổ sung hồ sơ tài liệu phục vụ giám định, định giá tài sản. Trong kỳ kiểm tra [2011-2021], Bộ Xây dựng đã tiếp nhận 50 quyết định trưng cầu giám định và 16 yêu cầu định giá tài sản. Trong đó có 45 quyết định trưng cầu giám định lần đầu; 3 quyết định trưng cầu giám định bổ sung; 15 yêu cầu định giá tài sản lần đầu; 1 yêu cầu định giá lại tài sản…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn kiểm tra đã nêu rõ những tồn tại, hạn chế, như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước đối với công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự còn chậm. Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng chưa có nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo về công tác giám định, định giá tài sản trong lĩnh vực xây dựng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng đối với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản đã được quan tâm nhưng chưa chỉ đạo quyết liệt; trong quá trình thực hiện, các đơn vị được giao nhiệm vụ giám định, định giá tài sản còn chưa chủ động tham mưu để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc...

Thay mặt Đoàn kiểm tra, đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao, Phó Trưởng Đoàn kiểm tra số 3, ghi nhận sự phối hợp hiệu quả, tích cực của Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng và các đơn vị thuộc diện kiểm tra trong việc cung cấp đầy đủ, kịp thời hồ sơ, tài liệu và có báo cáo, giải trình cụ thể theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra, góp phần hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch kiểm tra. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng tiếp tục quan tâm nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước về công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc ban hành, phối hợp ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác giám định, định giá tài sản.

Bộ Xây dựng cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của công tác giám định, định giá tài sản đối với quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế cho các tổ chức, cá nhân liên quan; thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác giám định, định giá tài sản. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân từ chối, né tránh thực hiện giám định, định giá tài sản mà không có lý do chính đáng hoặc vi phạm các quy định của pháp luật trong công tác giám định, định giá tài sản. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp lý, nghiệp vụ giám định cho các giám định viên và người định giá tài sản trong lĩnh vực xây dựng cần được tiếp tục quan tâm.

Đối với những tồn tại, hạn chế mà Đoàn đã chỉ ra, Bộ cần sớm có giải pháp khắc phục; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi, đôn đốc thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán, các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo, Thành viên Ban Chỉ đạo; tổng hợp báo cáo kết quả, tiến độ và những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện.

Kết luận giám định là căn cứ quan trọng để xác định tội danh, mức độ thiệt hại trong giải quyết các vụ án nói chung và án kinh tế, tham nhũng nói riêng. Tuy nhiên, công tác giám định tư pháp còn nhiều tồn tại, vướng mắc ảnh hưởng trực tiếp đến điều tra, xử lý các vụ án.

Ban Pháp chế - HĐND tỉnh làm việc với các cơ quan tư pháp tại TP. Bà Rịa.

Nhiều vướng mắc

Trong chuyên đề giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại các cơ quan tư pháp của Ban Pháp chế - HĐND tỉnh mới đây, nổi lên vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định tư pháp.

Theo đại diện Viện KSND tỉnh, quá trình giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng thường phải trưng cầu giám định hoặc định giá tài sản để xác định thiệt hại. Kết luận giám định, giám định tài sản là căn cứ quan trọng để xác định tội danh, mức độ thiệt hại trong giải quyết các vụ án.

Tuy nhiên, dù cơ quan giám định đã cố gắng, nhưng vì nhiều lý do nên việc giám định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng… thường kéo dài, không đáp ứng yêu cầu về thời gian theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, Làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, có những trường hợp quyết định trưng cầu giám định chưa kịp thời hoặc nội dung chưa phù hợp dẫn đến phải giám định bổ sung, giám định lại. Một số kết luận giám định còn chung chung.

Ngoài ra, việc xác định thiệt hại về tài sản trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế bắt buộc phải tiến hành trưng cầu giám định về tài chính kế toán, kỹ thuật, chất lượng công trình. Kết luận giám định trong những trường hợp này là nguồn chứng cứ quan trọng chứng minh tội phạm và nhiều khi là nguồn chứng cứ duy nhất. Nội dung yêu cầu giám định trong các vụ án tham nhũng, nhất là về xây dựng cơ bản gồm nhiều vấn đề phức tạp, có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: tài chính, xây dựng, kỹ thuật chuyên ngành... cần phải có sự điều phối, hợp tác của nhiều ngành khác nhau.

