Intralingual translation là gì

Lược dịch tiểu luận
On linguistic aspects of translation [1959]
của Roman Jakobson.

Theo Bertrand Russell, không một ai hiểu được nghĩa của từ cheese trừ khi họ đã có một sự tiếp xúc phi ngôn ngữ với cheese [1]. Nếu chiếu theo đó, chúng ta buộc phải đi đến kết luận rằng không một ai có thể hiểu được từ cheese, trừ khi họ sống trong cộng đồng ngôn ngữ có sẵn từ cheese. Tuy nhiên, thực tế là một người sống trong một nền văn hóa không có cheese vẫn có thể hiểu được cheese nghĩa là gì nếu như họ biết nó là một loại thực phẩm được làm ra bằng cách đông tụ sữa, và họ hiểu nghĩa của từ đông tụ và từ sữa. Tương tự như vậy, văn hóa Mỹ dù rất xa lạ với ambrosia hay nectar, nhất là gods những thực thể thần thoại, vậy mà chúng ta vẫn hiểu chúng đó thôi, và cũng biết chúng có thể được dùng trong những ngữ cảnh nào.

Như vậy có thể nói, các từ vựng đơn thuần là những hiện tượng ký hiệu học. Lập luận đơn giản nhất để chống lại những người nghĩ rằng ý nghĩa [signatum] không nằm ở ký hiệu [signum] mà nằm ở thực tại khách quan chính là, chưa một ai từng ngửi hay nếm được ý nghĩa của từ cheese. Không có signatum nếu thiếu đi signum. Ý nghĩa của cheese sẽ không thể tồn tại chỉ nhờ những sờ, chạm, ngửi, nếm, mà phải cần đến một cấu trúc bên trong của hệ thống ngôn ngữ với các mối quan hệ và quy luật. Muốn giới thiệu một từ vựng mới, chí ít một số lượng nhất định những ký hiệu ngôn ngữ phải có sẵn rồi. Ví dụ như chỉ vào một con mèo tam thể, hay một con mèo đen, hay một con mèo què, hay một con mèo Ai Cập trụi lông, không thể nào giúp người ta học được từ mèo [mà đòi hỏi phải có một quá trình tri nhận trong đầu thông qua những so sánh, đối chiếu toàn bộ những vật thể giống với mèo và khác với mèo để hình thành một dấu ấn tâm lý trong đầu về mèo]. Vả lại, nào phải mỗi từ vựng được nói ra đều nhằm để chỉ định một sự vật trong thế giới khách quan, có khi nó còn để đề xuất, để thương thuyết, để cấm đoán, để phỉ báng nữa.

Ý nghĩa của mọi ký hiệu ngôn ngữ nằm ở sự diễn dịch nó thành một ký hiệu khác xa hơn, thay thế, hoặc nói như Charles Sanders Peirce, là một ký hiệu kiện toàn hơn [2]. Chẳng hạn, để hiểu từ bachelor, người ta phải diễn dịch nó sang một ký hiệu rõ ràng hơn là unmarried man. Và mọi ký hiệu ngôn ngữ đều có thể được diễn dịch theo ba cách:

  • Diễn dịch nội ngữ [intralingual translation hoặc rewording]: là diễn dịch dùng đến những ký hiệu thuộc cùng một hệ thống ngôn ngữ với ký hiệu cần dịch.
  • Diễn dịch liên ngữ [interlingual translation hoặc translation proper]: là diễn dịch dùng đến những ký hiệu thuộc một hệ thống ngôn ngữ khác với hệ thống ngôn ngữ của ký hiệu cần dịch.
  • Diễn dịch liên ký hiệu [intersemiotic translation hoặc transmutation] là diễn dịch phải dùng đến cả những hệ thống ký hiệu phi ngôn ngữ.

Diễn dịch nội ngữ cần đến những từ tương đồng về nghĩa và những cách giải thích gián tiếp. Nhưng tương đồng về nghĩa thì khác tương đương về nghĩa. Chẳng hạn, celibate chắc chắn là bachelor, nhưng bachelor lại không chắc là celibate. Một ký hiệu do đó chỉ có thể được diễn dịch trọn vẹn bằng một tổ hợp những ký hiệu khác. Chẳng hạn, every celibate is bound not to marry, and everyone who is bound not to marry is a celibate.

Tương tự như vậy, ở diễn dịch liên ngữ, thường không có sự tương đương tuyệt đối giữa các ký hiệu, mặc dù vẫn có thể đủ để hiểu được. Cheese không hoàn toàn tương đương với сыр trong tiếng Nga, bởi vì trong tiếng Anh, cottage cheese vẫn là cheese nhưng lại không phải là сыр trong tiếng Nga. Người Nga có thể nói принесисыруитворогу, nghĩa là bring cheese and cottage cheese. Trong tiếng Nga, thực phẩm làm từ sữa đông tụ chỉ chỉ gọi là сыр khi có dùng men mà thôi.