Tương tự, UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, công tác giám định tài chính hiện nay gặp nhiều khó khăn do Sở Tài chính ít giám định viên và phải thực hiện công tác chuyên môn nên không thể bảo đảm công tác giám định. Vì vậy, cơ quan CSĐT thường phải thuê kiểm toán độc lập nên thời gian giám định  kéo dài.

Ngoài ra, số lượng hồ sơ, sổ sách phải giám định rất nhiều. Việc này cần nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công tác điều tra vụ án. Kinh phí kiểm toán là kinh phí độc lập, không thuộc kinh phí do cơ quan điều tra chi trả nên phải xin UBND huyện cấp kinh phí.

“Chúng tôi cũng “lấn cấn” việc nhà nước bỏ ra 100 ngàn đồng để giám định nhưng chỉ thu hồi được 50 ngàn đồng, thì có nhất thiết phải thực hiện công tác giám định, định giá hay không. Khi địa phương sắp xếp được kinh phí giám định thì Sở Tài chính lại không đủ nhân lực để làm và thường hướng dẫn công an huyện thuê kiểm toán độc lập bên ngoài”, đại diện Công an huyện Xuyên Mộc nói.

Dẫn chứng thêm, đại diện Viện KSND tỉnh cho biết, nhiều vụ việc cơ quan điều tra bỏ kinh phí 100% mà không thu hồi được đồng nào. “Mới đây chúng tôi có làm một vụ liên quan đến người Nhật Bản. Khi trưng cầu Sở Nội vụ để phiên dịch nhưng không được đành phải trưng cầu một đơn vị bên ngoài, tiền thuê phiên dịch là 8 triệu đồng/ngày. Hay như giám định ma túy xong tịch thu tiêu hủy, chứ có thu hồi được gì cho nhà nước đâu. Nhiều vụ việc chúng tôi phải xem xét việc có nên bỏ chi phí ra để giám định hay không để giảm thiệt hại cho ngân sách. Bởi chi phí giám định quá lớn, nhất là giám định về xây dựng có chi phí rất cao, lên tới vài tỷ đồng nhưng thu hồi tài sản thì rất ít”, đại diện Viện KSND tỉnh cho hay.

Cần cơ chế phối hợp chặt chẽ

Viện KSND tỉnh cho rằng, nguyên nhân của những vướng mắc nêu trên là thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các bộ, ngành chủ quản về nhu cầu giám định để làm cơ sở cho việc kiện toàn tổ chức, con người làm giám định tư pháp ở các lĩnh vực, phục vụ cho hoạt động tố tụng nói chung, trong giải quyết án tham nhũng nói riêng.

Thiếu cơ chế kiểm tra, xác định và làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan chức năng như: CQĐT, VKS, tòa án và cả các ngành, cơ quan chuyên môn được trưng cầu giám định trong quá trình tiếp nhận trưng cầu giám định, tổ chức thực hiện giám định và đánh giá sử dụng kết luận giám định trong quá trình giải quyết các vụ án.

Còn đại diện Công an huyện Xuyên Mộc cho biết, hiện nay không có một cơ quan thường trực chuyên làm công tác giám định. Chỉ khi CQĐT có nhu cầu trưng cầu giám định, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, hoặc yêu cầu một số cơ quan chuyên môn và ban ngành liên quan để thành lập hội đồng giám định. “CQĐT rất muốn có một cơ quan chuyên về giám định vì thuê bên ngoài tốn nhiều tiền và mất nhiều thời gian”, đại diện Công an huyện Xuyên Mộc nêu.

Trong khi đó, đại diện TAND tỉnh cho biết đơn vị này hiện đang vướng không xử lý được nhiều vụ án vì không có một cơ quan giám định độc lập, để có cơ sở xác định thiệt hại. Và các luật sư khi tham gia vụ án đều “vịn” vào giám định này để yêu cầu tòa án giám định lại. Trong khi Sở Tài chính cũng không có cách nào giám định lại được.

“Nhiều vụ án, TAND tỉnh buộc phải lấy căn cứ giám định để xét xử nhưng cũng lo lắng việc tòa án cấp cao nhìn nhận và xử theo hướng khác sẽ buộc hủy án ngay. Do đó, chúng tôi kiến nghị Ban Pháp chế - HĐND tỉnh kiến nghị Sở Tài chính có phương án hoàn thiện công tác giám định, đặc biệt trong công tác chuyên môn và đội ngũ giám định để hỗ trợ tốt hơn cho công tác xét xử”, đại diện TAND tỉnh kiến nghị.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

;

Video liên quan

Chủ Đề