Thường khi dịch ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, việc dịch không đơn thuần là sự thay thế từng từ vựng riêng lẻ mà là thay thế toàn bộ thông điệp. Người dịch mã hóa lại và truyền đi một thông điệp đã nhận từ một nguồn khác. Dịch thuật do đó bao gồm hai thông điệp tương đương trong hai hệ thống ký hiệu khác nhau.

Sự tương đương trong sự khác là vấn đề hàng đầu của ngôn ngữ và là mối bận tâm then chốt của ngôn ngữ học. Mỗi nhà ngôn ngữ học đồng thời phải là một người phiên dịch. Mọi tiêu bản ngôn ngữ học đều chỉ có thể được hiểu thông qua việc diễn dịch. Mọi so sánh giữa hai ngôn ngữ đều hàm chứa một khảo cứu những khả năng diễn dịch qua lại giữa chúng; những thực hành giao tiếp liên ngôn ngữ phổ biến, như các hoạt động dịch thuật, phải đặt dưới sự xét duyệt liên tục của khoa học ngôn ngữ. Chúng ta luôn cần những cuốn tự điển song ngữ được đối chiếu cẩn thận từng đơn vị ngôn ngữ tương ứng cả ở bên trong lẫn bên ngoài hệ thống; đó sẽ là những công trình có ý nghĩa cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn. Cũng tương tự như vậy, đối chiếu ngữ pháp cũng cần thiết để chỉ ra những giống và khác nhau giữa hai ngôn ngữ trong cách chọn lựa và phân định giới hạn của các khái niệm ngữ pháp.

[bỏ 1 đoạn]

Năng lực nói một ngôn ngữ bao hàm năng lực nói về ngôn ngữ đó. Thao tác siêu ngôn ngữ này cho phép hiệu chỉnh và tái định nghĩa từ vựng đã sử dụng. Mối quan hệ tương hỗ này của hai cấp độ ngôn ngữ và siêu ngôn ngữ đã được Niels Bohr nói tới: Những mô tả về một ngôn ngữ phải được thể hiện trong chính ngôn ngữ thường nhật, và việc sử dụng một ngôn ngữ trong thực tiễn cũng phải đặt trong mối quan hệ tương hỗ những mô tả về ngôn ngữ đó [4].

Mọi trải nghiệm tri nhận đều có thể được chuyển tải bằng mọi ngôn ngữ. Mỗi khi có hiện tượng thiếu hụt [deficiency], thì có thể dùng từ mượn [loan-words] hoặc dịch mượn [loan-translations], tạo từ mới [neologisms] hoặc chuyển nghĩa [semantic-shifts], và cả những cách diễn đạt gián tiếp [circumlocutions]. Chẳng hạn, trong ngôn ngữ văn chương của người Chuckchi ở Đông Bắc Siberia, ốc vít được gọi là cái đinh xoắn, thép được gọi là sắt cứng, thiếc là sắt mỏng, phấn là xà phòng viết. Thậm chí những cách diễn đạt có vẻ mâu thuẫn như xe ngựa điện [электрическая конка] để gọi tên những chiếc xe không có ngựa kéo mà chạy bằng điện đầu tiên ở Nga, hoặc dùng từ tàu hơi nước bay để chỉ máy bay, mà vẫn không gây khó khăn trong giao tiếp, không gây nhiễu về nghĩa, cũng không gây khó chịu vì tính nghịch hợp [oxymoron].

Không một sự thiếu vắng phương tiện ngữ pháp nào của ngôn ngữ đích có thể gây khó dễ cho việc dịch toàn bộ ý chứa trong ngôn ngữ nguồn. Những liên từ quen thuộc như và, hoặc giờ đây được bổ sung thêm một tổ hợp mới và/hoặc, hiện tượng đã được nói đến trong cuốn sách thú vị Federal Prose How to Write in and/or for Washington. [5]

to be continued

[1] Bertrand Russell, «Logical Positivism,» Revue Internationale de Philosophie, IV [1950], 18; cf. p. 3.
[2] Cf. John Dewey, «Peirces Theory of Linguistic Signs, Thought, and Meaning,» The Journal of Philosophy, XLIII [1946], 91.
[3] Benjamin Lee Whorf, Language, Thought, and Reality [Cambridge, Mass.,
1956], p. 235.
[4] Niels Bohr, «On the Notions of Causality and Complementarity,» Dialectica, I [1948], 317f.
[5] James R. Masterson and Wendell Brooks Phillips, Federal Prose [Chapel Hill, N. C., 1948], p. 40f.
[6] Cf. Knut Bergsland, «Finsk-ugrisk og almen språkvitenskap,» Norsk Tidsskrift for Sproavidenskap, xv [1949], 374f.
[7] Franz Boas, «Language,» General Anthropology [Boston, 1938], FP, 132f.
[8] Andre Vaillant, «Le Préface de lÉvangeliaire vieux-slave,» Revue des Études Slaves, XXIV [1948], 5f.

Ảnh: Roman Jakobson và Claude Lévi-Strauss.

Video liên quan

Chủ Đề